THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU: KHỞI NGUỒN CỦA DÒNG NGÔI LỜI*

0
584

Giới thiệu: Ngoài việc Tận hiến cho Chúa Thánh Thần và việc chọn Chúa Ba Ngôi là linh đạo chính của Dòng Ngôi Lời, Cha Thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, còn cho thấy lòng sùng kính đặc biệt của ngài đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu, “ngôi trường Thánh Tâm” nơi cha Arnold học cả đời. Nhân dịp tháng Thánh Tâm, xin gửi đến anh chị em bài dịch từ sách của cha Herman Fischer, SVD** nói về việc sùng kính Thánh Tâm của cha Arnold và có thể nói đây là khởi nguồn của Dòng Ngôi Lời ở Steyl, Hà Lan.

– – –

Nguyện Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu Ngự Trong Tâm Hồn Mọi Người!

      Vào ngày 16/06/1875, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày hiện ra của Thánh Tâm Chúa Giêsu cho Thánh nữ Margaret Mary, Đức Giáo hoàng Pius IX mời gọi người Công giáo trên toàn thế giới hãy hiến dâng mình cho Thánh Tâm Chúa. Cha Arnold đã nhân dịp này hiến dâng chính ngài, những người anh em đầu tiên của Dòng Ngôi Lời, và cơ sở của Hội Dòng ở Steyl cho Thánh Tâm. Sau này, ngài dựa trên dịp cử hành này mà xem như là khởi đầu của công việc và sứ vụ truyền giáo.

       Cha Arnold đang đứng trước cửa Nhà Dòng, ngài cầu nguyện từ sâu trong lòng, tha thiết xin ân sủng cần có cho sứ vụ của ngài, và “…xin cho hồng ân chan chứa tuôn đổ trên toàn thế giới nhờ sự dâng hiến của mọi người cho Thánh Tâm Chúa.” Tất cả mọi thành viên dưới mái nhà này sẽ không bao giờ quên sự khởi đầu ấy. Mục đích nền tảng của nhà này là làm việc để hoàn tất những thiên ý của Thánh Tâm. Và giờ đây với sự trùng hợp, nền móng của cơ sở Dòng cũng ngay vào dịp kỷ niệm những lần hiện ra đầu tiên của Thánh Tâm, sứ vụ của Thánh Tâm lại trở nên rõ ràng hơn nơi mục đích của cơ sở Nhà Dòng. Việc này đã hình thành nên những ngôn từ tuyệt đẹp mà chúng ta thể hiện trong lời khẩn nguyện: “Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn mọi người” (lời nguyện của Thánh Arnold Janssen). Ở đây, lần đầu tiên chúng ta thấy lời khẩn nguyện cho ngôi nhà mới; còn ở những cộng đoàn khác thì dùng lời nguyện sau: “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô bây giờ và mãi mãi, Amen!” Lời nguyện này được vận dụng vào những lời nguyện chung của cộng đoàn và vẫn còn dùng cho đến ngày nay. (Ghi chú của người dịch [Linh mục Paul LaForge, SVD]: Những lời cầu nguyện còn được dùng cho đến thời Vatican II, khi đó, những lời nguyện của Giáo hội đã thay thế những lời nguyện chung phần lớn do cha Arnold Janssen biên soạn. Những lời nguyện truyền thống do cha Arnold soạn vẫn còn được nhiều thành viên sử dụng với tích cách cá nhân).

       Ý nghĩa của lời khẩn nguyện này cho thấy sự hiểu biết bao quát của cha Arnold về ý nghĩa và mục đích của việc dâng hiến cho Thánh Tâm. Đối với ngài, ý nghĩa thực tiễn rộng lớn đối với việc đạo đức này và không đa cảm ngọt ngào như chúng ta sẽ thấy. Chính cha Arnold đã trải nghiệm thân phận tông đồ được sinh ra và lớn lên nơi ngôi trường của Thánh Tâm Chúa. Công việc làm giám đốc Hội Tông đồ Cầu nguyện (the Apostoship of Prayers) đã dẫn cha Arnold đến mối quan hệ gần hơn với việc đạo đức này, vốn không phổ biến ở Đức vào thời gian đó, và cha đã tiến sâu vào tinh thần tôn sùng Thánh Tâm. Sự kiện đó có thể được giải thích như là thiên ý. Khi chúng ta xét đến sự trưởng thành đời tu của cha Arnold cho đến thời điểm này (1866), chúng ta có thể nói rằng ngài trở nên rất huyền bí và là một vị thánh lớn. Ngài đã trở thành người tông đồ và nhà truyền giáo chỉ trong ngôi trường của Thánh Tâm Chúa. Nếu thiếu mối quan hệ mật thiết với Thánh Tâm thì ngài đã không trưởng thành trong việc ủng hộ bền vững cho các sứ vụ truyền giáo ở nước ngoài, việc hợp nhất lại những Kitô hữu chia rẽ ở Đức, việc truyền bá đức tin thông qua in ấn xuất bản, hoặc canh tân phong trào tĩnh tâm cho tất cả các tầng lớp xã hội, và (có lẽ) ngài cũng đã không trở thành Đấng Sáng Lập của ba Hội Dòng.

       Sự khổ hạnh nội tâm và âm thầm cần thiết phải có cái gì đó để đánh thức niềm yêu thích của ngài nơi thân phận tông đồ. Chính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã làm cho ngài điều đó. Ngài đã duy trì tính chân thật nơi trung tâm bí nhiệm nội tâm của ngài, và điều đó giúp ích cho vai trò Đấng Sáng Lập tương lai của Dòng Ngôi Lời. Nhưng khi nói về hành động, ngài đã sở hữu một cái nhìn bao quát rộng rãi và sự thôi thúc dữ dội để đi ra khỏi chính mình nhằm hoàn thành những ao ước và khát vọng của Thánh Tâm Chúa. Chúng ta hãy nhìn vào mục đích và những yếu tố trong việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu của cha Arnold. [Bản dịch tiếng Việt này chỉ xin chia sẻ một trong những yếu tố]:

“Giữa anh em với nhau,

anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5).

      Theo cha thánh Arnold, những lời này của thánh Phaolô tông đồ giải thích một lập trường căn bản, chỉ ra hướng cho chương trình cuộc sống, và gợi ra những thành quả gọi là “hoa trái quý báu” của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa. Chúng ta tôn kính Thánh Tâm Chúa nhất là khi chúng ta lắng nghe tiếng Ngài theo Sách Thánh: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Điều này có nghĩa là chúng ta nên sống và làm việc theo vị trí của mình bằng tất cả sức mạnh của chúng ta vì những gì trái tim nhân lành theo gương mẫu thần linh đã tận hiến và trao ban chính Ngài.

Hình thức sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu tốt nhất là làm cho mong ước của chúng ta tuân theo ước muốn của Trái Tim Đức Kitô, nghĩa là việc chúng ta suy nghĩ đến Thiên Chúa, những sự việc của thế giới, và cả sự vĩnh cửu cũng theo ý Ngài. Chúng ta sống đời mình không phải cho danh dự và vinh quang của chúng ta, nhưng thuận theo thánh ý Chúa và vì vinh quang của Ngài. Chúng ta nên làm việc một cách siêng năng vì vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn, giống như Đức Giêsu đã làm. Chúng ta là những khí cụ có ích làm vinh danh Thiên Chúa, và thông qua chúng ta Thiên Chúa cũng được vinh danh bởi tha nhân (Arnold Janssen).

      Cha Arnold muốn nói đến “Mong ước.” Ngài thường nói về sự “khao khát” hoặc “những mong mỏi” của Thánh Tâm Chúa. Cha đối đãi với Thánh Tâm như một Đấng thiêng liêng, Đấng có thể nghĩ, mong ước, khao khát, có mục đích, và sự linh cảm. Hiểu như vậy có chính xác không?

“Đối tượng cơ bản của việc sùng kính Thánh Tâm là trái tim của Đức Chúa Giêsu với ý nghĩa trọn vẹn của ‘Lời’. Nghĩa là, toàn bộ đời sống nội tâm của Đức Chúa bao gồm cả trái tim thể lý” (Noldin).

Trong nhiều bài viết về việc sùng kính Thánh Tâm, ý tưởng của các nhà thần học khác nhau đa dạng. Không ai muốn chỉ đơn thuần vinh danh trái tim thể lý của Đức Kitô, nhưng mở rộng ra hơn từ biểu tượng trái tim để có thể trình bày những nhân đức thiêng liêng của Đức Kitô vốn vẫn còn chưa rõ ràng lắm. Ngay cả trước khi điều Noldin đã trình bày trên đây có sự giải thích rộng rãi, thì cha Arnold đã chủ trương và thực hành nó còn sớm hơn cả 50 năm trước đó.

Đối với cha Arnold, có ba “kho tàng” hình thành nên phần tổng thể của việc tôn sùng Thánh Tâm: trước tiên, thần tính của Ngôi Lời Vĩnh Cửu mà “nhà tạm” của Ngài là Trái Tim của Đức Kitô; thứ hai, linh hồn chí thánh của Chúa Giêsu ở trong cuộc sống nội tâm của Thánh Tâm; thứ ba, máu châu báu đã vọt ra từ trái tim của Đức Kitô. Kho tàng thứ hai đáng chú ý vì Noldin có cách giải thích giống như thế; nhưng cha Arnold đã thực hành điều đó 50 năm trước thời của Noldin. Cha Arnold viết: “Kho tàng thứ hai của Trái Tin Chúa Giêsu là linh hồn nhân tính của Ngài. Vị trí hoàn hảo của linh hồn là trái tim. Do đó, chúng ta suy gẫm về linh hồn chí thánh của Chúa Giêsu nơi Thánh Tâm. Đây có phải là linh hồn quá khiêm nhường, vị tha, sáng ngời và hoàn hảo ví như linh hồn thánh thiện nhất trong số tất cả các linh hồn con người? Từ lúc linh hồn này tồn tại, nó tồn tại ở trạng thái ân sủng thánh hóa và ở trong tầm nhìn của Thiên Chúa; Người Con Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, đã hợp nhất chính Ngài với linh hồn này trong sự hợp nhất với một nhân vị duy nhất. Vì vậy, chúng ta hãy sùng kính linh hồn thánh thiện của Chúa Giêsu nơi Thánh Tâm bằng tất cả các nhân đức và những công trạng của Thánh Tâm.

Trong số tất cả các nhân đức, có một nhân đức đặc biệt đáng để chúng ta tôn vinh chính là tình yêu cao quý của Ngài dành cho loài người. Tình yêu có chỗ đặc biệt nơi trái tim. Thật vậy, trái tim là hình ảnh và biểu tượng của tình yêu. Do vậy, chúng ta nói đến một người “thiện tâm” khi chúng ta muốn nói rằng người đó có tình yêu chan chứa dành cho tha nhân. Cao cả làm sao, cao quý làm sao tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tội nhân chúng ta, tình yêu của Ngài thật cao cả! Bằng nghĩa vụ cao cả, Ngài đã gánh vác ơn cứu độ con người bằng tình yêu hiến dâng hoàn toàn theo thánh ý Cha Trên Trời. Thật trung thành làm sao khi Chúa Giêsu hoàn tất nhiệm vụ này! Thật là một của lễ hiến dâng cao quý Ngài đã thực hiện! Sau cùng, trung thành làm sao khi Ngài đã trao chính Ngài bằng tất cả tình yêu vào tay chúng ta nơi bí tích Thánh Thể trên bàn thờ, nhiều đến nỗi Ngài trở thành tôi tớ, tù nhân, và lương thực cho những ai theo Ngài! Việc đáp trả trung thành và khiêm nhường của chúng ta là một lòng tri ân còn non yếu khi chúng ta sùng kính Trái Tim của Đức Kitô, linh hồn thánh thiện và các nhân đức của Ngài, nhất là tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. (Arnold Janssen)

Do đó, trái tim thể lý của Chúa Giêsu là biểu tượng và dấu chỉ của thế giới nội tâm thiêng liêng tổng thể của Đấng Cứu Thế, và là đối tượng của việc sùng kính Thánh Tâm. Linh hồn thánh thiện và đời sống thiêng liêng của Chúa Giêsu—tình yêu và lòng nhân từ, chờ đợi và khát khao, sự hoàn thiện siêu nhiên, và các nhân đức con người, lòng thương xót và nhân lành, sự quảng đại vô bờ bến, đau khổ và những chăm sóc—tất cả những điều này nằm ở trung tâm nơi Trái Tim Chúa Giêsu. Tất cả những điều này chảy từ Tâm Nguồn của Đức Kitô và là chốn được tôn vinh. Trái tim Chúa Giêsu phục vụ như là nơi gánh vác tất cả những khao khát thánh thiện và những ảnh hưởng. Từ Trái Tim, cảm nghĩ xuất phát, chảy ra tất cả những xúc cảm của tâm hồn, tình yêu, mong ước, quyết định, việc làm, và lễ dâng chính mình Ngài làm Đấng Cứu Độ của muôn người.

Trong mạc khải cho đấng thánh của Thánh Tâm [là thánh Margaret Mary], Chúa Giêsu chính Ngài đã nói rằng trong thực hành tình yêu này, Thánh Tâm đã dốc hết và đốt cháy chính mình, nhưng Ngài đã nhận lại sự lạnh lùng, vô ơn, bất kính, và khinh thường. Chúng ta tìm thấy những tư tưởng này trong Kinh Cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu do Giáo hội phê chuẩn; nơi đây, toàn bộ tinh thần và thế giới của những khao khát và tình yêu sự sống và những hành động của Chúa Giêsu đều liên quan đến Thánh Tâm Chúa.

Lý trí về Đấng Cứu Thế không thể so sánh và cao quý này được thể hiện trong biểu tượng trái tim đang chuyển động và lôi cuốn. Chúng ta cầu nguyện, yêu mến, và tôn kính tất cả những điều này bằng việc sùng kính Thánh Tâm. Nhưng chúng ta không thể ngừng ở đây. Theo cha Arnold, quan trọng không kém, chúng ta xác định Trái Tim Đức Kitô với tinh thần cao quý của Ngài, và cố gắng bắt chước gương mẫu của Ngài. Chúng ta làm việc vì Chúa và con người như Đức Giêsu đã làm, bằng tất cả việc đạo đức và lòng trung thành, và chúng ta không tiếc sức bắt chước lý tưởng của Ngài.

Đối với cha Arnold, sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu bao gồm việc theo Đức Kitô thực sự trong tư tưởng, hành động, và cuộc sống. Những thực hành đạo đức vẫn chưa đủ. Phong cách sống bên trong và bên ngoài của Đức Kitô là con đường thực sự cho người tôn sùng Thánh Tâm. “Tư tưởng theo Đức Kitô đi xa hơn những ranh giới của việc bắt chước luân lý đơn thuần về các nguyên tắc và việc làm của Ngài. Theo nghĩa cao quý nhất, những mầu nhiệm về sự nhục nhã và vinh quang là những quy phạm của sự hướng dẫn siêu nhiên và sự phát triển của đời sống ân sủng cho cả Giáo hội và cho cá nhân” (Schell). Điều này cũng dạy các tông đồ: “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17).

Thật sự, gương mẫu này nơi Chúa Kitô có giá trị và bắt buộc mỗi người có kế hoạch cuộc sống cho tất cả ơn gọi và các tầng lớp xã hội. “Bước theo Đức Kitô” là sự thể hiện ngắn nhất đối với tất cả những gì cần thiết cho chúng ta. Không có sự thay thế cũng không có sự miễn trừ.

Thật là tài sản vừa nâng cao vừa linh hoạt để hiểu sự thật nghiêm túc này thông qua ngôn ngữ chạm đến tình yêu của Thánh Tâm: “Hãy học với Tôi!” Trong việc sùng kính Thánh Tâm, chúng ta trở nên quen với việc nhận ra trái tim chói lọi của Đấng Cứu Thế như là gương mẫu hiến tế cuộc sống của Ngài và việc chúng ta bước theo Ngài. Thật dễ biết mấy để nương nhờ Thánh Tâm Chúa trên con đường gồ ghề đi theo Đức Kitô.

Cha Arnold nhắc nhở chúng ta về những lời ngôn sứ: “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ” (Is 12,3). Ngài còn thêm: “Trái Tim Chúa Giêsu là nguồn, dòng suối của ơn cứu độ. Những gì Ngài mạc khải cho thánh Margaret Mary được ứng nghiệm ở đây. ‘Tôi sẽ không tính toán và không giới hạn ân sủng cho ai tìm kiếm ơn cứu độ từ Trái Tim Tôi.’” Các môn đệ mạnh mẽ và xứng đáng của Đức Kitô sẽ thăng tiến nơi ngôi trường của Thánh Tâm.

Cha Arnold đã ở trong trường học này suốt cả cuộc đời và trở nên giống như gương mẫu thần linh cả trong lẫn ngoài. Ngay cả trong những năm cuối đời, cha Arnold đã viết giải pháp sau đây: “Tôi sẽ cố gắng trở nên gần gũi nhất có thể với tâm trí của Đức Giêsu trong đời sống, giảng dạy, việc làm, đau khổ, và cái chết của Ngài. Trong khi cử hành Thánh Thể, tôi sẽ cùng với Đức Kitô dâng tất cả những đau khổ, những khó khăn của tôi và bất cứ thứ gì Thiên Chúa gửi đến tôi, dâng lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.” Chúng ta nên làm cho tâm trí Đức Giêsu là của chúng ta, vì tâm trí ấy vén mở chính nó trong cách đối xử với Thiên Chúa và con người.

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn mọi người.

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD (chuyển ngữ)

Chú thích:

[*] Tựa đề bài viết do người dịch đặt.

[**] Trích dịch sang tiếng Việt từ tác phẩm của linh mục Herman Fischer, You Are the Temple of the Holy Spirit, dịch theo bản dịch tiếng Anh của cha Paul LaForge, (Manila, Philippines: Logos Publications Inc., 1996, 1999), trang 122-126.

 

 

 

 

 

Bài trướcViết Cho Người Bệnh
Bài tiếp theoHẠT GẠO NHÂN ÁI SỐ 2 – GIÁO XỨ VINH HÀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.