Bài đọc: Dcr 2,5-9.14-15a
Tin Mừng: Lc 9,43b-45
Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giêsu làm, Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
—– o0o —–
Suy niệm
CON ĐƯỜNG GIÊSU (Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD)
Trong tâm trí của người Do Thái cũng như các môn đệ, Đấng Mêsia là một vị vua đến để giải thoát họ bằng sức mạnh theo nghĩa chính trị. Tuy nhiên, con đường và ý định của Thiên Chúa thì khác hẳn với tư tưởng của loài người. Điều này được thể hiện rõ trong Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu tiên báo về con đường của mình: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.
Quả thật, có lẽ trong tư tưởng của các môn đệ và những người theo Đức Giêsu lúc bấy giờ, họ theo Người vì hy vọng Người là Đấng Mêsia. Đấng ấy sẽ giải thoát họ bằng quyền lực và sức mạnh quân sự. Đặc biệt với các môn đệ, họ theo Thầy Giêsu vì hy vọng sau này khi Người trở thành vua thì các ông sẽ có được một thế giá và địa vị trong xã hội. Điều này được thánh Máccô xác nhận rõ khi kể rằng, chính Giacôbê và Gioan đã xin Đức Giêsu: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,37). Tuy nhiên, con đường của Đức Giêsu lại là con đường của đau khổ, thập giá rồi mới đến vinh quang. Con đường ấy thật không dễ dàng để chấp nhận vì nó trái ngược với ước muốn của con người. Muốn hạnh phúc mà không phải qua đau khổ. Các Tông Đồ cũng thế, cũng muốn hạnh phúc mà khước từ thập giá.
Con người hôm nay cũng vậy, muốn chọn con đường dễ dàng và né tránh sự đau khổ. Tuy nhiên, qua Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy can đảm chấp nhận con đường thập giá vì đó chính là con đường mang lại cho con người sự sống đời đời. Chính Người đã trải qua đau khổ, bắt bớ, bị giết nhưng Người đã vinh thắng khải hoàn. Con đường thập giá ấy chính là con đường tình yêu, con đường mang tên Giêsu, chết để cho nhân loại được sống và sống dồi dào.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con hiểu được giá trị của Lời Chúa, hiểu được giá trị của con đường thập giá mà Chúa đã đi. Ngõ hầu, chúng con cũng dám can đảm bước theo Ngài trên con đường vác thập giá. Amen.
CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thanh Nhiệm, SVD)
Trong lịch sử nhân loại chưa từng có một người thầy nào đã làm hai điều như Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ. Đỉnh cao của việc phục vụ khi Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-20), và tuyệt đỉnh của yêu thương là “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Gần ba năm theo Thầy đi rao giảng Tin Mừng, các môn đệ đã tin nhận Đức Giêsu là vị Ngôn Sứ đầy quyền năng trong lời nói và việc làm, thì làm sao giờ đây các ông có thể hiểu được lời loan báo của Thầy mình: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44). Hơn thế nữa, các ông chưa cảm thấu hết con đường tình yêu, con đường thập giá của Người Thầy là tuyệt đỉnh của hành động yêu thương.
Đường thập giá là đỉnh cao của hành động yêu thương. Đi vào con đường khổ giá và cái chết trên thập giá diễn tả một tình yêu hoàn toàn tự hiến và cao cả nhất của Đức Giêsu dành cho con người. Nếu cái chết của Đức Giêsu không phải là một kiểu mẫu cao nhất của tình yêu dành cho người khác thì chẳng có giá trị gì. Nói cách khác, tính cao cả của Mầu Nhiệm Cứu Độ bằng con đường tự hủy và cái chết của Đức Giêsu để hoàn trả lại tình yêu và sự sống cho con người, đồng thời mời gọi con người cũng hãy trao ban cho nhau như vậy.
Gẫm mà xem! Thế giới quanh chúng ta vẫn luôn cần đến dấu chứng của tình yêu “chết cho người mình yêu”. Con đường thập giá của Đức Giêsu vẫn luôn thôi thúc con người dành cho nhau để nhân loại bớt khổ đau, đúng như lời của một bài hát “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi ở đấy có ân sủng Người”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thấu hiểu được tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Và xin cho chúng con nhận ra con đường thập giá là sự hy sinh của người khác dành cho chúng con trong công việc thường ngày. Amen.
NGHE CHO KỸ (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
BỠ NGỠ VÀ KHÔNG HIỂU (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Huân, SVD)
Khi dân chúng đi theo Chúa Giêsu và chứng kiến những điều Người giảng dạy cùng những việc Người làm, họ rất bỡ ngỡ. Còn các môn đệ thì không hiểu những lời tiên báo của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn, nhưng lại sợ không đám hỏi. Trong cuộc sống, khi chúng ta đối diện với những điều mới lạ, khó hiểu thì thường gây cho ta sự bỡ ngỡ, hoang mang và đôi lúc còn sợ hãi.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được hai điều đó “Bỡ ngỡ và không hiểu”. Bỡ ngỡ: khi Chúa đã thực hiện những phép lạ như hóa bánh ra nhiều, chữa các bệnh hoạn tật nguyền, ngồi ăn chung với người tội lỗi thì họ rất bở ngỡ vì chưa thấy ai làm như vậy. Tất cả việc làm đó nằm ngoài trí tưởng tượng của họ như về quyền năng, trí khôn và tình yêu thương của Chúa Giêsu vượt trên những điều tự nhiên của con người. Họ xác nhận về nội dung giáo lý và cách giảng dạy như Đấng có uy quyền, cả sóng biển cũng phải tuân theo và làm cho kẻ chết sống lại,… Do đó, những việc làm của Chúa Giêsu đã làm cho họ bỡ ngỡ.
Không hiểu: các môn đệ không hiểu vì các ông chưa tìm thấy ý nghĩa và câu trả lời còn là bí ẩn. Bởi thế, khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ nhất về con đường đau khổ Người bị nộp, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại thì Phêrô đã phản ứng một cách mạnh mẽ “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22). Trong bài Tin Mưng hôm nay, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ lần thứ hai về cuộc đau khổ như một lời nhắc nhở cho các đồ đệ xác quyết hơn con đường theo Chúa là con đường thập giá, hy sinh. Ngay cả Mẹ Maria cũng không hiểu được tất cả những điều mà Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời, nên Mẹ đã suy niệm và ghi dấu trong lòng.
Lạy Chúa, hành trình theo Chúa của chúng con hôm nay cũng giống như dân chúng và các môn đệ ngày xưa. Nhiều lúc chúng con cũng bỡ ngỡ và không hiểu điều chúng con tuyên xưng hàng ngày. Xin Chúa ban Thánh Thần hướng dẫn, giúp chúng con nhận ra đâu là thánh ý của Chúa và mau mắn thực hành như Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Amen.
CON ĐƯỜNG HY SINH CÓ DỄ DÀNG? (Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, hình ảnh các môn đệ không hiểu lời tiên báo về cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã gợi lên trong tôi những cảm nghiệm đức tin đáng nhớ.
Có nhiều giả thiết được đưa ra trước phản ứng của các môn đệ khi nghe lời tiên báo của Chúa Giêsu. Các ông không hiểu Lời Chúa vì các ông chịu ảnh hưởng quan niệm về Đấng Cứu Thế thời ấy như là một vĩ nhân oai phong theo kiểu vua chúa trần gian hoặc cũng có thể các ông khó chấp nhận một Đấng Cứu Thế mà bị nộp vào tay người đời.
Ngày nay, chúng ta cũng không dễ gì hiểu được Lời của Chúa cũng như Thánh ý của Ngài trong đời sống của chúng ta. Đặc biệt là khi chúng ta làm việc vì lòng mến Chúa nhưng lại gặp phải nhiều sự ác cảm và chống đối. Chúng ta thực sự không muốn mình phải đau khổ và chịu mất mát. Thế nhưng, đau khổ vẫn luôn xuất hiện xung quanh chúng ta và chúng ta chỉ có thể đón nhận nó cách dễ dàng bằng tất cả niềm yêu thương và hy sinh giống như Chúa.
Có nhiều khi tôi cũng thấy khó hiểu Lời Chúa cũng như thánh ý của Ngài trong đời sống ơn gọi của tôi. Có khi tôi còn nản chí vì hễ khi tôi thực thi ý Chúa, tôi lại phải chịu nhiều hy sinh, nhiều hiểu lầm và nhiều mất mát. Tuy nhiên, tôi biết chắc chắn rằng Chúa luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho tôi. Có trải qua nhiều hy sinh gian khó, tôi mới thấy mình thêm trân quý và nhận ra được những giá trị thiêng liêng trong đời sống ơn gọi.
Lạy Chúa, xin cho con luôn vững tin để con có thể nhận ra thánh ý của Chúa mà dấn thân cho sứ vụ bằng tất cả tình yêu và sự hy sinh. Amen.