Sự hy vọng của Tổng tu nghị sắp tới, theo Tài liệu hướng dẫn đầu tiên mà Tổng quyền đưa ra, là “thắp lại” linh đạo. Chúng ta có cảm giác rằng chủ đề được chọn này có những sự vang vọng sâu sắc từ một vài chủ đề đã được nêu lên trong lịch sử của Dòng Ngôi Lời thời gian gần đây như là “linh đạo của Dòng Ngôi Lời.”
Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta
Chủ đề – “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14): Cắm rễ trong Ngôi Lời, Dấn thân cho sứ vụ của Ngài” – là một lời mời gọi canh tân mà chúng ta đã hình dung như là một loại quỹ đạo mà trong đó chúng ta được mời gọi bước vào.
Chúng ta có thể đi vào trong quỹ đạo này ở bất cứ điểm nào trong ba điểm đã được chủ đề này chỉ ra. Chúng ta có thể đi vào quỹ đạo này bằng việc chiêm niệm Lời Chúa, và được nâng lên bởi tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và thế giới, vốn được mạc khải trong những dụ ngôn đáng kinh ngạc của Chúa Giêsu về lòng thương xót, lòng quảng đại và bao dung của Thiên Chúa; trong sự hết sức quan tâm của Chúa Giêsu đối với sự đau khổ và đơn độc của con người; trong sự tự do của Ngài đối với tôn giáo ngột ngạt và trong sự cởi mở của Ngài đối với những con người thường bị xã hội xa lánh. Sự thấu hiểu tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta làm cho chúng ta yêu mến Chúa Giêsu cách mới mẻ, và “thúc bách” chúng ta dấn thân cách mới mẻ để liên kết với Ngài trong sứ vụ của Ngài. Lời tựa trong Hiến pháp của chúng ta công bố rằng “sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta.” Và khi chúng ta cố gắng trung thành với sứ vụ của Ngài như là những thành viên Dòng Ngôi Lời, chúng ta sẽ được thúc bách quay trở về với Kinh Thánh và sẽ đắm chìm trong Lời Chúa hơn nữa.
Một lối khác đi vào quỹ đạo này có lẽ là, trong lúc cầu nguyện, được đánh động cách sâu sắc bởi tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, vốn hướng dẫn chúng ta suy tư về Lời Chúa cách sâu sắc hơn. Nhờ đó, nó sẽ làm cho chúng ta dấn thân hơn cho sứ vụ của Ngài như là những thành viên Dòng Ngôi Lời. Còn một lối khác nữa là được đánh động bởi tình yêu Thiên Chúa nơi những con người mà chúng ta gặp gỡ trong công việc truyền giáo của chúng ta, vốn hướng chúng ta vừa đến sự dấn thân sâu hơn cho sứ vụ của chúng ta như là sứ vụ của Ngài, vừa cho chúng ta một đánh giá mới về Lời Chúa.
Một vài ngày chúng ta có thể đi vào quỹ đạo theo lối này; trong những ngày khác chúng ta có thể đi vào quỹ đạo theo lối khác. Nhưng quỹ đạo dấn thân truyền giáo, chiêm niệm và hành động canh tân vẫn tiếp tục.
Đối thoại ngôn sứ
Trong một vài thập niên vừa qua, các anh em Dòng Ngôi Lời chúng ta đã suy tư về sự hiểu biết của chúng ta đối với sứ vụ truyền giáo như là linh đạo đối thoại ngôn sứ và sự dấn thân cho cuộc đối thoại này. Chúng ta cũng thấy sự năng động của điều này khi làm việc về đề tài Tổng tu nghị của chúng ta.
Tương tự với việc đi vào quỹ đạo này ở một vài điểm, chúng ta cũng có thể bước vào “vũ điệu” đối thoại ngôn sứ (như các thần học gia Dòng Ngôi Lời, là Roger Schroeder và Stephan Bevans, đã hình dung nó) từ bất cứ hướng nào. Chúng ta có thể đi vào vũ điệu này thông qua nhịp điệp đối thoại – đối thoại với Lời, hay đối thoại với những người mà chúng ta phục vụ trong sứ vụ của Đức Kitô/sứ vụ của chúng ta, hay đối thoại với Ba Ngôi Thiên Chúa trong cầu nguyện. Công cuộc đối thoại này có thể đem chúng ta vào trong nhịp điệu ngôn sứ – dấn thân sâu hơn cho sứ vụ của Đức Kitô/sứ vụ làm chứng cho Đức Kitô của chúng ta, làm cho Lời mặt lấy xác phàm, và công bố Lời.
Hoặc chúng ta có thể bước vào vũ điệu này với nhịp điệu ngôn sứ – cố gắng đem đến niềm hy vọng cho những ai đang chịu đau khổ hay đang đấu tranh cho công lý, cố gắng truyền thông Tin mừng bằng những cách thức soi sáng hay thách thức bối cảnh của chúng ta, cố gắng đối diện với những thế lực bất công và thù địch. Nhưng chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần lắng nghe cách sâu lắng hơn nữa những người mà chúng ta phục vụ và Lời Chúa mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh và trong thế giới xung quanh chúng ta.
Khi chúng ta sống và sống vì đối thoại ngôn sứ, chúng ta luôn được thúc bách bởi tình yêu Đức Kitô, Đấng kêu gọi chúng ta cắm rễ sâu trong Lời của Ngài và dấn thân cho sứ vụ của Ngài (và cũng là sứ vụ của chúng ta).
Liên văn hóa
Tổng tu nghị năm 2012 đã mời gọi chúng ta sống và thực hành tính liên văn hóa. Như Roger Schroeder đã đưa nó vào, lối sống và thực hành này làm cho chúng ta vừa được phong phú vừa được thách đố bởi những người mà chúng ta sống với và những người mà chúng ta chăm sóc. Chúng ta có thể hiểu sự dấn thân cho tính liên văn hóa này trong ánh sáng của chủ đề Tổng tu nghị sắp tới, là Tình yêu Đức Kitô thúc bách, cắm rễ trong Ngôi Lời và dấn thân cho sứ vụ của Đức Kitô.
Chúng ta chỉ có thể sống và chăm nom tính liên văn hóa nếu chúng ta được đánh động cách sâu lắng bởi thực tại Nhập thể: Thiên Chúa hoàn toàn trở nên yếu đuối và hữu hạn như con người thụ tạo và vật chất, nghĩa là tất cả vật chất và nhân loại là thánh thiêng và phơi bày. Thực tại này là trọng tâm trong linh đạo của chúng ta, vì là trọng tâm của Lời tựa Tin Mừng theo Thánh Gioan, vốn thường được đọc trong các nghi thức phụng vụ quan trọng của chúng ta và vào lúc bắt đầu các buổi họp quan trọng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Thực tại Thiên Chúa nơi Đức Kitô mang tính liên văn hóa cách phong phú, vốn được thể hiện cách tuyệt vời bởi nhà thơ người Anh Gerard Manley Hopkins trong bài thơ “Như những con chim bói cá bắt lửa” (“As Kingfishers Catch Fire”):
… Vì Đức Kitô hiện diện muôn ngàn nơi,
Ngài đáng yêu trong những cành cây ngọn cỏ, và đáng yêu trong con mắt của tha nhân
Đối với Chúa Cha, Ngài đáng yêu thông những nét đặc trưng của diện mạo con người
(… For Christ plays in ten thousand places,
Lovely in limbs, and lovely in eyes not his
To the Father through the features of men’s faces)
Khi chúng ta kinh nghiệm Đức Kitô cách mới mẻ nơi những nét đặc trưng trong diện mạo của các anh em chúng ta, và trong diện mạo của những người mà chúng ta chăm sóc, chúng ta có thể phục vụ đắc lực hơn như thể chúng ta canh tân chính mình trong sứ vụ của Đức Kitô, và sự canh tân này sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Ngài trong Lời Chúa. Hoặc sự nhận thức rõ như thế sẽ làm cho chúng ta bám rễ sâu trong Lời Chúa và thúc bách chúng ta phục vụ nhân loại và mọi tạo vật, gắn kết với Thiên Chúa như thể Thiên Chúa hành động trong sứ vụ truyền giáo, làm việc để cho Đức Kitô trở nên viên mãn trong cộng đoàn và sứ vụ liên văn hóa.
Tôn sùng Thánh Tâm
Trọng tâm linh đạo của Arnold Janssen và của Hội dòng chúng ta là sự nhận thức sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua biểu tưởng Thánh Tâm của Chúa Giêsu. Đối với Arnold, như sử gia Dòng Ngôi Lời Jürgen Omerborn nhấn mạnh, tình yêu Thiên Chúa nơi Thánh Tâm cũng giống với tình yêu Thiên Chúa được thể hiện trong tình yêu của Chúa Thánh Thần. Chính tình yêu này thúc bách chúng ta bám rễ sâu hơn trong Ngôi Lời và dấn thân hơn cho sứ vụ của Đức Kitô, Đấng luôn được thúc đẩy bởi Thần Khí, vốn đã được tuôn đổ trên Ngài vào lúc chịu phép rửa tại sông Gio-đan. “Sự tôn sùng” Thánh Tâm không chỉ là thực hành đạo đức. Nó là linh đạo dẫn đến sự dấn thân truyền giáo được canh tân.
Nguyện xin chủ đề của Tổng tu nghị chúng ta làm nên trọn vẹn các hy vọng của ban lãnh đạo chúng ta, vốn là những người đã chọn chủ đề này. Nguyện xin chủ đề này làm phấn khởi chúng ta như là những Kitô hữu, các nhà truyền giáo và các thành viên Dòng Ngôi Lời.
Cha Heinz Kulüke và Ban Lãnh Đạo
(Trích trong Arnoldus Nota, 05.2018)
Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD
Trưởng Ban dịch thuật, chuyển ngữ