Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm C (Lc 13,1-9)

0
241

HOÁN CẢI LÀ SỐNG, SỐNG LÀ HOÁN CẢI

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Lc 13,1-9)

Hy Lạp Việt
Παρῆσαν δέ τινες ἐν αὐτῷ τῷ καιρῷ ἀπαγγέλλοντες αὐτῷ περὶ τῶν Γαλιλαίων ὧν τὸ αἷμα Πιλᾶτος ἔμιξεν μετὰ τῶν θυσιῶν αὐτῶν.

2  καὶ ἀποκριθεὶς εἶπεν αὐτοῖς· δοκεῖτε ὅτι οἱ Γαλιλαῖοι οὗτοι ἁμαρτωλοὶ παρὰ πάντας τοὺς Γαλιλαίους ἐγένοντο, ὅτι ταῦτα πεπόνθασιν;

3  οὐχί, λέγω ὑμῖν, ἀλλ᾽ ἐὰν μὴ μετανοῆτε πάντες ὁμοίως ἀπολεῖσθε.

4  ἢ ἐκεῖνοι οἱ δεκαοκτὼ ἐφ᾽ οὓς ἔπεσεν ὁ πύργος ἐν τῷ Σιλωὰμ καὶ ἀπέκτεινεν αὐτούς, δοκεῖτε ὅτι αὐτοὶ ὀφειλέται ἐγένοντο παρὰ πάντας τοὺς ἀνθρώπους τοὺς κατοικοῦντας Ἰερουσαλήμ;

5  οὐχί, λέγω ὑμῖν, ἀλλ᾽ ἐὰν μὴ μετανοῆτε πάντες ὡσαύτως ἀπολεῖσθε.

6  Ἔλεγεν δὲ ταύτην τὴν παραβολήν· συκῆν εἶχέν τις πεφυτευμένην ἐν τῷ ἀμπελῶνι αὐτοῦ, καὶ ἦλθεν ζητῶν καρπὸν ἐν αὐτῇ καὶ οὐχ εὗρεν.

7  εἶπεν δὲ πρὸς τὸν ἀμπελουργόν· ἰδοὺ τρία ἔτη ἀφ᾽ οὗ ἔρχομαι ζητῶν καρπὸν ἐν τῇ συκῇ ταύτῃ καὶ οὐχ εὑρίσκω· ἔκκοψον [οὖν] αὐτήν, ἱνατί καὶ τὴν γῆν καταργεῖ;

8  ὁ δὲ ἀποκριθεὶς λέγει αὐτῷ· κύριε, ἄφες αὐτὴν καὶ τοῦτο τὸ ἔτος, ἕως ὅτου σκάψω περὶ αὐτὴν καὶ βάλω κόπρια,

9  κἂν μὲν ποιήσῃ καρπὸν εἰς τὸ μέλλον· εἰ δὲ μή γε, ἐκκόψεις αὐτήν. (Lk. 13:1-9 BGT)

1 Có một vài người cứ đến tường thuật cho Người về những người Galilê, những Người mà máu của họ ông Philatô đã trộn với lễ vật của họ.

2 Để trả lời, Người nói cùng họ: “Các người nghĩ rằng những người Galilê ấy là những người tội lỗi hơn tất cả những người Galilê; đến nỗi họ đã phải chết cách đau khổ?”

3 Ta bảo các ngươi, không phải như vậy, nhưng nếu các ngươi không hoán cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ chết tương tự như vậy.

4 Hoặc mười tám người kia bị tháp ở Siloam đổ xuống trên họ và giết chết họ. Các ngươi nghĩ rằng họ là những người tội lỗi hơn tất cả những người cư ngụ ở Giêrusalem hay sao?”

5 “Không phải, Ta bảo các ngươi, nhưng nếu các người không hoán cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ chết hết như vậy.”

6 Người tiếp tục kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Một người kia cho trồng một cây vả trong vườn nho của mình. Và ông ta đã đến tìm trái trong cây vả ấy nhưng không tìm thấy.

7 Ông mới nói cùng người làm vườn: “Nhìn xem, đã ba năm nay, ta đã đến tìm trái trong cây vả này nhưng vẫn không tìm thấy; Hãy chặt nó đi. Sao lại để nó phá hư đất?”

8 Để trả lời, người làm vườn nói cùng ông ta: “Thưa ông chủ! Hãy để nó một năm nữa cho đến khi tôi đào xới và bón phân cho nó,

9 biết đâu nó sẽ sinh trái vào năm sau, nhưng nếu nó không sinh trái, ông sẽ chặt nó đi”.

 

 

Bối cảnh

Lc 13,1-9 nằm trong đoạn lớn những trình thuật của Đức Giêsu trong giai đoạn trên đường lên Giêrusalem (9,51 – 19,27). Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn văn này nói về sự chỉ trích ngầm của nhóm người kể chuyện đối với những nạn nhân của vụ thảm sát dưới thời ông Philatô, đi liền sau đoạn văn hướng dẫn về việc phải hòa giải với đối phương trên đường ra tòa (Lc12,58). Hình phạt liên quan đến cái chết nối kết với hình phạt tù dành cho người không biết hòa giải với đối phương: “Không ra khỏi đó cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Lc 12,59). Sự thiếu hoán cải, theo nghĩa là không đón nhận Đức Giêsu, nối kết rõ ràng với việc đám đông biết nhận xét cảnh sắc đất trời, nhưng lại không biết nhận xét thời đại này (thời đại của Đấng Mêsiah) (Lc 12,56) và với thái độ tức tối của ông trưởng hội đường vì Đức Giêsu chữa lành cho một người phụ nữ bị còng lưng (bị Xatan trói buộc) đã mười tám năm (Lc 13,10-17). Con số thời gian mười tám năm bị Xatan trói buộc của bà cũng liên kết với con số mười tám người bị tháp ở Siloam đè chết. Trong bối cảnh rộng hơn, chủ đề hoán cải (được lặp lại hai lần trong đoạn này) nối kết với toàn bộ lời rao giảng của Đức Giêsu: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và Tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Nó cũng nối kết với lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả: “Bất kỳ cây nào không sinh hoa trái tốt thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc 3,9; cũng x. 3,17). Dụ ngôn cây vả không ra trái nhắc nhớ đến sự kiện Đức Giêsu nguyền rủa một cây vả không có trái ngoài thành Giêrusalem và nó đã chết khô đến tận rễ (Mc 11,12-14.20-24). Địa danh Galilê và Giêrusalem bao quát toàn bộ sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu, những nơi có những người không “hoán cải”. Bếtsaiđa, Khorazin và Caphácnaoum là ba thành thuộc miền Galilê đã không hoán cải khi nghe Đức Giêsu rao giảng (Lc 10,13). Đức Giêsu cũng than trách dân thành Giêrusalem, vì đã giết các ngôn sứ và ném đã những người được sai đến cùng họ (Lc 13,34; Mt 23,37).

Cấu trúc

Cái chết thảm của những người Galilê (1)

Cách nghĩ của người ta (2): Có thể họ tội lỗi hơn những người khác.

Cách nghĩ của Đức Giêsu (3): Không phải – nếu không hoán cải – sẽ chết hết như vậy

Cái chết thảm của những người Giêrusalem (4a):

Cách nghĩ của người ta (4b): Có thể họ tội lỗi hơn những người khác

Cách nghĩ của Đức Giêsu (5): Không phải – nếu không hoán cải – sẽ chết hết như vậy

Dụ ngôn cây vả không ra trái (6-9)

Ông chủ: Ba năm – tìm trái – không thấy – chặt – vì hại đất

Người làm vườn: Thêm một năm – đào xới & bón phân – nếu không sinh trái – chặt

 

Một số điểm chú giải

  1. Người Galilê bị Philatô giết: Câu chuyện này không có bằng chứng lịch sử rõ ràng và chỉ có một mình tác giả Luca ghi lại. Có nhiều giả thiết về nguồn gốc của câu chuyện này. Câu chuyện này có lẽ dựa trên câu chuyện lịch sử được sử gia Do Thái Josephus kể lại trong cuốn sách the “Antiquities”. Sử gia Josephus kể về cuộc nổi loạn của những người Samari nhằm tẩu thoát khỏi Philatô. Họ tập trung lại và muốn chạy lên núi Ghêrizim, nơi được xem là thánh địa của họ. Lễ vật được nói đến có lẽ là lễ vật họ chuẩn bị để dâng trên núi Ghêrizim. Tuy nhiên, ông Philatô đã bao vây và giết chết nhiều người trong số họ, khi họ đang quy tụ tại một ngôi làng gọi là Tirathaba.[1] Câu chuyện này cũng có thể có nguồn gốc từ cuộc thảm sát ba ngàn người tại Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua được sử gia Josephus kể lại trong cuốn “Chiến Tranh Do Thái”. Nó cũng có thể là sự kiện hoàng đế Alexander Jannaeus thảm sát sáu ngàn người Do Thái vào dịp Lễ Lều.[2] Không biết đâu là nguồn gốc thật sự của câu chuyện, chỉ biết rằng câu chuyện được kể lại nhằm lên án những người Galilê vì số phận bi thảm của họ. Tuy vậy, Đức Giêsu lại dùng nó như là một cơ hội để mời gọi sự hoán cải của những người Galilê khác và các Kitô hữu.
  2. Những người tội lỗi: Theo cách trả lời của Đức Giêsu, độc giả có thể đọc được suy nghĩ của những người đã kể cho Người nghe về câu chuyện này. Họ nghĩ rằng những cái chết bi thảm, hẳn phát xuất từ một đời sống tội lỗi. Suy nghĩ của họ có nền tảng trong Cựu Ước: Chúa trừng phạt những người tội lỗi.[3] Câu chuyện Chúa cho lửa diêm sinh từ trời xuống hủy diệt hai thành Sơđôm và Gômôra, đã cho thấy phần nào suy nghĩ ấy (St 19,1-29). Đức Giêsu không phủ nhận thân phận tội lỗi của những người xấu số trong câu chuyện ấy. Điều Người muốn họ lưu ý là mức độ tội lỗi của họ so với những người Galilê khác đang chết.[4] Nói cách khác, Người không tập trung vào nguồn gốc của nghịch cảnh nhưng vào tương lai của sự sống.[5] Đối với Đức Giêsu, những người đang sống chưa chắc là ít tội lỗi hơn những người bị chết thảm. Thực tế, có những người chết thảm không do lỗi lầm của họ, và thậm chí họ là nạn nhân của sự ác. Ví dụ như nạn nhân của chiến tranh hay thiên tai.
  3. Hoán cải: Điều cần thiết không phải là phán xét người khác nhưng là phán xét chính mình. Giả như người ta có chết vì tội lỗi thì chuyện phán xét đồn đoán cũng không mang lại lợi ích gì. Điều quan trọng là phải “hoán cải”. “Hãy hoán cải” là thông điệp Tin Mừng nền tảng và đầu tiên của Đức Giêsu: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”.[6] Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Chúa, rao giảng, kêu gọi người ta chịu Phép Rửa của lòng hoán cải để được ơn tha tội (Lc Lc 3,3); Hoán cải đích thực phải được thể hiện bằng cách “sinh hoa trái xứng với lòng hoán cải” (Lc 3,8).[7] Người cũng khẳng định rằng “Người không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi đi vào cuộc hoán cải” (Lc 5,32). Người cũng cho thấy niềm vui của triều thần trên trời vì một người tội lỗi hoán cải, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải hoán cải (Lc 15,7). Trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khổ”, ông nhà giàu nói với tổ phụ Ápraham rằng “nếu có ai đến với họ từ cõi chết, họ sẽ hoán cải” (Lc 16,30). Vào cuối Tin Mừng, tác giả lại ghi lại lời mệnh lệnh của Đức Giêsu dành cho các Tông Đồ: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ hoán cải để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Nói như thế để thấy rằng lời mọi gọi hoán cải bao trùm toàn bộ Tin Mừng Luca. Nó là thông điệp của Gioan Tẩy Giả, người dọn đường, của chính Đức Giêsu và cho các Tông Đồ. Trong bối cảnh này, lời mời gọi hoán cải được lặp lại hai lần như là một nhấn mạnh cho sự cấp thiết để thay đổi phận người.
  4. Chết tương tự như vậy: Hoán cải hay không là liên quan đến vận mệnh của cả đời người. Hơn ai hết, tác giả Luca cho thấy sự sống lại cách nguyên vẹn và dồi dào của một con người biết hoán cải. Câu chuyện được gọi là “người cha nhân hậu” cho thấy một sự thay đổi số phận một cách kỳ diệu của người con thứ mà người cha gọi là “đã chết mà nay sống lại; đã bị mất nay lại được tìm thấy”. Người cha đã lặp lại câu này đến hai lần: Với những người đầy tớ (Lc 15,24) và với chính người anh cả (Lc 15,32). Ngược lại, tác giả Luca cũng cho thấy số phận bi thảm của người phú hộ không biết hoán cải: “Ở trong hỏa ngục, chịu cực hình” (Lc 16,23). Hình phạt dành cho những người không hoán cải đã được nói đến trong Cựu Ước. “Nếu người ta không trở lại, Thiên Chúa sẽ mài gươm và giương cung sẵn sàng” (Tv 7,12); “Nếu bất kỳ quốc gia nào không lắng nghe, Ta sẽ hoàn toàn bứng nó và hủy diệt nó, Chúa phán” (Gr 12,17). Cái chết dành cho người không biết hoán cải là một cái chết thảm, chết dữ. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn, đó không chỉ là sự đau đớn về thể lý nhưng là sự chết đời đời, chịu cực hình muôn kiếp, xa cách Chúa mãi mãi.
  5. Mười tám người kia… tháp Siloam: Câu chuyện thứ hai do chính Đức Giêsu kể để thêm vào câu chuyện người ta kể cho Người. Đức Giêsu có lẽ muốn nói rằng, trong cuộc đời có nhiều cái chết bi thảm như vậy lắm, chứ không riêng gì câu chuyện mà họ kể cho Người. Những người Galilê là nạn nhân của một cuộc thảm sát (tác nhân là con người), những người ở Giêrusalem bị tai nạn ngẫu nhiên (tác nhân là cây tháp). Ví dụ của Đức Giêsu có vẻ rõ ràng hơn về sự trừng phạt hơn là ví dụ của họ. Hơn nữa, số người chết trong câu chuyện của Đức Giêsu cũng là một số lượng lớn hơn. Ý muốn nói rằng, ngay cả những người chết vì ngẫu nhiên, vô lý như vậy, cũng chưa chắc họ là những người tội lỗi nhiều. “Tháp ở Siloam” là một loại tháp trên tường thành Giêrusalem. Tin Mừng Gioan nhắc đến hồ Siloam như là một phần của Giêrusalem, có lẽ cùng khu vực với “tháp ở Siloam”.[8] Theo sử gia Josephus, tháp này là một phần của tường thành cổ Giêrusalem bao góc từ phía Đông về hướng Nam “trên hồ Siloam”. Không có dữ liệu rõ ràng nào về một vụ tai nạn xảy ra ở đây như Đức Giêsu nói.[9] Có thể là đã có một sự kiện như thế, nhiều người Do Thái đều biết nhưng lại không được ghi lại.
  6. Những người cư ngụ ở Giêrusalem: Nhóm người Galilê, đối lại với nhóm người Giêrusalem. Đây là hai nhóm người tượng trưng cho hai miền Bắc và Nam của đất nước Ítrael. Trình thuật này được bố trí trong khoảng thời gian Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem. Nghĩa là, Người đang ở khoảng giữa hai miền Bắc và Nam, có thể là Samari và các vùng lân cận. Ở cả hai miền Bắc và Nam có những thành phố không đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Tác giả Luca bố trí cảnh Đức Giêsu khai mạc sứ vụ tại quê nhà Nadarét, và Người đã bị chối từ đến mức người ta muốn giết Người bằng cách xô xuống khỏi đỉnh núi (Lc 4,16-30). Đức Giêsu gặt hái được nhiều thành công tại Caphácnaoum. Tuy nhiên, Người cũng xót xa cho ba thành phố Bếtsaiđa, Khorazin, và Caphácnaoum (Lc 10,13-15). Người so sánh Bếtsaiđa và Khorazin với hai thành phố dân ngoại đã bị hoang tàn vì không tỏ lòng hoán cải. Caphácnaoum lại bị cho là “nhào xuống tận âm phủ”. Đó là những thành miền Bắc Galilê. Ở miền Galilê, có khá nhiều người không hoán cải theo tinh thần Tin Mừng và rõ ràng họ cũng là những người tội lỗi không kém với những người bị quan Philatô giết. Song song với những người Galilê, những người ở Giêrusalem không những là những người chối bỏ Đức Giêsu mà còn giết Đức Giêsu nữa. Đức Giêsu đã than trách thành rằng: “Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những người được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại như gà mẹ quy tụ gà con dưới cánh nhưng các ngươi không chịu” (Lc 13,34). Như thế, ở Giêrusalem cũng có những người tội lỗi hơn những người bị tháp Siloam đè chết. Cả hai miền Bắc Nam đều có những người không hoán cải và có nguy cơ chết thảm như những nạn nhân của vụ thảm sát và tai nạn trong hai câu chuyện. Quan trọng và cụ thể hơn, nếu những người đang nghe Đức Giêsu và độc giả qua mọi thời đại không hoán cải, thì sẽ chết thảm thân xác và mất linh hồn đời đời nữa.
  7. Đến tìm trái … không tìm thấy… hãy chặt: Dụ ngôn là một minh họa cụ thể cho những tình trạng không hoán cải. Dụ ngôn này gợi nhớ đến lời cảnh báo của ông Gioan Tẩy giả dành cho đám đông “hãy sinh hoa quả xứng với lòng hoán cải”. Hình ảnh “chặt” những “cây không sinh hoa trái” cũng rất giống với lời cảnh báo của Gioan Tẩy Giả: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh hoa quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc 3,9) hay hình ảnh “tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm còn trấu thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3,17). Hai tác giả Mátthêu và Luca đều kể câu chuyện Đức Giêsu chúc dữ cho cây vả trên đường trở lại thành Giêrusalem, vì Người không tìm thấy trái và nó đã chết khô ngay lập tức (Mt 21,18-22; Mc 11,12-14.20-24). Tác giả Luca không ghi lại câu chuyện này, nhưng ông lại có “dụ ngôn cây vả không ra trái” (không có trong Mátthêu và Máccô), trong đó cũng đề cập đến cây vả không có trái và có nguy cơ bị chặt bỏ. L. Johnson nghĩ rằng dụ ngôn của Luca có cùng truyền thống với hai tác giả còn lại nhưng tác giả đã chuyển đổi nó theo dụng ý thần học của mình. Cây vả và cây nho được tìm thấy hiện diện cùng nhau trong Mk 4,4 và Ge 2,22 như những dấu hiệu của sự chúc lành của Chúa.[10] Dụng ý của dụ ngôn rất rõ ràng là nhằm nói về “hoa trái của lòng hoán cải” và hình phạt dành cho người “không sinh hoa trái của lòng hoán cải”. Gioan đã giới thiệu cụ thể những điều phải làm cho các nhóm người khác nhau để sinh hoa trái. Đám đông dân chúng phải biết chia cơm sẻ áo cho những người túng thiếu; Người thu thuế không được thu thêm những gì đã được ấn định; những quân nhân không được đàn áp và nhận hối lộ, phải bằng lòng với số lương của mình (x. Lc 3,10-14).[11] “Chặt đi” đồng nghĩa với việc giết chết cây vả. Nguy cơ của cái chết dành cho cây vả không ra trái, tương đồng với nguy cơ “chết hết y như vậy” của những người không hoán cải được lặp lại hai lần trước đó. Vị thế ông chủ trong dụ ngôn này rất giống với vị thế của Thiên Chúa tối cao, Đấng có quyền phán xét, thưởng và phạt trong ngày cánh chung.
  8. Đã ba năm một năm nữa: Quãng thời gian ba năm diễn tả một quãng thời gian chờ đợi đủ dài cho một cây vả ra trái. Có thể đây là khoảng thời gian tính từ năm một cây vả đã trưởng thành và có thể cho trái[12], nhưng mãi đến ba năm sau nó vẫn không ra trái. Hình ảnh người làm vườn, với đề xuất kéo dài thời hạn thêm một năm, rất phù hợp với hình ảnh Thiên Chúa nhân từ luôn tìm kiếm chiên lạc. Thiên Chúa là Đấng “chậm giận và giàu ân nghĩa” (Ds 14,18); “Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” (Tv 86,15; 103,8). Người như một người cha mãi đợi chờ, không chỉ một năm, nhưng có thể nhiều năm, cho đến khi người con thứ hối hận và trở về (x. Lc 15,11-32). Khoảng thời gian ba năm đến tìm trái đã là khoảng thời gian đợi chờ kiên nhẫn, và khoảng thời gian năm thứ tư, một năm nữa là quãng thời gian của lòng thương xót đúng như bản chất của Thiên Chúa.[13] Ai có thể chắc chắn rằng, sau năm thứ bốn, ông chủ lại không kéo dài thêm một năm nữa. Con người luôn có khả năng thay đổi và Thiên Chúa luôn mong chờ khoảnh khắc ấy. Câu chuyện đặc biệt về người trộm cướp cùng chịu đóng đinh một lần với Chúa là một minh chứng cụ thể, sống động cho sự hoán cải trong phút chốc của con người. Thật không quá đáng khi gọi anh ta là “kẻ trộm nước Thiên Đàng”. Chỉ cần một khoảng thời gian ngắn ngủi cuối cuộc đời đầy những lỗi lầm, anh ta đã tận dụng một cách hiệu quả: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta” (Lc 23,43).
  9. Đào xới và bón phân: Vai trò của người trung gian là rất quan trọng. Ông ta không những đề xuất kéo dài thêm một năm mà còn chăm bón cây vả một cách tốt nhất để cho nó trổ sinh hoa trái.[14] Điều này cũng ngụ ý rằng, cây vả đã được trao cho cơ hội và điều kiện tốt nhất để sinh hoa trái. Nếu nó không thể sinh hoa trái nữa thì không còn cách nào khác là đành phải chặt nó đi. Thiên Chúa luôn ban cho con người đủ thời gian và đủ ân sủng để hoán cải và trổ sinh hoa trái. Tuy nhiên, đến cuối cùng, nếu họ vẫn không hoán cải theo những giá trị Tin Mừng mà Đức Giêsu mời gọi, họ tự mình đánh mất ơn cứu độ của Chúa.

Bình luận tổng quát

Đức Giêsu vẫn tiếp tục rảo bước trên hành trình lên Giêrusalem, hành trình rao giảng chuẩn bị cho cuộc “xuất hành” mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem, tức là khổ nạn và phục sinh. Trên hành trình ấy, có những người đã đến kể cho Người nghe câu chuyện về những người Galilê bị Philatô giết, khiến máu hòa lẫn với lễ vật của họ. Rất khó để truy nguồn lịch sử của câu chuyện này. Điều mà độc giả có thế thấy rõ là ẩn ý quan điểm nguyên nhân và hậu quả, tội lỗi và hình phạt của Thiên Chúa trong suy nghĩ của những người kể câu chuyện này. Người ta chết thảm là do Chúa phạt nặng. Những nạn nhân trong câu chuyện bị chết cách đau khổ như thế bởi vì họ là những người tội lỗi bậc nhất trong vùng Galilê. Vì đọc được suy nghĩ lệch lạc có phần kết án của những người kể chuyện, Đức Giêsu đã lập tức chấn chỉnh: “Không phải thế đâu”. Cùng lúc, Người đưa ra lời mời gọi “hoán cải”. Thêm vào đó, Người đưa thêm một dẫn chứng khác: Mười tám người bị tháp Siloam đè chết một cách ngẫu nhiên, vô lý. Trong lúc nhóm nạn nhân bị ông Philatô giết còn một lý giải khác là do sự tàn ác của lãnh đạo đế quốc, cái chết của nhóm nạn nhân ở Siloam chỉ có thể lý giải bằng án phạt của Chúa dành cho những lỗi lầm của họ. Đức Giêsu một lần nữa khẳng định, ngay cả những người bị tai nạn ngẫu nhiên ấy, cũng không phải là những người bị án tử hình của Chúa. Hai lần nhắc lại câu phủ định “không phải thế đâu”. Không phải những nạn nhân của lãnh chúa, hoặc của tai nạn là do họ tội lỗi hơn những người khác cùng thời, cùng vị trí địa lý. Hai lần mời gọi: “Nếu các ngươi không hoán cải, thì các ngươi cũng sẽ chết hết như vậy”. Tuy những cái chết thảm thương ấy không chứng minh tỏ tường về tội lỗi của những nạn nhân, nó lại là những cái chết báo trước cách tỏ tường cho những người không hoán cải. Sự lặp lại lời khẳng định “không phải thế” và lời mời gọi “hoán cải”, vừa mang tính nhấn mạnh, cảnh báo, vừa biểu lộ tính tha thiết, kêu mời. Hai địa danh Giêrusalem (miền Nam) và Galilê (miền Bắc) trong hai câu chuyện như bao trùm cả quốc gia lãnh thổ của nước Ítrael. Miền Bắc, nơi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ và được đáp trả bằng sự chối từ, căm giận của dân làng Nadarét, đến nỗi muốn xô Người xuống núi. Đó cũng là nơi có những thành phố mà Đức Giêsu cảm thấy xót xa vì họ không biết hoán cải: Thành Khorazin, Bếtsaiđa và Caphácnaoum (Lc 10,13-15). Miền Nam, Giêrusalem, nơi mà Người sẽ bị nộp, chịu nạn và chịu chết trên thập giá. Đức Giêsu cũng đã thương khóc cho thành Giêrusalem, vì họ đã giết các ngôn sứ và ném đá những người Chúa sai đến (Lc 13,34). Ngay trước trình thuật này là nhận xét của Đức Giêsu về đám đông: Họ biết nhận xét cảnh sắc đất trời qua dấu hiệu thời tiết, nhưng lại mù tịt về thời đại của Đấng Mêsiah (Lc 12,54-56). Sau trình thuật này, là câu chuyện Đức Giêsu chữa lành một người phụ nữ bị Xatan trói buộc mười tám năm, trong đó, ông trưởng hội đường đã tức tối vì Đức Giêsu chữa bệnh vào ngày Sa-bát (Lc 13,10-17). Tất cả như một bức tranh ảm đạm của sự thiếu lòng hoán cải qua việc đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Dụ ngôn cây vả không ra trái như là một minh họa sống động cho lời mời gọi hoán cải và nguy cơ ẩn tàng cho sự thiếu hoán cải. Cây không chỉ sống mà thôi, nhưng còn phải cho hoa, cho trái. Người chủ vườn luôn trông chờ nơi cây vả những hoa thơm trái ngọt. Con người không chỉ tồn tại mà thôi, họ còn được mời gọi hoán cải và sinh hoa trái xứng với lòng hoán cải. Thiên Chúa luôn chờ đợi con Người trở về với Người. Người chờ đợi ba năm, rồi thêm một năm nữa và có thể thêm nhiều lần “một năm nữa”. Người không chỉ kéo dài thời gian cách thụ động, Người còn làm tất cả mọi sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ trở về. Như người làm vườn chăm bón cho cây vả, Thiên Chúa cũng gửi những người trung gian để chăm sóc, hướng dẫn, thúc bách từng tâm hồn để họ có thể sinh hoa trái tốt lành. Dĩ nhiên, ông chủ không muốn và không chờ đợi giây phút mà Người phải chặt cây vả đi sau bao nhiêu năm vun trồng. Thiên Chúa cũng không chờ đợi để trừng phạt tội nhân. Người chỉ muốn họ thay đổi và được tha thứ. Cho đến cuối cùng, sau tất cả những cố gắng vun xới, đợi chờ, mà người ta vẫn không sinh hoa trái tốt lành, giải pháp “bất đắc dĩ” là Thiên Chúa đành phải để con mình đi vào hỏa ngục trong nuối tiếc xót xa.

Thời gian ba năm + một, trong dụ ngôn “cây vả không sinh trái” có thể được ví như thời gian Mùa Chay. Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta ba nẻo đường thuận tiện nhất trong tiến trình hoán cải: Ăn chay, cầu nguyện và cho đi. Ăn chay để biết mình yếu đuối, mỏng giòn và cần Chúa. Đó cũng là phương cách để trải nghiệm rằng “người ta sống không chỉ nhờ bánh mì, nhưng còn bởi Lời do từ miệng Thiên Chúa”. Hơn nữa, khi không quá bận tâm đến cái ăn, cái mặc, người ta có nhiều thời gian hơn cho Chúa và cho người khác. Cầu nguyện là nối lại tương quan đối thoại với Chúa, để biết được ý muốn của Người trên cuộc đời mình. Giống như Đức Giêsu cầu nguyện trên núi Biến Hình, để suy gẫm về cuộc “xuất hành” mà Cha muốn Người hoàn tất. Cầu nguyện, giúp hàn gắn lại những tương quan đổ vỡ với Chúa và với tha nhân. Những giây phút tĩnh lặng bên Chúa cũng giúp cho con người đối diện với chính mình, tìm thấy lại căn tính của đời mình dưới ánh sáng của Chúa. Cuối cùng, “cho đi” giúp người ta hướng đến tha nhân một cách thiết thực. Đó là cách bày tỏ tình yêu, sự quan tâm trong tình anh chị em bằng hữu cách cụ thể. Cho đi thời gian, của cải, và sức lực cũng là biểu lộ của “tính người” một cách rõ ràng nhất. “Cho đi” cũng làm cho người ta thanh thoát với của cải, sở hữu, để chỉ còn “làm tôi” một mình Thiên Chúa mà thôi.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] The works of Josephus. Complete and unabridged (ed., W. WHISTON) (Peabody 1987) 482.

[2] J. A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 1007; “In my opinion, the intervention of Pilate’s troops must have taken place in the precinct of the temple during Passover, since this time was often the occasion for demonstrations” [F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2013) 267].

[3] “In their eyes, the punishment was evidence of the scale of the hidden vices. They had in mind other people’s sin; Jesus referred them back to their own” (F. Bovon, Luke 2, 268).

[4] “In fact, Jesus’ reply does not deny sin its consequences, nor that sin leads to judgment; instead, he rejects the theory that those who encounter calamity have necessarily been marked by God as more deserving of judgment than those who do not” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 514].

[5] F. Bovon, Luke 2, 268.

[6] “Hoán cải ở đây rõ ràng là không chỉ giới hạn vào sự hối lỗi và chừa lỗi nhưng là biến đổi lòng mình, trí mình, hành vi của mình theo cách suy cách nghĩ và cách hành động của Chúa” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: TỪ PHÉP RỬA HOÁN CẢI ĐẾN ƠN CỨU ĐỘ. Chú Giải Tin Mùng CN II MV C (Lc 3,1-6) (josephpham-horizon.blogspot.com)].

[7] Xem thêm về hoa trái của lòng hoán cải trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: NHỮNG HOA TRÁI CỦA LÒNG HOÁN CẢI. Chú giải Tin Mừng CN III MV C (Lc 3,10-18) (josephpham-horizon.blogspot.com)

[8] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1997) 211; “The location of the pool of Siloam is known; it was at the end of the canal built by King Hezekiah, on the southeast side of Jerusalem; this pool was surrounded, in New Testament times, by a portico with colonnades built by Herod the Great” (F. Bovon, Luke 2, 269).

[9] J. A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1008.

[10] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 211.

[11] Xem thêm về hoa trái của lòng hoán cải trong, J.P.D. Thạch “Những Hoa Trái của Lòng Hoán Cải. Chú Giải Tin Mừng CN III MV C (Lc 3,10-18)”, [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: NHỮNG HOA TRÁI CỦA LÒNG HOÁN CẢI. Chú giải Tin Mừng CN III MV C (Lc 3,10-18) (josephpham-horizon.blogspot.com)]; “In the Sermon on the Plain Jesus similarly notes the import of bearing good fruit (6:43–45), but this element is especially well developed in his parabolic teaching on sowing (8:4–15). There, “authentic hearing” of the word of God is demonstrated in “bearing fruit” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 515).

[12] “The three years that are mentioned are to be added to the first years of maturation that would normally be expected before the tree would bear fruit” (F. Bovon, Luke 2, 271).

[13] “Jesus continues by insisting that the unrepentant have escaped judgment not because of their relative sanctity but because of God’s mercy” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 515).

[14] F. Bovon, Luke 2, 271.

Bài trướcNGÀY THỨ 9 (ngày cuối): GIUSE HÈN MỌN NGÀY NAY * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE
Bài tiếp theoTÍNH KHẨN TRƯƠNG CỦA VIỆC HOÁN CẢI CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, năm C