Thường Niên – Tuần IV – Năm A

0
479

Chúa Nhật – Ngày 02 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV
Đức Mẹ Dâng Chúa giêsu trong Đền Thánh

Bài đọc 1: Ml 3, 1-4
Bài đọc 2: Hr 2, 14-18
Tin Mừng: Lc 2, 22-32

[…] Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.”

NIỀM VUI GẶP GỠ

Niềm vui của ông Simêôn và bà Anna lan tỏa trong bầu khí Tin Mừng hôm nay: “Chính mắt con đã được nhìn thấy Ơn cứu độ”. Đó là tâm tình hoan hỷ của những người đã sống một đời trong niềm đợi mong Đấng Cứu Thế. Khi một người đã dành cả đời mình chỉ để đợi trông một điều gì đó, thì quả thật, giây phút gặp Chúa hẳn phải là là khoảnh khắc của niềm vui vô bờ bến.
Lời hứa của Thiên Chúa chỉ dành cho những ai trung tín đợi chờ Người và niềm vui gặp gỡ vỡ oà đối với những ai đã chờ đợi với lòng khát khao. Nhưng đó không phải là niềm vui thông thường như khi ta sở hữu một chiếc điện thoại thông minh hay một chiếc xe thời thượng. Sở dĩ niềm vui của ông Simêôn và bà Anna là lớn lao, vì họ luôn hy vọng vào Lời Chúa hứa giải thoát Israel. Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Độ để giải thoát Israel, và Người đã thực hiện lời hứa đó. Đức Giêsu dâng mình trong Đền Thờ, là giây phút Đấng sẽ giải thoát Israel xuất hiện trước mặt dân tộc Israel và cũng là xuất hiện cho nhân loại.
Để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, mỗi người Kitô hữu cần ý thức được nỗi gian khổ đã và đang trải qua. Đau khổ dẫn đến mong chờ được giải thoát. Đồng thời, cũng phải lắng nghe sự thúc đẩy của Thánh Linh để lên Đền Thờ đúng thời đúng buổi và không để những vui thú làm cho ta chậm trễ khi Người xuất hiện. Sống thông điệp của Tin Mừng hôm nay là sống tinh thần trung tín trong niềm hy vọng được gặp gỡ Người. Con Thiên Chúa đã đích thân đến với chúng ta và Chúa Thánh Linh đang hoạt động trong ta để thôi thúc ta đừng bỏ lỡ cuộc hẹn với Người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khát khao gặp Chúa hơn là những thú vui trần thế để đừng lỡ mất cuộc hẹn với Chúa.
Lm. Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Thứ Hai – Ngày 03 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV
Thánh Blasiô, Giám mục, Tử đạo

Bài đọc : 2 Sm 15, 13-14. 30; 16, 5-13a
Tin Mừng : Mc 5, 1-20

Đức Giêsu và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghêrasa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. Thấy Đức Giêsu tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó : “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” […] Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

LÀM THEO Ý CHÚA

Nhận ra ý Chúa và quyết tâm thi hành trong cuộc đời mình đó chính là bổn phận và là ơn gọi của người Kitô hữu. Có người thực thi ý Chúa bằng cách bỏ mọi sự để trở thành một môn đệ nhiệt tâm loan báo Tin Mừng, có người sống giữa đời và dùng đời sống chứng nhân của mình để diễn tả những việc Chúa làm cho họ.
Sau khi được chữa lành, anh thanh niên trong Tin Mừng hôm nay muốn trở thành một môn đệ theo Đức Giêsu. Tuy nhiên, Ngài lại muốn anh sống một ơn gọi khác: thay vì đi theo Chúa thì hãy trở về để loan truyền với những thân nhân và bà con lối xóm về các việc Chúa đã làm cho anh. Dù nguyện vọng bị khước từ, nhưng anh ta không thất vọng về điều này, mà vẫn vâng nghe ý Chúa để thực hiện điều Ngài mong muốn. Anh cũng không chất vấn Chúa lý do vì sao không để anh đi theo.
Hành động của người thanh niên này là bài học cho tất cả những ai muốn sống đẹp lòng Chúa. Nhiều lúc trong cuộc đời, ý ta và ý Chúa trái ngược nhau: tôi muốn làm ông này bà nọ để có một địa vị trong xã hội, nhưng Chúa muốn tôi làm người giữ cửa; tôi muốn thành công và tiếng tăm lẫy lững, Chúa lại muốn tôi âm thầm làm chứng bằng chính cuộc đời của mình. Lắm khi tôi chỉ muốn Chúa thực hiện điều tôi muốn hơn là từ bỏ ý riêng để thực thi ý Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con sự khiêm tốn để xác tín rằng điều Chúa muốn luôn là điều tốt nhất cho con, và cho con sự can đảm để dám từ bỏ ý con để thực thi ý Chúa.
Phó Tế Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Ba- Ngày 04 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc : 2 Sm 18,9-10.14b.24-25a.30-19,3
Tin Mừng : Mc 5,21-43

Khi ấy, Đức Giêsu xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người. Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”…

ĐỨC TIN LÀ LẼ SỐNG

Ngày nay, khi mà nhân loại đang sống trong thời đại văn minh, đa phần nghĩ rằng con người có thể giải quyết được mọi thứ bằng những kiến thức khoa học. Thế nhưng, có một thực tế rằng: con người càng sống trong sự tiến bộ lại càng không có cách để giải quyết hết mọi chuyện, nhất là những điều liên quan đến đức tin và quyền năng của Thiên Chúa.
Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay cho thấy hai gương mặt đau khổ vì bị bệnh tật hành hạ, đó là con gái ông Giaia (x. Mc 5,22-23) và người đàn bà bị băng huyết mười hai năm (x. Mc 5,25-26). Họ không chỉ có điểm chung là bị bệnh nặng, nhưng còn có điểm chung khác nữa là lòng tin vào Đức Giêsu. Thật vậy, chính lòng tin vào quyền năng của Người mà họ được chữa lành, được cứu sống.
Không ít người cho rằng việc xin ơn chữa lành, cầu nguyện cho được khỏi bệnh… là những hình thức “đạo đức bình dân”. Tuy vậy, những điều xuất phát từ lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa thì không “bình dân” chút nào, bởi đó là những con người sống trong cảm thức đức tin tuyệt vời, nghĩa là họ tin rằng Thiên Chúa có thể làm được mọi chuyện. Khi xuất phát từ một lòng tin như thế, con người không những kín múc được ân sủng từ Thiên Chúa, mà còn là thầy dạy về đức tin, bởi chính họ là nhân chứng của niềm tin.
Thiên Chúa không xét đến những cử chỉ bề ngoài, nhưng Người hiểu thấu lòng dạ con người. Nếu thực sự con người biết đặt trọn niềm phó thác nơi Người, Người sẽ ra tay cứu giúp.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tin tưởng phó thác vào Ngài, vì chúng con biết rằng Ngài chính là sức mạnh của chúng con. Và chúng con cũng tin rằng đức tin là lẽ sống của chúng con.
Lm. Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Tư- Ngày 05 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV
Lễ thánh Agatha, trinh nữ, tử đạo.
Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : 2 Sm 24,2.9-17
Tin Mừng : Mc 6,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy,
nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

VẤP NGÃ

Trong cuộc sống, vấp ngã là chuyện thường tình đối với bất kì ai: người lớn cũng như trẻ nhỏ, kẻ đầu xanh hay người tóc bạc. Vấn đề là vấp ngã rồi đứng lên hay vấp ngã mà vẫn nằm yên, vấp ngã rồi sáng mắt hay vấp ngã mà vẫn cứ mù lòa?
Trong đoạn Tin Mừng, thánh Máccô trình thuật bối cảnh dân làng Nadarét vấp ngã trước những lời giảng dạy và khả năng làm phép lạ của Chúa Giêsu. Câu hỏi mà họ đặt ra là: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì” (Mc 6, 2). Sự vấp ngã ở đây gắn liền với sự hoài nghi: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxếp, Giuđa, và Simôn sao? Chị em của ông ta không phải là bà con lối xóm với chúng ta hay sao” (Mc 6, 3).
Dân làng Nadarét đã vấp ngã. Họ không thể chấp nhận một sự thật quá hiển nhiên như thế, rằng Chúa Giêsu xuất thân từ nơi họ sinh ra và lớn lên, làm sao Người có thể trở thành một nhân vật xuất chúng như vậy! Họ ngạc nhiên trước những lời giảng dạy của Người, nhưng không tin và không thừa nhận quyền năng của Người. Dân làng Nadarét đã sai lầm khi không tin vào Đức Giêsu.
Mỗi chúng ta đều có thể vấp ngã vì những sai lầm, yếu đuối, gian dối, nghi ngờ … Mỗi lần vấp ngã như vậy, chúng ta cảm thấy Chúa đang ở xa, ngoảnh mặt lại với chúng ta, bỏ rơi chúng ta. Nhưng thật ra Ngài đang đợi và sẵn sàng đưa tay ra để đỡ chúng ta đứng dậy với lòng thương xót. Ngài luôn để mắt nhìn chúng ta mỗi ngày để chở che, đồng hành trong mọi nẻo đường của cuộc sống.
Lạy Chúa, xin ở với chúng con mọi lúc, mọi nơi để đỡ nâng và ủi an chúng con trong những lần vấp ngã, giúp chúng con luôn can đảm đứng lên làm mới lại sự dấn thân vì Chúa, tha nhân và vì Tin Mừng.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Năm – Ngày 06 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV
Thánh Phaolô Miki và các bạn, tử đạo.
Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : 1 V 2,1-4.10-12
Tin Mừng : Mc 6,7-13

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

LỆNH TRUYỀN RA ĐI

Truyền giáo là lệnh truyền của Chúa Giêsu. Giáo hội đã nhận lãnh sứ vụ ấy từ các tông đồ để chu toàn khắp cõi đất (Cv 1,8). Vậy, truyền giáo là gì? Có những thách đố nào đang chờ các sứ giả truyền rao Tin Mừng?
Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II từng nói: “Sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội cốt yếu là loan truyền tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, điều được mạc khải cho nhân loại qua cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”
Trên hành trình thi hành lệnh truyền của Chúa, sẽ có những nẻo đường đầy gai chông, thách thức và nặng nề. Vì thế, nhà truyền giáo sẽ có biết bao điều cần trang bị. Tuy nhiên, bên cạnh quyền năng rao giảng, chữa bệnh và trừ quỷ, Chúa chỉ khuyên những vị thừa sai của Chúa đừng mang bao bị, hai áo hay tiền bạc… Nhưng hãy chuẩn bị một tinh thần luôn sẵn sàng “đến và đi” với những ai chưa biết Chúa. Đó là tinh thần và lối sống chứng nhân Tin Mừng giữa đời và là hình mẫu lý tưởng để có thể đến với, ở cùng và sống chung với những người chưa nhìn nhận, hiểu biết và tin vào Thiên Chúa. Chứng tá giữa đời là bằng chứng thiết thực để chứng minh cho điều mà nhà truyền giáo rao truyền là ngay lành, là sự thật và là chân lý.
Thật không dễ để có thể trở thành những chứng nhân Tin Mừng đích thực giữa cuộc sống đầy thử thách hôm nay. Nhưng với sức mạnh của Thần Khí, mỗi người sẽ được bình an, lòng tràn ngập hân hoan, không còn run sợ, nhút nhát để mạnh dạn thực hiện lệnh truyền loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con nhận biết, tin yêu và cộng tác vào công trình rao truyền chân lý của Chúa. Xin Chúa đồng hành cùng chúng con trên hành trình sống và thực hiện sứ mạng công bố Tin Mừng Nước Trời và giới thiệu về Đức Kitô cho muôn dân.
Tu sĩ Antôn Nguyễn Ngọc Khánh, SVD

Thứ Sáu- Ngày 07 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc : Hc 47, 2-11
Tin Mừng : Mc 6, 14-29

[…] Số là vua Hêrôđê đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
[…] Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

CHẾT VÌ CHÂN LÝ

Một ai đó nói rằng: “Nỗi đau khổ lớn nhất của con người là cái chết”. Chết là cái kết cuối cùng của một sinh thể sống trên thế giới này. Ai cũng phải chết. Đó là quy luật muôn đời của tự nhiên. Nhưng chết thế nào, chết cho lý tưởng gì, mới là điều khác biệt.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được chứng kiến một cái chết xem ra thật “oan ức” nhưng lại là một sự chọn lựa đánh đổi; cái chết vì chân lý của một vị ngôn sứ tuyệt vời, Gioan Tẩy Giả. Chứng kiến tội loạn luân của vua Hêrôđê khi vua lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh mình, ông Gioan đã lập tức can ngăn, lên án hành vi sai trái của vua. Vua Hêrôđê không những không nghe mà còn cho bắt giam ông Gioan vào tù. Rồi sau đó, vì sĩ diện, vua đã sai người giết ông Gioan. Ông đã thể hiện vai trò ngôn sứ bằng một thái độ sống vô cùng can đảm, không sợ hãi trước cường quyền, dám nói sự thật, bảo vệ chân lý, cho dù phải bị tù đày và phải nhận cái chết.
Sống trong xã hội hiện tại, chúng ta được chứng kiến những chuyện bất công, bạo tàn, áp bức xảy ra từng ngày, từng giờ. Liệu chúng ta có đủ can đảm để thi hành chức vụ ngôn sứ? Chúng ta có sẵn sàng lên tiếng bảo vệ cho những người “thấp cổ bé họng”? Chúng ta có dám chết đi những ích kỷ của bản thân để sống và làm chứng cho Tin Mừng? Chúng ta có dám hy sinh để bảo vệ cho Sự Thật?
Lạy Chúa, xin giúp con biết chết đi cái tôi ích kỷ để hướng về tha nhân; xin ban cho con ơn can đảm để sẵn sàng bảo vệ cho công lý và hòa bình; xin ban cho con sự khôn ngoan để con biết đối diện với thử thách và xin nâng đỡ niềm tin cho con để con biết sống trọn sứ vụ Chúa trao ban.
Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh , SVD

Thứ Bảy – Ngày 08 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV
Thánh Giêrônimô Êmilianô

Bài đọc : 1 V 3,4-13
Tin Mừng : Mc 6,30-34

Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang
vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

NHẠY BÉN MỤC TỬ

Chứng kiến đoàn dân đông đảo đi bộ đến với mình, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương họ. Đây là sự nhạy bén của người mục tử khi chứng kiến tình trạng bơ vơ không người chăn dắt của đoàn chiên.
Thật vậy, hành động chăm lo cho đoàn dân và dùng lời mà dạy dỗ họ nói lên đức ái Mục Tử của Đức Giêsu. Là người Mục Tử tốt, Đức Giêsu không chỉ nuôi họ về thể xác mà còn cảm thấu trước nhu cầu tinh thần của họ. Người đến với họ, tiếp xúc trực tiếp với họ, không loại trừ một ai, để biết mong muốn, tâm tư của họ. Cho dù họ là người tội lỗi, người bên lề xã hội, hay người không tin vào chính mình, thì Đức Giêsu vẫn thể hiện được rằng: Người là Mục Tử nhân lành. Người hiểu biết sâu xa lòng trí họ.
Đức Giêsu xuống trần gian để loan báo và ban phát ơn cứu độ. Chính vì vậy, Người đi đến mọi vùng miền để qua sự gặp gỡ, đối thoại, Người mong muốn đưa con người về với Thiên Chúa. Sứ mạng mục tử thôi thúc Đức Giêsu không ngừng quan tâm từng con chiên trong đàn của mình, tìm đưa họ về mỗi khi lầm lạc, chăm sóc mỗi khi bị ốm đau, và nuôi sống đàn chiên bằng lương thực thần thiêng. Tâm hồn Mục Tử Giêsu luôn hết lòng với đàn chiên đối nỗi chấp nhận chết để cho chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Mục tử là người theo chân nối gót Đức Giêsu. Vì thế, người mục tử cần phải trở nên nhạy bén như Người. Sự nhạy bén không chỉ với môi trường, bối cảnh mà phải nhạy bén đặc biệt với những người nghèo, người tội lỗi, người chưa tin vào Tin Mừng.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xưa Ngài đã nhạy bén để thấu hiểu lòng trí đoàn dân. Xin cho những mục tử đang làm việc nhân danh Chúa, trở nên chứng nhân cho Chúa. Xin cho họ biết nhạy bén như Chúa trước sự bơ vơ của đoàn chiên.
Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 4 – Thường Niên – Năm A
Bài tiếp theoTại sao kính Thánh Giuse vào tháng ba?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.