♦ Tu sĩ Phaolô Trần Văn Bằng, SVD
Thánh Giuse được mọi người biết đến với rất nhiều đặc ân mà Thiên Chúa đã ban tặng cho ngài. Cuộc đời của thánh nhân có thể không dài, song các nhân đức của ngài để lại mãi là những mẫu gương quý giá cho chúng ta noi theo. Đặc biệt, nơi thánh Giuse, chúng ta bắt gặp hình ảnh của một bác thợ mộc khéo léo, tài hoa và sáng tạo với một tinh thần chiêm niệm trong lao động. […]
- Thánh Giuse – Bác Thợ Mộc Chiêm Niệm Trong Lao Động
Lật dở từng trang Kinh Thánh, chúng ta không thấy nhiều chi tiết miêu tả về cuộc đời cũng như nghề nghiệp của thánh Giuse. Ngài chỉ xuất hiện một cách khiêm tốn ở một vài chương trong các trình thuật Tin Mừng (Mt 1,1-17; 2,13-23; Lc 2,4-51; 3,23; Mc 6,3; Ga 6,42). Qua các trình thuật ấy, chúng ta biết về thánh nhân trong vai trò của một người thuộc hoàng tộc Đavít, là cha nuôi của Chúa Giêsu và là bác thợ mộc sống nơi làng quê nghèo Nadarét. Chiêm ngắm cuộc đời của thánh Giuse ngang qua Tin Mừng, chúng ta không thấy ngài nói một lời nào; cuộc đời của Thánh nhân là những ngày tháng sống trong âm thầm và thinh lặng. Tuy nhiên, chính trong sự thinh lặng đó, thánh nhân đã thực hành nghề thợ mộc một cách tinh xảo. Ngài tỉ mỉ trong từng đường nét, sáng tạo trong từng sản phẩm và tạo ra những thành quả hết sức giá trị. Thật vậy, chúng ta có thể khẳng định được điều này thông qua biến cố thánh nhân đã đón nhận và trực tiếp tham dự vào cuộc nhập thể của Đức Giêsu.
Quả thế, sự tham dự của thánh Giuse vào mầu nhiệm Nhập Thể được khởi đi từ việc thánh nhân đón nhận Đức Maria về chung sống với mình, đến cuộc hạ sinh an toàn của Chúa Giêsu trên hành trình vất vả sang Ai Cập và cuộc hồi hương bình an của Đấng Cứu Thế. Trong tất cả những biến cố đó, thánh Giuse đều hoàn thành một cách tốt đẹp trong sự vâng phục hoàn toàn và tin tưởng tuyệt đối vào kế hoạch của Thiên Chúa. Sở dĩ thánh nhân có thể hoàn thành tất cả thật mỹ mãn bởi ngài đã biết chiêm niệm trong thinh lặng để lắng nghe, biện phân và vâng phục theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Mặc dầu trước mọi biến cố, thánh nhân đều được Thiên Chúa mặc khải trong giấc mơ, nhưng thiết nghĩ rằng phải là một con người nhạy bén trong Thần Khí và vững vàng trong đức tin thì thánh Giuse mới có thể vâng phục một cách triệt để như vậy. Bởi đó, khi nhìn vào cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta bắt gặp được hình ảnh một bác thợ mộc say mê trong công việc và sống đời chiêm niệm trong lao động để hoàn tất ý định của Thiên Chúa.
Nhìn vào bối cảnh náo động và ồn ào của xã hội chúng ta ngày hôm nay, sự thinh lặng dường như trở nên một thứ “xa xỉ”. Chúng ta sẵn sàng bước vào những quán bar với tiếng nhạc ầm ĩ, thích thú chọn cho mình một nơi sống thật nhộn nhịp và dễ dàng hòa mình vào những cuộc vui náo nhiệt. Thế nhưng, chúng ta lại rất khó để sống trọn vẹn một giờ trong thinh lặng, cảm thấy buồn chán khi đi vào nơi cô tịch để nghỉ ngơi và thậm chí ngột ngạt khi cầu nguyện với Chúa. Tuy nhiên, chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới có đủ chất liệu để sáng tạo và dự phóng được kế hoạch cho cuộc sống. Bởi khi chìm sâu vào trong thinh lặng, chúng ta tránh xa được sự ồn ào của xã hội, thoát khỏi những xao động trong tâm hồn và trở về với cõi bình lặng của nội tâm. Trong công việc hằng ngày cũng vậy, khi đi vào sự thinh lặng, chúng ta dễ dàng tập trung và khám phá ra những điều mới mẻ. Thánh Giuse đã trở nên mẫu gương cho chúng ta với cung cách sống chiêm niệm trong thinh lặng. Vì thế, giữa một thế giới đang bị thống trị bởi tiếng ồn, chúng ta càng cần biết học hỏi nơi ngài nhân đức tốt đẹp này hầu nhạy bén đón nhận thánh ý Chúa và cộng tác với Chúa trong chính công việc mình đang thực hiện.
Khi sáng tạo vũ trụ và con người, Thiên Chúa đã không tạo ra một vũ trụ hoàn hảo nhưng tạo nên một khởi điểm cho tiến trình đi tới sự hoàn hảo. Bởi, Thiên Chúa muốn chúng ta cùng cộng tác với Người để trông coi và chăm sóc vũ trụ này. Quả vậy, trong trình thuật sáng thế, Thiên Chúa đã biểu lộ ý định của Người một cách minh nhiên: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất…. Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.
Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1,26-28). Như vậy, lao động bắt nguồn từ lệnh truyền của Thiên Chúa. Và khi lao động, con người đang được vinh dự cộng tác với Người trong công trình sáng tạo. Cũng trong ý hướng ấy, thánh Phaolô dạy chúng ta: “Bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tận tâm tận lực như thể làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người đời.” (Cl 3,23). Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5,17). Vì thế, chiêm ngắm lại cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta tái khám phá hình ảnh một bác thợ mộc đã cộng tác trọn vẹn khả năng vào kế hoạch của Thiên Chúa. Sinh ra trong một làng quê nghèo miền Nadarét, thánh Giuse đã chọn nghề thợ mộc làm kế sinh nhai để nuôi sống gia đình. Thánh nhân đã dùng chính đôi bàn tay và khả năng Chúa ban để tạo nên những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống. Nơi thánh Giuse, chúng ta học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình (x. Tông Thư Patris Corde, 6). Bên cạnh đó, thánh Giuse cũng không quên truyền dạy nghề cho Chúa Giêsu để Người cùng chia sẻ với mình trong những khó khăn lao nhọc thường ngày, như lời Công Đồng Vatican II: “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động theo một ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người.” (Hiến chế Mục Vụ, 22, 2). Thánh nhân không chỉ cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo ra vật chất, mà còn dành cả cuộc đời cộng tác với Người để nuôi dưỡng và chăm sóc Chúa Giêsu. Thành quả rõ ràng nhất cho sự cộng tác này là khi nhìn về Chúa Giêsu, người ta nhận ra hình ảnh quen thuộc bác thợ mộc Giuse: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,55).
Ngày hôm nay, chúng ta đang có xu hướng đề cao lối sống hưởng thụ, thực dụng và ngại dấn thân. Sự thúc đẩy của khoa học công nghệ đang dẫn đưa con người đi vào trào lưu chọn lựa sự dễ dãi và chấp nhận chủ nghĩa tương đối. Bên cạnh những người vẫn miệt mài say mê với công việc, thì không ít người đang tìm mọi mánh khóe để bóc lột, lừa lọc và dụ dỗ người khác vào những công việc bất chính. Hơn thế nữa, nhiều người vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò của lao động như một phương thế cộng tác với Thiên Chúa trong việc cai quản vũ trụ. Vì thế, họ vẫn khai thác thiên nhiên một cách khốc liệt và hủy hoại môi trường sống một cách tàn nhẫn. Noi gương thánh Giuse, chúng ta cần biết chân nhận giá trị của lao động như một phương thế đặc biệt làm nên phẩm giá của con người. Đồng thời, chúng ta cần biết đóng góp sức lực và khả năng của mình vào trong lao động như một sự cộng tác đầy trách nhiệm và tình yêu với Thiên Chúa để góp phần kiến tạo nên một vũ trụ tốt đẹp hơn.
Chiêm ngắm bác thợ mộc Giuse, chúng ta không thể không nhắc đến ngài trong phẩm tính của một bác thợ đầy tinh thần trách nhiệm trong công việc và một tình yêu lớn lao dành cho gia đình. Qua các trình thuật Kinh Thánh và truyền thống Giáo Hội khi diễn tả về cuộc đời thánh Giuse, chúng ta nhận ra thái độ làm việc hăng say và đầy trách nhiệm của ngài. Quả thế, nghề thợ mộc là công việc của những con người đầy kiên trì, tỉ mỉ, tài hoa và sáng tạo. Người làm nghề thợ mộc được mọi người trân trọng như những nghệ sĩ thổi hồn vào những khúc gỗ vô hồn để tạo ra vẻ đẹp tô điểm cho đời. Bởi đó, trong tinh thần làm việc có trách nhiệm, bác thợ mộc Giuse đã trở nên một mẫu gương cho Chúa Giêsu và để lại dấu ấn đậm nét trong con mắt của người dân làng Nadarét. Đặc biệt, nơi thánh nhân, chúng ta nhận ra được mối tương quan nhịp nhàng giữa công việc và gia đình. Thánh nhân vừa thi hành nhiệm vụ của một bác thợ tài hoa, vừa đảm nhiệm vai trò của người chủ gia đình mẫu mực trong tình yêu. Với thánh nhân, làm việc hết trách nhiệm và yêu thương gia đình cách trọn hảo là ưu tiên hàng đầu cho sự nỗ lực của mình.
Trong thực tế của xã hội hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một xu thế làm việc thiếu nhiệt huyết, ngại khó, ngại khổ và mang tâm lý nửa vời. Xu thế đó ngày càng được lan rộng với sự ru ngủ của chủ nghĩa tương đối. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận ra những khủng hoảng nhất định trong sự mất cân bằng giữa công việc và tình yêu dành cho gia đình. Vì thế, noi gương thánh Giuse, chúng ta cần biết dấn thân một cách có trách nhiệm với công việc được giao, nhưng cũng đồng thời biết dành tình yêu thương cho gia đình hầu làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của tình yêu thương.
Cuối cùng, để kết thúc cho bài suy tư về thánh Giuse trong vai trò của bác thợ mộc thành Nadarét, tôi xin được mượn những tâm tình trong Thánh Thi của giờ kinh phụng vụ lễ kính thánh Giuse thợ để ca tụng và cầu xin ngài:
Hỡi người thợ vô danh của xưởng mộc nghèo khó,
Xin ban no lành cho người lao công khắp cùng xứ sở.
Chúng con cần gương Ngài để thấy kho tàng trong giọt mồ hôi,
Thấy nụ cười trong từng giọt nước mắt,
Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô
Thấy sáng tạo, đi lên, tình người, yêu thương và hiệp nhất.
Thấy lớn lao trong từng nhỏ nhặt,
Thấy vinh quang trong khổ nhục, Ngài ơi!
Hỡi người thợ vô danh của xưởng mộc nghèo khó,
Xin cho những người xây dựng thế giới này
Thấy Ngài phục sinh, Thấy Ngài phục sinh trong bàn tay của họ.