Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIV TN B (Mc 6,1-6)

0
633

KINH NGẠC VÌ SỰ KHÔNG TIN

 Bản văn Mc 6,1-6a

Chú giải của linh mục Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

Hy Lạp Việt
Καὶ ἐξῆλθεν ἐκεῖθεν καὶ ἔρχεται εἰς τὴν πατρίδα αὐτοῦ, καὶ ἀκολουθοῦσιν αὐτῷ οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ.

 καὶ γενομένου σαββάτου ἤρξατο διδάσκειν ἐν τῇ συναγωγῇ, καὶ πολλοὶ ἀκούοντες ἐξεπλήσσοντο λέγοντες· πόθεν τούτῳ ταῦτα, καὶ τίς ἡ σοφία ἡ δοθεῖσα τούτῳ, καὶ αἱ δυνάμεις τοιαῦται διὰ τῶν χειρῶν αὐτοῦ γινόμεναι;

 οὐχ οὗτός ἐστιν ὁ τέκτων, ὁ υἱὸς τῆς Μαρίας καὶ ἀδελφὸς Ἰακώβου καὶ Ἰωσῆτος καὶ Ἰούδα καὶ Σίμωνος; καὶ οὐκ εἰσὶν αἱ ἀδελφαὶ αὐτοῦ ὧδε πρὸς ἡμᾶς; καὶ ἐσκανδαλίζοντο ἐν αὐτῷ.

 καὶ ἔλεγεν αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς ὅτι οὐκ ἔστιν προφήτης ἄτιμος εἰ μὴ ἐν τῇ πατρίδι αὐτοῦ καὶ ἐν τοῖς συγγενεῦσιν αὐτοῦ καὶ ἐν τῇ οἰκίᾳ αὐτοῦ.

 καὶ οὐκ ἐδύνατο ἐκεῖ ποιῆσαι οὐδεμίαν δύναμιν, εἰ μὴ ὀλίγοις ἀρρώστοις ἐπιθεὶς τὰς χεῖρας ἐθεράπευσεν.

 καὶ ἐθαύμαζεν διὰ τὴν ἀπιστίαν αὐτῶν. (Mk. 6:1-6a BGT)

1 và Người đi khỏi đó và đi vào quê nhà của Người và các môn đệ của Người đi theo Người.

2 vào ngày Sa-bát Người bắt đầu giảng dạy trong các hội đường và nhiều người nghe kinh ngạc nói rằng: “từ đâu những điều này cho anh ta, và làm thế nào sự thông thái được ban cho anh ta và những phép lạ như thế được làm bởi tay anh ta?

3 anh ta không phải là người thợ mộc con của bà Maria và anh em của Gia-cô-bê va Giô-xết và Giu-đa và Si-môn? Và những chị em của anh ta không phải ở đây với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người.

4 Đức Giê-su nói cùng họ rằng ngôn sứ không bị coi khinh ngoại trừ ở trong quê nhà của anh ấy và trong những người bà con thân thuộc và trong nhà của anh ấy.

5 và Người không thể làm bất kỳ một phép lạ nào khác ngoại trừ đặt tay chữa lành một vài bệnh nhân

6 và Người ngạc nhiên vì sự không tin của họ.

 

Bối cảnh bản văn

Đoạn văn Mc 6,1-6 nằm ngay sau đoạn văn kể về hai phép lạ lồng vào nhau: (1) Phép lạ chữa người phụ nữ bị băng huyết 12 năm (5,22-34); (2) Phép lạ phục sinh con gái ông Giai-i-rô 12 tuổi (5,21-24.35-43). Nếu như hai phép lạ trước đó có điểm sáng là đức tin của cả hai nhân vật chính, nhất là của người phụ nữ bị bệnh băng huyết, thì những phép lạ nói đến trong trình thuật này trở thành cớ vấp phạm và sự không tin của những người đồng hương. Chủ đề về “đức tin” tiếp tục được nhấn mạnh. Hơn nữa, khung cảnh hội đường, nối kết cả hai trình thuật. Trình thuật trước đó đề cập đến nhân vật ông trưởng hội đường, còn trình thuật này dùng không gian là hội đường. Nhân vật của câu chuyện trước là những người đồng hương Do Thái nói chung, trong khi các nhân vật của câu chuyện này là những người ở quê nhà của Đức Giê-su trong đó có bà con, thân thuộc, họ hàng. Nhóm trước dù xa lạ nhưng lại tin cách kỳ lạ vào Đức Giê-su, nhóm sau dù gần gũi nhưng lại vấp ngã vì không tin vào Người, thật là lạ kỳ. Chủ đề “đặt tay chữa lành” (6,5) đã được nhắc đến trong câu chuyện của ông Giai-i-rô. Ông đã khẩn cầu để Đức Giê-su đến, đặt tay trên con gái của ông để nó được cứu và sống (Mc 5,23). Mác-cô cũng ghi lại nhiều lần khác Đức Giê-su chữa bệnh bằng cách “đặt tay”. Người “cầm tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh mù và hỏi: ‘anh có thấy gì không?’” (Mc 8,23); “rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn, anh thấy tỏ tường mọi sự” (Mc 8,25); cuối cùng Đức Giê-su trao quyền “đặt tay chữa lành” cho các môn đệ của Người: họ có thể “đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16,18). Chủ đề “không thể làm một phép lạ nào” kết thúc loạt 4 phép lạ Đức Giê-su làm trong những trình thuật trước đó (4,35 – 5,43). Mc 6,1-6 nằm ngay trước đoạn 6,7-13 nói về việc Đức Giê-su sai nhóm 12 đi rao giảng. Tiếp nối sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su ở quê nhà Na-gia-rét không mấy thành công vì họ không tin. Chỉ thị “hãy giũ bụi chân lại để phản đối” (6,11) những nơi không tiếp đón và không nghe lời giảng của các môn đệ nối kết chặt chẽ với sự chối từ của dân chúng nơi quê nhà của Đức Giê-su. Trong bối cảnh rộng hơn của Tin Mừng Mác-cô chủ đề “bị người nhà chối bỏ” nhắc nhớ đến sự kiện thân nhân của Đức Giê-su “đi bắt Người” vì họ nói rằng Người đã mất trí (Mc 3,21). Thậm chí Đức Giê-su còn nói đến sự xung đột của người nhà trong hành trình đức tin của người ki-tô hữu: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (Mt 10,21; Mc 13,12).

Cấu trúc

Mc 6,1-6 được cấu trúc hóa bởi 4 tiểu thành phần, và quy tâm. Tiểu phần (A) sự kinh ngạc của những người đồng hương về sự thông thái và các phép lạ của Đức Giê-su // Sự ngạc nhiên của Đức Giê-su vì họ không tin vào Người (A’). Tiểu phần (B) Ngôn sứ bị khinh rẽ // Người không thể làm một phép lạ nào (B’).

Bối cảnh: Nhân vật (Đức Giê-su và các môn đệ); không gian (quê hương, hội đường); thời gian (ngày Sa-bát) (6,1-2a).

(A) Sự kinh ngạc của người đồng hương về những phép lạ (6,2b-3)

(B) Nơi ngôn sứ bị khinh rẽ: Quê hương, giữa những người họ hàng, trong nhà (6,4)

(B’) Không thể làm một phép lạ nào (6,5)

(A’) Sự ngạc nhiên của Đức Giê-su về sự không tin của họ (6,6)

Một số điểm chú giải

  1. Đi vào quê nhà của Người: Danh từ “πατρίς, ίδος” (quê hương, quê nhà) trong tiếng Hy Lạp có cùng gốc với danh từ “người cha” (πατήρ, πατρός). Vì thế, dịch sát nghĩa từ này là “quê cha, đất tổ”. Tin Mừng Mác-cô không có phần giới thiệu về thời thơ ấu của Đức Giê-su. Vì thế, nơi Mác-cô độc giả không tìm thấy chi tiết Đức Giê-su sinh tại Bết-le-hem (nhà bánh) như là Mát-thêu và Luca đã cho biết. Mác-cô chỉ cho biết Đức Giê-su đến từ Na-gia-rét miền Ga-li-lê (Mc 1,9). Thần ô uế trong lần gặp Đức Giê-su đầu tiên cũng gọi Đức Giê-su là: Giê-su Na-gia-rét. Mát-thêu có tường thuật dài về Giáng Sinh và thời thơ ấu của Đức Giê-su và ông lý giải cho độc giả biết tại sao Đức Giê-su phải về sống ở Na-gia-rét. Vì thế, Người được gọi là Giê-su Na-gia-rét chứ không phải là Giê-su Bết-le-hem. Theo Mát-thêu Đức Giê-su sinh tại Bết-le-hem, thành của vua Đa-vít nhưng bé Giê-su bị vua Hê-rô đê đuổi giết nên phải cha mẹ phải mang Người qua Ai-cập lẫn trốn. Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, cha mẹ đưa Người về lại, nhưng không về Bết-le-hem mà là Na-gia-rét, một mặt là để tránh vua Ac-khê-lao, nhưng mặt khác là để ứng nghiệm lời đã chép rằng Người sẽ được gọi là Na-gia-rê-an (Mt 2,23). Dân chúng đều quen gọi Người là Giê-su Na-gia-rét (Mt 21,11; 26,71; Mc 10,47). Luca cho chúng ta biết rằng Đức Maria, thân mẫu Đức Giê-su đã nhận lời thiên sứ truyền tin ở Na-gia-rét (Lc 1,26). Điều này chứng tỏ rằng quê nhà của Đức Maria rất có thể là Na-gia-rét. Hơn nữa, Giu-se cũng đến từ thị trấn Na-gia-rét (Lc 2,4). Phi-líp-phê gọi Đức Giê-su là “con ông Giu-se từ Na-gia-rét” và Na-tha-na-el đã nghi vấn rằng: “có thể có cái gì tốt xuất phát từ Na-gia-rét”, ngụ ý Đức Giê-su đến từ Na-gia-rét (Ga 1,45). Như thế, Đức Giê-su về quê nhà là về Na-gia-rét, cũng là quê nhà của cha mẹ Người. Việc tác giả nhắc đến danh từ “quê nhà” (τὴν πατρίδα), chứ không nói là Na-gia-rét có ngụ ý giới thiệu cho vấn đề được nói đến sau đó: “Ngôn sứ được vinh dự ngoại trừ ở quê nhà của mình, giữa những người bà con, trong nhà của anh ta” (6,4).[1]
  2. Vào ngày Sa-bát:[2] Ngày Sab-bát [שַׁבָּ֖֣ת ] trong tiếng Do Thái gồm 3 mẫu tự giống như 3 mẫu tự của động từ “nghỉ” [שָׁבַת֙], chỉ khác là danh từ “ngày sab-bát” có chữ “bét” ở giữa được gấp đôi, biểu thị bằng dấu chấm ở giữa [בָּ֖֣]. Sách sáng thế nói đến việc Thiên Chúa tạo dựng trong sáu ngày và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ (ngưng). “Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó vì ngày đó Ngài đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Ngài” (St 2,2-3). Sau đó, luật giữ ngày “Sab-bát” được ban cho dân Ít-ra-el trong Thập Điều: “Ngươi hãy nhớ ngày Sab-bát và coi đó là ngày thành… ngày thứ bảy là ngày kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai, con gái, tôi nam tớ nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Bởi lẽ, trong sáu ngày Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng người đã nghỉ ngày thứ bảy” (Xh 20,8-11). Điều luật về ngày Sab-bát được diễn tả chi tiết dài hơn so với các điều còn lại. Ngày này được Đức Chúa chúc lành và coi đó là ngày thánh. Điều luật này lại đã được sách Đệ Nhị Luật nhắc lại một lần nữa và thêm phần lý do liên quan đến tình trạng nô lệ bên Ai-cập: “…để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ bên Ai-cập và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền mà đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi phải giữ ngày Sab-bát” (Đnl 5,14-15). Ngày Sab-bát quả là một ngày thánh thiêng đối với dân Ít-ra-el. Đức Giê-su có thói quen “đi đến hội đường, như thói quen của Người, trong ngày Sab-bát” (Lc 4,16). Cụm từ “như thói quen” cho thấy Đức Giê-su vẫn luôn giữ ngày Sab-bát. Thói quen ấy được thể hiện trong đoạn Tin Mừng này Mc 6,1-6 (cf. Mc 1,21.29; 3,1; Lc 4,44; 13,10).
  3. Người bắt đầu giảng dạy (ἤρξατο διδάσκειν): Đây là cụm từ đặc trưng của Mác-cô. Ông là tác giả Tân Ước duy nhất dùng cụm từ này đến 4 lần. Lần thứ nhất, Đức Giê-su “bắt đầu giảng dạy bên bờ biển hồ” (Mc 4,1). Lần thứ hai, Người “bắt đầu giảng dạy trong hội đường” (Mc 6,2). Lần thứ ba, Người lại “bắt đầu giảng dạy” đám đông ở bờ biển hồ. Cuối cùng, ở Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người “bắt đầu dạy” các môn đệ rằng “Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị loại bỏ bởi các kỳ lão và những thượng tế và các kinh sư và bị giết, và sau 3 ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Đây là một nơi giảng dạy khá quen thuộc (hội đường), thính giả cũng quá đỗi quen biết (người cùng làng). Nội dung giảng dạy không được Mác-cô miêu tả. Đó có thể là bài giảng “nhiều điều” liên quan đến “Mầu Nhiệm Nước Trời” bằng những dụ ngôn (4,2) như Người vẫn thường làm. Đó cũng có thể là “rao giảng Tin Mừng Nước Trời” (Mt 4,23; 9,35). Theo Luca, nội dung của lời rao giảng này là: Đức Giê-su đọc sách ngôn sứ I-sai-ah đoạn nói về “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tần phong tôi, để tôi loan Tin Mừng cho người nghèo khó. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Rồi, Đức Giê-su thừa nhận rằng: ‘hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh” quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-21). Ngoài hội đường, Đức Giê-su còn nhiều lần giảng dạy trong đền thờ Giê-ru-sa-lem (Mc 11,17; 12,35; 14,49; Lc 19,47). Rao giảng và làm phép lạ là hai hoạt động chính yếu của sứ vụ công khai của Đức Giê-su (Mt 4,23; Lc 5,17; Lc 6,6)
  4. Nhiều người nghe kinh ngạc: Danh từ “nhiều người nghe” được diễn tả bằng lối hiện tại phân từ của động từ “nghe” ở số nhiều (ἀκούοντες: đang nghe). Hiện tại phân từ này lại đi kèm với tính từ “nhiều” (πολλοὶ). Không cụ thể ai cả, nhưng họ là một số lượng nhiều người ở quê nhà Đức Giê-su. Động từ “kinh ngạc” được dùng ở thể bị động và thì vị hoàn (chưa hoàn thành) (ἐξεπλήσσοντο) diễn tả một hành động kéo dài: “những người nghe cứ kinh ngạc hoài”. Đây cũng là động từ và cách dùng mang đậm nét Mác-cô. Mác-cô đã sử dụng động từ này với chủ từ số nhiều, thì vị hoàn, đến 4 lần (Mc 1,22; 6,2; 7,37; 10,26) (Mt dùng 3 lần và Luca 2 lần). Bốn lần đều để mô tả sự kinh ngạc của dân chúng trước lời giảng của Đức Giê-su. Người ta “kinh ngạc hoài” về lời giảng của Người vì Người giảng dạy họ như một Đấng có uy quyền và không như các kinh sư (Mc 1,22); người ta “kinh ngạc hoài” quá cỡ và nói với nhau rằng: ‘Người làm mọi sự tốt đẹp. Người thậm chí cho người điếc nghe được và người câm nói được” (Mc 7,37); Người ta vô cùng “sửng sốt hoài” và nói với Người: vậy thì ai có thể được cứu? Sự kinh ngạc này xảy ra sau khi Đức Giê-su tuyên bố rằng: ‘con lạc đà chui qua lổ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng” (Mc 10,25-26). Ngoài ra, Mác-cô cũng dùng một động từ khác đồng nghĩa, cũng thì vị hoàn (πάντες ἐθαύμαζον), để diễn tả sự kinh ngạc của “tất cả mọi người” sau phép lạ trừ quỷ ở Ghê-ra-sa (Mc 5,20). Trong cả 5 lần “kinh ngạc hoài” được nói đến có lẽ sự “kinh ngạc” trong trình thuật này là khác biệt hơn cả. Sự khác biệt nằm ở chỗ, sau sự kinh ngạc ấy là hàng loạt câu hỏi mang tính nghi ngờ, khinh dể chứ không phải là biểu lộ một sự thán phục, ngưỡng mộ. Sự ngạc nhiên này, đi sóng đôi với sự ngạc nhiên của Đức Giê-su sau đó trong cùng một trình thuật. Nhìn trong tổng thể Tin Mừng Mác-cô, những người đồng hương này tiêu biểu cho những người chỉ nhận thấy nhân tính nơi Đức Giê-su chứ không vươn tới căn tính Mê-si-ah và thần tính Thiên Chúa nơi Người. Cũng nên nhắc lại, Tin Mừng Mác-cô bắt đầu bằng câu: “khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su, Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Nghĩa là, Mác-cô muốn giới thiệu ngay từ đầu là qua Tin Mừng này, độc giả phải khám phá ra và tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, và nhất là Con Thiên Chúa, chứ không đơn giản chỉ là anh chàng thợ mộc, thợ nề nơi miền quê Na-gia-rét.
  5. Những điều này…sự thông thái…những phép lạ”: Sự thắc mắc về nguồn gốc quyền năng của Đức Giê-su cũng là bình thường nếu nó chỉ dừng lại ở đây. Tuy nhiên, những thắc mắc này biểu lộ tính ngờ vực khi họ đề cập đến nghề nghiệp, mẹ cũng như tên của các anh em bà con của Người. Các câu hỏi của họ không phải để trải lời, nhưng là để đặt nghi vấn về “năng lực” phi thường của Đức Giê-su. Với thân phận như: “người thợ mộc con bà Maria”, rồi anh chị em cũng ở đây cả, chẳng có khả năng gì xuất chúng cả, thì, năng lực phi thường của Đức Giê-su chỉ là lời đồn thổi mà thôi. Theo Mác-cô, Đức Giê-su là “người thợ mộc con bà Maria”. Chi tiết này khiến người ta đồn đoán rằng thánh Giuse có lẽ đã qua đời khá lâu vào thời điểm Đức Giê-su đi rao giảng. Chính vì thế, người ta gắn Đức Giê-su với Mẹ Maria, chứ đúng ra phải gắn với thánh Giuse. Tuy nhiên, theo J. Marcus, trong các nguồn Do Thái tên người cha luôn được dùng để nhận dạng người con thậm chí khi người cha chết rồi. Baukham nghĩ rằng, danh xưng “con của Đức Maria” phân biệt Đức Giê-su khỏi những “anh em” của Người, những người mà theo ông, là con trai của thánh Giuse cùng người vợ trước, nhưng J. Marcus không đồng tình, vì nếu thế thì tên của người mẹ của những “anh em” kia cũng phải được nêu ra. Có lẽ, như Stauffer đề nghị, đây là cách những người cùng làng dùng nhằm để khinh miệt rằng Đức Giê-su không có cha, chỉ là con của một người phụ nữ bình thường.[3] Trong bối cảnh này, cách hiểu này có vẻ hợp lý nhất. Mát-thêu và Luca, viết sau Mác-cô, đã cho độc giả một cái nhìn khác. Theo Mát-thêu, họ gọi Đức Giê-su là “con bác thợ” và “mẹ của Người là Đức Maria” (13,55). Còn theo Luca họ gọi Đức Giê-su là: “Con ông Giuse”, Luca không đề cập gì đến Đức Maria (Lc 4,22b). Trong một xã hội nam quyền, việc Đức Giê-su gắn với tên của cha mình là chuyện bình thường. Luca và Mát-thêu xem ra muốn đính chính bản văn có phần khó hiểu của Mác-cô. Cũng cần biết thêm, danh từ chỉ nghề nghiệp “τέκτων” trong tiếng Hy Lạp không chỉ có nghĩa là “thợ mộc” mà còn là thợ xây, hoặc thợ nề, hoặc là tổng hợp các nghề này. Thánh Giuse và Đức Giê-su có lẽ làm nghề tổng hợp mộc, xây, nề, chứ không chỉ làm mộc theo kiểu đóng bàn ghế và nghèo nàn như chúng ta từng hiểu.
  6. Anh chị em của Đức Giê-su: Phải hiểu thế nào về những người “anh chị em” của Đức Giê-su. Theo J.R. Donahue – D.J. Harrington, có 3 cách hiểu. (i) họ là anh em ruột của thánh Giuse và Mẹ Maria. Cách hiểu này được chấp nhận trong giáo hội cổ xưa bởi Hegesippus (tk.2), Tertulian (160-220) và Helvidius (tk.4). Ngày nay, quan điểm này được nhiều học giả ngoài Công Giáo đón nhận và gần đây hai tác giả Công Giáo cũng chấp nhận (R. Pesch và J.P. Meier). (ii) họ là những người con riêng của thánh Giu-se với đời vợ trước. (iii) quan điểm của thánh Giê-rô-ni-mô là họ là “anh em họ” của Đức Giê-su, có lẽ là con của chị của Đức Maria. Hai quan điểm sau được hầu hết các học giả Công Giáo Rô-ma đón nhận và nhiều học giả ngoài Công Giáo cũng chấp nhận.[4]
  7. Bị vấp ngã vì Người”: Trong tiếng Hy Lạp động từ “gây vấp ngã” (eskandalizonto) có nghĩa gốc là “cục đá ngáng đường gây vấp ngã” (skandalou) như đã được nói đến trong sách Ngôn sứ I-sai-ah: “Người sẽ là một thánh điện, và một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho sẩy chân đối với hai nhà Ít-ra-en, một dò lưới và một cạm bẫy đối với người dân Giê-ru-sa-lem” (Is 8,14).[5]  Động từ “gây vấp ngã” lại được dùng ở thể bị động, thì vị hoàn (ἐσκανδαλίζοντο), diễn tả một hành động chưa chấm dứt: “họ cứ bị vấp ngã vì Người hoài”. Đức Giê-su không tạo ra nguyên cớ cho họ bị vấp ngã. Chính suy nghĩ của họ về thân phận cùa Đức Giê-su làm cho họ vấp ngã. Sự vấp ngã này không có hồi kết nếu họ không thay đổi cách nghĩ của mình.
  8. Ngôn sứ: Đức Giê-su được hiểu như là “một vị ngôn sứ”[6] theo kiểu Người mạc khải ý định của Thiên Chúa và đưa dân trở về đường ngay nẻo chính. Trong bối cảnh trực tiếp, Người đang “giảng” thông điệp Thiên Chúa cho dân chúng. Mô-sê là ngôn sứ đầu tiên và vĩ đại bậc nhất trong lịch sử dân Ít-ra-el. Đức Chúa hứa với dân Ít-ra-el rằng: “ta sẽ làm nổi lên cho họ một vị ngôn sứ giống như ngươi (Mô-sê), ta sẽ đặt lời của ta trên miệng người này và anh ta sẽ nói với họ mọi thứ ta truyền cho anh ta” (Đnl 18,18). Đức Giê-su chính là vị ngôn sứ được nói đến trong bối cảnh này. Người nói những lời Người nghe được từ Chúa Cha: “Tôi không tự mình nói ra nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói” (Ga 12,19); “Các lời thầy nói vói anh em, thầy không tự mình nói ra, nhưng là Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10). Một vị ngôn sứ đích thực không chỉ “truyền tải sứ điệp của Chúa” nhưng nhất là chịu bách hại và chịu chết vì sứ mạng ấy. Ngôn sứ Ê-li-a đã bị hoàng hậu I-sa-bel đuổi giết, phải lang thang trong sa mạc, và ông mệt mỏi cầu xin cùng Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! bây giờ xin Ngài lấy mạng sống của con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1 V 19,4). Gioan Tẩy Giả, hình ảnh của Ê-li-a (Mc 9,13), đã chết như trong thân phận vị ngôn sứ dọn đường cho Đức Giê-su. Vị ngôn sứ Giê-su rồi cũng trải qua cuộc bách hại tàn khốc và bị giết chết để hoàn tất sứ vụ ngôn sứ của mình. Trong bối cảnh này, sự khinh miệt của những người cùng làng chính là dấu hiệu cho sự phán đối, bách hại và giết chết ngôn sứ Giê-su của những lãnh đạo Do Thái với sự hùa theo của dân chúng. Trong cùng trình thuật, Luca cho thấy rõ hơn sự nguy hại mạng sống của vị ngôn sứ. Vào cuối cuộc viếng thăm và rao giảng này “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,28-30). Ngôn sứ Isaiah có một mô tả sống động, nghiệt ngã về số phận người tôi trung đau khổ: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đưa đi làm thịt như cừu câm nín khi bị xén long, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Đức Giê-su đã bị chối từ ngay từ lúc sinh ra: Phải sinh ra ngoài lề xã hội, trong hang bò lừa. Tiếp theo sau đó Người bị vua Hê-rô-đê đuổi giết phải trốn sang Ai Cập. Đến cuối cùng, Người cũng bị hãm hại và bị giết chết.
  9. Bị coi khinh” (nghĩa đen: không được coi trọng, không có vinh dự): Tính từ “ἄτιμος” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “không tôn trọng” hay “khinh thường”. Cấu trúc được Mác-cô dùng mang tính nhấn mạnh: một trạng từ phủ định đặt đầu câu “không” (οὐκ) + một tính từ mang nghĩa phủ định “không coi trọng” (ἄτιμος) + một mệnh đề bắt đầu bằng cụm liên từ phủ định “ngoại trừ” (εἰ μὴ). Cả Mác-cô và Mát-thêu đều dùng tính từ “không coi trọng” (ἄτιμος) để mô tả số phận của một vị ngôn sứ. Luca nói mạnh hơn khi dùng một tính từ bất định mang nghĩa phủ định “không một ai” (οὐδεὶς) đặt đầu mệnh đề cộng vối một tính từ có nghĩa là “có thể chấp nhận” (δεκτός): “không một vị ngôn sứ nào có thể được chấp nhận tại quê nhà của mình” (Lc 4,24). Nghĩa là tất cả các ngôn sứ đều bị chối từ tại quê hương của mình dù cho họ có nổi tiếng và được chào đón ở những nơi khác. Quả vậy, Đức Giê-su nổi tiếng về giảng dạy cũng như làm phép lạ và được dân chúng chào đón khắp nơi trong miền Ga-li-lê và vùng lân cận (Mc 1,22; Mc 1,28: Danh Người được đồn ra khắp các vùng lân cận miền Ga-li-lê; Mc 7,37; Lc 4,14). Tuy nhiên, Người lại thất sủng tại chính làng quê của mình.
  10. ngoại trừ ở trong quê nhà …trong những người bà con thân thuộc …trong nhà”: Giới từ “trong, giữa” được lặp lại ba lần (trong…trong…trong) trong loạt cụm trạng ngữ chỉ nơi chốn làm tăng thêm sự nặng nề của thực tế này: “ở quê nhà, ở giữa những bà con thân thuộc, ở trong nhà”. Đức Giê-su giới hạn từng thành phần từ xa đến gần, từ ít thân thuộc hơn đến ruột thịt của mình: quê nhà – người bà con – anh chị em trong nhà. Như đã nói trên trong phần “bối cảnh”. Thực tế của sự khinh dễ này đã từng xảy ra khi người nhà của Giê-su “đi bắt Người” vì họ nói rằng Người đã mất trí (Mc 3,21). Trong phần nói về số phận hẩm hiu của các ki-tô hữu, Đức Giê-su đã cảnh báo rằng: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (Mt 10,21; Mc 13,12). Thêm nữa, theo Luca, khi khẳng định rằng: “không một ngôn sứ nào có thể được chấp nhận tại quê hương”, Đức Giê-su đưa ra hai dẫn chứng cụ thể. (i) Trong thời hạn hán suốt 3 năm sáu tháng, khiến đói kém dữ dội nhưng Ê-li-a chỉ được sai đến với một bà góa thành Sa-rép-ta, miền Xi-đôn. Rồi, (ii) Ê-li-sa chỉ được sai đến với Na-a-man người Sy-ri-a (Lc 4,25-27).
  11. không thể làm bất kỳ một phép lạ nào ngoại trừ đặt tay chữa lành một vài bệnh nhân”: Mác-cô đã sử dụng kỹ thuật “chơi chữ” trong ngôn ngữ Hy Lạp: “Người không có thể làm không một điều có thể nào” (οὐκ ἐδύνατο ἐκεῖ ποιῆσαι οὐδεμίαν δύναμιν). “Điều có thể” trong bối cảnh này có thể hiểu là năng lực đặc biệt, hay phép lạ. Mệnh đề tiếp theo mới gây bối rối cho độc giả vì hai mệnh đề xem như mâu thuẫn nhau. Nếu như không thể làm bất cứ một phép lạ nào sao lại còn có thể “đặt tay và chữa lành một vài bệnh nhân”. Có thể hiểu theo 2 cách. (1) Mác-cô ngụ ý nói rằng, ở nơi khác, Đức Giê-su có thể làm rất nhiều phép lạ như trừ quỷ và chữa lành nhiều bệnh nhân: “Đức Giê-su chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ nhưng không cho quỷ nói vì quỷ biết Người là ai” (Mc 1,34). Tuy nhiên, ở nơi quê nhà, Người chỉ có thể chữa lành một vài bệnh nhân, không có phép lạ nào khác hơn. Nếu thế, tốt hơn, Mác-cô không nên dùng tính từ “không có bất kỳ” (οὐδεμίαν) trong câu này. (2) Mác-cô muốn chứng tỏ rằng năng lực phi thường của Đức Giê-su vẫn còn, nhưng những người không tin sẽ không lãnh nhận được nó. Mát-thêu và Luca nhận ra sự khó hiểu trong cách nói của Mác-cô, nên dường như hai ông có sự đính chính bản văn của Mác-cô, làm cho câu văn dễ hiểu hơn. Mát-thêu nói rằng: “Người không làm nhiều phép lạ (δυνάμεις πολλὰς) tại đó vì họ không tin” (13,58). Luca không có một nhận xét tương tự nào về việc Đức Giê-su làm hay không làm phép lạ tại đó. Theo Luca, để đáp lại nghi vấn của dân làng Đức Giê-su đã dùng câu tục ngữ: “hẳn các ông muốn nói với tôi về câu tục ngữ: “thầy lang ơi hãy chữa lấy mình, tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm ở Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê hương ông xem nào”. Sau đó Đức Giê-su khẳng định: ‘tôi nói cho các ông hay, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương của mình”. Xem ra, theo Luca, Đức Giê-su không làm một phép lạ nào tại đây.
  12. Người kinh ngạc (ἐθαύμαζεν): Đối lại với sự “kinh ngạc” của những người cùng làng về khả năng của Đức Giê-su là sự “kinh ngạc” của Đức Giê-su về sự “không tin” của họ. Động từ “kinh ngạc” ở đây cũng được dùng ở thì vị hoàn (chưa hoàn thành), diễn tả một hành động kéo dài chưa chấm dứt: “Người cứ kinh ngạc hoài” về sự không tin của họ. “Sự không tin” chính là chủ đề chính trong đoạn này, cũng như trong bối cảnh chung của trình thuật về những những phép lạ (Mc 4,35 – 5,43). Mc 4,35-41 đề cập đến tình trạng “chưa có Đức tin” của các môn đệ, khi có Đức Giê-su bên cạnh nhưng họ vẫn hoảng sợ trước sự dữ tợn của sóng gió của biển hồ Ga-li-lê. Mc 5,1-20 là một hành trình đức tin của một người ngoại bị đạo binh quỷ ám ở Ghê-ra-sa. Anh ta được Đức Giê-su trừ quỷ và cuối cùng “ra đi và bắt đầu rao giảng trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc” (5,20). Tiếp theo, là hai phép lạ lồng vào nhau (Mc 5,21-43) tô điểm Đức tin của người phụ nữ bị băng huyết, người đã tin là chỉ cần “chạm vào áo choàng của” Đức Giê-su thì “sẽ được cứu” (Mc 5,28). Đức tin của ông trưởng hội đường Giai-i-rô cũng nhờ đó được củng cố và dẫn đến việc Đức Giê-su phục sinh sự sống cho con gái ông. Sau hai phép lạ về đức tin này là trình thuật về sự nghi ngờ, không tin của những người cùng quê với Đức Giê-su (6,1-6). Những người đồng hương của Đức Giê-su tương ứng với các môn đệ của Đức Giê su trong trình thuật “dẹp yên biển động”. Cả hai nhóm đều thiếu niềm tin vào Đức Giê-su.  Cấu trúc của đoạn lớn từ 4,35 – 6,6a là: A – B – A’, trong đó, A: Chưa tin (4,35-41) – B: Tin (5,1-43) – A’: Không tin (6,1-6).

Bình luận tổng quát

Trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su, mỗi bước đi, mọi chọn lựa điểm đến của mỗi hành trình ngắn dài đều là mỗi hành trình của sứ vụ rao giảng và chữa lành, hay cao hơn là sứ mạng mang ơn cứu độ. Chuyến về quê Na-gia-rét của Người cũng vậy. Người hẳn không về quê vì nhớ mẹ và bạn hữu nên ghé qua để thăm viếng họ cho đỡ nhớ. Đó hẳn không phải là một kỳ nghỉ hè thăm quê của Người. Thánh Mác-cô không kể cho độc giả nghe cuộc gặp gỡ nào với Đức Maria, hay một buổi ăn nhậu vui vẻ với nhóm bạn học cũ nơi làng quên Na-gia-rét. Người về đó là để giảng dạy. Vào ngày Sab-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Thời gian “Sab-bát và nơi chốn “hội đường” chính là nơi chốn và thời gian mà Đức Giê-su muốn tận dụng trong chuyến về quê này. Người hy vọng có thể đem lại niềm hy vọng cứu độ cho những người cùng làng. Tuy nhiên, sự nghi ngờ đã phá tan mọi hy vọng của Người. Sau khi Người bắt đầu rao giảng, bao nhiêu câu hỏi chất vấn về thân phận, cha mẹ, anh chị em, bà con thân thuộc nổi lên. Họ đã kinh ngạc về sự khôn ngoan thông thái trong lời giảng của Người. Họ bất ngờ về những năng lực phi thường của người đồng hương tầm thường, xuất thân từ một gia đình bình thường. Sư ngạc nhiên của họ khác hẳn với sự ngạc nhiên của dân chúng ở vùng khác. Người ta kinh ngạc với sự tôn trọng thán phục, còn họ kinh ngạc với sự nghi ngờ và khinh thường. Trong bối cảnh đó Đức Giê-su đã bộc lộ một sự thật đắng cay, chua chát về số phận của một vị ngôn sứ bị chối từ.[7] Vị ngôn sứ có thể được vinh danh, trọng dụng ở những nơi khác, nhưng lại thất thế và thậm chí bị coi thường, mĩa mai trên chính quê hương của mình. Đức Giê-su là vị ngôn sứ không những như ông Mô-sê mà còn vượt trội trên Mô-sê mọi bề: về địa vị và về quyền năng. Sự chối từ của những người đồng hương không chỉ biểu lộ bằng sự thiếu niềm tin vào vị ngôn sứ, nhưng còn bằng sự chống đối và giết chết vị ngôn sứ. Đức Giê-su chính là kiểu mẫu cho hình ảnh vị ngôn sứ bị bách hại và bị giết chết. Thánh Luca trong cùng trình thuật đã cho thấy cái kết bi thảm của chuyến về quê đáng buồn ấy của Đức Giê-su. Vào cuối buổi giảng dạy trong hội đương, người ta giận dữ, mang Người ra khỏi thành để ném Đức Giê-su xuống dưới nhằm giết chết Người nhưng Người băng qua giữa họ mà đi (Lc 4,28-30). Gioan Tẩy Giả, hiện thân của ngôn sứ Ê-li-a, người dọn đường cho Chúa đã đạt đến đỉnh cao của sứ vụ dọn đường khi ông dám chết cho sự thật. Ông đã sẵn sàng đương đầu với thế quyền (vua Hê-rô-đê) và đã trả giá bằng máu của mình (Mc 6,17-29; Mt 14,3-12) cũng như Ê-li-a đã đương đầu với hoàng hậu I-sa-bel và đã bị bà đuổi giết (1 V 19,2). Đức Giê-su sẽ bị các “kỳ mục và các kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Mc 8,31); Người sẽ bị nộp cho các “thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại” (10,33). Dân ngoại ở đây là Phi-la-tô, tổng trấn Rô-ma thời bấy giờ. Đức Giê-su đã thực sự bị chối bỏ và giết chết bởi bản án chính thức của Phi-la-tô, nhưng những kẻ muốn giết chết Người thật sự lại là những Thượng tế và các kinh sư với sự hô hào ủng hộ của rất nhiều người đồng hương của Người. Đức Giê-su công bố sự thật phủ phàng về một vị ngôn sứ bị chối bỏ vừa để lên án, vừa để cảnh tỉnh dân chúng. Đón nhận vị ngôn sứ Giê-su đồng nghĩa với việc “được cứu và được sống” (Ga 3,16; 5,24) và chối từ Người đồng nghĩa với việc chối từ ơn cứu độ và sự sống do Người ban tặng. Trong một bối cảnh rộng hơn, chống đối vị ngôn sứ Chúa sai đến là chống đối lại Chúa. Sách ngôn sứ Ê-dê-ki-el đã ghi lại sấm ngôn của Đức Chúa biểu lộ sự phản nghịch của dân Ngài. Ngài gọi họ; là “dân phản nghịch đang nổi loạn chống đối” Ngài “chúng cũng như cha ông chúng đã nổi lên chống lại ta mãi cho đến ngày nay”. Họ được ví như “những đứa con mặt dày mày dặn, lòng chai dạ đá”; “là nòi phản loạn” (Ed 3,2-5). Chúng “có thể nghe hoặc không nghe” nhưng phần Chúa, Ngài phải gửi Ê-dê-ki-el, vị ngôn sứ đến để “nói với dân lời của” Chúa, “dù chúng nghe hay không” (Ed 2,7). Số phận bi đát của vị ngôn sứ Giê-su trong đoạn Tin Mừng này sẽ báo trước số phận bi đát của dân Người. Đó là số phận của những người “lòng chai dạ đá”, chối bỏ Thiên Chúa, kết cục là họ sẽ chết trong tội của mình (Ga 8,21.24; 11,25-26). Việc Đức Giê-su có thể “đặt tay trên một vài bệnh nhân” mà Mác-cô đề cập đến để chứng tỏ rằng năng lực chữa lành, làm phép lạ của Đức Giê-su không bị giới hạn nhưng những kẻ không tin không có khả năng cảm nghiệm được những phép lạ ấy.[8] Đức Giê-su có làm phép lạ là vì người ta có niềm tin vào Chúa, và Người làm phép lạ mục đích là làm cho người ta càng thêm tin vào Chúa. Có thể nói rằng, niềm tin là yếu tố quan trọng nhất trong mỗi phép lạ. Người làm phép lạ để khơi dậy niềm tin và gia cố cho niềm tin. Nếu không có niềm tin thì phép lạ trở nên vô nghĩa. Vị ngôn sứ Giê-su đã bị thù ghét, chịu ngược đãi, và đã bị giết chết, nhưng người đã sống lại. Tất cả tiến trình Thương Khó – Phục Sinh ấy, lại lạ một phép lạ cả thể đem lại ơn chữa lành cho bất kỳ ai tin vào Người. Ngôn sứ Isaiah đã diễn tả rất sống động về “người tôi trung đau khổ”: “chính Người mang lấy bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích để chúng ta được chữa lành” (Is 3,4-5).

Chúng ta hầu hết không phải là những người cùng làng với Đức Giê-su, không ai đã nhìn thấy Người lớn lên, hay quen biết những người ruột thịt của Người để rồi chúng ta có thể khinh miệt Người, không tin vào những phép lạ Người đã làm. Chúng ta cũng không phải là những người cùng thời điểm lịch sử với Người để rồi cùng chung tay giết chết vị ngôn sứ Giê-su. Tuy nhiên, sự chối từ ngôn sứ, sự chối bỏ đức tin vẫn xảy ra mỗi ngày trong cuộc đời mỗi chúng ta. Sự sung túc về vật chất. Sự bảo đảm về chăm sóc sức khỏe nhờ ý tế được nâng cao. Lối sống thiên về hưởng thụ, giải trí. Lối sống đề cao tự do cá nhân, ích kỷ, thiếu tình yêu và sự hy sinh cho người khác, cho cộng động. Tất cả những điều đó cùng bao nhiêu điều khác nữa đã dần đẩy Đức Ki-tô ra khỏi cuộc sống của nhiều người. Câu chất vấn của Đức Giê-su thuở nào vẫn là một câu nói thời sự đáng để suy gẫm: “Liệu khi Con Người đến, Người có còn tìm thấy niềm tin trên mặt đất này nữa hay không?” (Lc 18,8)

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

__________________

[1] See. A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark: A Commentary on the Gospel of Mark (CHCB; Minneapolis 2007) 289.

[2] Về chủ đề ngày Sab-bát xem thêm, G.F. Hasel, The Anchor Bible Dictionary (ed. D.N. Freedman) (New York – Toronto – London – Sydney – Aukland 1992) V, “Sabbath”, 849-856.

[3] J. Marcus, Mark 1-8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 27A, 375. A. Collins – H. Attridge claims that it is a way that “uninformed or hostile reader to infer that the mother is named and not the father because the father was unknown and the son illegitimate” [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 290-291].

[4] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 187-188.

[5] J. Marcus, Mark 1-8, 376.

[6] Về chủ đề Đức Giê-su như là ngôn sứ, xem thêm G.R. Kreider, “Jesus the Messiah as Prophet, Priest, and King”, BS 176 (2019) 174-187, 176.

[7] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 187,

[8] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulist Biblical Commentary (Ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 991; J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 186.

++++++++++++++++++

Đây là tập tin PDF giữ nguyên màu từ bài chú giải trên:

Bài trướcAi Tín: Ông cố Gioan Nguyễn Huy Đằng (thân phụ Lm. Giuse Nguyễn Huy Thêm, SVD)
Bài tiếp theoCHÂN DUNG CÁC NGÔN SỨ (4/7, Chúa Nhật XIV TN- B)