Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 26 Thường Niên – Năm C

0
375

Bài Ðọc I: Am 6, 1a. 4-7

“Các ngươi đã mê đắm và ca hát, giờ đây các ngươi bị lưu đày.

Trích sách Tiên tri Amos.

Ðây Chúa toàn năng phán: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Ðavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

PHÚC HỌA KHÔN LƯỜNG

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa (c. 2a).

Xướng: 1) Chúa là Ðấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục; Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Tm 6, 11-16

“Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng. Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô, lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà đến thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra, Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy hay có thể xem thấy: (kính chúc) vinh dự và quyền năng cho Người muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 19-31

“Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

‘Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được’.

Người đó lại nói: ‘Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này’. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài’. Người đó thưa: ‘Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải’. Nhưng Abraham bảo người ấy: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

PHÚC HỌA KHÔN LƯỜNG

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta cái cảm giác người giàu có và tận hưởng sự giàu sang là một cái tội. Còn người nghèo khổ, khốn khó lại được phúc lành mai sau. Người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã làm gì nên tội để phải sa hỏa ngục? Anh chàng Ladarô đã lập được công phúc gì để được ngồi trong lòng tổ phụ Ápraham? Phải chăng giàu là một mối họa, và nghèo lại là một mối phúc? Cái tội của ông phú hộ ở chỗ nào? Và cái phúc của anh Ladarô ở đâu?

Trước hết, chúng ta thử xét xem đâu là cái thiếu sót, cái sai, cái tội của ông phú hộ. Thứ nhất, Tin Mừng cho biết ông phú hộ giàu có, ngoài ăn mặc “toàn lụa là gấm vóc”, còn “ngày ngày yến tiệc linh đình”. Yến tiệc linh đình là tiệc lớn; tiệc lớn mà tổ chức hằng ngày hẳn rất tốn kém, hoang phí. Ngày nào cũng ăn mặc tươm tất, tiệc tùng linh đình, ăn uống phủ phê, thì chắc ông này khó còn thời gian cho Chúa. Ông thấy cuộc sống ông đầy đủ, vui vẻ, thỏa thuê nên có lẽ chẳng cần đến Chúa. Ông vui thú tận hưởng cuộc sống sung túc trước mắt nên có lẽ chẳng mảy may nghĩ đến chuyện tương lai, chuyện sau cái chết, nhất là ông nghĩ mình chưa thể chết. Ông là chủ của một tài sản kếch xù, của một đám gia nhân đông đảo, nên ông không thể biết có một ông chủ khác lớn hơn ông, Đấng có thể lấy mạng ông. Vì coi mình là chủ, nên ông không sống trong thái độ sẵn sàng của đầy tớ trung tín chờ đợi chủ trở về bất cứ lúc nào. Ông không thể biết rằng một khi cuộc sống ở trần gian này kết thúc, thì sự giàu sang, xa hoa của ông không giúp ông thay đổi số phận đời ông vì mọi sự đã được định đoạt. Hơn nữa, ông thấy mình đang sống đúng, sống tốt, nên ông và anh em của ông không có lý do gì để sám hối, hoặc thấy chưa cần phải sám hối. Phải chăng họ ỷ mình giàu có nên tự cho mình cái đặc quyền không cần sám hối? Phải chăng họ đang bận rộn tận hưởng đống của cải mà quên hay chưa thấy cần sám hối?

Thứ hai, nếu Chúa là một Đấng quá xa xôi mà ông chưa từng nghĩ là ông cần tới Ngài; nếu số phận của con người sau cái chết còn là một tương lai mờ mịt và xa xôi mà ông chưa từng nghĩ tới, hoặc có sự chuẩn bị, nhất là khi ông còn thấy mình mạnh khỏe, vui vẻ tận hưởng cuộc sống, thì hẳn ông phải nhìn thấy hình ảnh vẫn hằng ngày đập vào mắt ông, ngay trước cổng nhà ông, hình ảnh một anh chàng nghèo khó, bệnh tật, đang lê lết, khốn khó, cùng cực, chỉ trông chờ được ăn những thứ dư thừa từ bàn rơi xuống mà thôi. Ông không có tội gì khi tận hưởng những thứ thuộc về ông, nhưng ông quá nhẫn tâm khi không mảy may động lòng, dù chỉ là một chút dư thừa từ các cuộc ăn chơi của ông, dành cho kẻ bất hạnh, đáng thương, hằng ngày vẫn ở ngay trước mắt ông, ngay trước cửa nhà ông; hay ông thấy mà không thương cảm, thấy mà cũng như không thấy. Dù ông biết rõ anh nhà nghèo, biết cả tên Ladarô của anh, nhưng ông vẫn làm ngơ trước số phận bi đát của anh. Điều mỉa mai là khi ông đang vui vẻ, sung sướng thì ông không hề biết thương xót trước cảnh khổ đau của Ladarô, nhưng khi bị khốn khó, ông lại xin tổ phụ Ápraham xót thương sai anh Ladarô nhúng ngón tay vào nước để làm mát lưỡi ông. Thật là, Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Trái lại, chúng ta tự hỏi: anh Ladarô đã lập được công phúc gì, để được đưa thẳng vào ngồi trong lòng Ápraham? Tin Mừng chỉ nhắc đến lời của tổ phụ Ápraham nói với ông phú hộ: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc 16,25). Xem ra lý lẽ của tổ phụ Ápraham chỉ đơn giản là: vì anh Ladarô đã “suốt một đời chịu toàn những bất hạnh”, nên giờ “được an ủi nơi đây”. Có vẻ như anh sinh ra đã không được phần phước như ông phú hộ, và anh đã không thể thay đổi phận nghèo của mình, hoặc không muốn thay đổi bằng mọi giá, nhưng đón nhận trong sự phó thác vào Thiên Chúa. Tên Ladarô có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi”, hay “Thiên Chúa của tôi là Đấng phù trợ”. Đối với anh, Thiên Chúa mới là Đấng phù trợ, Đấng anh trao phó trọn vẹn con người và cuộc sống của anh với tất cả niềm tin và phó thác.

Hơn nữa, ngoài việc chấp nhận sống cảnh nghèo túng, bệnh tật về thể xác, anh còn bị người ta xa lánh, ghét bỏ, loại trừ. Hình ảnh mấy con chó, một loài vật bị xem là không thanh sạch trong Kinh Thánh (Xh 22,30; 1 V 21,19,24; Mt 15,26-27; Mc 7,27-28), đến liếm ghẻ chốc, cho thấy sự ghét bỏ và ghê tởm mà anh phải chịu trong xã hội. Anh thuộc vào số những người nghèo trong Tin Mừng, những người không tìm được chỗ nương tựa nào khác ngoài Thiên Chúa. Họ không có gì cả; họ bị coi thường, xa lánh và loại trừ. Họ chỉ biết tìm nguồn an ủi nơi Chúa là Đấng không bỏ rơi, không hất hủi, xa lánh họ. Họ được ưu tiên đón nhận sứ điệp Tin Mừng của lòng xót thương. Cái phúc của họ không phải vì đã làm được điều gì lớn lao, hay lập được công phúc đáng kể nào, mà là biết đặt trọn niềm tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hình ảnh ông phú hộ và anh Ladarô là một thực tế cụ thể của mối phúc và mối họa mà tác giả Luca đã từng đề cập đến: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng … Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói” (Lc 6,20-21.24-25). Cái phúc và cái họa theo tiêu chuẩn của Nước Trời vừa là một thách đố cho xã hội tiêu thụ, hưởng thụ, mà cũng lắm bất công, và vì bất nhân mà bất chấp thủ đoạn, vừa là một lời gọi mời cho những tâm hồn nhạy cảm với tình Chúa và tình người, như Mẹ Têrêxa Calcutta mà Giáo Hội tôn phong hiển thánh gần đây.

Tuy nhiên, chúng ta không thấy một chi tiết nào trong dụ ngôn này khẳng định rằng cứ sống số phận rách nát, nghèo khổ, cứ chịu đựng thiếu thốn, rồi mai kia khi chết sẽ được trọng thưởng. Chúng ta cũng không thấy chi tiết nào trong dụ ngôn khuyên người giàu hãy từ bỏ sự giàu sang, sung túc, xa hoa để sau này chết khỏi bị phạt hỏa ngục. Như thế, số phận người nghèo hèn, túng quẫn tự nó không đương nhiên dành cho những người sẽ được chúc phúc, được ân thưởng ở đời sau; cũng vậy, những người giàu có ở đời này không có nghĩa là họ sẽ chắc chắn bị phạt nơi chốn hỏa ngục ở đời sau. Trái lại, trong thực tế cuộc sống, có nhiều công trình công ích của xã hội, của Giáo Hội, giáo xứ, nếu không có sự quảng đại đóng góp của những mạnh thường quân, vừa có của, vừa có lòng thì khó mà thực hiện được. Đồng thời cũng có những người tuy nghèo, nhưng không hèn, dù khó khăn vẫn sống ngay thẳng, trung thực; nghèo nhưng không tham lam, không ích kỷ, không tìm cách thu vén; nghèo nhưng lòng không nghèo. Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện cách đây không lâu về một chị bán vé số nghèo trả lại tờ vé số cho người mua chịu, dù đó là tờ vé số trúng hơn cả tỷ đồng.

Như thế, tự thân sự giàu có không phải là một cái tội, cũng như không thể nói nghèo hèn đương nhiên là một phúc lành. Phúc hay họa là do cách sống với Chúa và tha nhân, dù giàu sang hay nghèo hèn. Thánh Luca không đưa ra lời kết tội đối với ông nhà giàu; nhìn vào kết cục của đời ông, thánh Luca hẳn muốn phê phán sự vô tình đến độ vô tâm, vô cảm trước nỗi khổ đau, thiếu thốn của người đồng loại đang ở bên cạnh, ở gần, rất gần. Ai trong chúng ta đã hoặc sẽ có thể gặp một tình huống tương tự, trong đó chúng ta gặp thấy những người kém may mắn hơn chúng ta, đang cần đến sự trợ giúp của chúng ta, liệu chúng ta có giống ông nhà giàu: bỏ qua coi như không thấy? Sự sẻ chia đôi khi không hẳn được tính bằng số lượng, nhưng được đo đếm bằng tấm lòng, tấm lòng thương cảm. Phải chăng có lúc chúng ta đang phung phí những thứ mà người khác đang mong mỏi có được? Sau nữa, lời mời gọi sám hối của Tin Mừng gởi đến tất cả mọi người dù là giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, sang hay hèn, già hay trẻ. Thiên Chúa biết con người vốn yếu đuối, tội lỗi và sẵn sàng thứ tha, miễn là con người biết nhận ra những sai trái của mình mà ăn năn sám hối.

Bài học của ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay là lời nhắc nhở cho mỗi người trong chúng ta. Xin cho chúng ta biết tận dụng thời gian hiện tại Chúa ban cho để biết dành sự quan tâm, lòng thương cảm, tinh thần công bình bác ái, đặc biệt cho những người kém may mắn hơn chúng ta, những người đang ở gần bên chúng ta. Và xin cho chúng ta biết nhận ra những yếu đuối, tội lỗi của bản thân mà ăn năn sám hối để không phải hối tiếc khi không còn cơ hội để thay đổi.

 

 

 

 

Bài trướcTGP Sài Gòn: Khai mạc Tuần lễ Di dân 2019
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXVI – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.