Bài Ðọc I: Xp 3, 14-18a
“Chúa sẽ hân hoan vì người”.
Trích sách Tiên tri Xôphônia.
Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.
Trong ngày đó, ở Giêrusalem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Ðấng Thánh của Israel thật cao cả (c. 6).
Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa, Ðấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ: vì Thiên Chúa là sức mạnh của tôi và là Ðấng tôi ca ngợi. Người trở nên phần rỗi của tôi. – Ðáp.
2) Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng cứu độ: Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu thánh danh Người, hãy công bố cho các dân tộc biết các kỳ công của Người, hãy nhớ rằng danh Người rất cao trọng. – Ðáp.
3) Hãy hát mừng Chúa, vì Người đã làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu. Hỡi dân Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Ðấng Thánh của Israel thật cao cả. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Pl 4, 4-7
“Chúa gần đến”.
Trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 1, 18)
Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 3, 10-18
“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
LAN TOẢ NIỀM VUI
Lm. Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD
ức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng giáo lý cho các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô vào ngày 15.11.2023, nhân loạt bài giảng với chủ đề “Niềm đam mê truyền giáo: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu”, nói rằng: “sứ điệp căn bản nhất của đức tin của chúng ta, như lời loan báo của các thiên thần cho các mục đồng, là lời loan báo về một ‘niềm vui lớn lao’”. Niềm vui đó là chính Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa ban cho thế gian, để cứu độ thế gian. Hôm nay, Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, còn gọi là Chúa Nhật của Niềm Vui (Domenica Gaudate), phụng vụ của Giáo Hội dẫn chúng ta tới việc sống niềm vui. Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay sẽ giúp chúng ta khám phá một Thiên Chúa của niềm vui; làm sao chúng ta có thể được tham dự vào niềm vui của Thiên Chúa; và sau cùng chúng ta đứng trước lời mời gọi lan toả niềm vui đó trong môi trường sống của chúng ta.
- Niềm Vui Của Thiên Chúa
Niềm vui là biểu hiện cảm xúc mô tả các trạng thái tinh thần của con người trước một sự trải nghiệm tích cực, thú vị về một sự kiện nào đó. Nó bao gồm các trạng thái như hạnh phúc, vui thích, phấn khích. Niềm vui như một cơ chế phản hồi tích cực, thúc đẩy cơ thể để tái tạo năng lượng cho cuộc sống thường ngày. Niềm vui được biểu hiện một phần ra bên ngoài như nụ cười, sự rạng rỡ trên nét mặt.
Theo lẽ thường, niềm vui được hiểu là một trạng thái vắng bóng đau khổ. Chính vì thế, triết gia Epicurus và các môn đệ cho rằng niềm vui sướng nhất là sự vắng mặt của niềm đau. Cũng theo đó, triết gia Cicero cũng tin niềm vui chính là sự thống trị của cái tốt và sự đày đọa dành cho cái xấu[1]. Các định nghĩa về niềm vui kể trên chỉ được hiểu thuần tuý đến từ những khía cạnh chủ quan của con người. Chúng mang màu sắc của tâm lý và triết học.
Đối với những người được Thiên Chúa tuyển chọn, niềm vui đích thực không chỉ là những cảm xúc thông thường, nhưng xuất phát từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn vui của dân Người. Ngôn sứ Xôphônia trong bài đọc thứ nhất, mời gọi dân Sion hãy vui mừng, vì Đức Chúa, là nguồn vui của họ. Một Thiên Chúa vui mừng vì đã ra tay cứu thoát dân của Người.
Sau khi công bố những lời hạch tội các tầng lớp lãnh đạo cũng như dân chúng, vị ngôn sứ đã mời gọi toàn thể dân thành Giêrusalem hãy hân hoan và nhảy mừng vì Đức Chúa đã rút lại lời kết án dành cho những lỗi phạm của họ. Khi Thiên Chúa của niềm vui của dân hiện diện giữa dân của Người, cảnh hoang tàn khổ cực sẽ không còn nữa. Niềm vui của Thiên Chúa trong bối cảnh đó chính là việc những con người đã từng rời bỏ lề luật của Người nay quyết tâm hoán cải trở về.
- Hoán Cải Cho Niềm Vui
Thoạt nhìn, chúng ta có cảm tưởng rằng lời mời gọi vui mừng và lời kêu gọi hoán cải, thay đổi cuộc sống, dường như tương phản nhau. Một mặt vui mừng là vượt thắng những cảm nghĩ tiêu cực đang ngự trị trong tâm hồn. Mặt khác hoán cải là soi kỹ lại tâm hồn với những bất toàn để thay đổi đời sống. Tuy nhiên, hoán cải và niềm vui đi đôi với nhau. Bởi lẽ, Chúa chính là cội nguồn của cả hai thái độ này. Hoán cải trở về với Chúa sẽ mang đến cho chúng ta niềm vui. Hoán cải giúp chúng ta xây dựng lại tương quan đã đổ vỡ với Thiên Chúa và với anh chị em.
Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả trước đó thật khắc nghiệt, có thể rất khó chấp nhận đối với nhiều người xưa cũng như nay. Gioan đã đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc nhất đối với những người nghe ngài. Ông gọi họ là nòi rắn độc. Ông mời gọi họ hoán cải để không bị ném vào lửa đời đời. Những lời loan báo đầy sức nặng của Gioan Tẩy Giả đã lay động tâm hồn người nghe. Thật vậy, đám đông dân chúng, những người thu thuế, và những người lính đã hỏi ngài “chúng tôi phải làm gì?” Vị Tiền Hô đã không bắt người ta phải rời bỏ những công việc họ đang thực hiện nhưng ông kêu gọi họ hãy sống xứng đáng với những gì họ phải làm. Ông kêu gọi họ hãy bố thí cho những người nghèo, hãy đối xử công bằng với những người kém may mắn, và không bao giờ được dùng sức mạnh để ức hiếp những người yếu thế.
Hoán cải trước tiên là chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa như lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả trong Chúa Nhật tuần trước. Bên cạnh đó, hoán cải cũng là một thái độ để trở về với tha nhân. Nó giúp xây dựng mối tương quan tình yêu thương với anh chị em. Chia sẻ cơm ăn áo mặc với người nghèo khó, công bằng trong các mối quan hệ, tôn trọng và thương xót mọi người.
Lời mời gọi hoán cải của Gioan Tẩy Giả đòi hỏi sự công bằng và lòng thương xót đối với mọi người, bao gồm việc chia sẻ với bất kỳ ai đang cần giúp đỡ. Bằng cách này, thánh Gioan trở nên gương mẫu cho những người thực thi sứ mạng của Thiên Chúa, nghĩa là các nhà truyền giáo, cũng có nghĩa là tất cả mọi người Kitô hữu. Tất cả các Kitô hữu được mời gọi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, loan báo niềm hy vọng được cứu thoát và xây dựng lại mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Khi thực hiện sự hoán cải thực sự như thế, Chúng ta sẽ đi vào tương quan yêu thương với Thiên Chúa và anh chị em, và khi đó niềm vui sẽ trở lại với cuộc sống của chúng ta.
- Niềm Vui Lan Toả
Một con người hoán cải sẽ đi vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa và những người thân cận. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của một người kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và tha nhân đó là nơi người đó toát lên một sự hiền hoà, nhã nhặn từ trong nội tâm của người đó. Trong lời khuyên cuối cùng của Thánh Phaolô dành cho cộng đoàn tín hữu tại Philiphê, ngài đã kêu gọi hai người phụ nữ là chị Êvôđia và chi Xintikhe hãy sống hoà thuận với nhau. Ngài kêu gọi cộng đoàn nơi đây sống hoà thuận để cho mọi người thấy sự hoà thuận và hiền hoà nơi những người tin vào đức Giêsu Kitô được lan toả.
Lời mời gọi của thánh Phaolô: “Vui lên anh em, vì Chúa đã gần đến” cũng là lời mời gọi lan toả niềm vui mà chúng ta đã lãnh nhận. Niềm vui vì đã cảm nhận được sâu xa ơn cứu độ của Thiên Chúa. Niềm vui vì những người cùng tin vào Thiên Chúa sống hoà thuận với nhau; niềm vui bày tỏ ra bằng thái độ hiền hoà với những người họ gặp gỡ.
Một khi những người tin vào Chúa Giêsu Kitô sống hiền hoà và vui tươi, tự bản thân họ trở thành những người loan báo Tin Mừng đích thực. Trái lại, không có niềm vui, việc loan báo Tin Mừng trở nên vô ích. Như lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong một bài huấn từ rằng một người tín hữu bất mãn, buồn bã, hay tệ hơn là oán giận, đều là những Kitô hữu không đáng tin cậy. Loan báo Tin Mừng là loan báo về Chúa Giêsu là niềm vui của chúng ta. Vì thế, “Chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, bởi vì đức tin là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời để chia sẻ”.
Chúng ta hãy để cho Tin Mừng có hơi ấm của niềm vui chạm đến tâm hồn chúng ta, biến đổi chúng ta thành sứ giả của niềm vui Tin Mừng. Những sứ giả mang trong mình niềm vui có Chúa, để chia sẻ niềm vui đó cho anh chị em của chúng ta. Amen.
Chú thích:
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ni%E1%BB%81m_vui truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2024.
ĐƯỜNG TIẾP CẬN NIỀM VUI
♦ Lm. FX. Nguyễn Văn Phú, SVD
Tôi cần phải làm gì? – một câu hỏi rất quen thuộc – xuất hiện trong suy nghĩ hay được phát ra từ miệng ta mỗi ngày. Tôi cần phải làm gì để sống một ngày ý nghĩa, hầu mang lại những giá trị tích cực cho bản thân, cho tha nhân và cho cuộc đời? Tôi cần phải làm gì để vượt qua những khó khăn và thách đố mà tôi đang phải đối diện? Tôi cần phải làm gì để học hành hay làm việc có hiệu quả, tạo tiền đề cho thành công đang chờ đón phía trước? Tôi cần phải làm gì để sống đúng với nhân phẩm, với vai trò và chức năng, với ơn gọi và sứ vụ của mình? Người Do Thái trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng đã tới ông Gioan để được tư vấn là họ cần phải làm gì.
Gaudete (hãy vui lên!) là lời mời gọi của thánh Phaolô trong bài đọc hai, và cũng là tên gọi của Chúa Nhật hôm nay. Ai cũng biết, sống vui chính là ước nguyện căn bản của con người. Ai cũng muốn sống vui bởi nó mang lại cho con người cảm giác dễ chịu, là nền tảng và là bệ phóng cho việc sống khỏe và sống thọ hơn, cho sự thăng tiến và thành đạt, cho việc xây dựng và nuôi dưỡng các mối tương quan chất lượng… Những yếu tố này giữ con người vững bước trên hành trình đi tới một cuộc sống viên mãn. Đối với các Kitô hữu, đó là một cuộc sống hiệp thông và hiệp nhất với Chúa. Nhưng làm sao để ta có thể sống vui? Ta cần phải làm gì?
Một chút thấu hiểu bản thân: Karl Jasper, triết gia hiện đại người Đức, cho rằng: để có được câu trả lời cho câu hỏi “tôi cần phải làm gì?”, đương sự cần xác định được mục đích tối thượng của bản thân và những phương cách để đạt được mục đích tối thượng đó.[1]
Đây có thể gọi là một công thức ngắn gọn và dễ hiểu mở đường cho con người đi vào một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, vế đầu của “công thức” này cần được bổ sung, một yếu tố rất căn bản và quan trọng, đó chính là sự biết mình. Con người ta không thể xác định cho mình một mục đích tối thượng nào đó, rồi tìm ra những phương cách cần thiết là có thể thực hiện được mà không cần hỏi tôi là ai, khả năng của tôi như thế nào? Một người không có một giọng hát đủ hay và đôi tai đủ thính để cảm nhận cái hay cái đẹp của âm nhạc thì không thể trở thành ca sĩ cho dù người đó có ước mơ cháy bỏng làm ca sĩ và dành nhiều tâm huyết cho việc đó. Một người có vấn đề ở tim không thể trở thành vận động viên thể thao chuyên nghiệp, một nghề luôn đòi hỏi hoạt động ở cường độ cao. Quả thật, thấu hiểu bản thân là điều tối quan trọng trên hành trình đi đến những ước mơ. Chính sự biết mình sẽ giúp con người nhìn ra được mặt mạnh mặt yếu của bản thân, biết khôn ngoan chọn lựa “mục đích tối thượng” của chính mình và những phương cách kèm theo một cách phù hợp.
“Thấu hiểu bản thân” nghe thật đơn giản nhưng lộ trình tiếp cận nó chưa bao giờ dễ dàng. Các yếu tố cấu thành cơ thể với những thông số làm ngạc nhiên đến khó tin, sự vận hành và tương tác tinh vi giữa các bộ phận, các biểu hiện của cảm xúc và nguyên do, lương tâm hay cảm thức về siêu việt thể…, tất cả như muốn nói lên rằng con người với tất cả những gì thuộc về nó là một huyền nhiệm. Thật vậy, tự thân, con người không thể “thấu hiểu bản thân”, trừ khi họ có sự quyết tâm đủ lớn, được hướng dẫn bởi những người có khả năng và nhất là được soi sáng bởi Thần Khí.
“Thấu hiểu bản thân” là khởi điểm để con người hướng bản thân đi vào tiến trình đạt tới nhân tính đầy tràn, nghĩa là ý thức về sự độc đáo của riêng mình ngang qua vị thế, tài năng, khát vọng, lòng say mê huyền nhiệm của sự sống, yêu mến cái đẹp, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm, sự thiện chí trong việc đào sâu các mối tương quan với tha nhân và Đấng Siêu Việt.[2] Những người Do Thái đến với ông Gioan và mong muốn được tư vấn với câu hỏi “chúng tôi phải làm gì” chắc là không ngoài mục đích ý thức hơn về bản thân và hướng bản thân đạt tới tình trạng nhân tính đầy tràn.
Một chút tâm tình biết ơn: “Thấu hiểu bản thân” sẽ nảy sinh trong nội tại con người sự ý thức về niềm hãnh diện bản thân. Nói cách khác, việc khám phá bản thân giúp con người mở tầm mắt để nhìn thấy kho tàng ân huệ kì diệu mà bản thân được đón nhận: sự sống, tình yêu cũng như tầm ảnh hưởng mà mình có thể tạo nên trong thế giới và lịch sử. Kho tàng ân huệ đó còn kì diệu hơn khi con người cảm nhận được tất cả những gì tôi là và tôi có đều xuất phát từ con tim đầy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Augustinô, trong giây phút cảm nghiệm sâu sắc điều này đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con cách lạ lùng, nhưng Chúa cứu độ chúng con cách lạ lùng hơn nữa.” Đó cũng là tâm tình của Đức Maria khi chiêm ngắm những điều lớn lao mà Thiên Chúa đã làm nơi cuộc đời Mẹ. Mẹ hớn hở vui mừng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả (x. Lc 1,46-55).
Thiên Chúa, qua miệng các ngôn sứ, luôn khích lệ dân Người nhìn lại chặng đường họ đã đi qua cũng như những gì họ đang có, qua đó khám phá ra bàn tay uy quyền và yêu thương của Người đã, đang và sẽ thực hiện những điều kì diệu để họ hân hoan, tạ ơn và phó thác. Lời kêu mời của ngôn sứ Xôphônia trong bài đọc thứ nhất hôm nay như là một lời khuyên điển hình cần một sự đáp trả chân thành từ dân của Chúa: Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn… Vì Chúa là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, Đấng cứu thoát ngươi, hân hoan vui mừng vì ngươi và cảm động yêu thương ngươi.
Một chút dấn thân: Hạnh phúc đích thực của con người được nảy nở và thăng hoa qua các mối tương quan chất lượng mà ở đó tình yêu thương được lưu chuyển qua lại. Con người tự bản chất thích nhận vì họ nghĩ rằng sở hữu lắm đồng nghĩa với hạnh phúc nhiều. Nhưng thứ hạnh phúc gắn chặt với những gì chóng qua sẽ không thật, chỉ hào nhoáng bên ngoài và dễ tan biến theo năm tháng. Quả thật, niềm vui sâu thẳm và bền vững hệ tại nhiều hơn ở sự trao ban. Chính Đức Giêsu qua lời của thánh Phaolô đã dạy: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Thiên Chúa – suối nguồn hạnh phúc đã trao ban sự sống cho con người qua sự sáng tạo, đã cứu chuộc con người qua công trình cứu độ, nhất là hiến tế của Chúa Con trên thập giá. Một sự trao ban trọn vẹn! Thầy sao trò phải vậy. Tinh thần trao ban trở nên điều kiện không thể thiếu đối với ai muốn trở thành môn đệ Chúa. Họ phải biết chia sẻ những gì mình có cho người kém may mắn, thậm chí là “bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó” (Mc 10,21); là phải biết rửa chân cho nhau (x. Ga 13,12-17); và “trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22).
Tạm kết: Tin vào Đức Giêsu Kitô là chọn một lối sống gắn chặt với Ngài, là đi con đường Ngài đã đi và dám dấn thân chính mình như Ngài đã thực hiện. Mỗi người được Chúa chọn vào những vai trò và sứ vụ riêng phù hợp với đặc sủng được trao ban. Sống và thi hành những gì mình được trao phó với tất cả thiện chí, niềm vui ắt sẽ trổ sinh và lớn lên. Ông Gioan đã không để sự “nổi tiếng” xóa mờ trong ông sự ý thức về chính mình. Ông biết việc ông được sinh ra, được gặp Chúa, được trao ban sứ vụ là ân huệ to lớn. Ông đáp trả ân huệ đó bằng cách thi hành sứ vụ “làm chứng cho ánh sáng” (Ga 1,7) với tất cả con tim. Ông vui sướng chứng kiến “Thiên Chúa cứu chuộc dân Người”. Bởi đó, ông trở thành chuẩn mực cho cho tất cả những ai muốn đạt tới niềm vui đích thực.
Chú thích:
[1] X. Karl Jaspers, Einfuehrung in die Philosophie, Muenchen 1971, tr. 44
[2] Michael D. Moga, Những Câu Hỏi Khôn Cùng, dịch giả Lê Đình Trị, nxb Đồng Nai 2018, tr. 220-228.
HÃY VUI LÊN
Lm. Giuse Nguyễn Văn Chín, SVD
Chúa nhật III Mùa Vọng thường được gọi là Chúa Nhật của niềm vui. Vui vì ngày lễ Giáng Sinh đang gần kề. Nhưng quan trọng hơn, vui vì Chúa sắp đến và “ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Lời kêu gọi “hãy vui lên” được lặp đi lặp lại nhiều lần ở trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa!” (Pl 4,4). Niềm vui mà thánh Phaolô nói tới đó là niềm vui trong Chúa, niềm vui có Chúa, niềm vui được gặp gỡ Chúa. Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta là những Kitô hữu hãy vui lên.
Trước hết, chúng ta hãy vui lên vì có Chúa ở giữa dân Người. Ngôn sứ Xôphônia nói: “Này Sion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời… Reo vui lên, hò vang dậy đi nào… hãy nức lòng phấn khởi, Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi” (Xp 3,16). Ngôn sứ Xôphônia cho rằng phải vui vì Thiên Chúa đang ở giữa dân, vì Thiên Chúa đã đẩy lui quân thù cho dân; Chúa sẽ thêm sức mạnh, yêu thương và ban lề luật cho dân của Người.
Theo cách nói của Thánh Kinh, khi Thiên Chúa ở với ai, thì người đó sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và bảo vệ. Cho nên, trong Cựu Ước khi Thiên Chúa muốn chúc phúc cho các tổ phụ Ápraham, Isaác, Giacóp và Môsê thì Ngài đã ở với các ông để họ được bình an và hạnh phúc. Trong Tân Ước, khi truyền tin cho Đức Maria, sứ thần Gáprien nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28).
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vui lên vì Chúa đang đến để cứu độ chúng ta. Là những người Kitô hữu, chúng ta hãy vui lên. Nhưng chúng ta vui không phải vì Chúa đến thiết lập cho chúng ta một vương quốc giàu có hay ban cho ta một cuộc sống sung túc về vật chất trần thế. Lý do chúng ta vui vì Đấng mà chúng ta mong đợi là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa, đến để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Hay nói cách khác, Ngài đến để ban cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc đời đời.
Câu hỏi đặt ra là: Trong khi chờ đợi Chúa đến, chúng ta cần phải có thái độ nào? Hay nói cách khác, Ngôi Hai Thiên Chúa là Vị Khách cực kỳ quan trọng sắp đến thăm “ngôi nhà cuộc đời” của mình, chúng ta phải chuẩn bị những gì để tiếp đón Ngài? Có lẽ mỗi người có một cách chuẩn bị riêng, nhưng tôi xin đưa ra một vài gợi ý như sau:
Việc đầu tiên mà chúng ta cần làm đó là giữ mình để có được một tâm hồn trong sạch, vì chỉ những “ai có tâm hồn trong sạch, họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Điều này có nghĩa là, khi chúng ta có một tâm hồn không vướng bận tội lỗi thì chúng ta mới có được niềm vui trọn vẹn. Câu chuyện mà thánh Gioan kể cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay là một dẫn chứng cụ thể. Khi dân chúng và những người thu thuế nghe ông Gioan rao giảng về việc sám hối để đón chờ Đấng Cứu Thế đến thì họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông Gioan mời gọi hãy sống công bằng: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi… Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình” (Lc 3, 13-14). Điều này có nghĩa là ông Gioan muốn mời gọi những người đến với ông rằng, để chuẩn bị đón tiếp Đấng Cứu Thế một cách chu đáo, thì họ phải giữ tâm hồn trong sạch, không bị những thứ gian tham trần thế làm nhơ uế.
Có lẽ lời mời gọi này vẫn còn đúng và cần thiết đối với mỗi người chúng ta trong xã hội hôm nay. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một môi trường xã hội bị ô nhiễm bởi những loại “tạp khí” của tham ô, tham nhũng, trộm cắp, gian tham, bất công, ức hiếp người, bỏ vạ cáo gian… Tất cả những thứ này đang làm cho ngôi nhà tâm hồn của chúng ta bị ô nhiễm nặng. Vì thế, Thiên Chúa không dễ đến và “cắm lều ở giữa chúng ta” (x. Ga 1,14).
Một sự chuẩn bị khác mà ông Gioan gợi ý cho những người đến hỏi mình đó là thực thi bác ái. Sau khi nói với họ giữ tâm hồn trong sạch bằng cách sống công bằng, ông Gioan mời gọi họ: “Ai có hai áo hãy cho người không có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy” (Lc 3,11). Tư tưởng này chúng ta bắt gặp trong lời khuyên của thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều giữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa; hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, hãy kiên nhẫn khi gặp gian truân và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với các thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12, 9-13). Như vậy, nếu chúng ta biết thực thi bác ái thì chúng ta sẽ có được niềm vui. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, mỗi khi chúng ta chia sẻ cho ai cái gì với lòng bác ái chân thành, chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì mình đã làm cho người khác vui.
Có một câu chuyện được kể như sau: Tại một văn phòng tư vấn tâm lý, một thiếu phụ trẻ đẹp và giàu sang bước vào giãi bày tâm sự với vị chuyên gia tâm lý: Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho tất cả. Tôi có đủ mọi thứ, nhưng lòng của tôi lúc nào cũng thấy trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên.
Nhà tư vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể lại chuyện đời cô cho người phư nữ này nghe. Cô thư ký kể: Chồng tôi đã chết cách đây ba tháng. Con tôi cũng chết vì đụng xe. Tôi cảm thấy mất tất cả. Tôi không ngủ được. Tôi không muốn ăn uống. Tôi không bao giờ cười. Rồi một hôm, tôi đi làm về hơi khuya. Một chú mèo con cứ lẽo đẽo đi theo tôi. Trời lạnh. Tôi thấy tội nghiệp nó quá, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên từ sau những thảm kịch bi đát của gia đình… tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là ngay ngày hôm sau, tôi nướng vài ổ bánh đem sang cho bà cụ hàng xóm đang nằm bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp để họ được vui vẻ. Và quả thực, tôi đã tìm thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình. Ngược lại, ta sẽ hạnh phúc thật, khi ta làm cho người khác hạnh phúc.
Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có tất cả những thứ mà đồng tiền có thể mua được, nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ (Câu chuyện trích từ bài chia sẻ của Lm. Giuse Đinh Tất Quý).
Cuộc sống hôm nay có rất nhiều người tìm kiếm niềm vui ở trần gian trong tiền tài, danh vọng, sắc dục và quyền lực mà quên đi niềm vui đích thực là niềm vui trong tâm hồn; đó là niềm vui được Chúa ở cùng. Chỉ trong Chúa con người mới tìm được thứ niềm vui đích thực và vĩnh cửu. Mỗi người chúng ta hãy xét mình xem chúng ta đang có thứ niềm vui nào? Niềm vui trong Chúa hay niềm vui thế gian?
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết giữ tâm hồn trong sạch. Xin cho chúng con biết sống công bằng và bác ái với anh chị em để chúng con có thể có được một niềm vui không bao giờ mất đi; đó là niềm vui trong tâm hồn, niềm vui vì có Chúa ở cùng.