Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Phục Sinh – Năm A

0
432

Bài Ðọc I: Cv 2, 42-47

“Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. – Ðáp.

2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. – Ðáp.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 3-9

“Nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

NIỀM TIN PHỤC SINH

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Sau khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, các môn đệ của Người đã trở nên lạc lối như “rắn mất đầu”, không biết đi về đâu và nên làm gì. Họ rơi vào tình trạng thất vọng, sợ hãi, chán chường và khủng hoảng, thậm chí đánh mất thứ quí giá nhất nơi con người mình là niềm tin, thứ được xem là điểm tựa để họ vươn lên, là sức sống để họ tiếp tục tồn tại nhưng giờ đây đã không còn nữa. Nhưng rồi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh đã xóa tan mọi bóng mây đen của cuộc đời, niềm vui như vỡ òa, cuộc sống lại trở nên ý nghĩa khi đón nhận bình an từ Đấng Phục Sinh: “Bình an cho các con” (Ga 20,19).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại hai lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ. Lần thứ nhất, Người ban bình an và củng cố niềm tin cho các ông:“Bình an cho các con!Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn(Ga 20,19-21). Rồi Người còn trao ban Thánh Thần và quyền bính:“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc tội ai, thì tội người ấy bị cầm buộc” (Ga 20,22-23).Có thể nói, Chúa Phục Sinh đã trao ban cho các Tông Đồ những “hành trang” cần thiết để các ông đủ khả năng gánh vác và tiếp tục sứ vụ cứu độ nhân loại mà Người được Thiên Chúa Cha trao phó.

Lần hiện ra thứ nhất của Chúa Kitô Phục Sinh với các Tông Đồ chưa trọn vẹn vì thiếu vắng Tôma. Ông chưa gặp Chúa Kitô Phục Sinh nên vẫn còn sống trong cảnh buồn chán, thất vọng và mất niềm tin. Chính vì lẽ đó, khi nghe các Tông Đồ thuật lại việc họ gặp được Chúa Kitô Phục Sinh thì ông phản ứng một cách mạnh mẽ và đầy thách thức của một con người đang thất vọng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh; và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”(Ga 20,25).

Chúa Kitô Phục Sinh vẫn kiên nhẫn đáp lại ước nguyện của ông: Tám ngày sau, các môn đệ có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em. Rồi Người bảo ông Tôma: Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”(Ga 20, 26-27).

Đấng Phục Sinh không trách ông Tôma. Người biết ông, hiểu ông, thương mến ông và muốn củng cố lòng tin cho ông. Đáp trả lại sự bao dung và quảng đại đó, ông đã bày tỏ một thái độ đầy khiêm nhường và thiện chí đáng để chúng ta khâm phục. Đó là thái độ xứng đáng của một người tin thật sự. Chắc là ông không cần phải thực hiện lời nói của mình: phải chạm đến, phải sờ vào. Nhưng khi cảm nhận được những gì Thiên Chúa đặc biệt đối đãi với mình, trái tim ông đã tràn ngập một thứ duy nhất mang tên “Tin”. Ông tin vào một Thiên Chúa Tình Yêu, tin Thầy mình là Đức Giêsu đã chết và sống lại thật, là Chúa thật và là Đấng Cứu Độ. Đấng đó vì yêu thương nên đang hiện diện trước mắt ông, nói chuyện với ông để rồi ông phải sụp lạy và thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”(Ga 20,28). Đó là lời nói được thốt ra từ miệng của một con người tuyệt đối tin tưởng và phó thác. Là người đón nhận niềm tin phục sinh sau các Tông Đồ khác nhưng ông Tôma trở thành người đầu tiên tuyên xưng thần tính của Đức Giêsu cách trọn vẹn nhất.

Trải qua rất nhiều khó khăn, các Tông Đồ mới tin nhận Đức Kitô Phục Sinh. Nhưng khi đã tin nhận rồi thì các ngài đã hoàn toàn để cho Đấng Phục Sinh lôi kéo mình vào lối sống mới, can đảm ra đi làm chứng cho điều mình đã lãnh nhận dù có phải hy sinh mạng sống của mình. Niềm tin và hy vọng đã và đang cháy sáng trong lòng các ông.

Còn chúng ta thì sao? Là người Kitô hữu, chúng ta có sẵn sàng mang dấu tích của Chúa Kitô Phục Sinh không? Có sẵn sàng chịu đau khổ, chịu chết đi cho tội lỗi, cho cái tôi của mình để hoà giải nhân loại với Chúa, và với nhau không?

Đây là câu hỏi không dễ để trả lời, nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội tục hóa, với một cơ chế giáo dục đang xuống cấp như hiện nay, khi sự dữ vẫn còn tồn tại và ngày càng tinh vi hơn.Tội lỗi và sự ích kỷ hưởng thụ của con người ngày càng ghê gớm, dẫn đến nạn môi trường ô nhiễm, rừng bị tàn phá, bầu khí quyển ô nhiễm; hơn nữa, chiến tranh, thù hận, giết người, bất công xã hội ngày càng gia tăng, một xã hội có quá nhiều trào lưu hưởng thụ, chạy theo những đam mê thấp hèn và bất chính… mất hết niềm tin vào nhau.

Vậy làm sao chúng ta có thể trình bày cho nhân loại gương mặt của Chúa Kitô Phục Sinh khi con người ngày nay không hề dễ tin? Họ cũng có những đòi hỏi như ông Tôma là phải được thấy, được sờ, được kiểm nghiệm, phải có dấu chứng mới chịu tin. Làm sao họ có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô Phục Sinh nếu họ không thấy những vết thương, những chứng tích của Chúa Kitô đóng đinh nơi tay chân, nơi thân xác, nơi cuộc sống của chúng ta? Làm sao họ đón nhận được niềm vui nơi một khuôn mặt không có nụ cười?Làm sao họ có được niềm vui nơi một gương mặt giận dữ và những lời nói nặng nề, chua cay và gắt gỏng? Cũng thế, làm sao họ có được niềm vui nơi những người chỉ biết trốn chạy, đùn đẩy khó khăn cho người khác, với những lời lẽ khô khan, nguội lạnh, vô cảm? Làm sao họ có thể tin nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt hy sinh, quên mình phục vụ cho tha nhân và phục vụ Tin Mừng?

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta hay trách móc người khác sống không có niềm tin. Nhưng có khi nào chúng ta tự nhìn lại bản thân, nhìn lại cách sống của mình chưa? Nếu chúng ta mình chưa thật sự sống tốt với niềm vui Phục Sinh mà mình đã lãnh nhận, thì làm sao chúng ta có thể loan truyền tin vui đó cho người khác.

Thật vậy, chỉ khi chúng ta nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh và lắng nghe mệnh lệnh của Người, thì chúng ta mới có thể mang niềm vui và bình an đến cho người khác được. Nghĩa là chúng ta biết giúp đỡ và chia sẻ với người khác khi cần, biết nói những lời động viên an ủi, biết lắng nghe và khích lệ tinh thần, biết khiêm nhường, bớt nóng giận để có thể cho đi một nụ cười, biết nhẫn nhịn khi bị thiệt thòi, biết chấp nhận sự khác biệt văn hóa vùng miền… để cho cuộc sống được nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn.

Ước gì mỗi người chúng ta đều mang những chứng tích tình yêu của Chúa Kitô Phục Sinh chịu đóng đinh trên tay, chân, trên thân xác, trong cuộc sống… để chia sẻ với Chúa Kitô những vết thương của những người bất hạnh khổ đau đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, nhờ đó chúng ta mới có thể làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh.

Lạy Chúa,xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con nhạy cảm nhận ra Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, nhất là nhận ra Chúa nơi từng người mà chúng con gặp gỡ.

 

Bài trướcSVD mục vụ Tuần Thánh 2017 tại Giáo họ TÀ HINE – Gp Đà Lạt
Bài tiếp theoPhục Sinh – Tuần II – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.