Phục Sinh – Tuần V – Năm B

0
430

Chúa Nhật – Ngày 29 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Bài đọc 1 : Cv 9,26-31

Bài đọc 2 : 1 Ga 3,18-24

Tin Mừng : Ga 15,1-8

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

SINH HOA TRÁI

Có một vụ mùa bội thu là ước mong của bất kỳ người nông dân nào. Bắt đầu từ ngày gieo giống, chăm sóc, cắt tỉa, người ta phải làm mọi công việc cách tỉ mỉ và chăm chỉ, để mong có được những thành quả, là một mùa vàng bội thu. Có thể nói, hai yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự thành công của người canh tác là sự chăm sóc và giống cây trồng.

Yếu tố thứ nhất là sự chăm sóc. Người trồng phải chăm sóc kỹ lưỡng, cắt tỉa, bảo vệ và rào giậu quanh vườn để tránh sự phá hoại từ bên ngoài. Đối với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói Chúa Cha chính là người trồng nho. Việc có một Đấng là Cha Toàn Năng chăm sóc cánh đồng thì một mùa màng bội thu hầu như đã được đảm bảo.

Yếu tố thứ hai là giống cây. Chúa Giêsu tự ví Người chính là cây nho, còn chúng ta, những người tin theo được ví là cành.  Chúng ta được sinh ra từ một “thân cây” là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa. Vì thế, yếu tố thứ hai này cũng được đảm bảo cho mùa thu hoạch đang chờ đón ở phía trước.

 Tuy nhiên, để sinh được hoa trái, những “cành” đang bám vào “Thân” cần phải buông mình để người làm vườn nho cắt tỉa theo ý của Ông. Mặc dù bất kỳ sự cắt tỉa nào cũng gây đau đớn nhưng Ông Chủ Khôn Ngoan, Thượng Trí biết hết mọi sự. Ông biết điều gì tốt nhất cho mỗi cành nho. Thế nên, Ông sẽ hành động để sau cùng cây sẽ sinh hoa trái, và nhiều hoa trái hơn.

Lạy Chúa, con chúc tụng Chúa vì cho con được gắn kết với Ngài. Xin cho con biết khiêm nhường đón nhận mọi sự cắt tỉa để cho mùa màng của Chúa được bội thu.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Hai – Ngày 30 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Lễ thánh Piô V, giáo hoàng.

Bài đọc : Cv 14,5-18

Tin Mừng : Ga 14,21-26

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”

AI YÊU MẾN THẦY THÌ SẼ GIỮ LỜI THẦY

“Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian”. Câu hỏi của ông Giuđa dường như cũng là câu hỏi của bao người Kitô hữu rằng tại sao Thiên Chúa không tỏ hiện cho cả thế giới này, và nếu thế thì chắc hẳn thế giới hôm nay đã rất tuyệt vời và Thiên Đường là đây? Đức Giêsu đã trả lời rằng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy và Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở lại trong người ấy.”

Câu trả lời của Đức Giêsu có vẻ như lạc xa với câu hỏi; nó không giải đáp được thắc mắc cho người hỏi. Hỏi tại sao không tỏ mình ra cho thế gian, mà lại trả lời là ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, rồi Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở cùng người ấy. Suy gẫm cho kỹ ta sẽ thấy được rằng Chúa không chỉ muốn nói tới chuyện tỏ ra, mà Người còn muốn đi xa hơn khi nói về sự ở lại. “Ở lại với” thì còn hơn cả “tỏ mình ra”, và điều kiện để được Chúa ở lại là yêu mến Chúa qua việc giữ lời Ngài.

Thiên Chúa luôn tỏ mình ra với tất cả mọi người trong từng giờ giây phút của cuộc sống, nhưng vấn đề là chúng ta có yêu Chúa đủ để nhận ra rằng Chúa đang đứng đó chờ đợi để được ở cùng ta, chờ đợi ta mở rộng tâm hồn, mở con tim để yêu mến Người. Khi tình yêu đạt đến mức độ cao nhất thì những người yêu nhau sẽ nên một với nhau. Chúa Cha và Chúa Giêsu đã nên một, và Ngài cũng chờ mong chúng ta nên một với Ngài như vậy.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn yêu mến lời Chúa và tuân giữ những gì Chúa dạy. Xin ban Thánh Thần Chúa xuống trên con để con hiểu và biết đem những lời ấy thực hành trong cuộc sống của mình, để Chúa ở lại trong con, và con xứng đáng là người môn đệ Chúa yêu thương. Amen

Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Thứ Ba – Ngày 01 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Thánh Giuse Thợ

Bài đọc : St 1,26-2,3

Tin Mừng : Mt 13,54-58

Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh  em của ông không phải là các ông

Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

ĐẶT CÂU HỎI?

Khi muốn tìm hiểu hay đào sâu một vấn đề, người ta thường đặt ra những câu hỏi và tìm cách trả lời để làm sáng tỏ hoặc hiểu biết sâu hơn. Điều này không hề đúng với Chúa Giêsu khi Người về lại quê quán của mình.

Khi Chúa Giêsu trở về làng quê Nadarét và giảng dạy trong hội đường, nhiều người tỏ ra sửng sốt. Thế rồi họ bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi không phải để hiểu hơn về Chúa Giêsu nhưng để tô đậm thêm nguồn gốc không có gì đặc biệt của Người: con bác thợ mộc quê mùa; có bà mẹ hiền từ, thấp hèn; vậy sao lại có thể khôn ngoan được như thế? Rồi Tin Mừng kết luận: Và họp vấp phạm vì Người, vì những câu hỏi của họ chỉ làm cho họ ngày càng xa Chúa Giêsu mà thôi.

Đặt câu hỏi có thể là khởi đầu của một tiến trình tìm kiếm sự hiểu biết đầy đủ và sâu xa hơn về một con người hay một vấn đề. Đặt câu hỏi có khi cũng là cách người ta dùng để chất vấn và làm khó nhau. Đặt câu hỏi có thể là một sự khai sáng, nhưng lắm khi lại dẫn vào ngõ cụt. Tất cả đều tùy thuộc động cơ của người đặt câu hỏi.

Tôi có đặt ra những thắc mắc về Chúa Giêsu để có thêm động lực tìm kiếm sự hiểu biết sâu xa hơn về Người? Nói cách khác, Đức Giêsu có là đối tượng tôi khao khát đào sâu mối tương quan và sự hiểu biết về Người? Hay tôi nêu lên những câu hỏi về Người chỉ để thỏa mãn sự tự cao tự đại của tôi?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn đặt câu hỏi thắc mắc về Người để được hiểu biết và yêu mến Người hơn nữa. Amen.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thứ Tư – Ngày 02 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Cv 15,1-6

Tin Mừng : Ga 15,1-8

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

CẮT TỈA

Tất cả những người làm nông đều có chung kinh nghiệm rằng: để cho cây cối sinh nhiều hoa trái, thì ngoài việc làm cỏ, bón phân, họ còn cần phải cắt tỉa cho nó nữa. Mục đích của việc cắt tỉa là để loại bỏ đi những cành sâu bệnh, khô héo; từ đó giúp những cành khác tập trung chất dinh dưỡng và phát triển lớn mạnh hơn.

Việc cắt tỉa bao giờ cũng để lại cho cây những thương tích, đớn đau: thân cây rỉ nhựa với những vết cắt lởm chởm; cành lá trơ trọi, xác xơ. Trông thật thảm hại! Nhưng đó lại là tiền đề cho một vụ mùa bội thu vào năm tới.

Tương tự như cây cối, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng cần phải được cắt tỉa để cho đời sống thiêng liêng của mình sinh hoa kết trái. Chúng ta như những cành nho dưới sự chăm sóc, cắt tỉa của Thiên Chúa. Mục đích cuối cùng của cây nho không gì khác hơn là trổ sinh thật nhiều hoa trái, làm thỏa mãn ước nguyện của người trồng nho.

Để đạt được điều đó, chúng ta phải biết buông mình cho Thiên Chúa chăm sóc. Chúng ta phải để cho Ngài cắt tỉa đi nơi bản thân mình những cành nho mục rỗng của những sự tham lam, ích kỷ, oán ghét, hận thù, những cành nho khô héo, sâu bệnh của tội lỗi, đam mê, dục vọng.

Chấp nhận việc cắt tỉa đồng nghĩa với việc chấp nhận những đau đớn, khổ cực. Để loại bỏ được một tội lỗi thường quen phạm hay một nết xấu nào đó không bao giờ là điều dễ dàng. Chúng ta phải hy sinh, vật lộn và chiến đấu với nó trong sự giằng co vất vả, nhiều khi phải đổ cả mồ hôi và nước mắt. Tuy nhiên càng vất vả đau khổ bao nhiêu, thì những thành quả của nó đem lại càng cho ta nhiều niềm vui và hạnh phúc bấy nhiêu.

Lạy Chúa, chúng con đang phải chiến đấu với những vất vả, hy sinh, xin cho chúng con như những cành nho sẽ sinh hoa kết trái, đem lại vụ mùa bội thu cho Chúa; và xin cho chúng con cảm nghiệm được niềm an ủi vô bờ, niềm vui lớn lao khi đời sống chúng con sinh hoa trái. Amen.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Thứ Năm – Ngày 03 – Tháng 5

  MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

           THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính (Đ).

Bài đọc : 1 Cr 15,1-8

Tin Mừng : Ga 14,6-14

Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? […]

THẦY VÀ CHA THẦY LÀ MỘT

Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi tín hữu. Chúa Giêsu đã đáp ứng ước vọng đó cho chúng ta khi Ngài nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).

Trước hết chúng ta muốn được thấy Chúa Cha thì phải đến với Chúa Giêsu. Ai càng gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu

thì sẽ càng dễ dàng nhìn thấy và yêu mến Chúa Cha. Chúa Giêsu luôn biểu lộ về Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh trong cuộc sống của Ngài. Nhìn vào con người và cuộc sống của Ngài ta có thể hiểu được Chúa Cha là Đấng đầy quyền năng, đầy vinh quang nhưng lại rất mực nhân từ và đầy lòng xót thương.

Hơn nữa, Chúa cũng luôn hiệp nhất với Chúa Cha. Quả vậy, Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện sứ vụ cứu độ loài người và Ngài đã chu toàn sứ vụ đó không chỉ trong ý muốn, trong tình yêu  mà cả trong hành động. Chính cái chết trên thập giá của Ngài đã minh chứng cho điều đó. Và dù trong hoàn cảnh nào, Chúa Giêsu đều thi hành thánh ý Cha.

Lý tưởng sống của mọi Kitô hữu cũng phải luôn là sự hiệp nhất không ngừng với Chúa Cha thông qua Chúa Giêsu. Ước gì chúng ta luôn tin tưởng chạy đến với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh để học lấy những điều Ngài dạy, để chúng ta cũng được kết hiệp Chúa Giêsu và cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Đó cũng chính là sự hiệp nhất với Chúa Cha vậy!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm tình yêu của Chúa Cha như Ngài đã cảm nếm, để nhờ đó chúng con cũng được nên một với Chúa Cha như Ngài với Chúa Cha là một. Amen. 

Tu sĩ Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 04 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Bài đọc : Cv 15,22-31

Tin Mừng : Ga 15,12-17

Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

TÌNH BẠN

Trong cuộc sống có lẽ không ai trong chúng ta là không có ít nhất một người bạn. Tục ngữ có câu: Sống trên bể ngọc kim cương, không bằng sống giữa tình thương bạn bè. Sách Huấn Ca cũng nói rằng, tìm được một người bạn trung thành đó là một của vô giá. Vì người ấy luôn yêu thương, làm cho cuộc sống của ta trở nên thú vị và ý nghĩa hơn.Trong Kinh Thánh chúng ta cũng bắt gặp những tình bạn thật đẹp ví như tình bạn cao đẹp giữa vua Đavít với Gionathan, một tình bạn bộc phát tự nhiên, keo sơn trong cơn thử thách, bền vững cho tới mãn cuộc đời và còn được ghi nhớ mãi trong lòng.

Khi phái Con Một xuống trần gian, Thiên Chúa đã tỏ ra là bạn hữu của loài người. Ngài đã mặc cho tình bạn ấy một bộ mặt nhân loại: Với Tình bạn thâm giao đó mà Chúa Giêsu đã chia sẻ cho các tông đồ những bí mật của Chúa Cha như những người bạn chia sẻ với nhau. Người bạn Giêsu ấy cũng hết sức kiên nhẫn, luôn thông cảm và sẵng sàng lắng nghe. Bởi khi người ta cảm thấy cần thổ lộ, bộc bạch bất kể điều gì, những điều mà ta không thể chia sẻ với những người bạn thân thiết nhất của ta, vì sự e ngại, xấu hổ, hay vì họ thiếu sự cẩn mật, thì ta không ngại ngần chạy đến với người bạn Giêsu. Những lúc cùng cực, đau buồn không chỗ bám víu, không chỗ sẻ chia với bất kỳ ai thì nơi cuối cùng người ta chạy đến cũng là người bạn Giêsu. Những ai chạy đến với Ngài trong tâm thế muộn phiền, lo lắng, bất an và tội lỗi, luôn kín múc được sự bình an, niềm vui và ơn chữa lành.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết thường xuyên chạy đến với Ngài, luôn ý thức để nuôi dưỡng tình bằng hữu với Ngài, bằng cách bỏ đi những cái tôi ích kỷ, tội lỗi và khước từ những thứ tình khác quyến rũ bên ngoài. Xin cho chúng con biết vun đắp để trở thành những người bạn thâm giao của nhau trong Đức Kitô.

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Thứ Bảy – Ngày 05 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Bài đọc : Cv 16,1-10

Tin Mừng : Ga 15,18-21

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”

KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN

Bài Tin Mừng hôm nay thuộc phần cuối của chương 15 của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu nói về mối quan hệ giữa các môn đệ với thế gian. Người nhấn mạnh rằng các môn đệ, tuy ở trong thế gian, nhưng lại “không thuộc về thế gian.”

Nói về “thế gian”, ta có thể hiểu theo nhiều nghĩa, nhưng ở đây tôi tạm coi “thế gian” là những bóng tối che lấp sự thật, là sự dữ và tội lỗi, là những điều làm ta trở nên nô lệ cho ma quỷ và tôn thờ nó; hay nói một cách khác là những gì gạt bỏ Thiên Chúa qua bên lề.

Sống trong một xã hội với chủ nghĩa vô thần, con người đang dần dần để mình thuộc về thế gian với lối sống vị lợi, đề cao vật chất: làm ăn gian dối, giết người, trộm cắp… Là những người Kitô hữu, chúng ta vẫn sống trong thế gian đó. Nhưng Chúa đã chọn, đã gọi và muốn chúng ta sống như “không thuộc về thế gian”. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tránh xa lối sống gian dối, ích kỷ, vô đạo đức… mà sống theo những tiêu chuẩn mà Đức Kitô đã truyền dạy. Đó là làm chứng cho sự thật, sống yêu thương, bác ái và vị tha.

Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng cảnh báo chúng ta rằng khi chúng ta sống ngược lại với “lối sống thế gian” mà thực thi những điều Chúa dạy, chúng ta sẽ gặp phải những chống đối và sự thù ghét của thế gian. Người môn đệ Chúa Giêsu được mời gọi sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi khi không sống theo kiểu thế gian.

Lạy Chúa, chúng con là con cái Chúa và chúng con đang sống giữa thế gian. Nhưng dòng đời xô bồ luôn xô đẩy phận người mong manh yếu đuối của chúng con. Chúng con vẫn thường chơi vơi trước bao lôi kéo của dòng đời, trước bao cám dỗ của ba thù. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con can trường đứng vững trước những thử thách gian nguy, luôn bình an trước những sóng gió nguy nan của dòng đời. Xin cho chúng con mãi trung thành với Chúa dù bị thế gian khinh chê, thù ghét. Amen.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Đinh Duy Thiên, SVd

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Phục Sinh – B
Bài tiếp theoĐội mũ và đeo Thánh giá cho Tân Giám mục Thanh Hóa tại Giáo phận Đà Lạt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây