ĐƯỜNG TIẾP CẬN NIỀM VUI (12/12, CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – C)

0
257
Photo: pocketsense.com

Các bài đọc: Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18

Tin mừng: Lc 3, 10-18

10 Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?”

11 Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. 12 Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?”

13 Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. 14 Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”

Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. 15 Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?”

16 Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa.

17 Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” 18 Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

BÀI GIẢNG

ĐƯỜNG TIẾP CẬN NIỀM VUI ( Lm. FX. Nguyễn Văn Phú, SVD)

Tôi cần phải làm gì? – một câu hỏi rất quen thuộc – xuất hiện trong suy nghĩ hay được phát ra từ miệng ta mỗi ngày. Tôi cần phải làm gì để sống một ngày ý nghĩa, hầu mang lại những giá trị tích cực cho bản thân, cho tha nhân và cho cuộc đời? Tôi cần phải làm gì để vượt qua những khó khăn và thách đố mà tôi đang phải đối diện? Tôi cần phải làm gì để học hành hay làm việc có hiệu quả, tạo tiền đề cho thành công đang chờ đón phía trước? Tôi cần phải làm gì để sống đúng với nhân phẩm, với vai trò và chức năng, với ơn gọi và sứ vụ của mình? Người Do Thái trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng đã tới ông Gioan để được tư vấn là họ cần phải làm gì.

Gaudete (hãy vui lên!) là lời mời gọi của thánh Phaolô trong bài đọc hai, và cũng là tên gọi của Chúa Nhật hôm nay. Ai cũng biết, sống vui chính là ước nguyện căn bản của con người. Ai cũng muốn sống vui bởi nó mang lại cho con người cảm giác dễ chịu, là nền tảng và là bệ phóng cho việc sống khỏe và sống thọ hơn, cho sự thăng tiến và thành đạt, cho việc xây dựng và nuôi dưỡng các mối tương quan chất lượng… Những yếu tố này giữ con người vững bước trên hành trình đi tới một cuộc sống viên mãn. Đối với các Kitô hữu, đó là một cuộc sống hiệp thông và hiệp nhất với Chúa. Nhưng làm sao để ta có thể sống vui? Ta cần phải làm gì?

Một chút thấu hiểu bản thân: Karl Jasper, triết gia hiện đại người Đức, cho rằng: để có được câu trả lời cho câu hỏi “tôi cần phải làm gì?”, đương sự cần xác định được mục đích tối thượng của bản thân và những phương cách để đạt được mục đích tối thượng đó.[1]

Đây có thể gọi là một công thức ngắn gọn và dễ hiểu mở đường cho con người đi vào một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, vế đầu của “công thức” này cần được bổ sung, một yếu tố rất căn bản và quan trọng, đó chính là sự biết mình. Con người ta không thể xác định cho mình một mục đích tối thượng nào đó, rồi tìm ra những phương cách cần thiết là có thể thực hiện được mà không cần hỏi tôi là ai, khả năng của tôi như thế nào? Một người không có một giọng hát đủ hay và đôi tai đủ thính để cảm nhận cái hay cái đẹp của âm nhạc thì không thể trở thành ca sĩ cho dù người đó có ước mơ cháy bỏng làm ca sĩ và dành nhiều tâm huyết cho việc đó. Một người có vấn đề ở tim không thể trở thành vận động viên thể thao chuyên nghiệp, một nghề luôn đòi hỏi hoạt động ở cường độ cao. Quả thật, thấu hiểu bản thân là điều tối quan trọng trên hành trình đi đến những ước mơ. Chính sự biết mình sẽ giúp con người nhìn ra được mặt mạnh mặt yếu của bản thân, biết khôn ngoan chọn lựa “mục đích tối thượng” của chính mình và những phương cách kèm theo một cách phù hợp.

“Thấu hiểu bản thân” nghe thật đơn giản nhưng lộ trình tiếp cận nó chưa bao giờ dễ dàng. Các yếu tố cấu thành cơ thể với những thông số làm ngạc nhiên đến khó tin, sự vận hành và tương tác tinh vi giữa các bộ phận, các biểu hiện của cảm xúc và nguyên do, lương tâm hay cảm thức về siêu việt thể…, tất cả như muốn nói lên rằng con người với tất cả những gì thuộc về nó là một huyền nhiệm. Thật vậy, tự thân, con người không thể “thấu hiểu bản thân”, trừ khi họ có sự quyết tâm đủ lớn, được hướng dẫn bởi những người có khả năng và nhất là được soi sáng bởi Thần Khí.

“Thấu hiểu bản thân” là khởi điểm để con người hướng bản thân đi vào tiến trình đạt tới nhân tính đầy tràn, nghĩa là ý thức về sự độc đáo của riêng mình ngang qua vị thế, tài năng, khát vọng, lòng say mê huyền nhiệm của sự sống, yêu mến cái đẹp, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm, sự thiện chí trong việc đào sâu các mối tương quan với tha nhân và Đấng Siêu Việt.[2] Những người Do Thái đến với ông Gioan và mong muốn được tư vấn với câu hỏi “chúng tôi phải làm gì” chắc là không ngoài mục đích ý thức hơn về bản thân và hướng bản thân đạt tới tình trạng nhân tính đầy tràn.

Một chút tâm tình biết ơn: “Thấu hiểu bản thân” sẽ nảy sinh trong nội tại con người sự ý thức về niềm hãnh diện bản thân. Nói cách khác, việc khám phá bản thân giúp con người mở tầm mắt để nhìn thấy kho tàng ân huệ kì diệu mà bản thân được đón nhận: sự sống, tình yêu cũng như tầm ảnh hưởng mà mình có thể tạo nên trong thế giới và lịch sử. Kho tàng ân huệ đó còn kì diệu hơn khi con người cảm nhận được tất cả những gì tôi làtôi có đều xuất phát từ con tim đầy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Augustinô, trong giây phút cảm nghiệm sâu sắc điều này đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con cách lạ lùng, nhưng Chúa cứu độ chúng con cách lạ lùng hơn nữa.” Đó cũng là tâm tình của Đức Maria khi chiêm ngắm những điều lớn lao mà Thiên Chúa đã làm nơi cuộc đời Mẹ. Mẹ hớn hở vui mừng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả (x. Lc 1,46-55).

Thiên Chúa, qua miệng các ngôn sứ, luôn khích lệ dân Người nhìn lại chặng đường họ đã đi qua cũng như những gì họ đang có, qua đó khám phá ra bàn tay uy quyền và yêu thương của Người đã, đang và sẽ thực hiện những điều kì diệu để họ hân hoan, tạ ơn và phó thác. Lời kêu mời của ngôn sứ Xôphônia trong bài đọc thứ nhất hôm nay như là một lời khuyên điển hình cần một sự đáp trả chân thành từ dân của Chúa: Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn… Vì Chúa là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, Đấng cứu thoát ngươi, hân hoan vui mừng vì ngươi và cảm động yêu thương ngươi.

Một chút dấn thân: Hạnh phúc đích thực của con người được nảy nở và thăng hoa qua các mối tương quan chất lượng mà ở đó tình yêu thương được lưu chuyển qua lại. Con người tự bản chất thích nhận vì họ nghĩ rằng sở hữu lắm đồng nghĩa với hạnh phúc nhiều. Nhưng thứ hạnh phúc gắn chặt với những gì chóng qua sẽ không thật, chỉ hào nhoáng bên ngoài và dễ tan biến theo năm tháng. Quả thật, niềm vui sâu thẳm và bền vững hệ tại nhiều hơn ở sự trao ban. Chính Đức Giêsu qua lời của thánh Phaolô đã dạy: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Thiên Chúa – suối nguồn hạnh phúc đã trao ban sự sống cho con người qua sự sáng tạo, đã cứu chuộc con người qua công trình cứu độ, nhất là hiến tế của Chúa Con trên thập giá. Một sự trao ban trọn vẹn! Thầy sao trò phải vậy. Tinh thần trao ban trở nên điều kiện không thể thiếu đối với ai muốn trở thành môn đệ Chúa. Họ phải biết chia sẻ những gì mình có cho người kém may mắn, thậm chí là “bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó” (Mc 10,21); là phải biết rửa chân cho nhau (x. Ga 13,12-17); và “trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22).

Tạm kết: Tin vào Đức Giêsu Kitô là chọn một lối sống gắn chặt với Ngài, là đi con đường Ngài đã đi và dám dấn thân chính mình như Ngài đã thực hiện. Mỗi người được Chúa chọn vào những vai trò và sứ vụ riêng phù hợp với đặc sủng được trao ban. Sống và thi hành những gì mình được trao phó với tất cả thiện chí, niềm vui ắt sẽ trổ sinh và lớn lên. Ông Gioan đã không để sự “nổi tiếng” xóa mờ trong ông sự ý thức về chính mình. Ông biết việc ông được sinh ra, được gặp Chúa, được trao ban sứ vụ là ân huệ to lớn. Ông đáp trả ân huệ đó bằng cách thi hành sứ vụ “làm chứng cho ánh sáng” (Ga 1,7) với tất cả con tim. Ông vui sướng chứng kiến “Thiên Chúa cứu chuộc dân Người”. Bởi đó, ông trở thành chuẩn mực cho cho tất cả những ai muốn đạt tới niềm vui đích thực.

Chú thích:

[1] X. Karl Jaspers, Einfuehrung in die Philosophie, Muenchen 1971, tr. 44

[2] Michael D. Moga, Những Câu Hỏi Khôn Cùng, dịch giả Lê Đình Trị, nxb Đồng Nai 2018, tr. 220-228.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Lc 3,10-18)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (12/12, Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – C)