Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Truyền Giáo (CN 29 Thường Niên – Năm B)

0
308

Bài Ðọc I: Is 53, 10-11

“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).

Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa. – Ðáp.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Ðáp.

3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16

“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 35-45 (bài dài)

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Mc 10, 42-45

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TRUYỀN GIÁO

Lm. Phêrô Lê Trung Phước, SVD

Hôm nay Giáo Hội dành một ngày để mời gọi mọi người quan tâm đến công việc truyền giáo, nhắc nhở mọi người phải ý thức việc truyền giáo là một trọng trách Chúa trao cho mỗi người, không phân biệt ai.

Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại việc hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến xin Đức Giêsu cho được ngồi bên tả bên hữu của Thầy khi Thầy được vinh quang. Hai môn đệ này muốn được sung sướng, muốn có uy quyền và muốn hơn những người khác. Qua sự việc này, Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ của Ngài và mỗi người chúng ta bí quyết của người muốn làm lớn. Bí quyết này đã xuất phát từ kinh nghiệm sống của chính Đức Giêsu và Ngài đã thực hiện rất thành công. Đó là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ cho anh em” (Mc 10,43-44). Điều Chúa Giêsu dạy có nghĩa là muốn làm lớn thì: phải làm việc, phải có kinh nghiệm làm việc, và phải thực sự đặt tâm trí của mình vào công việc đó. Công việc truyền giáo cũng đòi hỏi như vậy.

Trong thời gian đi phục vụ, tôi đã chứng kiến một bạn trẻ nữ, làm trưởng đoàn dẫn các em mồ côi Vinh Sơn đi chơi, vô tình bị trợt chân, sai khớp. Mặc dù bị đau chân, phải đi bằng cặp nạng, nhưng vẫn theo các em ra bãi biển, vẫn xuống thuyền ra đảo với các em và tôi đã học được bài học phục vụ khi thấy bạn ấy ngồi cuốn từng cuốn nem cho các em ăn. Người làm lớn chính là người dấn thân phục vụ.

Các con ông Dêbêđê đã đến nài nỉ xin Đức Kitô: “Xin Thầy truyền cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy” (Mc 10,37). Lời giải thích của thánh Gioan Kim Khẩu như sau: Đức Giêsu đã trả lời và tỏ cho các ông thấy, là điều các ông xin chẳng có gì do thần khí thúc đẩy, và nếu các ông hiểu được điều mình xin, thì chắc chắn các ông đã không bao giờ xin như vậy. Chính vì vậy nên Ngài đã nói: “Các anh chẳng biết các anh xin gì!” (Mc 10,38), vì điều ấy thật lớn lao, thật lạ lùng, còn trổi vượt mọi quyền thần trên trời biết mấy.

Chúa Giêsu đã hỏi các ông: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, và chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? (Mc 10,38). Người như muốn nói: Các anh nói đến hưởng danh dự, triều thiên với Thầy; còn Thầy, Thầy nói đến chiến đấu, đổ mồ hôi, đổ cả máu nữa. Vì bây giờ chưa phải là thời thưởng công, và bây giờ vinh quang của Thầy cũng chưa được tỏ hiện, nhưng cuộc sống hiện tại là cuộc sống đầy thách đố và khó khăn.

Chúa Giêsu đã dùng cách hỏi để khuyến khích và lôi cuốn các ông. Người không nói: Các anh có thể chịu chết được không? Các anh có dám đổ máu mình ra không? Nhưng Người hỏi: “Các anh cho uống nổi chén Thầy uống không? Các ông trả lời: “Thưa được”. Vì lòng hăng say, các ông hứa tức khắc, mà không biết mình nói gì, nhưng vẫn hy vọng rằng điều mình xin sẽ được nhận. Người nói: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu”. Người đã báo trước cho các ông những hồng ân lớn lao, nghĩa là: Anh em đáng được phúc tử đạo, sẽ chịu những đau khổ mà Thầy chịu, sẽ kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi tráng; và như thế anh em được thông phần đau khổ với Thầy. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy mới được. Sau khi nâng tâm hồn các ông dậy, Người đã làm cho các ông trở nên cao thượng hơn, và cho các ông thắng vượt nỗi buồn phiền. Bấy giờ Người mới hướng lời xin của các ông đến một mẫu mực của quyền bính: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

Chúa Giêsu là một con người làm việc, làm việc liên lỉ. Công việc của Ngài là cầu nguyện, giảng dạy và chữa lành cho các bệnh nhân. Phải chăng đây là cách sống hay nhất cho mọi người Ki-tô hữu, cho những ai muốn đi truyền giáo, hay muốn sống tinh thần truyền giáo? Truyền giáo không chỉ là giảng dạy vì thiếu cầu nguyện lời giảng dạy sẽ vang lên như những tiếng vô hồn, rồi biến vào không gian và chẳng thấm vào lòng người được. Nếu truyền giáo chỉ là những bải giảng thuyết hùng hồn thôi, thì sẽ thu hút những người nghe chú ý đến người giảng; Nhưng thực tế, người nghe chỉ thực sự khâm phục khi thấy đời sống của vị giảng thuyết đi đôi với lời giảng. Mọi người đều có thể truyền giáo, vì mọi người đều có thể bắt chước Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, bắt chước Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng, bắt chước Chúa Giêsu giúp đỡ người khác.

Công việc truyền giáo không chỉ dành cho các giám mục, linh mục, tu sĩ, mà là lời mời gọi dành cho tất các các Kitô hữu. Mỗi người trong môi trường riêng biệt của mình có thể sống tinh thần phục vụ theo gương Đức Kitô, để làm chứng cho người khác về một Thiên Chúa Nhập Thể, yêu thương và phục vụ cho đến nỗi hiến dâng mạng sống vì người mình yêu.

Hai anh em nhà Dêbêđê đã tìm cách vượt lên trên mười môn đệ kia, trong khi mười môn đệ kia lại ganh tị với hai anh em này. Như vậy, cuộc đời các môn đệ, cuộc đời các thánh cũng có những bất toàn, ganh đua, hẹp hòi. Đây là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cầu xin Chúa biến đổi mỗi người chúng ta, từ những con người thường để ý quan tâm đến những lợi lộc, chức tước trần thế, trở thành những người biết sẵn sàng chọn lấy cái khó, cái khổ để chu toàn trọng trách Chúa trao cho mỗi người, và được thông phần với Đức Kitô và được phúc hưởng vinh quang với Người.

 

Bài trướcSứ điệp ĐTC nhân ngày Lương Thực thế giới
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXIX – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây