CON CÁI THIÊN CHÚA (Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi)

0
568

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Các bài đọc: Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Bài giảng

Theo lời Phaolô, nơi nào con người để cho sức mạnh của Thần Khí hoạt động trong đời mình, ở đó họ trở nên “Con cái Thiên Chúa”. Thần Khí Chúa luôn hành động theo những phương cách đầy ngạc nhiên: có khi theo những lối quen bình thường, rồi có lúc ngược lại các quy luật và truyền thống. Khi đó, người nghèo bỗng dưng tràn đầy hy vọng và người giàu có thể trở về tay không, hòa bình trở thành thực tế và nhân phẩm nhân quyền không còn là khẩu hiệu trên giấy trên môi miệng.Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đến Châu Âu – cùng với bức thư mà vị Tông đồ dân ngoại viết từ Côrintô cho các tín hữu đầu tiên tại Rôma. Phaolô viết đầy phấn chấn để động viên và nhắc nhở những con người xa lạ đón nhận Tin Mừng, và kể tiếp cho người khác điều họ nghe. Ngài có thể gặp gỡ những người chưa quen qua phương tiện truyền thông này, vì cả hai bên đứng trên cùng một “nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 3,11). Đoạn ngắn được chọn làm bài đọc cho Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi hôm nay (Rm 8,14-17) mô tả sự liên hệ giữa mầu nhiệm, mà sách Giáo Lý Công Giáo gọi là “trọng tâm của đức tin” với đời sống hằng ngày của các tín hữu.

Thần Khí tự do thúc đẩy, gợi ý, nối kết những con người không có chung nguồn gốc, màu da, ngôn ngữ, tuổi tác, học vấn. Bởi vì Thiên Chúa yêu thương tất cả con cái của Người. Vì mọi người là con cái của Thiên Chúa.

Áp-ba! Cha ơi!

“Con cái Thiên Chúa” là một khái niệm cơ bản của niềm tin, mô tả căn tính mới của con người cách tuyệt vời nhất. Gọi Thiên Chúa là “Áp-ba” nói lên sự thân mật, sự thuộc về và lòng tôn kính của người con với Cha mình. Tương quan với Thiên Chúa tỏ hiện một cách rất mới lạ qua đó. Phaolô phác họa một hình ảnh thật đẹp cho sự gần gũi thân thiết nhất có thể giữa Thiên Chúa và con người.

“Con cái Thiên Chúa” nhắc rằng tôi đón nhận sự sống của mình từ Thần Khí. Bởi không có “hơi thở” (ruach) của Thiên Chúa tôi không thể tự làm gì được. Và cách tôi nhìn mình và nhìn người khác cũng được mở ra. Vì nói rằng chúng ta là “Con cái Thiên Chúa” nghĩa là chúng ta rất đặc biệt, bởi được Chúa coi trọng. Đấng-Toàn-Năng không muốn con cái Người trở nên những con rối hay những nô lệ. Thiên Chúa muốn gặp gỡ chúng ta trong tư thế của những người con: đứng thẳng ngẩng cao đầu với một sự tự tin mới. Thêm vào đó, là “Con cái Thiên Chúa” thì không định nghĩa mình bằng các giá trị mang tính “xác thịt”, theo cách nói của Phaolô. Chúng ta chờ đợi ở cuộc sống nhiều hơn là những gì xác thịt đòi hỏi và ước mong.

Thần Khí mở lối để con người có thể thưa chuyện được với Thiên Chúa trong một tương quan khó tin: như con với Cha! Từ kinh nghiệm giữa con người chúng ta biết rằng: để quen nhau và hiểu nhau hơn thì thăm viếng đều đặn và bàn bạc chia sẻ chân thành là những điều không thể thiếu. Tương quan với Thiên Chúa là Cha cũng không khác. Mọi hoàn cảnh cuộc đời và mọi cảm nghĩ đều là đề tài của các cuộc chuyện trò thân mật đó. Nói với Cha hằng ngày là ân sủng và nhiệm vụ, mà hầu hết người Kitô hữu Việt đều thực hành với những cường độ khác nhau.

Phân định Thần Khí

Phaolô nói đến hai loại Thần khí khác nhau, đối nghịch nhau: Thần khí con cái và Thần khí nô lệ. Thực tế này đòi hỏi nơi tôi khả năng phân định. Kinh nghiệm đời sống thiêng liêng cho thấy: cần đều đặn suy soi cuộc đời trước Thiên Chúa, hay xét mình theo cách nói truyền thống, thì mới có thể giữ được tình trạng tỉnh táo cần thiết. Nếu không, cám dỗ quyền lực âm thầm lấn át với hậu quả là biến con người trở nên nô lệ cho những phương tiện trước đó phục vụ họ. Để rồi những kẻ giải phóng phản bội lí tưởng, không còn muốn trao tự do cho người được giải phóng. Nguyên do nằm ở sự chủ quan coi thường hay chối bỏ mặt sau của phương tiện quyền lực, hoặc vì chủ ý duy trì trình trạng bất cân cho những lợi ích riêng.

Cách họat động của thần khí nô lệ được Phaolô nhắc đến khi ngài căn dặn các tín hữu tại Rôma: Nó gieo sợ hãi – nhân danh Chúa, một chủ nghĩa, một lãnh tụ được thần thánh hóa hay một nhóm người. Thần này phân chia con người thành nhiều giai cấp, và con người ở bậc dưới buộc vâng phục thành phần được cho là ưu việt hơn. Sợ hãi được duy trì để kiểm soát người khác bằng nhiều phương cách; các quyền lợi tự nhiên của con người bị phủ nhận hay cắt xén. Bên cạnh bạo lực thì gian dối là phương tiện chính của thần khí nô lệ. Nhờ đó, nó dẫn người khác vào bẫy như con rắn trong vườn địa đàng; cũng để biện mình và duy trì các cơ cấu và hoạt động của nó.

“Con cái Thiên Chúa” có nghĩa là “Con người của tự do, của sự thật”. Chính Thiên Chúa đã dùng Đấng-là-sự-thật để giải thoát, và đã chuộc lại chúng ta từ tình trạng nô lệ cho tội lỗi bằng chính máu Ngài. Chúng ta được cứu thoát khỏi các “thần khí nô lệ” gây sợ hãi, muốn giam hãm con người trong “thiên đàng trần gian” của chúng. Thiên Chúa là tự do và ban phát tự do. Đó là ân sủng to lớn mà con cái Thiên Chúa cần ý thức, bảo vệ và thực hiện.

Đau khổ, vinh quang, thừa tự với Đức Kitô

Thần Khí được cảm nhận nơi sự khát khao tìm liên hệ với Thiên Chúa, muốn được làm con. Khát khao này êm nhẹ như gió thoảng, nhưng có lúc rực cháy như lưỡi lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần. Ai tin và tuyên xưng rằng Thiên Chúa đã giải thoát mình nhờ Đấng-là-sự-thật thì đón nhận Thần Khí để trở thành con cái Người. Và Thần Khí thúc đẩy người tín hữu bước đi con đường Giêsu, bởi cùng là anh chị em với Trưởng Tử. Các cuộc hầu chuyện của chúng ta với Áp-ba đều dẫn đến cao điểm, nơi đó mọi “Con cái Thiên Chúa” đặt ý mình vào trong Ý Cha như người Anh Cả: Xin cho Ý Cha được thực hiện (Mt 26,42).

Thiên Chúa yêu thương tất cả con cái của Người, nên tôi cần học chấp nhận các anh chị em khác trong cộng đoàn, dù tôi không thực sự có cảm tình với họ. Tôi cần học nhìn nhận tôi và họ trong sự duy nhất và vì vậy khác biệt. Bạn bè người ta chọn lấy, còn anh chị em trong nhà Chúa thì được “ban cho” (Ga 17,6). Nghĩa là nhìn nhận người Anh Cả Giêsu và vô số anh chị em không giống tôi ở khắp mọi nơi trên địa cầu này. Tất cả đều được Thần Khí thúc đẩy sống như người Anh Cả, để tôn vinh Thiên Chúa là Cha. Chung chia niềm vui của một đại gia đình, trong đó không ai giống ai và dù vậy tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương. “Con cái Thiên Chúa” đi cùng con đường của Đức Giêsu, người Anh Cả, và cùng thừa kế với Ngài – nghĩa là trở nên con trọn nghĩa.

 

Bài trướcNgày 29/05: ƠN QUẢNG ĐẠI VÀ THA THỨ
Bài tiếp theoNgày 30/05: HIỂU VÀ SỐNG LỜI CHÚA