Thường Niên – Tuần XXV – Năm C

0
400

Chúa Nhật – Ngày 22 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Bài đọc 1 : Am 8,4-7

Bài đọc 2 : 1Tm 2,1-8

Tin Mừng : Lc 16,1-13

[…] “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” 

TRUNG TÍN

Tin Mừng hôm nay nói về dụ ngôn người quản lý bất lương biết hành động khôn khéo với các con nợ của mình, biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của. Để từ đó, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết trung tín trong việc sử dụng tiền của. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10).

Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu có lời khen ngợi đối trong việc quản lý tiền bạc và trong cách đối xử với các con nợ. Ngài cũng muốn dạy cho các môn đệ  hãy biết khôn ngoan và trung tín trong việc sử dụng tiền của.

Xã hội thực dụng, những giá trị vật chất có thể là cám dỗ rất lớn và chi phối đời sống của người môn sinh theo Chúa. Để có thể khôn ngoan trong việc sử dụng tiền và những giá trị vật chất trong đời sống thường nhật, đòi hỏi người môn sinh phải từ bỏ và hy sinh bản thân, gọt giũa mình không để cho giá trị vật chất chi phối. Muốn vậy, người môn đệ của Chúa phải bám vào Chúa và để cho mình phải thật sự bị cuốn hút trong tình yêu Giêsu. Một khi lòng mến Chúa đủ lớn, thì họ mới đủ sức vượt thắng trước cám dỗ của những giá trị vật chất.

Xin Chúa, xin giúp chúng con biết chỉ kiếm tìm Chúa, chọn lấy Chúa làm cùng đích cuộc đời chúng con, để chúng con đủ sức vượt thắng trước giá trị vật chất, và khôn ngoan trong việc sử dụng của cải trần gian. Xin Chúa đừng để chúng con phải xa Chúa vì những giá trị vật chất chóng qua ở đời này, nhưng biết đặt Chúa làm tâm điểm và sống theo chân lý của Chúa trong cuộc đời chúng con.

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Thứ Hai – Ngày 23 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Thánh Piô Pietrelcina, linh mục.

Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Er 1,1-6

Tin Mừng : Lc 8,16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông dân chúng rằng: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

ĐỂ Ý CÁCH THỨC LẮNG NGHE

Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc lắng nghe, nhất là lắng nghe và phân định đâu là Lời Chúa – Lời Sự Sống, đâu là lời giả mạo.

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, Lời Chúa đang bị “bóp méo” một cách nghiêm trọng. Rất nhiều nhóm cho rằng mình đã nhận được “sứ điệp từ Chúa, từ Đức Mẹ…” để lôi kéo các Kitô hữu đi theo họ. Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người đạo đức, sùng đạo đã bị cuốn theo các nhóm đó. Tại sao lại như vậy? Thưa, bởi vì họ học hỏi chưa kỹ Lời Chúa, Đức tin của họ còn non nớt, và cũng có thể là do chạy theo số đông.

Chính vì vậy, việc nghe Lời Chúa cần phải theo sự chỉ dẫn của Giáo Hội. Không chỉ vì nghe một chút lời đường mật của một phe nhóm nào đó, nhân danh Đức Kitô, mà dễ dàng đánh mất Đức tin Công Giáo của bản thân mình. Muốn giữ vững đức tin của mình, mọi người phải siêng năng đọc, suy niệm Lời Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần, qua sự hướng dẫn của Giáo Hội. Chúng ta không nên chủ quan, hay tự tin quá về đức tin của mình, bởi như thánh Phaolô có nói: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã!” (1 Cr 10,12). Chúng ta có thể ngã bất cứ khi nào bởi tâm lý thích nghe lời ngọt ngào hơn là những Lời đôi khi khó hiểu nhưng thâm sâu của Đức Giêsu.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng đôi tai Chúa ban để lắng nghe Lời của Chúa, Lời Sự Sống, để con tôn trọng và thi hành công lý. Xin cho đức tin con vững mạnh để không lầm đường, lạc xa Chúa.

Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD

Thứ Ba – Ngày 24 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Bài đọc : Er 6,7-8.12b.14-20

Tin Mừng : Lc 8,19-21

Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

TƯƠNG QUAN ẢO

Thiên Chúa không theo những định kiến và lý luận của con người. Tin mừng hôm nay qua lời của Đức Giêsu cho chúng ta thấy rõ điều đó: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Mối tương quan máu mủ, huyết thống không thể làm chỗ dựa vững chắc cho mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa kiểu như “con ông cháu cha”.

Thiên Chúa đảo lộn cách suy nghĩ và lý luận đó của con người. Những điều xem ra là có mà lại không, nếu chỉ dựa vào mối quan hệ thân thiết để cho rằng Chúa là của tôi, tôi biết Chúa vì tôi là người Kitô hữu. Cái biết bên ngoài, cái biết hời hợt chỉ làm rạng danh tôi mà tối danh Chúa.

Chính thái độ lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành mới tạo nên mối tương quan nghĩa thiết với Ngài. Lời của Đức Giêsu hôm nay mời gọi mọi người cùng nhìn lại mối tương quan mình đang có với Chúa: phải chăng là hữu danh vô thực?

Nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy thì dường như Lời Chúa chưa được thực hành nơi chính bản thân, hoặc chỉ biết đến Ngài như một lời đồn thổi. Ngược lại, nếu chúng ta dám mạnh dạn xác tín rằng lời của Đức Giêsu hôm nay quả là mối phúc cho tôi, vì tôi có được mối tương quan với Chúa nhờ lắng nghe và thực hành lời Ngài.

Nếu tôi thực sự là người thuộc về gia đình của Thiên Chúa, thì việc ghi nhớ và thực hành Lời Ngài không hề là điều khó khăn. Trái lại, nếu tôi đang cố để chứng tỏ mình thuộc về Ngài một cách miễn cưỡng, chiếu lệ, thì việc sống Lời Chúa quả là một thách đố không nhỏ. Tôi tự hỏi mình: Tôi thật sự có tương quan mật thiết với Chúa? Hay tôi đang cố tạo một tương quan ảo với Ngài?

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc đời chúng con, để con luôn thuộc về Ngài.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Thứ Tư – Ngày 25 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Bài đọc : Er 9,5-9

Tin Mừng : Lc 9,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

SỐNG NGHÈO ĐỂ THẾ GIỚI ĐƯỢC GIÀU

Mới đây Mark Zuckerberg, ông chủ mạng xã hội facebook, đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi quyết định hiến phân nửa tài sản của mình để làm từ thiện. Nhìn dưới khía cạnh nhân ái, đây quả là một hành động mang tính nhân văn sâu sắc, một sự san sẻ vì tình yêu đồng loại.

Khi Đức Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng, Ngài cũng mời gọi họ hãy sống tinh thần nghèo khó: chớ mang theo của cải vật chất khi đi loan báo Tin Mừng (x. Lc 9,3), bởi Ngài đã ban cho họ quyền năng để thi hành sứ vụ rồi (x. Lc 9,1).

Đòi hỏi của Đức Giêsu với Nhóm Mười Hai trông có vẻ ngược đời. Bởi lẽ, dù không phải sống trong cảnh xa hoa, giàu có, nhưng những nhu cầu thiết yếu như: giày dép, lương thực, tiền bạc… xem ra là những phương tiện cần thiết để chu toàn sứ vụ. Thế nhưng, điều Đức Giêsu muốn nơi các tông đồ là sự dấn thân trọn vẹn: hãy bỏ tất cả những quyến luyến, những vướng bận của vật chất để chỉ tập trung cho sứ vụ mà thôi. Vì chỉ khi sống và thực hành được điều đó, Nước Trời mới được loan truyền cách mau lẹ nhất.

Hơn nữa, không vướng bận đến của cải vật chất cũng có nghĩa là để cho Chúa làm chủ cuộc đời và sứ vụ của mình. Nước Trời được loan báo, người bệnh được chữa lành (x. Lc 9,2) thì không phải do công lao hay những phương tiện vật chất mang lại nhưng tất cả là do quyền năng của Chúa. Người môn đệ chỉ là công cụ trong việc thực thi Lời Ngài mà thôi.

Do vậy, sống tinh thần nghèo khó, sống khiêm tốn và phó thác mọi sự trong tay Chúa là điều mà người môn đệ Đức Kitô cần học và hành trong suốt cuộc đời của mình. Sống nghèo trong Đức Kitô để thế giới được giàu, vì lúc đó ta biết lấy cái giàu của Thiên Chúa để phân phát cho tha nhân.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống tinh thần nghèo khó để làm cho thế giới được giàu tình yêu của Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Năm – Ngày 26 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Thánh Cosma và thánh Đamianô, tử đạo (Đ).

Bài đọc : Kg 1,1-8

Tin Mừng : Lc 9,7-9

Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu.

TÌM GẶP CHÚA

Trước những phép lạ mà Chúa Giêsu làm, nhiều người băn khoăn tự hỏi “ông này là ai”? Mỗi người đều đưa ra một câu trả lời về thân thế Đức Giêsu, nhưng xem ra các đáp án này đều không thỏa đáng.

Tiểu vương Hêrôđê tìm gặp Đức Giêsu không phải vì ông ngưỡng mộ, nhưng có lẽ vì hiếu kỳ và lo sợ. Không hiếu kỳ sao được khi thiên hạ bàn tán và lấy các nhân vật nổi tiếng đã chết gán cho Đức Giêsu. Một trong số họ là Gioan Tẩy Giả, người bị chính tay Hêrôđê sát hại nay lại được tin tái xuất. Hêrôđê sợ hãi vì các nhân vật mà dư luận đồn thổi đều có điểm chung là tiếng nói ngôn sứ. Họ tố cáo cái xấu cái ác, mà ông lại là kẻ xấu xa đê hèn. Vì thế, ông tìm cách gặp Đức Giêsu để có thể biết được Người là ai hầu thoát khỏi nỗi ám ảnh hoặc có thể tìm cách đối phó.

Trong đời sống của mình, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại động cơ thôi thúc ta đến với Chúa. Ta theo Chúa vì một vài phép lạ mà người khác kể lại hay vì tò mò hiếu kỳ? Nếu đời sống đức tin không có sự gặp gỡ cá nhân giữa ta với Chúa, mà chỉ bị thôi thúc bởi hoàn cảnh, thì một khi hoàn cảnh thay đổi, đức tin cũng biến mất. Mỗi người đến với Chúa có thể được thúc đẩy từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đời sống đức tin phải là sự xác tín của cá nhân. Chính sự xác tín này mới bảo đảm tính kiên vững của đức tin khi trải qua thử thách, đau khổ.

Lạy Chúa, xin Ngài không ngừng thanh tẩy lý do thôi thúc con tìm kiếm Chúa, để mỗi ngày đến với Chúa, tâm hồn con được thanh thoát và trong sáng hơn. Và trong mọi hoàn cảnh, xin cho chúng con luôn biết khao khát tìm gặp Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 27 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Thánh Vinh Sơn Phaolô, Linh mục.

Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Kg 1,15b-2,9

Tin Mừng : Lc 9,18-22

Khi ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

CÒN CON, CON BẢO THẦY LÀ AI?

Trước câu hỏi của Đức Giêsu rằng “dân chúng nói Thầy là ai?”, các môn đệ trả lời rằng: “Có kẻ cho rằng Thầy là là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Khi người ta nói nhiều về một ai đó thì ít nhiều người ta còn quan tâm đến đối tượng mình nói tới là ai.

Quả thật, giáo huấn và quyền năng của Đức Giêsu khiến cho những ai được nghe, được chứng kiến phải để tâm đến. Chân lý của Đức Giêsu như ánh đèn soi chiếu cho lòng người trong một thế gian đầy bóng tối. Dân chúng không thể không nói về Đức Giêsu sau khi Người trừ quỷ, chữa lành cho những kẻ yếu đau bệnh tật và nhất là khi Người hóa bánh ra nhiều cho đoàn dân đông đảo được no nê. Quyền năng, các phép lạ cùng những lời giảng dạy của Đức Giêsu hẳn đã để lại dấu ấn trên những ai nghe Lời Ngài rao giảng.

Việc nhận diện ra Đức Giêsu là ai không phải là điều dễ dàng. Đó là kết quả của ơn trên soi chiếu. Thánh Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, nhưng Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).

Nếu Chúa đặt cho tôi câu hỏi tương tự: “Còn con, con bảo Thầy là ai?” thì tôi sẽ trả lời thế nào? Tôi có đủ can đảm để tuyên xưng như thánh Phêrô, tuyên xưng không chỉ bằng môi miệng mà bằng chính cuộc sống chứng tá?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhớ rằng, nhiều lần trong đời, Ngài cũng từng hỏi chính con như vậy. Xin cho con cũng nhận biết Ngài, vì con không nên đi theo Đấng mà con không biết là ai. Xin cho con cũng đủ sức sống câu trả lời của mình: Ngài là Đấng Kitô của Thiên Chúa.

Tu sĩ GioanBaotixita Phan Lĩnh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 28 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Thánh Venceslaô, tử đạo (Đ).

Bài đọc : Dcr 2,5-9.14-15a

Tin Mừng : Lc 9,43b-45

Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giêsu làm, Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

CHE KHUẤT

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ về việc “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Các môn đệ lúc bấy giờ hết sức bỡ ngỡ và không hiểu lời đó.

Tiếp ngay sau khi Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai, đang lúc các môn đệ và dân chúng đang bỡ ngỡ và kinh ngạc trước quyền năng của Người thì Người lại tiên báo về việc “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Tin Mừng thuật lại rằng các môn đệ “không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa”.

Suy gẫm đoạn Tin Mừng ta thấy được rằng việc các môn đệ không hiểu lại là chuyện dễ hiểu. Bởi lẽ trong con mắt của các môn đệ lúc bấy giờ vị thầy mà các ông đang đi theo thì “ngon lành” lắm, là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống, một Đấng đầy quyền năng như vậy thì làm sao bị nộp vào tay người đời được. Mắt các ông bị che khuất vì những quyền lực của trần gian. Các ông mong chờ Đức Giêsu khôi phục lại nước Do Thái. Thế nhưng các môn đệ chưa thể hiểu được rằng vương quốc mà Đức Giêsu muốn xây dựng lại là Nước Trời.

Đọc đoạn Tin Mừng và suy khi gẫm về cuộc đời của mỗi chúng ta, những người Kitô hữu, những người tu sĩ bước theo Đức Giêsu, lắm lúc chúng ta cũng không hiểu những gì mà Chúa nói với mỗi người. Vì mắt chúng ta cũng bị che khuất bởi những gì chúng ta tự vẽ ra. Lắm lúc chúng ta tự vẽ ra cho mình một Đức Giêsu thật xa lạ với chính Ngài, một Đức Giêsu theo như ý muốn của ta chứ không phải Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhận ra được khuôn mặt thực sự của Ngài trong từng ngày sống của chúng con, để chúng con sẵn sàng và vững bước theo Chúa trên mọi nẻo đường mà Chúa dẫn chúng con đi.

Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 25 – Thường Niên, Năm C
Bài tiếp theoTGP Sài Gòn: Khai mạc Tuần lễ Di dân 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.