Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Mùa Chay – Năm C

0
577

Bài Ðọc I: Xh 3, 1-8a. 13-15

“Ðấng hiện hữu sai tôi đến với anh em”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi”.

Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Môsê! Môsê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”.

Môsê thưa với Thiên Chúa rằng: “Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: “Tên Người là gì?”, con sẽ nói sao với họ?” Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta là Ðấng Tự Hữu”. Chúa nói: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em”.

Thiên Chúa lại nói với Môsê: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em”. Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 11

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Ðáp.

3) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. – Ðáp.

4) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 1-6. 10-12

“Ðời sống dân chúng đối với Môsê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa.

Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2

Này là lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ.

Phúc Âm: Lc 13, 1-9

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

ĂN NĂN SÁM HỐI

Lm. Giuse Nguyễn Huy Hùng, SVD

Chúng ta đang sống trong thời gian 40 ngày của Mùa Chay Thánh. Đây là thời gian thuận tiện nhất để giúp mỗi người chúng ta ăn năn sám hối. Mùa Chay mời gọi chúng ta sám hối, chừa cải những lỗi lầm xúc phạm đến Chúa và tha nhân; đồng thời, nhận ra giới hạn của mình để tín thác và đón nhận ân sủng yêu thương của Chúa. Từ đó, chúng ta định hướng lại toàn bộ cuộc sống, chỉnh đốn lại những sai lầm đang làm lệch lạc trong suy nghĩ, cách sống nhằm thay đổi cuộc sống nên tốt hơn trên hành trình đức tin của mình.

Thánh Phaolô mời gọi tín hữu Côrintô trong thư thứ nhất hãy ăn năn sám hối, tin tưởng, phó thác vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với sự hướng dẫn đầy tình nhân ái của Người. Thánh nhân thấu hiểu được tâm lý con người nên đã cảnh báo họ về những cám dỗ trong cuộc sống hằng ngày. Để chứng minh điều đó cho dân thành Côrintô, Ngài đã nhắc lại cuộc xuất hành của dân từ Ai Cập vượt qua biển đỏ, rồi trong suốt hành trình trong sa mạc, họ đã được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, ấy thế mà dân Israel đã bội nghĩa vong ân, đã thay trắng đổi đen, và đã vướng vào những cạm bẫy của ma quỷ, để rồi kiêu ngạo, thách thức Thiên Chúa. Vì thế, nhiều người đã phải chết bởi tính kiêu ngạo của mình.

Khi nghe một người gian ác gặp nạn, chúng ta thường nói: “Ác giả ác báo”. Đúng là “gieo gió thì phải gặp bão”. Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca cho chúng ta biết những người Do Thái cùng thời với Chúa Giêsu cũng đồng quan điểm như thế. Trước là câu chuyện mới xảy ra với mấy người Galilê khi đang dâng lễ trong Đền Thờ thì bị quan Philatô sai quân đến giết chết tại bàn thờ, làm cho máu của họ đổ ra hòa lẫn với máu các con vật họ vừa sát tế; tiếp theo là việc tháp Silôê đổ xuống đè chết mười tám nạn nhân. Người Do Thái cho rằng những người bị tai họa đó là do tội lỗi của chính họ nên bị Thiên Chúa giáng phạt; trái lại, những người khác thấy vẫn bình yên vô sự thì cho rằng mình vô tội, nên dễ tự hào về sự thánh thiện của mình. Chúa Giêsu không nghĩ thế, Người không cho rằng những người bị nạn đó tội lỗi hơn đồng hương của họ. Ngài muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều là tội nhân, đều bị Thiên Chúa phán xét, đều chịu án phạt của Người, nên cần phải ăn năn sám hối để tránh hình phạt của Thiên Chúa.

Trước hết, ăn năn sám hối là nhận biết tâm hồn tội lỗi yếu đuối để tin cậy vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Như vua Đavít xưa, sau khi lỡ sa ngã phạm tội ngoại tình và mượn tay quân địch ngoài mặt trận để gián tiếp giết chết tướng Urigia và chiếm đoạt vợ của ông là nàng Bátseva, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Nathan đến thức tỉnh lương tâm của nhà vua. Vua Đavít ý thức tội lỗi của mình liền ăn năn sám hối trở về với Chúa, Đavít thổn thức: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trước mắt Ngài…” (Tv 51).

Thứ đến, ăn năn sám hối để đổi mới tâm hồn. Chúng ta cũng thường có cái nhìn như người Do Thái xưa, khi thấy người khác gặp chuyện không may liền lên án. Bởi vì chúng ta thường không muốn nhìn thấy tội mình, nhưng chỉ muốn nhìn thấy tội của người khác. Chúng ta cũng thường có lối hành xử không ý thức về các tội mình đã phạm, nhưng lại sẵn sàng lên án người khác khi lầm lỗi. Chúng ta thường sống dễ dãi với tội lỗi bản thân, nhưng lại khắt khe với tội lỗi người khác. Đó là tâm tà đang ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Vì thế, mỗi người chúng ta phải quyết tâm thay đổi tâm hồn cũ kỹ tiêu cực trước đây bằng tâm hồn trong sáng tích cực, khoan nhân, vị tha. Con người phạm tội cũng giống như một chiếc xe đang chạy bị bén lửa, nếu không dừng lại kịp thời khống chế, ngọn lửa lan nhanh và thiêu rụi cả chiếc xe. Ăn năn sám hối chính là dập tắt ngọn lửa đó để có thể cứu toàn bộ chiếc xe khỏi bị cháy thiêu.

Sau cùng, ăn năn sám hối để gia tăng tinh thần bác ái yêu thương. Có lẽ, chúng ta ngày nay cũng giống như cây vả cứ mải mê lo cho tốt thân mà lơ là đi việc sinh hoa trái. Chúa Giêsu hỏi: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy” (Lc 13,7). Chúng ta thường mải mê lo lắng việc kiếm cơm áo gạo tiền rồi tìm cách hưởng thụ mà lơ là với việc bổn phận đối với Chúa và tha nhân. Chúng ta theo đạo nhiều năm, trải qua nhiều Mùa Chay Thánh mà lối sống đầy tính ích kỷ, tự mãn, gian tham, không những không tốt hơn mà có khi còn tệ hại hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải sám hối trở về không chỉ bằng việc đấm ngực ăn năn về các tội đã phạm mà còn phải sống theo sự hướng dẫn dưới ánh sáng Lời Chúa để sinh hoa kết trái xứng với lòng ăn năn thống hối. Hoa trái của sự thánh thiện là các việc lành phúc đức, giữ sự công bằng bác ai yêu thương và phục vụ. Chúng ta phải nỗ lực hết mình để luôn phát sinh hoa trái tốt trong đời sống: Gieo tình thương bằng nụ cười thân ái để xóa tan oán ghét hận thù, gieo tình thương tha thứ để xóa tan sự khinh khi nhục mạ, gieo công bằng chân lý để xóa tan giả dối bất công và gieo những điều tốt đẹp nhất cho mọi người; bởi vì, “Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31).

Mùa Chay là mùa sám hối, mùa trở về với Chúa, mùa để nhìn lại chính mình. Tôi là ai? Tôi có còn sống trong quá khứ để than vãn? Tôi có suy nghĩ như vua Đavit, nhìn nhận sự yếu đuối tội lỗi để khiêm nhường sám hối, cậy trông vào lòng thương xót của Chúa và cầu xin Ngài biến đổi?

Mùa Chay là mùa cao điểm của ơn phúc để canh tân tâm hồn, nhờ đó mà mỗi ngày chúng ta nên hoàn thiện hơn. Ngoài ba việc thực hành thông thường trong Mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và bác ái, chúng ta được mời gọi sửa đổi và ăn năn sám hối những khuyết điểm của mình để nhận ơn thứ tha của Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta ý thức Mùa Chay là hành trình vượt qua những cám dỗ, những thói hư tật xấu để mỗi ngày sống kết hiệp mật thiết với Chúa và yêu thương tha nhân hơn.

 

Bài trướcVIDEO BẢN TIN NGÔI LỜI: Lễ Thánh Giuse, Bổn mạng Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam (19-3-2019)
Bài tiếp theoMùa Chay – Tuần III – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây