Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 25 – Thường Niên, Năm C

0
320

Bài Ðọc I: Am 8, 4-7

“Chống lại những kẻ lấy tiền mua người nghèo”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã thề rằng: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 4-6. 7-8

Ðáp: Hãy ngợi khen Chúa, Ðấng nâng cao kẻ túng thiếu (c. 1a & 7b).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. – Ðáp.

2) Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa… và Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất. – Ðáp.

3) Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Tm 2, 1-8

“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13}

“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: {“Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}

“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

KHÔN KHÉO VÀ SÁNG SUỐT

Lm. Antôn Phạm Thanh Thịnh, SVD

Người ta vẫn thường nói: “Đồng tiền dính liền khúc ruột”. Vâng, vì nó dính liền khúc ruột nên đụng tới tiền bạc, của cải thì không khỏi những rắc rối có thể xảy ra; có lẽ ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về vấn đề này. Tiền bạc tự bản chất nó không xấu; nó là vật vô tri vô giác, tốt hay xấu là do cách thức của người sử dụng nó. Nhưng cuộc sống con người không thể không đụng tới tiền bạc, bởi vì nó cần thiết và nhiều khi cần thiết đến nỗi làm cho con người ta mờ mắt trước tiền bạc. Thế nên, cần phải sáng suốt để sử dụng tiền bạc cho thật khôn khéo, cho có ý nghĩa và cho đẹp ý Chúa.

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Amốt cho chúng ta biết, Thiên Chúa chống lại những kẻ cậy dựa vào sức mạnh của đồng tiền, cậy dựa vào tiền dư bạc thừa của mình để đàn áp những người nghèo khổ. Chúa sẽ không quên các việc của những kẻ gian ác đã gây ra. Còn trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu lại dạy chúng ta, hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu. Trước cách hành xử của người quản gia bất lương, ông chủ khen anh ta đã hành động cách khôn khéo, và Đức Giêsu muốn các môn đệ ngày xưa cũng như tất cả chúng ta ngày hôm nay, hãy học sự khôn khéo nơi người quản gia bất lương ấy. Như vậy, chẳng lẽ Đức Giêsu, một Đấng luôn kêu gọi người ta hãy sống lương thiện và công chính, lại khen ngợi một kẻ bất lương? Chẳng lẽ Đức Giêsu kêu gọi và cổ võ chúng ta sống bất chính hay sao?

Người quản gia bị tố báo là bất lương, là phung phí của cải, phung phí tài sản của chủ mình. Chúng ta biết, khi lâm vào cảnh khốn khó, sắp bị sa thải và phải mất việc, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn đang hiện ra trước mắt anh ta, rất bấp bênh: “Cuốc đất thì không nỗi, ăn mày thì hổ ngươi”, thì anh liền khôn khéo hành xử mau lẹ, tận dụng chút thời gian ít ỏi còn lại với cương vị làm quản gia, để khéo léo đưa ra cách giải quyết phù hợp, không thiệt thòi cho ông chủ mà lại có lợi cho anh ta về sau, tốt cho cả đôi bên. Nhiều người cho rằng, việc anh ta hướng dẫn các con nợ viết lại biên nhận là một hành vi bất lương, làm thiệt hại cho ông chủ. Bởi lẽ, thay vì yêu cầu các con nợ viết đầy đủ số nợ, thì anh ta lại bảo họ viết bớt đi. Chúng ta biết, số nợ mà anh ta bảo con nợ viết bớt đi đó chính là phần lãi mà anh ta được hưởng. Vì thời ấy, người quản gia chỉ được hưởng phần lãi suất từ các con nợ của ông chủ, chứ không được chủ trả lương như bây giờ, tức là anh ta không lấy phần lãi suất từ các con nợ của ông chủ. Nhờ dám chấp nhận hy sinh một số lợi nhuận ít ỏi như vậy, anh đã biến những con nợ của ông chủ thành những người chịu ơn anh, để chính những người ấy sẽ đón tiếp anh lâu dài, khi anh bị mất chức quản gia. Vì thế, anh đã được ông chủ khen là sáng suốt và biết khôn ngoan tiên liệu.

Là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi sống và hành động một cách khôn ngoan sáng suốt y như vậy. Theo Đức Giêsu, chúng ta có thể học nơi con cái của thế gian trong việc phân tích kỹ lưỡng hoàn cảnh, suy nghĩ chín chắn và có cách ứng xử phù hợp. Chúng ta cần khôn khéo trong cách sử dụng của cải vật chất, vốn là những tiền của bất chính, để tạo lấy bạn bè, những người sẽ đón rước chúng ta khi chúng ta lâm vào cảnh khốn cùng.

Như vậy, chúng ta thấy, trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay không phải là vấn đề lương thiện hay bất lương, nhưng chính là sự sáng suốt và khôn ngoan tiên liệu, khôn ngoan tiên liệu để chúng ta có được hạnh phúc đời đời. Mặc dù tiền của là cần thiết cho cuộc sống con người, nhưng sự sống vĩnh cửu thì cần thiết hơn. Vì khi nhắm mắt xuôi tay, những thứ tiền của ấy trở thành vô dụng. Nhưng chúng ta sử dụng tiền của cho đẹp ý Chúa là sử dụng như thế nào? Là chúng ta dùng tiền của để lo cho cuộc sống gia đình, lo cho con cái ăn học, lo cho sức khỏe của mọi người trong nhà. Chúng ta đừng vô cảm trước những cảnh đời bất hạnh, những người nghèo, đặc biệt là những người đồng bào thiểu số, nhưng hãy sẵn lòng giúp đỡ họ, dù chỉ là một chén cơm hay một bát cháo. Những lúc chúng ta dùng tiền của cho những công việc chính đáng như vậy, tôi tin rằng chúng ta đang sử dụng tiền của cách có ý nghĩa và đẹp ý Chúa.

Tóm lại, dụ ngôn hôm nay không nói về sự độc hại của tài sản vật chất, cũng không chuẩn nhận cho sự bất lương của người quản gia kia, nhưng dụ ngôn nhắm đến sự khôn khéo của người quản gia ấy, khi anh biết cách sử dụng phần của cải thuộc về mình để lo cho tương lai của chính mình, lo cho hạnh phúc lâu dài của chính bản thân anh. Như thế, người quản gia bất lương trở thành điển hình cho các Kitô hữu chúng ta về sự sáng suốt và khôn khéo trong việc sử dụng của cải vật chất. Đối diện với Nước Trời đang đến, người Kitô hữu chúng ta cũng cần biết khôn ngoan đánh giá tình hình và xoay sở hợp lý, để có thể sử dụng của cải mà mua lấy bạn hữu và Nước Trời, mua lấy hạnh phúc vĩnh cửu. Xin Đức Giêsu chúc lành và hướng dẫn tất cả chúng ta trong việc chúng ta sử dụng tiền của, trong việc chúng ta sử dụng tài sản ở thế gian này.

 

 

Bài trướcBổ nhiệm Giám Mục tại Việt Nam – Tuyên bố của Tòa Thánh ngày 14/09/2019
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXV – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.