Phục Sinh – Tuần IV – Năm C

0
424

Chúa Nhật – Ngày 12 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc 1 : Cv 13,14.43-52

Bài đọc 2 : Kh 7,9.14b-17

Tin Mừng : Ga 10,27-30

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do Thái rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi với Chúa Cha là một !”

CHIÊN CỦA TÔI

Chúa Giêsu dùng cách nói “chiên của tôi” để chỉ những ai được Thiên Chúa Cha trao phó cho Người. Đồng thời, Người cũng cho thấy mối tương quan mật thiết giữa Người với họ. Mối tương quan này được diễn tả bằng ba động từ “nghe”, “biết”,  và “theo”.

Trước hết, chiên của tôi thì “nghe” tiếng tôi. Mối tương quan giữa chiên và người chăn là sự lắng nghe lẫn nhau. Con người chỉ có thể nghe tiếng của Chúa Giêsu khi thường xuyên tiếp xúc với Người, “lắng” thì mới có thể “nghe” Người. Lắng để không bị những ồn ào khác chi phối; lắng để lòng thanh tịnh và đủ nhạy cảm để nghe được tiếng của Giêsu đang thì thầm cất lên trong lòng, trong những biến cố của cuộc đời và trong vũ trụ thiên nhiên.

Tiếp đến, tôi “biết” chiên của tôi (x. Ga 10,14).  Là người chăn chiên, Chúa Giêsu biết từng con chiên. Người biết chiên mập hay gầy mà bổ dưỡng, mạnh khoẻ hay đau ốm mà chăm sóc, đang ở trong đàn hay bị thất lạc mà đi tìm. Người biết rõ tâm tính từng con để có cách ứng xử thích hợp. Người biết rõ sở trường và tài năng để trọng dụng, biết sở đoản và điểm yếu để khắc phục. Người biết cả những yếu đuối và bất toàn để nâng đỡ, chở che. Người biết vì Người yêu thương, yêu đến nỗi sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Sau cùng, chiên của tôi thì “theo” tôi. Chiên đi theo Chúa Giêsu vì chiên biết Người đang dẫn họ đến nguồn nước trong lành, đến đồng cỏ xanh tươi. Và trên hết, Chiên đi theo vì tin rằng mục tử Giêsu mang lại cho họ sự sống đích thực (x. Ga 10,28). Đi theo là bước theo sau lưng, và đồng thời cũng là bắt chước cách sống của người mình đi theo. Đi theo Chúa Giêsu không đơn giản chỉ là bước đi sau Người mà quan trọng hơn là hoạ lại cách sống của Người.

Lạy Chúa Giêsu là mục tử của đời con, xin cho con lắng đọng để có thể nghe được tiếng Chúa, xin cho con mỗi ngày một biết Chúa hơn như Chúa vẫn hằng biết con; và xin cho con biết đi theo Chúa là Đấng ban cho con sự sống đích thật.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thứ Hai – Ngày 13 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Đức Mẹ Fatima (Tr).

Bài đọc : Cv 11,1-18

Tin Mừng : Ga 10,1-10

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều người nói với họ.

Vậy, Chúa Giêsu lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không theo họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

MỤC TỬ CHÂN CHÍNH

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người mục tử và đàn chiên để mặc khải về Người như là mục tử chân chính, tốt lành, là cửa ràn chiên, đem lại cho đoàn chiên sự an toàn, và sự sống.

Trước hết, mục tử chân chính là cửa cho đàn chiên ra vào. Từng con chiên ra vào ràn phải đi qua cửa, đi qua sự giám sát của mục tử để không bị thất lạc, để được chăm sóc khi ốm đau, để được sưởi ấm những khi lạnh giá. Chỉ mục tử chân chính mới quan tâm từng con chiên và giám sát chúng với tất cả tình thương.

Kế đến, mục tử chân chính đem lại cho đàn chiên sự an toàn. Dưới sự giám sát của mục tử, đàn chiên được bảo vệ khỏi những kẻ trộm, kẻ cướp, những kẻ chỉ rình bắt chiên lấy thịt, lấy lông, lấy sữa; đó là những kẻ chỉ đến để “ăn trộm, giết hại, và phá huỷ”. Chỉ có mục tử chân chính mới bảo vệ và cứu đàn chiên khỏi sự đe doạ của sói dữ, đem lại cho đàn chiên sự an toàn.

Sau cùng, mục tử chân chính đem lại cho đàn chiên sự sống. Chỉ có vị mục tử chân chính mới quan tâm tìm cho đàn chiên đồng cỏ màu mỡ, dòng nước trong lành, để không chỉ đàn chiên được nuôi sống mà con được sống cách dồi dào nhất.

Người mục tử chân chính và đàn chiên là hình ảnh biểu tượng cho thấy mối tương quan giữa Đức Giêsu như là Mục Tử Nhân Lành và đàn chiên là dân Chúa. Nhờ đi qua cửa Giêsu, vị Mục Tử chân chính, dân Chúa được bảo vệ khỏi tội lỗi và được sự sống thần linh.

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử, xin chăn dắt cuộc đời con theo đường lối của Ngài.

Phó tế Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD

Thứ Ba – Ngày 14 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Thánh Mátthia Tông Đồ. Lễ kính.

Bài đọc : Cv 1,15-17.20-26

Tin Mừng : Ga 15,9-17

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy, và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết. […] Điều Thầy truyền dạy anh em là: Hãy yêu thương nhau.

SỐNG GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

Trong ngày lễ kính thánh Mátthia, vị tông đồ được chọn để thay thế cho Giuđa Ítcariốt, Giáo Hội mời chúng ta đọc đoạn Tin Mừng về giới răn yêu thương.

Đức Giêsu dạy các môn đệ hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương các ông. Đức Giêsu còn thổ lộ tâm tình với các môn đệ như với một người bạn hữu, vì bạn hữu thì không có gì để che giấu, nên tất cả những gì nghe, biết được nơi Chúa Cha thì Ngài cũng đã mặc khải cho các môn đệ của mình. Đặc biệt, chính Đức Giêsu đã chọn và mời gọi các môn đệ ra đi để sinh nhiều hoa trái bằng đời sống làm chứng tá cho Tin Mừng yêu thương.

Mỗi Kitô hữu, dù sống ơn gọi độc thân thánh hiến hay các hình thức ơn gọi khác, đều được Đức Kitô mời gọi sống trong sự hiệp nhất và yêu thương. “Hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17) là câu khẩu hiệu Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người. Dấu hiệu để người ta nhận ra ai là môn đệ Chúa Giêsu không phải vì màu áo, mà vì đã sống giới răn yêu thương:  “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn khắc ghi giới răn yêu thương vào lòng, để mỗi hơi thở và nhịp sống của chúng con đều toả ra hương thơm của những nghĩa cử yêu thương. Chúng con tin rằng đó là cách làm chứng cho Tin Mừng của Chúa cách sống động và thiết thực hơn cả, nhất là trong thời đại hôm nay.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Tư – Ngày 15 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 12,24-13,5a

Tin Mừng : Ga 12,44-50

Khi ấy, Đức Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”

THỰC THI LỆNH CHÚA

Luật lệ được đặt ra là vì lợi ích của con người. Trong cách thức ấy, Luật của Chúa không chỉ đem lại lợi ích cho con người ở thế gian này, nhưng nó còn có giá trị cứu độ, tức đem con người bước vào đời sống mai sau.

Qua Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: mệnh lệnh của Thiên Chúa là sự sống đời đời (x. Ga 12,50). Điều này có nghĩa là: khi thực thi điều Chúa Giêsu dạy, tức là đang thực thi điều Chúa Cha dạy. Và khi thực thi những mệnh lệnh ấy, con người sẽ có sự sống, bởi Lời của Chúa chính là sự sống. Sự sống mà con người có khi tin và thực thi Lời không chỉ là cuộc sống tạm bợ ở trần gian, nhưng là đang bước vào đời sống mai sau. Bởi lẽ, Lời có sức mạnh đưa con người từ bóng tối bước vào ánh sáng (x. Ga 12,46).

Đây là kim chỉ nam cho đời sống mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta thực thi mệnh lệnh của Chúa không chỉ đơn thuần là thực thi một lệnh truyền, nhưng là đang tiến bước trên con đường ân sủng. Vì lẽ rằng, đó “là đường, là sự thật và là sự sống”, là nấc thang đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, đến gần sự sống đích thực hơn. Trong cái nhìn tích cực ấy, chúng ta sẽ giữ luật trong sự an vui, thay vì gượng ép và xem lề luật như là “sợi xích” bó buộc sự tự do của con người.

Để có thể giữ luật Chúa trong tinh thần ấy, chúng ta cần có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, tức tin rằng Lời Ngài có sức mạnh cứu độ con người. Đức Giêsu trách những người Do Thái vì sự cứng lòng tin của họ. Và vì cứng lòng tin như thế, họ sẽ không thể đón nhận Lời Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã loan truyền. Còn chúng ta, chúng ta đã thực sự tin vào Lời Chúa, chúng ta đã thực sự tin rằng nghe và thực thi Lời Chúa sẽ đem lại hạnh phúc đích thực cho mình?

Lạy Chúa, xin giúp chúng con thực thi Lời Ngài trong sự tin tưởng và an vui, vì chúng con biết rằng, mệnh lệnh của Ngài sẽ đưa chúng con đến sự sống muôn đời.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Năm – Ngày 16 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 13,13-25

Tin Mừng : Ga 13,16-20

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

GIỜ CỦA ĐỨC GIÊSU

Thánh Gioan được mệnh danh là người môn đệ Đức Giêsu yêu mến nhất và chính trong Tin Mừng của Gioan đã làm nổi bật lên “giờ” của Đức Giêsu. Vậy giờ mà tác giả Gioan đã trình bày là gì? Phải chăng đó chính là “giờ” mà Đức Giêsu được tôn vinh?

Trước khi Đức Giêsu được tôn vinh trong giờ của Ngài thì Ngài đã tự nguyện dâng hiến mình cho Thiên Chúa Cha và cho nhân loại. Chính trong cuộc khổ nạn tột cùng này Đức Giêsu đã không bi lụy, không ngã quỵ; Ngài dùng bữa cuối với các môn đệ thân tín của mình và nơi đây, trong nhà tiệc ly, Ngài vẫn tiếp tục trao gửi những lời yêu thương, những lời trăn trối cuối cùng. Đặc biệt hơn Ngài đã nêu gương phục vụ như người nô lệ khi rửa chân cho các môn đệ và Ngài muốn các môn đệ thực hiện việc này cho nhau.

Hơn nữa, dường như trong bữa ăn cuối cùng này Đức Giêsu mang một nét tâm sự buồn. Ngài buồn vì “kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”; Ngài buồn vì bị phản bội. Sự bất trung, bất tín, phản bội nào cũng làm cho người đã hết tình yêu thương một nỗi buồn, một niềm đau khôn tả.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn sống trung tín với Chúa suốt đời. Dù con sống trong môi trường hay hoàn cảnh nào, xin Chúa luôn dạy con biết sống trung tín và thật thà với hết mọi người.

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Thứ Sáu – Ngày 17 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 13,26-33

Tin Mừng : Ga 14,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi. Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.

HÃY TIN VÀO THẦY

Trong bất cứ xã hội nào, niềm tin giữa những con người với nhau luôn là một yếu tố cần thiết để có thể duy trì mối tương quan lâu dài và bền chặt. Chúa Giêsu, trong bài Tin mừng hôm nay, cũng mời gọi các môn đệ thiết lập mối tương quan đức tin với Ngài: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga14,1). Thêm vào đó, Ngài cũng hứa sẽ ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài, bởi chính Ngài “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14,6).

Tin ở đây không chỉ thể hiện trên chót lưỡi đầu môi nhưng cần có sự hành động. Dù có gặp phải hiểm nguy, khó khăn, thử thách, cám dỗ, thất bại hay bị người đời hắt hủi, xa lánh thì phần thưởng sẽ thật lớn lao dành cho những ai vững một lòng trung tín với Ngài đến hơi thở cuối cùng.

Trong đời sống thường nhật, không dễ dàng có thể tin vào Chúa khi chúng ta đứng trước những khó khăn, thách đố. Tuy nhiên, phúc cho những ai vẫn vững lòng thành tín với Ngài. Những lời từ biệt sau cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ cũng chính là lời hứa ban sự sống bất diệt cho tất cả những ai biết bước theo Người trên con đường thập giá.

Chúa Giêsu là con đường, đường dẫn tới chân lý, đường đưa tới sự sống viên mãn. Những ai trung tín với con đường Giêsu sẽ gặp được chân lý và sự sống đích thực. Ước gì lời nhắn nhủ sau cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ xưa sẽ soi lòng mở trí chúng ta biết vững lòng tín thác vào Ngài cách trọn vẹn, trước muôn trùng sóng gió của cuộc đời.

Lạy Chúa, khi phải đối diện với những cám dỗ về danh, lợi, thú, xin cho con biết vững lòng thành tín với Ngài, biết bám vào Ngài, để chỉ có Ngài dẫn dắt con đi trên đường ngay nẻo chính. Vì con luôn tin rằng chỉ có Ngài mới là đường, là sự thật, và là sự sống đích thực của cuộc sống con.

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Thứ Bảy – Ngày 18 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Thánh Gioan I, giáo hoàng, tử đạo (Đ).

Bài đọc : Cv 13,44-52

Tin Mừng : Ga 14,7-14

[…] Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

LỜI BẢO ĐẢM CỦA CHÚA

Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu nói về mối tương quan khăng khít của Người với Chúa Cha. Và từ đó, Người đã đưa một kết luận, cũng là lời giải đáp cho thắc mắc của nhiều người, rằng những ai cầu xin Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu thì được Người nhậm lời.

Thật vậy, chính Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con” (Ga 14,13). Đây là một lời hứa đảm bảo từ Chúa Giêsu rằng lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa là lời cầu xin “nhân danh Thầy”. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, là nhịp cầu trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nên lời cầu xin nhân danh Chúa Giêsu là lời cầu xin mang lại hiệu quả nhất.

Hơn nữa, Chúa Cha đã ban Con của Ngài cho nhân loại để nhân loại nhờ Con của Ngài mà được cứu độ. Vì thế, khi nhậm lời cầu xin “nhân danh Chúa Con”, Chúa Cha được tôn vinh nơi công trình cứu độ của Chúa Con. Thánh Irênê nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống.” Khi trao ban cho con người sự sống qua công trình cứu độ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài cho nhân loại.

Tôi có xác tín vào lời bảo đảm của Chúa Giêsu? Tôi có ý thức khi cầu nguyện “nhân danh Chúa Giêsu”?

Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng lời cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa nhất; và xin cho con biết thực hành với tất cả niềm xác tín.

Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Phục Sinh – Năm C
Bài tiếp theoCuộc trò chuyện của ĐTC với các Bề trên Tổng quyền Dòng nữ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.