CHÂN DUNG CÁC NGÔN SỨ (4/7, Chúa Nhật XIV TN- B)

0
729

Các bài đọc: Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6

Tin Mừng: Mc 6,1-6

Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày Sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. […].

Chia sẻ của Tu sĩ Nguyễn Trung Tâm, SVD

Khi nghe bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ nhiều người sẽ rất ấn tượng nhưng cũng khá ngạc nhiên vì câu nói của Đức Giêsu: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4).

Qua câu nói đó làm chúng ta liên tưởng đến câu thành ngữ: “Bụt nhà không thiêng”. Vâng, sứ vụ ngôn sứ là thế đó! Sẽ bị chống đối, gặp rất nhiều khó khăn và giết chết. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh nào đó mà thôi. Chúng ta sẽ thấy chân dung về các ngôn sứ toàn diện và đẹp hơn nhiều khi tìm hiểu các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

Bài đọc thứ nhất trích trong sách ngôn sứ Êdêkien nói về cuộc lưu đày của dân Ítraen ở Babylon. Ngôn sứ Êdêkien đã được Đức Chúa chọn và sai đến với con cái nhà Ítraen để làm ngôn sứ cho Người. Đức Chúa muốn cho dân biết rằng có ngôn sứ ở với họ: “Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (Ed 2,5). Như vậy, Đức Chúa không bỏ dân, Đức Chúa vẫn hiện diện giữa dân, ở nơi đất khách quê người qua trung gian là các ngôn sứ. Ngoài ra, lời sai phái của Đức Chúa một cách nào đó cho thấy sứ vụ của vị ngôn sứ sẽ gặp ít nhiều những khó khăn, những chống đối vì phải đối diện với một dân cứng đầu cứng cổ.

Trở lại bài Tin Mừng, chúng ta thấy được Đức Giêsu thất bại trong sứ vụ ngôn sứ ngay tại chính quê hương của Người khi phải đối diện với một dân lòng chai dạ đá. Sau khi nghe Người giảng dạy, dân chúng phản ứng rất mãnh liệt và mâu thuẫn: một đàng họ vừa thừa nhận Đức Giêsu là Đấng khôn ngoan trong lời nói và việc làm, đàng khác họ lại đi tìm nguyên do bởi “đâu ông Giêsu được như thế” thì họ lại bị vấp ngã và không tin. Họ vấp ngã và không thể đi xa hơn để thấy nguồn gốc của Đức Giêsu là từ Thiên Chúa. Họ chỉ nhìn Ngài ở cặp mắt thể lý, chỉ thấy ngài là con bác thợ mộc chất phác nghèo khó, con bà Maria đơn sơ, giản dị, và anh chị em của Người cũng chỉ là bà con lối xóm với họ không hơn không kém.

Trong bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã phải thú nhận những khó khăn và những yếu đuối của ngài khi thi hành sứ vụ ngôn sứ, nào là bị xỉ nhục, bắt bớ… Tuy nhiên dù như thế nào đi chăng nữa, thánh nhân luôn tin tưởng vào Lời Chúa nói với ngài: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9). Chính vì lẽ đó mà ngài hăng say thi hành sứ vụ. Hơn thế nữa, ngài còn cảm thấy vui sướng khi bị đau khổ vì Chúa Kitô.

Như thế, các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được ba hình ảnh về người ngôn sứ từ ba khía cạnh khác nhau.

Bài đọc thứ nhất diễn tả ngôn sứ Êdêkien là đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người và hiện diện giữa con người; ở bài đọc hai thì thánh Phaolô thể hiện được niềm tin của mình trong khi thi hành sứ vụ dù phải trải qua khó khăn nhưng ngài vẫn một lòng tin tưởng phó thác. Và bài Tin Mừng, nói đến một ngôn sứ không được chấp nhận tại quê hương của mình.

Ba hình ảnh đó nói lên ba nét đặc trưng trong chân dung của mọi ngôn sứ nói chung. Nét đặc trưng mà chúng ta thấy nơi ngôn sứ Êdêkien cũng như tất cả ngôn sứ trong Cựu Ước. Đó là những nét đặc trưng mà chúng ta thấy rõ nhất nơi Chúa Giêsu, ngôn sứ của mọi ngôn sứ. Đức Giêsu chính là Đấng Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Bộ phim có tựa đề “Người của Chúa và tha nhân” được xuất bản vào năm 1933 với nội dung kể về những câu chuyện thật của các đan sĩ Dòng Xitô.

Dòng Xitô ở Pháp, có 9 đan sĩ dòng đã đến sống giữa những anh em Hồi Giáo tại Tibhirine, Algeria. Ở đó, có một nhóm người Hồi Giáo cực đoan luôn tìm cách sát hại những người lao động ngoại quốc nên nỗi lo sợ đã bao trùm cả vùng đó, và nhóm khủng bố cũng đã đến chính đan viện đe doạ. Nhiều người dân đã bỏ đi nơi khác sinh sống và nhằm mục đích bảo toàn mạng sống, chính quyền cũng khuyên các đan sĩ hãy trở về Pháp hay đến một đan viện khác. Lúc đầu có một số đan sĩ định ra đi nhưng rồi tất cả đã quyết định ở lại. Cuối bộ phim, nhóm khủng bố đã đến đan viện bắt các đan sĩ để làm con tin. Bảy đan sĩ bị bắt và bị giết chết, có hai đan sĩ thoát trong vụ việc đó. Bộ phim cho thấy các đan sĩ đúng là những chứng nhân trung thành của Chúa. Trước những đe doạ, các đan sĩ có được sức mạnh để quyết định ở lại là nhờ ơn Chúa qua những lời cầu nguyện liên lỉ của các ngài. Các đan sĩ quyết định ở lại là muốn làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, như lời của một đan sĩ đã thốt lên rằng: “chúng ta phải để cho Thiên Chúa đến ngự giữa nơi này, nơi mọi người, dù đó là bạn hay thù”.

Nói đến đây, ắt hẳn ai cũng thấy chân dung các ngôn sứ thật là đẹp biết bao, thật vĩ đại dường nào. Không dừng lại ở những tâm tình đó, Lời Chúa còn muốn chúng ta đi xa hơn khi muốn mời gọi, muốn chất vấn chúng ta ý thức lại sứ vụ ngôn sứ của chính mỗi người trong chúng ta hôm nay. Sứ vụ ngôn sứ không phải chỉ dành riêng cho những người sống trong bậc tu trì nhưng đó cũng là sứ vụ của mỗi Kitô hữu. Nhờ Bí tích Thánh Tẩy các Kitô hữu được tham dự vào chức vụ ngôn sứ của chứng tá của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa muốn hiện diện trong các xóm làng, phố phường qua đời sống gương mẫu của mỗi người chúng ta. Hơn hết, Thiên Chúa muốn hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách qua sứ vụ chứng tá của chúng ta trong mọi hoạt động của đời sống thường ngày. Đó cũng là cơ hội để chúng ta tự vấn lại chính mình, chúng ta thể hiện khuôn mặt của Thiên Chúa như thế nào qua đời sống của chính mình? Làm ngôn sứ cho Chúa không phải là việc đơn giản. Chính Chúa Giêsu đã từng bị hiểu lầm, chống đối và bị lên án. Làm chứng cho Chúa, ắt hẳn chúng ta cũng sẽ phải chịu như thế! Tuy nhiên, những khó khăn, thử thách của người Kitô hữu ngày nay không phải là cảnh đầu rơi, máu chảy, hay những bắt bớ, nhưng là những hành động dám nói lên sự thật, những hành động thiết thực trong cuộc sống thường nhật. Chẳng hạn, khi đi ăn giữa những người không cùng tôn giáo, liệu chúng ta có cảm thấy ngại ngùng khi phải làm dấu thánh hoá bữa ăn không? Chúng ta có cảm thấy như bị mặc cảm khi phải ghi vào những giấy tờ, lý lịch là chúng ta là người Công Giáo không?

Trong những lúc khó khăn như thế, chúng ta học được nơi thánh Phaolô lòng cậy trông vào Thiên Chúa. Sức mạnh để chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách trong đời sống sứ vụ, đồng thời hân hoan trong đời sống chứng tá cho Chúa. Một lòng trông cậy tín thác nơi Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta sống tốt đời sống sứ vụ và cũng nhờ ơn Chúa chúng ta chu toàn sứ vụ trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể can đảm và hân hoan làm chứng cho Tin Mừng của Chúa, dù có gặp bất cứ khó khăn thử thách nào trong đời sống chứng tá cho Tin Mừng của Chúa. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIV TN B (Mc 6,1-6)
Bài tiếp theoPhát hằng ngày Audio 5 phút cầu nguyện với Chúa Thánh Thần