Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXII Thường Niên, Năm C (Lc 14,1.7-14)

0
313

CHỖ NHẤT – CHỖ CUỐI

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Lc 14,1.7-14)

Hy Lạp Việt
1 Καὶ ἐγένετο ἐν τῷ ἐλθεῖν αὐτὸν εἰς οἶκόν τινος τῶν ἀρχόντων [τῶν] Φαρισαίων σαββάτῳ φαγεῖν ἄρτον καὶ αὐτοὶ ἦσαν παρατηρούμενοι αὐτόν.

7  Ἔλεγεν δὲ πρὸς τοὺς κεκλημένους παραβολήν, ἐπέχων πῶς τὰς πρωτοκλισίας ἐξελέγοντο, λέγων πρὸς αὐτούς·

8  ὅταν κληθῇς ὑπό τινος εἰς γάμους, μὴ κατακλιθῇς εἰς τὴν πρωτοκλισίαν, μήποτε ἐντιμότερός σου ᾖ κεκλημένος ὑπ᾽ αὐτοῦ,

9  καὶ ἐλθὼν ὁ σὲ καὶ αὐτὸν καλέσας ἐρεῖ σοι· δὸς τούτῳ τόπον, καὶ τότε ἄρξῃ μετὰ αἰσχύνης τὸν ἔσχατον τόπον κατέχειν.

10  ἀλλ᾽ ὅταν κληθῇς, πορευθεὶς ἀνάπεσε εἰς τὸν ἔσχατον τόπον, ἵνα ὅταν ἔλθῃ ὁ κεκληκώς σε ἐρεῖ σοι· φίλε, προσανάβηθι ἀνώτερον· τότε ἔσται σοι δόξα ἐνώπιον πάντων τῶν συνανακειμένων σοι.

11  ὅτι πᾶς ὁ ὑψῶν ἑαυτὸν ταπεινωθήσεται, καὶ ὁ ταπεινῶν ἑαυτὸν ὑψωθήσεται.

12  Ἔλεγεν δὲ καὶ τῷ κεκληκότι αὐτόν· ὅταν ποιῇς ἄριστον ἢ δεῖπνον, μὴ φώνει τοὺς φίλους σου μηδὲ τοὺς ἀδελφούς σου μηδὲ τοὺς συγγενεῖς σου μηδὲ γείτονας πλουσίους, μήποτε καὶ αὐτοὶ ἀντικαλέσωσίν σε καὶ γένηται ἀνταπόδομά σοι.

13  ἀλλ᾽ ὅταν δοχὴν ποιῇς, κάλει πτωχούς, ἀναπείρους, χωλούς, τυφλούς·

14  καὶ μακάριος ἔσῃ, ὅτι οὐκ ἔχουσιν ἀνταποδοῦναί σοι, ἀνταποδοθήσεται γάρ σοι ἐν τῇ ἀναστάσει τῶν δικαίων. (Lk. 14:7-14 BGT)

1 Chuyện xảy ra khi Đức Giêsu đi đến nhà của một trong những thủ lãnh của những người Pharisêu vào ngày Sabát để dùng bữa và họ cứ quan sát Người một cách cẩn thận.

7 Người nói cùng những người đã được mời một dụ ngôn, khi quan sát thấy họ thích chọn chỗ danh dự nhất, Người nói cùng họ.

8 Khi anh được ai đó mời ăn tiệc, đừng ngồi vào chỗ danh dự nhất, kẻo có một người đáng vinh dự hơn anh cũng được mời,

9 và người ấy đến gọi cả anh và anh ta đến mà nói cùng anh: “Hãy trao chỗ này cho người này”. Bấy giờ, anh sẽ bắt đầu xấu hổ khi đi xuống chỗ cuối.

10 Nhưng khi anh được mời, sau khi tiến vào, anh cứ ngồi vào chỗ cuối, để người đã mời anh đến nói cùng anh rằng: “Này anh bạn, hãy đi lên chỗ quan trọng hơn”. Khi đó, anh sẽ được vinh danh trước mặt tất cả các thực khách.

11 Vì ai đề cao chính mình sẽ bị hạ thấp, ai hạ thấp chính mình sẽ được đề cao.

12 Rồi Người nói cùng người đã mời Người: “Khi ông tổ chức bữa ăn hay tiệc tùng, đừng mời bạn bè của ông, những người anh em của ông, những người họ hàng của ông, những người láng giềng giàu có, và họ cũng mời ông lại, và thế là, ông được đền đáp.

13 Nhưng khi tổ chức tiệc tùng, hãy mời những người nghèo, những người tàn tật, những người què, và những người mù.

14 Và ông sẽ có phúc, khi họ không có gì để đền đáp ông, vì ông sẽ được đền đáp nơi sự sống lại của những người công chính.

 

Bối cảnh

Trong bối cảnh rộng, Lc 14,1.7-14 nằm trong số những trình thuật về hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu (9,51 – 19,27). Trong bối cảnh hẹp hơn, đoạn văn này nằm ngay trước đoạn văn nói về “những khách được mời chối từ” (Lc 14,15-24). Ngay trước đoạn văn này, hai đoạn văn nói về sự chối từ: Sự chối từ của vua Hêrôđê (Lc 13,31-33) và sự chối từ của dân thành Giêrusalem (Lc 13,34-35). Một cách tổng quát, đoạn văn 14,1.7-14, đề cập đến những người Pharisêu từ chối Đức Giêsu khi họ “cứ dò xét Người”, đối lại với việc Đức Giêsu mời gọi họ sống theo lối sống của Người. Cụ thể là “khiêm nhường, tự hạ”. Mầu nhiệm tự hạ và được nâng lên là mầu nhiệm chính yếu trong “cuộc xuất hành mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem” (Lc 9,31). Nhân đức “tự hạ”, khiêm nhường luôn là phẩm chất mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải có (x.Mt 18,14; 20,26 Lc 9,48; 22,26; Mc 9,35; Ga 13,1-15). Những khách mời ưu tiên cho các bữa tiệc được Đức Giêsu đề xuất “người nghèo, người tàn tật, người què và người mù”, cũng là những người mà ông chủ đã mời vào dự tiệc, sau khi các thực khách đồng loạt xin kiếu, trong dụ ngôn “khách mời xin kiếu” (Lc 14,15-24). Người nghèo, và những người đau khổ vì bệnh tật, cũng là những đối tượng được Đấng Mêsiah nhắm đến trước tiên trong sứ vụ rao giảng và chữa lành của mình (Lc 4,18-19). Chủ đề về cánh chung liên quan đến sự sống lại của người công chính cũng là chủ đề nối kết các bài giảng về cánh chung của Đức Giêsu trong Tin Mừng Nhất Lãm.

Cấu trúc

Câu chuyện gồm hai phần rõ rệt, được định hình theo cấu trúc song song (ABC// A’B’C’)

 Bối cảnh: Không gian, thời gian, nhân vật (1)

*Dành cho khách: Cách chọn chỗ ngồi (7-11)

Mở đầu: Người ta thường chọn chỗ danh dự (7)

(A) Đừng ngồi vào chỗ danh dự (8)

(B) Bị bắt nhường chỗ cho người trọng hơn

                 (C) Xấu hổ khi đi xuống chỗ cuối (9)

(A’) Cứ ngồi vào chỗ cuối

(B’) Được mời lên chỗ danh dự

(C’) được vinh danh trước mặt tất cả các thực khách (10).

Kết luận: Tự đề cao, sẽ bị hạ thấp, tự hạ thấp, sẽ được đề cao (11).

*Dành cho chủ nhà: Cách chọn khách mời (12-14)

(A) Đừng mời bạn bè, những người anh em, những người thân, những người giàu có,

(B) Họ cũng mời lại,

(C) Được đền đáp (12)

(A’) Mời những người nghèo, người tàn tật, người què, và người mù (13)

(B’) Anh sẽ có phúc, không được mời lại,

(C’) Được đền đáp trong sự sống lại của những người công chính (14)

 

Một số điểm chú giải

  1. Thủ lãnh của những người Pharisêu: Nhóm “những người Pharisêu” là một nhóm tôn giáo sùng đạo Do Thái. Pharisaios trong tiếng Hy Lạp có nguồn gốc từ động từ “paras” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “tách ra”, “phân chia ra”. Đây là một nhóm những người đạo đức, giữ luật một cách chặt chẽ, tách ra khỏi những người vô luật lệ và vô thần. Luật lệ là trung tâm suy nghĩ và đời sống thực hành của họ. Sử gia Josephus tường thuật rằng “những người Pharisêu đã đưa ra cho người dân một loạt những luật lệ mà họ tiếp nối truyền thống cha ông của họ, những điều không được chép trong Luật Môsê”. Chính vì thế mà người Sađốc phản đối những người Pharisêu, vì người Sađốc chỉ giữ những gì được viết ra trong Luật Môsê.[1] Vào thời Đức Giêsu, ước tính có khoảng 6000 người thuộc phái Pharisêu. Phái này gồm có các Kinh Sư (Mc 2,16), các tiến sỹ luật và cả một số tư tế nữa. Những ưu điểm của những người Pharisêu: Nhiệt tâm truyền giáo (Mt 23,15); Niềm ưu tư về đời sống trọn lành, công chính (Mt 5,20)[2]; Chay tịnh (Mc 2,18; Mt 9,14; Lc 5,33). Họ ngồi trên tòa Môsê mà giảng dạy dân chúng những lời đúng đắn (Mt 23,2). Họ quan tâm đến ngày giờ mà Triều Đại Thiên Chúa đến (Lc 17,20). Đức Giêsu cũng từng dùng bữa tại nhà một người Pharisêu (Lc 7,36; 11,37; 14,1). Ông Phaolô cũng là một người Pharisêu thứ thiệt (23,6); Ông Nicôđêmô cũng là một người Pharisêu. Ông đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm (Ga 3,1); Đứng ra bảo vệ Đức Giêsu trước các lãnh đạo Do Thái (7,50) và cuối cùng táng xác Đức Giêsu (Ga 19,39). Công vụ Tông Đồ nhắc đến một người Pharisêu nổi tiếng có uy tín đã đứng ra bảo vệ cho ông Phêrô và các Tông Đồ trước Thượng Hội Đồng Do Thái. Đó là ông Gamaliel (Cv 5,34-39) (Gamaliel: Chúa là phần thưởng của tôi). Nói như thế để độc giả có một cái nhìn quân bình hơn về những người Pharisêu trong bối cảnh Tân Ước. Các tác giả Tin Mừng rất nhiều lần mô tả Pharisêu như là đối thủ tranh luận với Đức Giêsu nhiều vấn đề (thanh sạch, Sabát, ăn chay, li dị…), có những âm mưu gài bẫy Đức Giêsu (Lc 11,54; Mt 22,15; Mc 12,13). Họ được mô tả như những người giả hình, sống đạo hình thức (Mc 7,6; Mt 23; Lc 12,1); Tham lam tiền bạc (Lc 16,14). Gay gắt nhất, là họ có ý định giết Đức Giêsu (Mc 3,6). Tuy nhiên, điều lạ lùng là danh xưng này không xuất hiện trong các trình thuật của Tin Mừng về vụ án của Đức Giêsu (khổ nạn – phục sinh). Tin Mừng thứ tư nhắc đến một lần duy nhất (18,3). Điều này làm cho nhiều chuyên gia tin rằng, những người Pharisêu không tham gia vào việc giết Đức Giêsu.[3] Trong bối cảnh này, Đức Giêsu được mời đến dùng bữa. Dầu vậy, có thể thấy rằng bầu khí không mấy thân thiện khi tác giả lưu ý rằng “họ cứ quan sát Người một cách cẩn thận” (αὐτοὶ ἦσαν παρατηρούμενοι αὐτόν). Thời gian được ghi chú cẩn thận là “vào ngày Sabát”. Quả thực, ngay trong bữa tiệc ấy, vào ngày Sabát, Đức Giêsu đã chữa bệnh cho một người mắc bệnh phù thũng (14,2-6). Đức Giêsu đã hỏi họ hai câu hỏi cố ý hợp pháp hóa cho hành vi chữa bệnh của mình: “Có hợp luật để chữa bệnh trong ngày Sabát không?” (14,3) và “ai trong các ông có đứa con trai hay con bò rơi xuống giếng lại không kéo nó lên ngay, dù trong ngày Sabát” (14,5). Họ không có câu trả lời nào cho cả hai câu hỏi.
  2. “Thường chọn chỗ danh dự”: Câu chuyện về cách chọn chỗ ngồi được đặt ngay sau câu chuyện chữa lành người phù thũng trong ngày Sabát. Lý do được người thuật chuyện giới thiệu là “vì quan sát thấy người ta cứ chọn chỗ ngồi danh dự”.[4] Động từ “chọn lựa” (“ἐκλέγω”) được chia ở thì vị hoàn, diễn tả sự kéo dài, hoặc thói quen, diễn tả một xu thế, một sở thích thường thấy trong xã hội, đặc biệt là những người lãnh đạo Do Thái, những người thích được thừa nhận và tôn trọng nơi công cộng. Đức Giêsu từng dạy các môn đệ: “Anh em phải coi chừng những ông Kinh Sư, thích dạo quanh trong bộ áo dài và thích lời chào nơi phố chợ” (Lc 20,46; Mc 12,38). Đức Giêsu còn kêu than: “Khốn khổ cho các ông, hỡi những người Pharisêu, các ông thích ngồi chỗ tốt nhất trong các hội đường và thích những lời chào nơi phố chợ” (Lc 11,43). Danh từ “πρωτοκλισία” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “chỗ danh dự nhất”, thường là bên cạnh chủ tiệc,[5] “chỗ quan trọng nhất”, “chỗ tốt nhất”. Những chỗ này thường mang đến sự hãnh diện, “nở mặt nở mày” cho thực khách hơn cả. Người Việt Nam thường dùng những danh từ như “mâm trên”, hay “chiếu trên” để diễn tả những bàn ăn cho những người quan trọng hơn, vinh dự hơn. Người xưa cũng thường dùng câu “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, để diễn danh dự của một người được đề cao giữa nơi công cộng.
  3. “Đừng ngồi vào chỗ danh dự”: Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến được nói chung chung là “những người được mời”. “Những người được mời” này rất có thể đa số là các luật sỹ và những người Pharisêu, những người hàng xóm giàu có, cùng với những người bà con và bạn hữu của gia chủ. Đức Giêsu dạy họ: “Đừng ngồi vào chỗ danh dự nhất”. Cấu trúc gồm một tiểu từ phủ định “μὴ” (cấm, không được), cùng với một động từ ở lối giả định, thể bị động “κατακλιθῇς” (ngồi), diễn tả một lệnh cấm (μὴ κατακλιθῇς: Cấm ngồi). Lý do của lệnh tránh, lệnh cấm là để phòng ngừa một sự bẽ mặt, xấu hổ có thể xảy ra. Giả định tình huống là người này không biết có những nhân vật quan trọng nào được mời và có những ai cao trọng hơn mình hay không. Giả sử có một người nào đó cao trọng hơn, đáng được vinh dự hơn (ἐντιμότερός), người này buộc phải nhường chỗ cho người được chủ nhà coi trọng hơn mình. Khi ấy, tình trạng éo le, sẽ xảy ra. Những lời dạy như thế, cũng được tìm thấy trong văn chương các thầy dạy Do Thái muộn thời hơn Đức Giêsu.[6]
  4. “Một người đáng vinh dự hơn”: Theo nghĩa đen, “người đáng vinh dự hơn” trước tiên nói đến một thực khách có địa vị quan trọng nhất trong bữa tiệc, đối với ông chủ, và cũng có thể đối với các thực khách còn lại. Vinh dự của người này có thể đến từ địa vị cao trong xã hội, quyền cao, chức trọng, hay sự giàu có, hoặc có mối quan hệ gần gũi nhất với chủ tiệc, hay là một nhân vật đức cao vọng trọng trong xã hội. Dầu vậy, khi nói đến khái niệm một người đáng vinh dự hơn, người ta cũng không quên lời giới thiệu của ông Gioan Tẩy Giả về Đấng Mêsiah “có Đấng quyền năng hơn tôi đang đến, và tôi không đáng cởi quai xăng-đan cho Người” (Lc 3,16). Ông Gioan Tẩy Giả rõ ràng biết vị trí của mình ở đâu và không chiếm vị trí của Đấng Mêsiah.
  5. “Xấu hổ khi đi xuống chỗ cuối”: Người khách khởi đầu bằng “chỗ ngồi quan trọng nhất” nhưng lại kết thúc bằng “chỗ ngồi kém quan trọng nhất” (nghĩa đen là “chỗ ngồi cuối cùng”). Tình huống xảy ra hơi lạ lùng. Nếu người này không được ngồi ở vị trí vinh dự nhất thì cũng có thể ngồi ở vị trí ít vinh dự hơn, không nhất thiết phải đi xuống đến “chỗ cuối cùng”. Có lẽ, cách nói này ám chỉ đến “sự xấu hổ”, “muối mặt” đến nỗi không còn mặt mũi nào mà ngồi gần vị trí phía trên. Chỉ còn một cách là đi xuống nơi cuối cùng, để tránh cái nhìn của mọi người.[7]
  6. Anh cứ ngồi vào chỗ cuối …hãy đi lên chỗ quan trọng hơn”: Bí quyết Đức Giêsu chỉ dẫn cho những người khách là cứ chọn chỗ cuối mà ngồi. Giả như, không có ai quan trọng hơn, thì gia chủ chắc chắn sẽ mời vị khách quý lên trên vị trí danh dự nhất. Cuối cùng, người này sẽ được vinh danh trước mặt các thực khách khác. Vinh dự là do chủ nhà dành cho chứ không phải do mình tự kiếm mà được.[8] Trong Tin Mừng Luca, danh từ “δόξα” (vinh quang) thường được dùng cho Thiên Chúa: “Sứ thần Thiên Chúa xuất hiện chung quanh họ và vinh quang Chúa chiếu sáng quanh họ” (Lc 2,9); “Vinh quang Thiên Chúa trên cõi trời cao thẳm” (Lc 2,14; Cf. Lc 19,38). Trong bối cảnh này, danh từ này có thể được hiểu như là niềm vinh dự dành cho cho người khách được mời lên trên. Tuy nhiên, nếu nối kết với câu kết luận: “Ai tự nâng cao mình, thì sẽ bị hạ xuống; Ai tự hạ mình thì được nâng cao” (14,11), thì danh từ “vinh quang” có thể được hiểu cho Đức Giêsu như là Đấng được Thiên Chúa tôn vinh, vì đã hạ mình xuống cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8).[9] Cách gọi của gia chủ khá lạ lùng: “φίλε”. Danh xưng này có nghĩa là “bạn”, “người yêu”, “người phụ rể”, như trường hợp của ông Gioan Tẩy Giả (Ga 3,29). Có lẽ, cách gọi này mang vị thực khách này lại gần hơn và vị trí ngang hàng với gia chủ.[10]
  7. Đề cao … hạ thấp…hạ thấp… đề cao: Câu kết của Đức Giêsu phù hợp với tình huống trong dụ ngôn mà Người đưa ra. Người tự ý ngồi chỗ cuối, sẽ có cơ may được mời lên trên cao; còn người tự ý ngồi vào chỗ danh dự nhất thì lại có nguy cơ phải nhường chỗ cho người khác và phải đi xuống chỗ cuối.[11] Tuy nhiên, dụ ngôn không đơn giản chỉ để dạy người ta một bài học đạo đức, về cách thức để tránh chuốc lấy xấu hổ hay tìm thấy được vinh dự giữa nơi công cộng. Điều quan trọng hơn là phẩm tính khiêm hạ của người môn đệ, trong hệ thống những giá trị của công dân Nước Trời.[12] Người môn đệ của Đức Giêsu phải tránh xa sở thích “ngồi ghế danh dự nhất trong các hội đường” và “được người ta chào hỏi nơi phố chợ” của những người Pharisêu (Lc 11,43). Người môn đệ của Đức Giêsu cũng không mong được người đời tôn vinh (Ga 5,41). Giữa các môn đệ, người làm lớn hơn cả thì phải làm người phục vụ những người còn lại và người muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ người khác. “Cũng như Con Người đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,26-28). Câu kết luận này được đặt trong bối cảnh của hành trình lên Giêrusalem, nên có thể được hiểu cho chính Đức Giêsu. Quả vậy, Người đã hạ mình xuống đến mức thấp nhất qua cuộc khổ hình và cái chết trên thập giá, và đã được tôn vinh lên mức cao nhất, ngự bên hữu Thiên Chúa. Trong truyền thống Cựu Ước, hạ thấp người cao và nâng cao người thấp là những hành động thường thấy của Chúa được ngôn sứ Edêkielnói đến: “Mũ tế bị lột, vương miện sẽ bị tước. Mọi sự đều thay đổi: Cái thấp được nâng cao, cái cao bị hạ thấp” (Ed 21,31); “Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi” (Ed 17,24).[13] Lời cầu nguyện của bà Anna, mẹ của ông Samuel, cũng ẩn chứa những điều tương tự: “Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao” (1 Sm 2,7). Đức Giêsu cũng thường nói về một hình ảnh đảo ngược vị trí cách kịch tính trong thời cánh chung: “Người ở vị trí đầu sẽ xuống vị trí cuối và người ở vị trí cuối sẽ lên vị trí đầu” (Lc 13,30; Mt 19,30; 20,16; Mc 10,31).
  8. Bạn bè … những người anh em … những người thân … những người giàu: Sau khi hướng dẫn thực khách về cách chọn chỗ ngồi. Đức Giêsu hướng dẫn người chủ tiệc về loại người mà mình nên mời. Trong xã hội xưa nay, những người mà người ta thường đưa vào danh sách khách mời thường theo thứ tự ưu tiên: “Những người anh em” (anh chị em ruột), rồi đến những người thân (anh, chị, em, cô, dì, chú, bác… họ), bạn bè thân quen, và những người giàu. Có lẽ, trong bữa tiệc mà Đức Giêsu đang hiện diện cũng bao gồm những thành phần ấy. Một thói quen bình thường theo truyền thống của xã hội cổ xưa, nhất là thói quen mời những người láng giềng giàu có, dường như ẩn chứa một sự loại trừ những người nghèo, người không có quyền lực về thể chất lẫn vật chất trong xã hội.[14] Vì thế, Đức Giêsu khuyên ông đừng nên mời những loại người này. Mệnh đề gồm tiểu từ phủ định “μὴ”, cùng với một động từ thể chủ động, lối mệnh lệnh, thì hiện tại (φώνει), đưa đến một kết thúc cho một điều đã tồn tại rồi. Trong bối cảnh này có thể hiểu là: “Khi làm tiệc hay bữa ăn, đừng tiếp tục mời những người bạn, những người anh em, những người thân xa gần, và người giàu”. Lý do Đức Giêsu đưa ra cho lời khuyên “đừng mời … nữa” là để anh khỏi nhận được đáp lễ theo lẽ thường, vì chắc chắn những người này sẽ mời lại.
  9. Những người nghèo … những người tàn tật … những người què … những người mù: Sau khi liệt kê một danh sách những người mà gia chủ không nên mời nữa, Đức Giêsu cũng liệt kê danh sách những loại người mà gia chủ nên mời. Danh sách này cũng bao gồm bốn loại ngườ, đối lại với danh sách những người không nên mời như thói quen trước kia. “Những người nghèo” rõ ràng đối lại với “những người giàu”. Thuật ngữ “những người nghèo” trong Tin Mừng Luca có nghĩa rộng bao trùm tất cả những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội.[15] Trong khi “những người giàu” được xếp ở vị trí sau cùng trong danh sách những người thường được mời, thì “những người nghèo” được xếp đầu danh sách những người thường không được mời và Đức Giêsu khuyên nên mời. Họ là thành phần được ưu tiên trong danh sách khách mời mà Đức Giêsu đề xuất. Điều này phù hợp với lời dạy của Đức Giêsu nơi các mối phúc. Mối phúc đầu tiên là mối phúc dành cho những người nghèo: “Phúc cho anh em là những người nghèo vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20; cf. Mt 5,3). Những loại người còn lại trong danh sách được đề nghị, đều là những người cùng khổ, khiếm khuyết.[16] Họ không có tương quan máu mủ, ruột thịt, bạn bè thân quen với gia chủ. Tuy vậy, nên nhớ rằng, họ là thành phần được ưu tiên trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu: “Thần khí Chúa xuống trên tôi, Đấng mà nhờ Người, Chúa đã xức dầu cho tôi, để loan báo Tin Mừng cho những người nghèo, Người đã sai tôi công bố sự tự do cho những người bị giam cầm, phục hồi thị lực cho những người mù, và mang lại sự tự giải thoát cho những người bị áp bức” (Lc 4,18). Khi ông Gioan Tẩy Giả sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu về căn tính Mêsiah của Người, Đức Giêsu trả lời: “Anh em cứ về nói lại với ông Gioan những điều anh em đã thấy và đã nghe: Những người mù lãnh nhận thị giác, những người què đi được, những người cùi được sạch, những người điếc được nghe, những người chết được sống lại và những người nghèo được loan báo Tin Mừng cho” (Lc 7,22; Cf. Mt 15,30-31). Đức Giêsu chữa lành cho người bị bại tay trong ngày Sabát, ngay trong đền thờ, bất chấp người ta rình rập, tìm cách tố cáo Người (Mc 3,1-6; Lc 6,6-11; Mt 12,9-14). Trong dụ ngôn tiếp theo ngay sau trình thuật này, thường được gọi là “khách mời xin kiếu” (Lc 14,15-24), ông chủ cũng sai đầy tớ ra “các nơi công cộng, và đường phố trong thành mang những người nghèo, những người tàn tật, những người mù, những người què” (Lc 14,21). Lý do Đức Giêsu đưa ra cho đề xuất mời những người cùng khổ, bất hạnh này là vì đó là một phúc lành. Phúc lành đến từ lý do kép, vì họ không có gì để đáp trả cho ông, và vì thế, ông sẽ được đáp trả nơi sự sống lại của những người công chính.[17] Khi đề xuất danh sách khách mời lạ lùng như thế, cách nào đó Đức Giêsu muốn gia chủ thay đổi não trạng về tương quan với một con người. Nó không còn là một mối tương quan kinh tế, dựa trên lợi ích là chính, hay thậm chí nó không còn là mối tương quan dựa trên huyết tộc, thân quen, nhưng là mối tương quan mở rộng ra cho những người thực sự có nhu cầu cần được quan tâm nhất.[18] Cách nghĩ của Đức Giêsu xóa bỏ khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, cũng như tương quan dựa trên lợi ích trong xã hội thời bấy giờ.[19]
  10. Sự sống lại của những người công chính”. Đây là ngôn ngữ của thời cánh chung.[20] Dĩ nhiên, cả người công chính và người bất chính đều được sống lại trong ngày cánh chung (Cv 24,15; Đn 12,1-2). Sở dĩ, Đức Giêsu chỉ nhắc đến những người công chính trong bối cảnh này, là vì Người muốn nhấn mạnh đến sự sống lại viên mãn, hạnh phúc của những người này. Người công chính thật sự sẽ được sống lại và hưởng phúc trong ngày cánh chung: “Bấy giờ người công chính sẽ chói sáng như mặt trời trong nước của Cha họ” (Mt 13,43; Cf. 13,49); “Người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46). Đức Giêsu được gọi là “người công chính” (Mt 17,19) và ông Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cũng được gọi là “người công chính” (Mc 6,20). Đặc biệt, trong Tin Mừng Luca, người đại đội trưởng tuyên xưng Đức Giêsu là người công chính, khi chứng kiến Người trút hơi thở cuối cùng trên thập giá: “Thấy sự việc xảy ra như thế, người đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Người này đích thực là người công chính’” (Lc 23,47), khác với Mátthêu và Máccô: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (27,54; 15,39). Cách nói “được đền đáp cùng với sự sống lại của những người công chính” cho thấy phần thưởng của gia chủ không còn là những giá trị tạm thời trên trái đất nữa, nhưng là một sự sống vĩnh cửu hạnh phúc viên mãn đời sau. Phần thưởng này gia chủ chỉ có được, khi từ nay về sau, ông phải thay đổi khách mời của mình trong các bữa tiệc theo đề xuất của Đức Giêsu. Thói quen mời những người nghèo khó, cùng khổ đến dùng tiệc với mình, bao hàm một sự lưu tâm chăm sóc những loại người này một cách vô vị lợi, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vị ăn uống, tiệc tùng.[21] Những người có thói quen yêu thương, chăm sóc những người cùng khổ trong xã hội cách vô vị lợi, sẽ được chung phần với những người công chính, đáng được cấp visa Nước Trời.

Bình luận tổng quát

Đức Giêsu được mời đến dùng bữa tại nhà một người ban Pharisêu. Người ta cứ quan sát Người một cách cẩn thận. Vì lẽ đó, bữa tiệc đó không chỉ là một bữa ăn bình thường, mà là một dịp để những người không thích Đức Giêsu có thể toan tính một điều gì đó không lành mạnh.[22] Về phía Đức Giêsu cũng vậy. Người đến đó không phải để dùng bữa mà là để thi hành sứ vụ giảng dạy và chữa lành. Người bắt đầu món khai vị bằng việc chữa lành cho một người bệnh phù thũng (Lc 14,1-6). Bối cảnh về thời gian “ngày Sabát”, là một bối cảnh báo hiệu sự xung đột về việc giữ luật giữa những người Pharisêu và Đức Giêsu. Bất chấp sự phản đối ngầm của nhóm những người Pharisêu, Đức Giêsu vẫn thi hành sứ vụ chữa lành và chứng tỏ mình có lý khi làm như vậy. Cái lý của Người là: (1) Ngày Sabát được phép làm điều lành, tức là chữa bệnh; (2) Ai có đứa con trai, thậm chí là con bò rơi xuống giếng trong ngày Sabát thì cũng phải kéo lên ngay lập tức, huống gì là giải thoát sự khổ đau cho một bệnh nhân.

Sau khi đã làm dấu lạ chữa lành, và làm cho những người Pharisêu phải câm lặng vì lý chứng của mình, Đức Giêsu tiếp tục trình bày những giáo huấn quan trọng của mình. Giáo huấn gồm hai phần dành cho hai đối tượng khác nhau. Thứ nhất là bí quyết về cách chọn chỗ ngồi trong bữa tiệc dành cho nhóm thực khách. Thứ hai, là lời đề nghị dành cho gia chủ về những loại thực khách nên ưu tiên mời trong một bữa tiệc. Khi Đức Giêsu quan sát thấy người ta (rất có thể là các luật sĩ và những người Pharisêu) thường chọn vị trí danh dự nhất trong một bữa tiệc, Người liền khuyên các thực khách, không nên chọn chỗ quan trọng nhất, mà chỉ nên ngồi vào chỗ kém quan trọng nhất. Hai chọn lựa sẽ dẫn đến hai hiệu quả khác nhau. Nếu một thực khách nào đó cứ chọn chỗ nhất mà ngồi thì có nguy cơ bị “quê” (bị mất mặt) trước các thực khách khác, khi anh ta bị chủ tiệc đề nghị nhường chỗ cho nhân vật quan trọng hơn. Một khi “ngồi nhầm ghế” thì đương sự chỉ còn có nước độn thổ. Nếu không, thì anh phải chui xuống chỗ thấp nhất mà ngồi. Ngược lại, nếu một thực khách nào đó cứ ngồi vào chỗ thấp nhất, thì anh lại có cơ may được chủ tiệc mời lên chỗ cao hơn trước mặt bao nhiêu thực khách. Nhờ vậy, người này được vinh danh trước bá quan thiên hạ. Từ câu chuyện về nghệ thuật chọn chỗ ngồi trong bữa tiệc, Đức Giêsu kết luận một quy luật chung: “Ai tự nâng cao mình thì sẽ bị hạ thấp, còn ai tự hạ thấp mình lại được nâng cao”. Câu kết luận chung này không còn giới hạn vào việc chọn chỗ ngồi giữa chốn công cộng nữa, nhưng là một thái độ sống, một giá trị Tin Mừng Nước Trời, và trên hết là mầu nhiệm cứu độ. Câu nói này được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để chịu khổ nạn và chịu chết. Cuộc khổ nạn và cái chết của Người được xem như là một sự tự hạ đến mức tận cùng và sau đó sự phục sinh, lên trời của Người như là một sự tôn vinh hoàn hảo nhất. Hình ảnh Đức Giêsu khiêm hạ cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ (Ga 13,1-15) vừa là mẫu gương của sự phục vụ yêu thương, vừa là báo trước cho cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Những thực khách trong bữa tiệc Nước Trời, nhất là các môn đệ đều được mời gọi khiêm nhường, tự hạ như thế để được Thiên Chúa tôn vinh. Trong chương trình huấn luyện của mình, Đức Giêsu đã không ngừng khuyên các môn đệ hãy cẩn thận, đề phòng những sở thích “ngồi ghế danh dự nhất trong các hội đường, và thích lời chào long trọng nơi phố chợ” của những người Pharisêu. Khi các môn đệ tranh giành nhau địa vị lớn nhất, Người lại khuyên họ rằng: Ai muốn làm người lớn nhất thì phải làm người phục vụ mọi Người.

Tiếp theo, sau bí quyết dành cho các thực khách là lời khuyên dành cho gia chủ. Gia chủ nào cũng có thói quen mời những người bạn thân, những người anh em, những người bà con ruột thịt và những người hàng xóm giàu có. Lý do mà người ta có thói quen mời những người này, là vì họ mong được đáp trả, được người ta mời lại, hoặc là được lợi ích nào đó trong tương quan xã giao. Đức Giêsu lại khuyên, từ nay đừng mời những loại người ấy nữa, nhưng hãy mời những người nghèo, những người tàn tật, những người què, những người mù. Đây rõ ràng là những đối tượng không có khả năng về kinh tế, lẫn sức lực để đáp trả lại ân tình của gia chủ và cũng không mang lại lợi ích gì trong tương quan xã hội. Tuy nhiên, đây lại là những đối tượng khách mời mà gia chủ có thể bày tỏ tình yêu thương vô vị lợi của mình một cách dễ dàng. Một lần nữa, từ câu chuyện về những đối tượng khách mời cụ thể trong một bữa tiệc, Đức Giêsu chuyển hướng đến những đối tượng để bày tỏ tình yêu thương vô vị lợi. Từ những toan tính lợi lộc thiệt hơn về vật chất trên trần gian, Đức Giêsu giới thiệu về một cõi phúc chân thật, lợi lộc thiên đàng, hạnh phúc vĩnh cửu. Từ những tương quan bạn hữu, linh tông, huyết tộc, Đức Giêsu mở rộng ra mối tương quan của những người con Chúa, không phân biệt bất kỳ ai, ở địa vị nào, trong hoàn cảnh nào.[23] Một chủ tiệc bình thường có thể trở thành một người công chính, miễn là người ấy biết thay đổi thành phần khách mời theo như lời đề nghị của Đức Giêsu.

Như thế, câu chuyện Đức Giêsu đi dự tiệc không còn là câu chuyện về thưởng thức các món ẩm thực hay âm nhạc nữa, nhưng là câu chuyện thuần túy về cách đối nhân xử thế và những giáo huấn cần thiết cho khách hành hương trên hành trình về quê trời.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] H. Bietenhard, The New International Dictionary of New Testament Theology Vol.2 (ed. C. Brown) (Grand Rapids 1976) “Pharisee”, 811.

[2] X. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (Phân Khoa Thần Học Học Viện Piô X Đà Lạt – Việt Nam dịch từ nguyên bản “Vocabulaire de Théologie Biblique”) (Hà Nội 1973,1974,1975) “Pharisêu”, 1039-1040.

[3] Ibid, 1039.

[4] “Seeking out such places was also known in the Greek world” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 1046].

[5] “If the host occupied the place in the middle of the horseshoe arrangement, then he must have placed his guests of honor at his sides. Moreover, the head of a table, as well as the middle position, when there were three couches side by side, must have been the best places” [F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2013) 354].

[6] “Similar advice is later attributed in the rabbinical tradition to R. Simeon b. Azzai: “Stay two or three seats below your place and sit until they say to you, ‘Go (farther) up.’ Do not begin by going up because (then) they may say to you, ‘Go down.’ It is better that they should say to you ‘Go up, go up,’ than that they should say to you, ‘Go down, go down’ ” (Leviticus Rabb. 1 [fifth century a.d.])” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes, 1046-1047).

[7] “Because honor is socially determined, if one’s claim to honor fails to be reciprocated by one’s audience, one is publicly humiliated” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids, 1997) 551].

[8] J.B. Green, The Gospel of Luke, 552.

[9] “Just as the Johannine Christ’s glory (the same word, δόξα, as in v. 10) shines forth in the infamous exaltation on the cross, which is the most humiliating form of torture (John 17:5, 24), likewise here believers, at either a secular wedding feast or a religious one, take last place as their place” (F. Bovon, Luke 2, 355).

[10] “To be greeted as “friend” and invited higher suggests a special intimacy and, more than that, equality with the host” [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1997) 224].

[11] “The humble,” in the social world Luke addresses, usually denoted persons who are of low birth, base, and ignoble, yet in the topsy-turvy world Jesus envisages, “the humble” are those most valued” (Ibid.).

[12] “The concluding verse, v. 11, like the examples in vv. 8–10, plays on the high and the low; but, with the use of the eschatological future instead of the immediate future, it puts the social and ethical problem into an eschatological and theological perspective” (F. Bovon, Luke 2, 350).

[13] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes, 1047.

[14] “Seen through Jesus’ eyes, however, orthodox conventions have as their consequence the exclusion of the poor; after all, for the social elite the poor are unhelpful in the business of parading and advancing one’s social position and, perhaps more importantly in the current co-text, the poor could not reciprocat” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 553).

[15] “Note that Luke uses “poor” as a blanket term for all those marginalized in the people” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 225).

[16] “The first mentioned would not have the money to reciprocate (see Note on 4:18), the other three would not have the power or capability. Three of the four (“the lame, the blind, the crippled”) are mentioned (along with “one who has a permanent blemish in his flesh”) as those to be excluded from the eschatological war of the “sons of light against the sons of darkness” in the Qumran War Scroll (1QM 7:4) and also excluded from the community meal in 1QSa 2:5–6” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1047).

[17] “The opposition between the two ages is dominant; there is to be no retribution in the present time, but a recompense at the resurrection of the righteous” (F. Bovon, Luke 2, 358).

[18] “In an excessive and paradoxical manner, the Gospel expresses an order of priorities: the feast with the destitute and the unfortunate is more important than familial relationships and social conventions” (F. Bovon, Luke 2, 357).

[19] “Jesus’ message overturns such preoccupations, presenting “the poor, the crippled, the lame, and the blind”—notable examples of those relegated to low status, marginalized according to normal canons of status honor in the Mediterranean world—as persons to be numbered among one’s table intimates and, by analogy, among the people of God… The behaviors Jesus demands would collapse the distance between rich and poor, insider and outsider; reverting to anthropological models of economic exchange” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 553).

[20] “Mention is made of eschatological retribution at the time of the resurrection” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes, 1048); J.B. Green, The Gospel of Luke, 553-554.

[21] “Real love never reckons with recompense; and because this is so, generosity will find its reward at the resurrection” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes, 1045).

[22] “We are asked to remember that it was precisely these people who had a fixed grudge against Jesus and were lying in wait to trap him in what he said (11:53-54). As in the “warning” to Jesus in the previous pericope (13:31-35), therefore, this pharisaic “invitation” is hypocritical” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 226)

[23] “Luke’s Jesus would not allow us to give priority and privilege to our relationships with those closest to us. He would have us open up to others and take a new look at each and every person (cf. 8:19–21)” (F. Bovon, Luke 2, 356).

Bài trướcTruyền chức Phó tế SVD tại Philippines, 20/08/2022 [Video]
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật 22 Thường Niên C)