Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 26 Thường Niên – Năm A

0
567

Bài Ðọc I: Ed 18, 25-28

“Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa phán: “Các ngươi đã nói rằng: “Ðường lối của Chúa không chính trực”. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c. 6a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa. – Ðáp.

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. – Ðáp.

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho con nhận biết đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 2, 1-5 {hoặc 1-11}

“Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô.

{Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.}

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 28-32

“Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!” Nó thưa lại rằng: “Con không đi”. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: “Thưa cha, vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng / chia sẻ chủ đề:

THI HÀNH Ý MUỐN CỦA THIÊN CHÚA (Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD)

Cuộc sống chúng ta luôn là một bức tranh nhiều màu sắc. Nó không bao giờ là những khuôn mẫu định sẵn. Không ai trong chúng ta có thể biết chắc về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, cũng không ai biết được những chọn lựa của mình đúng hay sai, mãi cho tới khi chúng ta thực hiện nó. Thế nên, cuộc sống có rất nhiều sự lựa chọn và quyết định, chúng ta cần chọn cho mình một cuộc sống bình an, đầy yêu thương và hạnh phúc. Là người Ki-tô hữu, chúng ta thuộc về Chúa, chúng ta hãy sống theo đường lối của Chúa và thi hành ý muốn của Ngài, vì đó là điều tuyệt hảo nhất. Thật vậy, đường lối của Chúa thì luôn khác với đường lối của con người, và ý muốn của Chúa thì rất cao trọng và sâu thẳm. Nếu chúng ta bước theo đường lối của Ngài ắt hẳn chúng ta sẽ sống hạnh phúc và bình an. Tuy nhiên, để biết được đường lối của Chúa và thi hành ý muốn của Ngài, chúng ta cần có cảm thức đức tin, chiều sâu nội tâm chiêm niệm và sống theo Lời Chúa dạy. Do đó, ngang qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy rằng đường lối và ý muốn của Chúa chính là việc ăn năn sám hối, sự công chính, sống hiệp nhất và yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu ý muốn của Chúa để thi hành.

Thi hành ý muốn của Chúa chính là việc ăn năn sám hối và tin tưởng vào Chúa

Ăn năn sám hối là một hành vi hối hận về những việc xấu mình làm hay vì một việc tốt mình lẽ ra phải làm mà đã không làm. Như thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã kể cho chúng ta nghe dụ ngôn về hai người con, thi hành ý muốn của người cha, để diễn tả ý nghĩa sâu xa của hành vi sám hối. Quả thật, dụ ngôn đã diễn tả hai người con có những chọn lựa và quyết định trái chiều. Khi người cha sai hai người con đi làm vườn nho cho mình, thì người con thứ nhất đã từ chối nhưng sau đó nó lại hối hận, nên đã đi làm; còn người con thứ hai nói xin vâng nhưng rồi lại không đi. Qua đây, chúng ta hiểu rằng người con thứ nhất đã hối hận tận căn về những quyết định sai lầm của mình, khi anh từ chối vâng lệnh của cha. Có lẽ, vì tình thương của anh dành cho cha, hay vì bổn phận của người con là phải thi hành ý muốn của cha, hay vì tiếng nói lương tâm đã thức tỉnh anh, khiến anh phải suy nghĩ lại và quyết định đi làm. Cho dù không biết nguyên nhân vì sao khiến anh thay đổi như vậy, nhưng điều quan trọng hơn cả là anh đã biết hối hận và sửa sai. Với sự ăn năn hối hận này, anh đã làm thay đổi mọi sự trở nên tốt hơn. Anh đã hoán đổi từ sự bất tuân trở thành tuân phục. Đây quả là mẫu gương về sự sám hối mà chúng ta cần phải học hỏi. Còn đối với người con thứ hai, rõ ràng anh đã sẵn sàng tuân lệnh ý muốn của cha với sự kính trọng. Anh đã đồng ý đi làm cho cha không một chút đắn đo hay do dự, nhưng rồi anh lại không đi. Anh đã nói mà lại không làm, anh đã hứa rồi lại không giữ lời. Như vậy, cả hai người con đều có ngôn từ bất nhất, lời nói không đi đôi với việc làm. Tuy nhiên, người con thứ nhất được đề cao hơn, vì đã coi trọng việc làm hơn lời nói và đã thi hành việc sám hối ăn năn.

Tiếp đến, sau khi kể dụ ngôn này xong, Đức Giê-su đã quay sang khiển trách các nhà lãnh đạo Do Thái cứng lòng, không chịu tin và không chịu hối hận. Như thế, Người đã ám chỉ rằng họ chính là hình ảnh người con thứ hai. Những người thu thuế và các cô gái điếm là hình ảnh của người con thứ nhất. Bởi vì, các nhà lãnh đạo Do Thái là những người thông luật và dạy dân chúng về luật, nhưng chính họ lại không động ngón tay vào việc thi hành luật. Họ nói mà không làm, và chỉ giữ luật theo hình thức. Ông Gio-an đến chỉ đường công chính cho họ, nhưng họ không tin. Họ đã khép mình trong sự tự mãn cứng lòng, họ đã lạc xa đường công chính và không muốn hối hận. Đối lại, những người thu thuế và các cô gái điếm có đời sống tội lỗi, nhưng họ đã tin vào Gio-an và lời chứng của ông. Họ đã hối hận và muốn hoán cải để được vào Nước Thiên Chúa. Như vậy, sám hối sẽ làm cho người ta thay đổi mọi sự và đạt được hạnh phúc Nước Trời.

Thi hành ý muốn của Chúa chính là sống công chính

Theo lẽ thường, sống công chính là một lý tưởng rất tốt đẹp mà ai cũng muốn đạt tới. Ai cũng muốn mình sống ngay lành, thật thà và lương thiện. Thế nhưng, cuộc sống thì xô bồ và con người thì bất toàn, nên chúng ta khó có thể thực hiện được những điều mình muốn. Đôi khi vì một chút chủ quan và ham muốn, chúng ta dễ dàng trở thành một người bất chính và tội lỗi. Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và hay tha thứ. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi biết sám hối trở về. Vì thế, chúng ta hãy bỏ các thói hư tật xấu đã phạm, ăn năn sám hối mà trở về với Chúa, thanh luyện tâm hồn, và tập tành các nhân đức, hầu trở nên thánh thiện công chính trước mặt Chúa.

Thật vậy, trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tiên tri Ê-dê-ki-en đã diễn tả Chúa là Đấng rất công minh chính trực, đầy xót thương và hết lòng tha thứ cho tội nhân. Ngài đã không nhìn con người theo nhãn giới tội lỗi đã phạm, nhưng nhìn con người theo viễn ảnh tương lai đầy hy vọng. Ngài luôn chờ đợi tội nhân quay trở về để sống đường ngay nẻo chính. Ngài phán: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ được sống và không phải chết” (Ed 18,27). Như thế, Chúa là Đấng xót thương và luôn tha thứ. Ngài luôn mở rộng cánh cửa hy vọng cho người tội lỗi bước vào, để qua đó họ từ bỏ tội lỗi, làm lại cuộc đời mà trở nên tốt lành. Do đó, sự công chính và tốt lành của Chúa không hệ tại ở việc luận phạt tội nhân, nhưng quan trọng hơn cả là sự hoán cải của tội nhân. Ngài không nhìn vào tội ta đã phạm để phán xét và kết tội, nhưng nhìn vào ta có ăn năn sám hối để sống công chính hay không. Con người chúng ta, ai cũng là tội nhân và ai cũng hơn một lần sống bất chính, nên chúng ta cần cậy trông vào Chúa, không được thất vọng về những lỗi phạm của mình, nhưng hãy sống với niềm hy vọng để được biến đổi.

Thi hành ý muốn của Chúa chính là sống hiệp nhất trong tình bác ái, và yêu thương nhau

Bên cạnh việc sống công chính, Chúa còn muốn chúng ta sống tình bác ái, hiệp nhất và yêu thương nhau. Bởi vì, nếu sống chung với nhau mà thiếu sự hiệp nhất thì gia đình, cộng đoàn sẽ trở nên căng thẳng, bất hòa, bè phái, chia rẽ, đổ vỡ và thiếu đi tình bác ái yêu thương nhau. Nếu cộng đoàn không có tình bác ái yêu thương, thì cộng đoàn đó cũng khó có thể hiệp nhất với nhau được. Có thể nói hiệp nhất, yêu thương và bác ái giống như một chuỗi tuần hoàn khép kín. Nếu thiếu một trong ba thì vòng tròn khép kín sẽ bị phân mảnh và đứt đoạn. Vì vậy, cần phải hội đủ cả ba, thì cộng đoàn mới tiến triển và bền vững.

Trong thực tế, có chung ắt hẳn sẽ có đụng, mà có đụng thì chắc chắn sẽ có sứt mẻ và đổ vỡ. Tuy nhiên, nếu có tình yêu chân thành, khiêm nhường và bác ái với nhau, sẵn sàng hy sinh cho nhau và đồng tâm nhất trí với nhau trong mọi hoàn cảnh, thì cho dù có chung vẫn khó có đụng. Vì sức mạnh của tình yêu Chúa có thể hóa giải mọi sự, nếu con người biết cộng tác và thi hành ý muốn của Ngài. Thật vậy, trong bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu Phi-lip-phê rằng, “Anh em hãy chung chia niềm vui với nhau, chia sẻ cùng một lòng mến và đồng tâm nhất trí với nhau. Mỗi người, hãy lấy lòng khiêm nhường mà đối xử với nhau, coi kẻ khác vượt trổi hơn mình,… nhờ đó Chúa đã tôn vinh Người đến muôn đời muôn thủa” (Pl 2,1-11). Ngang qua lời khuyên nhủ của thánh Phao-lô trên, chúng ta hãy lấy đó làm kim chỉ nam để sống hiệp thông với nhau và duy trì tình đoàn kết huynh đệ trong gia đình và các cộng đoàn.

Lạy Chúa Giê-su, cuộc sống ngày nay có rất nhiều sự chọn lựa với những khuynh hướng xấu, xin Chúa giúp chúng con sống theo đường lối Chúa và thi hành ý muốn của Ngài. Amen.

 


 

NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD)

Nói mà không làm hay nói một đàng làm một nẻo là chuyện thường xảy ra, và xét chung thì xã hội nào cũng có những hạng người như thế. Điều đáng nói ở đây là thực trạng đó lại hay rơi vào những người cốt cán, mang trọng trách. Một cách nào đó qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn hai người con làm vườn nho để nhắm vào những đối thủ của Người, là những người lãnh đạo đạo Do Thái lúc bấy giờ, nhằm phê phán lối sống giả hình, cứng đầu, cố chấp và nhất là chỉ nói chứ không thực hành của những người Pharisêu, biệt phái và nhà thông luật.

Đi vào phân tích bài Tin Mừng, chúng ta thấy người cha trong gia đình chính là Thiên Chúa, hai người con là đại diện cho hai hạng người khác nhau trong xã hội.Trước lời mời gọi yêu thương với giọng thân tình của người cha dành cho những đứa con, hai người con phản ứng lại hoàn toàn khác nhau trong cả lời xin vâng và hành động sau đó. Người thứ nhất trả lời một câu nghe quá phũ phàng “con không muốn”, thật là khô khan và quá mất lịch sự, nhưng rồi sau đó anh đã hối hận và đi làm vườn nho. Chính nhờ sự nhìn lại mình, biết hối hận và đi làm vườn nho của anh đã cứu vớt lời anh đã lỡ nói ra. Kế đến là phản ứng người con thứ hai rất trái nghịch với người con thứ nhất. Anh đón nhận rất mau lẹ, không chút đắn đo, một lời xin vâng rất mạnh mẽ, xác quyết, thật dễ thương và rất lịch sự. Nếu như chỉ đọc đến đó, lòng ta thầm thán phục đứa con hiếu thảo và người cha thật có phúc khi có đứa con như thế. Tuy nhiên giữa lời nói và hành động của người con thứ lại bất nhất, hứa suông, bằng mặt nhưng không bằng lòng. Kết cục hành động của anh trái nghịch hoàn toàn với lời mà anh đã thưa vâng; anh ta đã tự hạ thấp chính mình, hạ thấp tình thương mà người cha dành cho anh, thể hiện rõ là một người con biếng nhác, vô trách nhiệm trong gia đình và anh đã không đến vườn nho.

Người con thứ nhất đại diện cho những người tội lỗi, thu thuế và gái điếm bị xã hội loại trừ. Tuy họ có cuộc sống bê tha, lấm lem tội lỗi, bị người đời kinh chê loại trừ, nhưng trong sâu thẳm họ vẫn luôn có sự thôi thúc mãnh liệt của lương tâm và lòng khiêm tốn để khi có dịp họ trở về với Chúa. Cụ thể là khi thánh Gioan Tẩy Giả đến rao giảng và kêu gọi sám hối ăn năn thì những người tội lỗi mau mắn sám hối ăn năn trước nhất (x. Lc 3,12).

Người con thứ hai là đại diện chonhững người biệt phái, Pharisêu và thông luật, những người được xem là mẫu mực trong việcgiữ luật lại khước từ lời mời gọi sám hối. Họ bị Chúa Giêsu phê phán là có lối sống giả hình, giả bộ vì thích khoe khoang, tự mãn về cái đạo bề ngoài (x. Mt 23,13-29). Họ áp đặt hàng trăm thứ luật lên người khác, nhưng họ thì không buồn đụng một ngón tay vào (x. Mt 23,4). Con đường dẫn vào Nước Trời là con đường vâng phục Thiên Chúa với lòng khiêm hạ, ăn năn, hoán cải chứ không phải là sự kiêu căng, giả hình. Không phải cứ thưa lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Chúa, nhưng chỉ những ai thực hiện ý Cha trên trời mới được vào (x. Mt 7,21).

Qua bài Tin Mừng này, mỗi người chúng ta cũng có thể có những điều cần suy gẫm và tự vấn lương tâm mình. Có thể hôm nay chúng ta là những người tốt nhưng ngày mai chúng ta đã trở nên xấu và ngược lại. Cho dù chúng ta đã có lúc nói không hoặc sống tồi tệ trong tội lỗi nhưng đừng đánh mất niềm tin và hy vọng, bởi lẽ Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi ta. Cũng có những lần chúng ta đã thưa vâng một cách mạnh mẽ và xác quyết với những lệnh truyền của Chúa, của Giáo Hội nhưng rồi lời xin vâng đó chỉ là trên đầu môi chót lưỡi mà không đem ra thực hành. Bề ngoài ta có vẻ gần Chúa, gần Giáo Hội nhưng thực chất tâm hồn chúng ta lại xa cách Chúa.

Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương anh chị em mình, hãy có sự cảm thông chia sẻ, tha thứ cho nhau, hãy yêu thương những người bé mọn và bất hạnh trong xã hội, nhưng lời mời gọi đó được chúng ta thực hiện được mấy lần với tinh thần quảng đại và dấn thân. Hãy sống trong tinh thần tự khiêm tự hạ trước mặt Thiên Chúa và anh chị em mình, bởi chẳng ai có thể tự cho mình là công chính. Nếu chúng ta đã từng nói không với Thiên Chúa thì nay chúng ta hãy nhanh quay về và thưa tiếng xin vâng để được được sống trong ân nghĩa của Ngài. Sẽ tuyệt vời hơn khi chúng ta biết thưa tiếng xin vâng một cách xác quyết và mạnh mẽ và rồi lời xin vâng đó biến thành hành động của ta, hành động của người hoàn toàn đặt niềm tin vào Đức Giêsu. Hãy biết lắng nghe, thưa tiếng xin vâng và sẵn sàngvào làm vườn nho nhà Chúa trong mọi hoàn cảnh và phó thác cuộc đời mình cho Chúa và để Ngài hướng dẫn cuộc đời ta.

Là người Kitô hữu, hoàn toàn tin vào Đức Giêsu, chúng hãy biến đức tin đó thành hành động, để đức tin không chỉ là đức tin chết như lời thánh Giacôbê “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).Cụ thể, chính đức tin phải đưa người ta đến một đời sống thánh thiện qua các việc làmbác ái. Đến lượt mình, các việc làm cho phép chứng tỏ rằng đức tin thực sự ở trong chính con người đó, được thể hiện qua các hành động bắt nguồn từ tình yêu. Đức tin chỉ thực sự sống động khi được minh họa trong việc làm của tình yêu. Một đức tin như thế mới đem lại ơn cứu độ. Như thế, nếu đức tin chỉ là một ý niệm trừu tượng nội tại, là sự chấp thuận hay cảm nhận của trí khôn, là một quan điểm về vũ trụ quan, thì chắc chắn sẽ không có cơ may tồn tại. Một đức tin sống động là đức tin thể hiện qua hành động và luôn kết hợp trong Đức Kitô như cành nho với thân nho.

Lạy chúa con đây, xin Ngài hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Xin cho co biết xin vâng trong mọi hoàn cảnh, biết cộng tác mà vào làm vườn nho nhà Chúa. Xin cho con tấm lòng khiêm hạ trước mặt Chúa, để con biết lắng nghe ý Chúa hơn làm theo ý riêng của con.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (29/9, Các Tổng Lãnh Thiên Thần, lễ kính)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 26 TN-A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.