NGÀY THỨ 3: THÁNH GIUSE – ĐIỂM TỰA THÁNH GIA * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE

0
264

Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD

Nghe toàn bộ chương trình trên YouTube: https://youtu.be/LcTeVzPYiC8

 

Trong công trình cứu độ, Thiên Chúa đã tuyển chọn thánh Giuse và Mẹ Maria để cộng tác vào công trình vĩ đại của Người. Mẹ Maria được phúc cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc. Thánh Giuse được tuyển chọn làm chồng của Mẹ Đấng Cứu Thế và là cha nuôi của Con Thiên Chúa. Với hai vai trò này, thánh Giuse được hiểu là điểm tựa, là chỗ dựa vững chắc cho Mẹ Maria để Mẹ hoàn trọn lời xin vâng; cách đặc biệt hơn, ngài là chỗ dựa cho Đức Giêsu để công trình của Thiên Chúa sớm được thực hiện.

  1. Thiên Chúa Là Điểm Tựa Của Thánh Giuse

Theo lẽ thường, để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn, ngoài sức khoẻ và tài trí, ta cần có một ai đó làm chỗ dựa, làm điểm tựa không chỉ vững mạnh về thể lý mà còn vững chắc về tinh thần để làm vị cố vấn, nguồn động viên an ủi hoặc chia vui sẻ buồn. Cũng thế, để trở thành điểm tựa cho Thánh Gia tại Nazarét, với biết bao khó khăn và thử thách, chắc hẳn thánh Giuse cũng cần có một điểm tựa vững chắc và lòng tin vững mạnh nơi Thiên Chúa. Điều này được Kinh Thánh minh chứng qua gốc tích và sự công chính của thánh nhân. Về gốc tích, thánh Giuse thuộc dòng dõi vua Đavít, là dòng dõi mà Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế (x. Mt 1,20). Về phẩm hạnh, thánh Giuse là người công chính trước mặt Thiên Chúa, điều này được Tin Mừng Mátthêu thuật lại rằng: “Ông Giuse, chồng bà, là kẻ công chính và không muốn tố giác bà, nên đã định bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1,16). Công chính theo nghĩa Kinh Thánh là lòng ước ao và sống hết mình theo Lời của Thiên Chúa; và không chỉ sống theo, nhưng còn sống bằng Lời của Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa thực chính là điểm tựa vững chắc cho thánh Giuse, nhờ đó mà ngài dám can đảm trở thành điểm tựa cho Mẹ Maria và Đức Giêsu trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.

  1. Thánh Giuse Là Điểm Tựa Cho Thánh Gia

Quá trình thánh Giuse trở thành người chồng và người cha tại Nadarét là quá trình từ đức tin dẫn đến hành động. Chính vì đức tin sâu sắc vào Thiên Chúa mà sau bốn lần được thiên sứ báo mộng, thánh Giuse mau mắn thi hành không chút chậm trễ. Cách Thiên Chúa trao sứ mạng cho thánh Giuse thật khôn khéo. Thiên Chúa đã từ từ dẫn dắt thánh Giuse để từng bước ngài đón nhận Đức Maria và Đức Giêsu với lòng tin tưởng và phó thác tuyệt đối. Sau khi đính hôn cùng Đức Maria, thánh Giuse được Thiên Chúa dần dần mặc khải cho biết sự thật về việc Đức Maria mang thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Này ông Giuse, con cháu vua Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20). Sau khi được Thiên sứ giải thích, thánh Giuse không những không còn ý định từ bỏ mà ngài sẵn sàng chấp nhận đón rước Đức Maria về nhà sống chung. Có thể nói rằng hành động đón rước Đức Maria của thánh Giuse là lời xin vâng. Lời xin vâng tuyệt hảo vì nó xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa và sự đáp trả hoàn toàn tự do nơi thánh Giuse. Qua lời xin vâng này, thánh Giuse chính thức là điểm tựa cho mái ấm Thánh Gia, trong vai trò là người chồng và người cha.

Tưởng chừng sự việc chỉ dừng lại như thế, nhưng mọi sự đều chỉ mới bắt đầu. Trong biến cố lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê theo lệnh của hoàng đế Augustô để kiểm tra dân số, Mẹ Maria đến ngày sinh nở (x. Lc 2,1-7). Chính trong thời khắc này, một tay thánh Giuse phải xoay xở tất cả mọi việc: ngài đôn đáo vất vả ngược xuôi đi tìm phòng trọ, nhưng chỉ tìm được một hang lừa làm nơi trú ngụ, ngài tìm khăn tã để bọc lấy Đức Giêsu và tìm cách để giữ ấm cho cả gia đình trong đêm đông giá lạnh và sự ghẻ lạnh của con người chung quanh. Trong điều kiện sinh nở thiếu thốn này, sự kề bên của thánh Giuse thật sự rất cần thiết và quý trọng. Vì đây là thời khắc mà Đức Maria và Đức Giêsu yếu ớt nhất và dễ gặp nguy hiểm nhất nên các ngài rất cần sự bảo bọc và nâng đỡ của thánh nhân. Trong biến cố hạ sinh này, thánh Giuse chính là điểm tựa cho vợ và con của ngài; điều đó được thể hiện qua sự hiện diện bên cạnh của thánh nhân. Sự kề bên này không những là chỗ dựa về phương diện thể lý mà còn là tinh thần. Và chính sự kề bên này đã đem lại hơi ấm xoá tan sự lạnh lẽo của tiết giá mùa đông; đồng thời khỏa lấp mọi thiếu thốn vật chất trong hoàn cảnh thiếu thốn nhất.

Sau khi ba vị đạo sĩ đến bái lạy Hài Nhi Giêsu, để bảo toàn tính mạng cho Hài Nhi, Thiên Chúa đã sai thiên sứ báo tin lần thứ hai cho thánh Giuse rằng: các ngài phải trốn qua Ai Cập để người con của các ngài thoát khỏi sự truy sát của vua Hêrôđê. Khi tỉnh dậy, thánh Giuse liền đưa vợ và con đi trốn (x. Mt 1,13). Sau khi vua Hêrôđê băng hà, thiên sứ lại tiếp tục báo mộng lần thứ ba cho thánh Giuse phải trở về miền đất Ítraen. Và lần thứ tư, thiên sứ truyền cho các ngài phải định cư tại Nadarét. Hành trình từ Nadarét (miền Galilê) lên Bêlem (miền Giuđê) rồi chạy trốn qua Ai Cập, rồi lại trở về Bêlem và Nadarét là hành trình khó khăn vì quãng đường khá dài lại khó di chuyển, và trong tâm thế lo lắng và sợ hãi. Giả như không có sự nhạy bén, mau mắn, cẩn trọng và quyết đoán của thánh Giuse trong hành trình này thì Đức Maria và Hài Nhi Giêsu sẽ ra sao? Chắc hẳn, các ngài sẽ gặp rất nhiều khó khăn thậm chí có thể nguy hại đến tính mạng. Như thế, vai trò của thánh Giuse rất quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu và Mẹ Maria. Nên ngài hoàn xứng đáng là điểm tựa cho Thánh Gia để chở che và mau mắn thi hành ý Chúa.

Sau khi trải qua những khó khăn, Thánh Gia đã định cự tại làng Nadarét. Trong trách vụ là cha nuôi, thánh Giuse đã chu toàn bổn trách của ngài đối với Đức Giêsu. Về mặt tôn giáo, ngài đã dâng hiến Đức Giêsu cho Thiên Chúa và lên đền thờ Giêrusalem hành hương theo luật Do thái. Đan xen với đó, về mặt xã hội, thánh Giuse đã ra sức lao động vất vả kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống hằng ngày của gia đình. Ngài là một bác thợ mộc, nghề này chẳng kiếm được bao nhiêu tiền nhưng lại tốn nhiều công sức và thời gian nên nó đòi hỏi ngài phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và khéo léo. Và có lẽ chính những điều này đã giúp ngài trở nên kiên nhẫn, tỉ mỉ và khéo léo nuôi dạy Đức Giêsu và ân cần chăm sóc Đức Maria cách tốt nhất. Việc chu toàn trách vụ của thánh nhân, hẳn nhiên khiến ta nghĩ rằng ngài chính là điểm tựa theo nghĩa “cột trụ” đối với Đức Giêsu trong vai trò nuôi nấng và dạy dỗ.

Qua những điều được trình bày, quả thực, thánh Giuse đã luôn khôn ngoan và trung thành chọn Thiên Chúa là điểm tựa, nên ngài đã mạnh dạn đón nhận sứ vụ quan trọng và đầy khó khăn trong công trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn nơi ngài. Sứ vụ đó chính là trở nên điểm tựa cho Đức Maria và Đức Giêsu tại Nadarét.

Lạy thánh Giuse, xin cho mỗi chúng con ý thức rằng chỉ có Thiên Chúa mới là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời của chúng con để sống trọn vị thế làm con của Chúa. Từ đó chúng con cũng sẵn sàng làm điểm tựa cho người khác trong vai trò là Kitô hữu, [là anh chị em với nhau]. Amen.

Bài trướcNGÀY THỨ 2: THÁNH GIUSE – BÁC THỢ MỘC THÀNH NADARÉT * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm C (Lc 9,28-36)