Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 32 Thường Niên – Năm C

0
1149

Bài Ðọc I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14

“Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: “Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi”.

Khi sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: “Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Sau khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách tin tưởng rằng: “Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy”. Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không.

Người con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình. Lúc sắp chết, cậu nói rằng: “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15

Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa (c. 15b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra tự cặp môi chân thành. – Ðáp.

2) Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. – Ðáp.

3) Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tx 2, 15 – 3, 5

“Chúa làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.

Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ. Chúng tôi tin tưởng anh em trong Chúa: những điều chúng tôi truyền dạy, anh em hiện đang thi hành và sẽ còn thi hành. Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 20, 27-38

“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”.

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Lc 20, 27. 34-38

“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

SỰ SỐNG LẠI

Lm. Giuse Lâm Văn Việt, SVD

Đối với người không tin có sự sống lại thì chết là hết; chết là không được hưởng thụ nữa, không còn được gần người thân nữa, không còn vui chơi giải trí; chết là vĩnh viễn mất đi, do đó nhiều người rất sợ khi phải đối diện với cái chết. Nhưng đối với người Kitô hữu, cái chết là cửa ngõ để đi vào sự sống đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi. Chính Đức Giêsu đã chết và sống lại, để xác tín niềm tin cho chúng ta là chắc chắn có sự sống đời sau. Ðó cũng là sự thật Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Vào thời Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do Thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự sống lại, những người thuộc nhóm Biệt Phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi. Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên luật Do Thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối dõi tông đường nếu người anh chết mà chưa có con (x. Đnl 25,5-10).

Họ đặt ra trường hợp bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người Biệt Phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy; vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.

Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xảy ra thế nào và khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô; đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.

Chắc chắn, mãi mãi chúng ta sẽ không hiểu hết được về sự sống lại, bởi vì đó là quyền năng sáng tạo và tái sáng tạo thuộc về kế hoạch cứu độ của riêng một mình Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cứ tin, bởi vì tin thì không cần phải biết hết. Và thật bi đát cho loài người chúng ta, khi sống cuộc đời chóng qua này mà không có niềm hy vọng sống mãi.

Thật vậy, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, nên chúng ta tự trong cõi lòng, dù ý thức hay không ý thức, luôn khao khát được hằng sống. Và thật là bất hạnh cho chúng ta, khi khao khát mà không được ban tặng, không được làm cho no thỏa. Và Đức Giêsu, phát xuất từ Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đến để xác chuẩn cho chúng ta về lời đáp của Thiên Chúa, là sẽ ban tặng sự sống đời đời của Thiên Chúa cho chúng ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Hơn nữa, loài người chúng ta luôn khao khát sự sống đời đời, nhất là khi thương yêu nhau: khi thương yêu nhau, chúng ta luôn ước ao thương yêu nhau mãi, và để thương yêu nhau mãi, thì phải sống mãi. Bởi vì, tình thương phát xuất từ Thiên Chúa hằng sống và hướng về Thiên Chúa hằng sống. Tình thương tự bản chất hướng về vô biên và sẽ tồn tại mãi mãi, như thánh Phaolô nói: “Lòng mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13, 8). Bởi vì Thiên Chúa là lòng mến, là tình thương.

Ngoài ra, niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống và ơn huệ sống lại sẽ làm cho chúng ta được bình an và tự do đối với sự sống này. Thật vậy, những gì thuộc về sự sống này, đó là của cải, tiện nghi vật chất, sức khỏe, vẻ bề ngoài, thành công, danh vọng đều sẽ có lúc qua đi.

Niềm tin vào sự sống lại giúp chúng ta tương đối hóa những điều này và không biến những điều này thành cùng đích, thành chủ nhân, thành ngẫu tượng. Sách Macabê hôm nay kể lại cho chúng ta biết: bảy anh em và cả người mẹ nữa, sẵn sàng chịu chết, nghĩa là từ bỏ hết tất cả, kể cả mạng sống mình, chứ không vi phạm luật của Chúa, vì tin vào tình thương của Chúa và ân huệ Chúa sẽ ban tặng là sự sống lại.

Lời Chúa hôm nay khẳng định có sự sống đời sau. Sự sống đó không còn lệ thuộc bởi việc dựng vợ gả chồng vì con người đã tham dự vào sự sống bất diệt của Đấng Hằng Sống. Sự sống đó cũng không còn lệ thuộc bởi vật chất, hay bởi danh lợi thú vì con người không còn cảm thấy thiếu thốn mà đã đạt đến sự sung mãn trong sự sống thần linh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống và con người là họa ảnh của Thiên Chúa, nên con người cũng được thừa hưởng sự sống thần linh của Chúa. Đây chính là niềm vui, là sự khích lệ cho cuộc đời chúng ta. Đau khổ cuộc đời này sẽ qua. Những khốn khó trần gian sẽ qua đi. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ. Sự sống thần linh mới là vĩnh cửu. Cuộc sống đó không còn những tranh chấp của danh lợi thú, không còn những khổ đau của thiếu thốn, không còn nước mắt của dòng đời bể khổ, mà chỉ còn hạnh phúc viên mãn bên Chúa mà thôi.

Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí cho chúng ta hiểu biết và mộ mến Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh, để chúng ta am tường các mầu nhiệm của Chúa và thực thi thánh ý Chúa, nhất là mầu nhiệm thân xác chúng ta sẽ được phục sinh trong ngày sau hết. Xin cho chúng ta trân trọng sự sống, trau dồi cuộc sống tại thế tốt đẹp để được sống đời đời với Chúa.

 

 

Bài trướcTang Lễ Bà Cố Maria, Thân mẫu của cha Gioan Maria Vianey Ngô Hồng Phúc, SVD
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXXII – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.