Thường Niên – Tuần III – Năm A

0
475

Chúa Nhật – Ngày 26 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc 1 : Is 8,23b-9,3
Bài đọc 2 : 1Cr 1,10-13.17
Tin Mừng : Mt 4,12-23

[…] Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan.
Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

HÃY THEO THẦY

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai. Ngài không muốn tự mình làm hết mọi sự; Ngài cần có người cộng tác. Và Người đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên để cùng cộng tác với Ngài: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19).
Đây là mời gọi thân thương của Chúa Giêsu. Những người được gọi ngay lập tức bỏ công việc thường ngày để đáp lại lời mời gọi của Thầy Giêsu. Họ đã bỏ chài lưới, bỏ những thú vui sông nước, bỏ gia đình, vợ con, cha mẹ để gắn bó với Thầy Giêsu. Họ đã bỏ đi một tình yêu để sống cho một tình yêu lớn hơn. Khi được kêu gọi họ lập tức đáp trả mà không đắn đo suy nghĩ; họ quyết từ bỏ những điều họ đang gắn bó để theo Thầy.
Thiên Chúa không chỉ yêu thương cứu độ chúng ta, mà còn mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài trong việc đem ơn cứu độ đến cho những người khác. Đây là một niềm vinh dự lớn lao và cũng là một trách nhiệm nặng nề đối với mỗi Kitô hữu. Có thể có nhiều yếu tố khiến người Kitô hữu chùn bước trước lời mời gọi của Thiên Chúa như sự sợ hãi các quyền lực của thế gian, hay tự ti vì cảm thấy bản thân bất toàn, không xứng đáng đem Tin Mừng cứu độ đến cho người khác. Dẫu vậy, ngày nay Đức Giêsu vẫn luôn cần những con người dám sống cho người khác, dám bỏ lại những điều quý giá thân thương, dám bỏ lại cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu hầu làm cho muôn dân nhận biết tình yêu của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn can đảm đáp trả lời mời gọi của Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Xin cho chúng con được trở nên những khí cụ trong tay Chúa, không phải là những khí cụ to lớn, nhưng là những khí cụ khiêm hạ mà sắc bén.
Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

MỒNG HAI TẾT NGUYÊN ĐÁN
Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

Bài đọc : Hc 44,1.10-15
Bài đọc 2 : Ep 6,1-4. 18-23
Tin Mừng : Mt 15,1-6

Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa”.

ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT

Bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu tường thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với các kinh sư và người Pharisêu, qua đó Người cho họ thấy điều gì là quan trọng nhất.
Người Do Thái coi trọng truyền thống. Rửa tay trước khi ăn là một truyền thống đẹp, hợp vệ sinh. Nhưng nếu dựa vào truyền thống để nói với cha mẹ rằng “những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi” và xem như không còn bổn phận hiếu thảo với cha mẹ nữa thì đó là điều sai trái vì trái với giới răn thờ cha kính mẹ. Chúa Giêsu cho thấy điều quan trọng không phải là những truyền thống do con người đặt ra mà là việc tuân giữ luật Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).
Nhìn lại mình, nhiều lúc chúng ta cũng khư khư giữ những truyền thống địa phương của mình mà loại bỏ điều răn của Chúa. Hay chúng ta đưa ra những lý do biện minh cho mình để thoái thác việc bổn phận và đổ trách nhiệm cho người khác.
Hôm nay Mồng Hai Tết, theo truyền thống của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đây là ngày con cháu kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Trong truyền thống đạo đức của người Phương Đông, chữ Hiếu là nhân đức hàng đầu. Mỗi người không tự nhiên xuất hiện trên đời này, nhưng là mắt xích của một chuỗi dài những mối liên hệ yêu thương từ bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tất cả đó là hồng ân Chúa ban cách nhưng không cho mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có tâm tình tôn kính và biết ơn các bậc tiền nhân. Và tôn kính tổ tiên cũng là giữ luật Chúa vậy!
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết giữ những truyền thống tốt đẹp, phù hợp với luật Chúa, chứ không nại vào những tập tục riêng mà gạt bỏ luật yêu thương của Chúa, nhất là trong việc thờ cha kính mẹ.
Tu sĩ Antôn Hoàng Xuân Phi, SVD

Thứ Hai – Ngày 27 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Thánh Angêla Mêrici, Trinh nữ
Mồng Ba Tết
Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm

Bài đọc 1: St 2,4b-9
Bài đọc 2 : Cv 20,32-35
Tin Mừng : Mt 25,14-30

Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. […]

LÀM LỢI NÉN BẠC CHÚA TRAO

Mỗi người chúng ta được đón nhận ơn gọi làm người để bước vào thế gian này. Cùng với ơn gọi cao trọng ấy, Thiên Chúa đồng thời trao cho chúng ta những tài sản quý giá như sự sống, sức khỏe, tài năng, bậc sống và những ơn ích thiêng liêng, để giúp chúng ta có thể đạt tới hạnh phúc viên mãn Nước Trời.
Thật vậy, Thiên Chúa rất quảng đại và tín nhiệm chúng ta, nên Người không hẹp hòi nhưng rộng lượng trao cho chúng ta những nén bạc rất giá trị. Người mời gọi chúng ta hãy sử dụng tất cả những nén bạc ấy như là phương tiện cần thiết để sinh lợi cho bản thân, cho tha nhân và làm rạng danh Chúa. Thiên Chúa cũng am hiểu tường tận từng người, vì thế Người trao cho mỗi người số lượng nén bạc nhiều ít khác nhau, tương xứng với khả năng và sức lực của họ. Như vậy, chúng ta đừng tự cao, tự mãn khi mình có nhiều khả năng mà coi thường người khác. Ngược lại, khi thấy có nhiều người tài giỏi hơn mình, chúng ta cũng không tự ti, mặc cảm, để rồi chôn giấu những nén bạc của Chúa.
Bổn phận của chúng ta là cần nhận ra đâu là nén bạc Chúa đã ủy thác riêng cho mình. Chúng ta cũng cần ý thức rằng mỗi người chúng ta là một ngôi vị riêng biệt, độc nhất vô nhị trong cuộc đời, và Thiên Chúa muốn chúng ta dùng nét độc đáo riêng biệt ấy mà phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Như lời thánh Phêrô tông đồ đã nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10).
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết hài lòng với những ơn mình đã lãnh nhận và biết trung thành làm phát sinh hoa trái thiêng liêng, nhờ đó chúng con sẽ được hưởng trọn niềm vui của ngày Chúa đến trong vinh quang.
Phó Tế Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Thứ Ba – Ngày 28 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III
Thánh Tôma Aquinô, LM, TSHT

Bài đọc : 2 Sm 6, 12b-15, 17-19
Tin Mừng : Mc 3,31-35

Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại : “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi ?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

VỀ CÙNG MỘT NHÀ

Khi sinh ra, ai cũng có một gia đình, một tổ ấm để được nuôi dưỡng và lớn lên. Gia đình là một cộng đồng người chung sống và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, hôn nhân và huyết thống.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng ai thi hành ý Thiên Chúa thì người đó là anh chị em, là mẹ của Ngài, nghĩa là có tương quan mật thiết và trở thành thành viên trong gia đình của Ngài. Thế nhưng, để trở nên một nhà với Ngài không phải là điều dễ dàng, nếu chúng ta không biết tìm ý Chúa ở đâu và thực hành như thế nào.
Để nhận ra ý Thiên Chúa, Đức Giêsu hằng kết hợp cách liên lỉ trong đời sống cầu nguyện mật thiết với Chúa Cha và phó thác theo thánh ý của Chúa Cha, ngay cả trong vườn Giếtsêmani: “… xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đức Maria cũng thế. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời trong việc lắng nghe và thi hành ý Thiên Chúa. Cả cuộc đời của Mẹ là lời thưa “xin vâng” theo thánh ý Chúa. Để có thể phân định được ý Chúa, Mẹ hằng suy đi nghĩ lại trong lòng những lời Chúa Giêsu nói (x. Lc 2,51). Như thế, Đức Maria được tôn vinh không chỉ vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu nhưng còn vì Mẹ là mẹ của những kẻ biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa.
Con người thời nay dễ sa vào cám dỗ của việc làm theo ý mình và đề cao cái tôi cá nhân hơn là lắng nghe ý Chúa, vì họ không biết tìm kiếm thánh ý của Chúa. Con người chỉ lắng nghe và biết được thánh ý của Chúa nhờ việc liên lỉ cầu nguyện, siêng năng đọc và suy gẫm Kinh Thánh, đọc ra dấu chỉ thời đại mà Chúa gửi đến cho mình. Nhờ đó, con người mới có thể thi hành thánh ý của Chúa để trở về cùng một nhà với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lắng nghe và thi hành thánh ý Ngài, dẫu khi niềm tin của chúng con bị thử thách bởi những đau khổ, vất vả của đời sống dương thế. Xin thương quy tụ chúng con trong danh Ngài, để chúng con được trở về cùng một nhà của những kẻ biết lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa.
Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Hồ Nhật, SVD

Thứ Tư – Ngày 29 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : 2 Sm 7,4-17
Tin Mừng : Mc 4,1-20

Đức Giêsu lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ: “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất ; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe!” […]

TRỞ NÊN ĐẤT TỐT

Bất kỳ người nông dân nào khi gieo hạt giống cũng mong chúng mọc lên và trổ sinh nhiều hoa trái. Muốn được như thế, người ta phải nhằm những chỗ đất tốt để gieo. Tuy nhiên, người gieo giống trong bài Tin Mừng hôm nay lại không làm theo cách thông thường. Ông gieo hạt giống của mình khắp nơi. Việc gieo đại trà như thế phải chăng là ông đang lãng phí đi những hạt giống của mình?
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cắt nghĩa dụ ngôn “Người gieo giống” rất rõ ràng và cụ thể: hạt giống là Lời Chúa và mảnh đất chính là tâm hồn của mỗi người (x. Mc 4,13-20). Có lẽ ai cũng nghĩ Chúa Giêsu sẽ chọn những “mảnh đất tốt” để gieo Hạt Giống. Thế nhưng, Người đã gieo Hạt Giống vào cả những chốn xem ra sẽ chẳng đem lại một chút hy vọng nào. Thực tế khi thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã rao giảng Lời cho những con người rất đỗi tầm thường như những mảnh đất gai góc và sỏi đá; những người vẫn còn ham thích ngồi chỗ nhất (x. Mc 10, 35-40); những người nhát đảm đến nỗi đã bỏ chạy khi Thầy gặp hoạn nạn (x. Mc 14,50). Thế nhưng sau cùng, với sức mạnh của Lời, các môn đệ đã biến đổi từ những mảnh đất gai góc, sỏi đá, vệ đường thành những vùng đất tốt để Lời lớn lên và sinh hoa kết trái.
Có lẽ tâm hồn chúng ta cách nào đó cũng thuộc một trong ba loại đất khó khăn để cho hạt giống Lời Chúa đâm rễ, lớn lên. Chúng ta vẫn còn đầy những gai góc như ham vinh hoa phú quý, đam mê lạc thú, lòng ghen ghét đố kỵ… Chúng đang bóp nghẹt Lời Chúa đã được gieo vào tâm hồn mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho mỗi một ngày trôi qua giúp chúng con loại bỏ bớt đi những gai góc trong thửa đất tâm hồn, để trở nên thửa đất tốt cho Lời Chúa được lớn lên.
Phó Tế Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Tư – Ngày 29 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III
Thánh Giuse Freinademetz, Nhà Truyền Giáo SVD đầu tiên đến Trung Hoa – Lễ Nhớ (Tr).

Bài đọc : Rm 15:13-19a, 20-21
Tin Mừng : Lc 10,1-9

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

NGÔN NGỮ TÌNH YÊU

Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo. Lời mời gọi này luôn quan trọng và cấp thiết đối với Giáo Hội. Mục đích của việc truyền giáo là đem Chúa đến cho mọi người để ai nấy đều đón nhận được tình yêu và hạnh phúc đích thực. Nhưng những “thợ gặt” trong cánh đồng truyền giáo cần được trang bị những gì?
Thợ gặt ngày nay được trang bị kiến thức, cách thức, phương tiện và học đủ các thứ ngôn ngữ để có thể ra đi truyền giáo. Nhưng thực tế, kết quả đạt được vẫn đang còn rất khiêm tốn. Phải chăng họ vẫn còn thiếu một thứ quan trọng gì đó chăng?
Quả thật, Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế, dùng ngôn ngữ của tình yêu là cách để ta giới thiệu tốt nhất về Chúa cho người khác. Đó là thứ ngôn ngữ để phá vỡ những khác biệt, rào cản, hiểu lầm, thành kiến; là chìa khóa để ta đến gần với mọi người; là ngôn ngữ dễ hiểu nhất về Chúa; là cách để chứng tỏ Chúa hiện hữu; là phương thế mà mọi thành phần dân Chúa đều có thể học để truyền giáo.
Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta những tấm gương truyền giáo thành công qua mọi thời. Mỗi người có những cách thức truyền giáo khác nhau nhưng điểm chung của họ là dùng ngôn ngữ tình yêu. Thánh Joseph Freinademetz mà hôm nay Dòng Ngôi Lời kính nhớ, là một gương mẫu truyền giáo tiên phong đã đến được với người dân Trung Hoa bằng ngôn ngữ tình yêu. Ngài dùng nó để vượt qua những sự khác biệt về văn hóa, tư tưởng, lối sống, ngôn ngữ để rồi mang Chúa và tình yêu của Ngài đến vùng đất mới này.
Lạy Chúa, qua lời bầu cử của thánh Joseph Freinademetz, xin cho chúng con ý thức hơn về lời mời gọi truyền giáo, hầu chúng con có thể giới thiệu Chúa đến với nhiều người hơn nữa bằng ngôn ngữ tình yêu mà Chúa đã ban cho chúng con.
Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Mạnh, SVD

Thứ Năm – Ngày 30 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : 2 Sm 7, 18-19. 24-29
Tin Mừng : Mc 4,21-25

Người nói với các ông : “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!”
Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”

ĐƯA RA ÁNH SÁNG

Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta rằng: “Chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng” (Mc 4,22).
Là con cái Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi đi trong sánh sáng và làm chứng cho ánh sáng. Sứ vụ của chúng ta là mang Chúa vào cuộc đời. Thế nhưng, lắm lúc trong cuộc sống chính chúng ta lại ấp ủ và nuôi dưỡng những “bí ẩn” trong mình như: tính tham lam, ích kỷ, hẹp hòi… Chúng ta tìm cách che đậy những thói hư tật xấu của chúng ta trước mặt người khác. Điều này làm cho tâm hồn chúng ta bị giam trong bóng đêm của sự gian dối và tội lỗi. Nó khiến con người chúng ta sống không thể thống nhất giữa bên trong và bên ngoài. Bên ngoài thì ta tỏ ra tốt lành nhưng trong lòng thì đầy nham hiểm và tính toán. Từ đó, nó biến chúng ta thành kẻ giả hình.
Năm 2012, làng thể thao thế giới chứng kiến cú sốc liên quan đến tay đua xe đạp huyền thoại Lance Armstrong. Anh đã từng 7 lần liên tiếp vô địch cuộc đua xe đạp danh giá, Tour de France. Nhưng rốt cuộc anh ấy bị phát hiện dương tính với doping. Vụ việc ấy đã làm cả thế giới rúng động. Một bí mật lớn tưởng chừng sẽ không thể nào bị phát giác lại được đưa ra ánh sáng.
Một lần nữa, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta canh tân đời sống để sống ngay thẳng, bởi chưng, không có gì bí ẩn mà không được tỏ lộ trước ánh sáng. Hơn nữa, một khi ánh sáng đích thực là Đức Giêsu đến, Ngài sẽ chiếu soi tất cả. Lúc đó, chúng ta sẽ phải trả lẽ với Ngài về tất cả những gì ta đã làm.
Lạy Chúa, Chúa luôn hiện diện trong từng hơi thở, từng nhịp tim của chúng con; ánh sáng của Ngài vẫn luôn chiếu rọi khắp mọi nơi. Xin cho chúng con biết từ bỏ những “bí ẩn” trong tâm hồn để quay về với Chúa, là ánh sáng thật, ánh sáng bất diệt ngàn đời.
Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD

Thứ Sáu – Ngày 31 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III
Thánh Gioan Boscô, Linh mục.
Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : 2 Sm 11, 1-4a. 5-10a. 13-17
Tin Mừng : Mc 4, 26-34

Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

SỨC MẠNH CỦA TIN MỪNG

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu mượn hình ảnh hạt cải và việc gieo giống để nói về sức mạnh của Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Hạt giống chính là Đức Giêsu, Tin Mừng cứu độ. Chính khi con người đón nhận Tin Mừng là Đức Giêsu thì Người trở nên hữu hình trong lòng họ.
Thật vậy, hình ảnh hạt giống mọc lên cho ta thấy được sức mạnh to lớn của Tin Mừng. Hạt giống Tin Mừng về Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng (Mc 4,31-32). Tin Mừng có sức mạnh biến đổi phi thường. Đức Giêsu nhập thể là hạt giống Tin Mừng khiêm tốn, nhưng lời rao giảng và cuộc sống của Người làm trổ sinh hoa trái dồi dào, phong phú biết bao! Những giá trị Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng vượt mọi biên giới về văn hoá, tôn giáo, chủng tộc, giai cấp.
Trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào tâm hồn mỗi người chúng ta. Dù đó chỉ là một hạt giống nhỏ bé nhưng nếu chúng ta biết tin tưởng và cậy dựa vào sức mạnh của Chúa và sẵn sàng cộng tác với tất cả khả năng và sự nhiệt thành, thì Tin Mừng là chính Đức Giêsu sẽ biến đổi con người và thế giới này ngày một nhân bản hơn, yêu thương và nhân ái hơn. Đó chính là những dấu chỉ hữu hình của Nước Thiên Chúa trên trần gian này.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết tin tưởng vào sức mạnh của Lời Chúa, để Lời Chúa nuôi dưỡng và biến đổi chúng con mỗi ngày, để Nước Thiên Chúa ngày một lớn mạnh và ngự trị trong tâm hồn chúng con và mọi người.
Phó Tế Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Thứ Bảy – Ngày 01 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : 2 Sm 12,1-7a,10-17
Tin Mừng : Mc 4,35-41

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

CON THUYỀN CUỘC ĐỜI

Có ai đó đã nói, đời người giống như chiếc thuyền trên biển cả. Chiếc thuyền quá nhỏ bé, mỏng manh, yếu ớt so với sức mạnh ghê gớm của biển khơi. Cũng vậy, con người cảm thấy mình quá nhỏ bé, bất lực trước sức mạnh ghê gớm của thiên nhiên, của sự dữ.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu
đã làm phép lạ dẹp yên sóng gió. Phép lạ này cho thấy quyền năng của Người, Đấng có uy quyền trong lời nói và việc làm. Ngay cả biển và gió cũng phải tuân lệnh Người. Quyền năng của Đức Giêsu không phải là quyền năng của sự phá hủy, hay làm người ta phải khiếp sợ, nhưng là quyền năng của sự giải thoát và mang đến sự bình an.
Biển động tượng trương cho cái gì? Nó tượng trưng cho những mãnh lực chống lại Thiên Chúa. Đứng trước sức mạnh của bão tố, các môn đệ trở nên sợ hãi, run rẩy. Hình ảnh đó giúp ta liên tưởng tới sự yếu đuối, mỏng manh của con người trước sức mạnh ghê gớm của ác thần. Con người có thể bị xé nát, vùi lấp và cuốn trôi đi bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để con người yếu đuối và mỏng giòn có thể chiến đấu và chiến thắng sự dữ, ác thần? Đó chính là Thiên Chúa. Con người không thể chống lại sự dữ nếu không biết cậy dựa vào Chúa. Chỉ với ơn Chúa và sự hướng dẫn của Người, chúng ta mới có thể chiến đấu và chiến thắng sự dữ.
Lạy Chúa Giêsu, vì muốn “con người làm chúa nên Chúa đã xuống thế làm người.” Ngài đã từ bỏ trời cao và bước xuống con thuyền nhân loại, để đồng hành, chia sẻ và giải thoát chúng con. Xin cho chúng con luôn biết chọn Ngài là thuyền trưởng con thuyền cuộc đời chúng con. Xin hướng dẫn con thuyền chúng con vượt qua giông tố và dẫn đưa tới bến bờ bình an.
Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcThường Niên – Tuần II – Năm A
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 4 – Thường Niên – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây