LỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 3 MV)

0
406
Phép rửa của Gioan Tẩy Giả

Tin Mừng: Mt 21,23-27

Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Đức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của  ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?”Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

—– o0o —–

SUY NIỆM

CHẤT VẤN (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Tùng, SVD)

Trong suốt cuộc đời rao giảng của mình, Đức Giêsu đã không ít lần bị chất vấn bởi những người Do Thái về những việc Người đã làm. Đó là việc chữa bệnh ngày Sabát, việc đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ hay về những lời giảng dạy của Người.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại một lần chất vấn từ những nhà lãnh đạo Do Thái. Họ chất vấn tất cả những điều Người đã làm. Những người Do Thái không thể chấp nhận được rằng một con người từ Nadarét có thể làm được những điều tốt lành đó. Họ không nhìn nhận và không muốn nhìn nhận những việc lành Người làm. Họ chất vấn Người không phải vì để tìm ra được điều ngay lẽ phải hay học hỏi được sự khôn ngoan nhưng là để gài bẫy hại Người. Đối lại với những lời chất vấn của người Do Thái, Đức Giêsu cũng trả lời bằng một lời chất vấn: “Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?”. Câu hỏi này được đưa ra để họ dừng lại, suy nghĩ và chất vấn về chính mình và về những việc lành do Gioan đã làm. Qua đó, họ có thể nhìn nhận ra những điểm tốt đẹp nơi chính Gioan và cả Đức Giêsu. Thông thường, chất vấn người khác thì dễ dàng hơn là chất vấn mình, nhìn thấy lỗi sai của người thì dễ hơn là của mình. Cái rác trong mắt người khác thì thường dễ thấy hơn cái xà trong mắt mình. Tuy nhiên, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi người hãy tự chất vấn lương tâm mình thay vì chất vấn người ta. Người muốn chúng ta phải biết chất vấn xem mình đã làm điều tốt hay chưa, có cần phải thay đổi gì hay không, và cần phải làm gì để trở nên tốt hơn. Việc chất vấn mình như vậy sẽ giúp mỗi người hiểu mình và hiểu rõ ý Chúa hơn và ngày càng tiến tới việc nhận biết và thi hành ý Chúa trong cuộc đời của mình.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường hay sa vào việc chất vấn, soi xét người khác mà lãng quên đi việc chất vấn chính mình. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng thời gian để chất vấn mình để ngày càng hiểu rõ ý Chúa hơn. Amen.

 


 

chuyện TRỜI… chuyện NGƯỜI? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

QUYỀN RAO GIẢNG TIN MỪNG (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

Trong các hoạt động xã hội, các cơ quan công quyền thường quản lý xã hội bằng cơ chế xin – cho, tức xin và ban cho các loại giấy phép: giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, giấy phép hành nghề, … Cũng vậy, trong Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bị chất vấn về một loại giấy phép gọi là giấy phép về quyền rao giảng Tin Mừng: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy” (Mt 21,23b).

Điều đáng nói ở đây là người đặt vấn đề về “giấy phép” rao giảng với Đức Giêsu không là các cơ quan dân sự mà là tôn giáo, là mấy ông thượng tế, tư tế và ký mục Do Thái. Rõ ràng, họ tự cho mình cái đặc ân là nhân danh Chúa để rao giảng. Cũng vậy, động cơ của họ là sự ghen tị với Chúa Giêsu, sợ thế giá và quyền lợi của mình sẽ bị đánh mất, chứ không phải vì lợi ích chung của cộng đoàn Dân Chúa.

Vậy, vấn đề đặt ra là quyền rao giảng Lời Chúa thuộc về ai? Ai đã ban cho quyền ấy? Theo Giáo huấn của Giáo Hội, thì mọi Kitô hữa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội đều được dự phần vào chức vụ Ngôn Sứ. Tức là nhờ Bí tích Rửa Tội, mọi Kitô hữu được thông phần vào mối giây hiệp nhất và tháp nhập với Hội Thánh là Thân Thể của Đức Kitô, tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người. Rao giảng Lời Chúa không những là quyền mà là nghĩa vụ của Kitô hữu. Là người con của Chúa trong lòng Giáo Hội thời đại hôm nay, chúng ta cần vâng theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, thực thi sứ vụ truyền giáo trong mối giây hiệp nhất, không ghen tỵ người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa. Qua Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta được mời gọi có những sáng kiến để rao giảng Lời Chúa cho cộng đồng nhân loại, thực thi nghĩa vụ truyền giáo trong bậc sống của mình, từ vai trò ngôn sứ cộng đồng đến vai trò ngôn sứ thừa tác.

Lạy Chúa, trong những ngày mùa vọng, xin cho chúng con biết thức tỉnh chờ mong ngày Chúa đến nhờ đời sống chứng tá đức tin và thực thi sứ vụ rao truyền Chúa cho muôn dân. Amen.


 

QUYỀN BÍNH VÀ PHỤC VỤ (♦ Tu sĩ Phêrô Đinh Hứa Quốc Thịnh, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi được đánh động bởi câu: “Do quyền bính  nào mà ông làm những việc ấy? Ai cho ông quyền đó?” (Mt 21,23). Đây là hai câu hỏi mà các thượng tế và kỳ mục chất vấn Đức Giêsu về quyền bính của Ngài.

Các nhà lãnh đạo Do Thái chất vấn về quyền bính của Đức Giêsu không phải vì muốn biết sự thật về Ngài. Nhưng họ muốn hạch sách và làm khó Ngài chỉ vì quyền lợi cá nhân. Người lãnh đạo Do Thái khi thấy Đức Giêsu làm những việc phi thường, họ đã ghen tức nên cố ý gài bẫy, tìm cách triệt hạ Ngài. Đức Giêsu còn đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ, làm cho các thủ lãnh Do Thái mất đi mối lợi về kinh tế và quyền lãnh đạo dân nên họ càng xem Đức Giêsu là một kẻ phá rối. Họ biết rõ quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa nhưng vì kiêu căng và ích kỷ khiến con mắt họ mù quáng, con tim họ lạnh lùng khép kín. Vì vậy, họ đã phủ nhận và không nhận ra quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Trong xã hội ngày nay, có một số người hành xử như các nhà lãnh đạo Do Thái xưa. Họ dùng quyền bính mà Chúa ban để mưu cầu lợi ích cá nhân, tự mãn và vinh danh bản thân mình. Vì vậy, họ chỉ biết sống cho mình, ngại gian khổ và thường lạm dụng quyền bính của mình mà xem thường người khác. Chính vì thế, Đức Giêsu muốn mời gọi mỗi người hãy nhớ rằng, mọi quyền bính đều do Thiên Chúa ban. Vì vậy, quyền bính đó phải được sử dụng để phục vụ người khác trong sự khiêm nhường và yêu thương phục vụ.

Lạy Chúa, xin cho con ý thức rằng mọi quyền hành của con đều là của Chúa. Xin biến đổi tim con, để con có thể thấy Chúa nơi những người nghèo khổ và khó khăn, để con biết dùng những khả năng Chúa ban mà phục vụ tha nhân. Amen.

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – Năm C
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Ngày 17/12, Tuần 3 MV)