Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm B

0
512

BÀI ĐỌC I: Xh 20, 1-17

“Luật do Môsê đã ban ra”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Đừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.

Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.

Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.

Đó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Xh 20, 1-3. 7-8. 12-17

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Đáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).

Xướng:

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. – Đáp.

2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. – Đáp.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. – Đáp.

4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong. – Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 22-25

“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Ga 2,13-25

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.

15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.

16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”

20 Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.

22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. 24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, 25 và không cần ai làm chứng về con người.

Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.


Chia sẻ chủ đề

ĐỨC GIÊSU – ĐỀN THỜ ĐÍCH THẬT (Lm. Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD)

Tin Mừng theo thánh Gioan tường thuật cho chúng ta một trong những lần hiếm hoi Đức Giêsu tỏ ra giận dữ. Sau khi dự tiệc cưới tại Cana miền Galilê, Đức Giêsu đã lên Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua. Khi lên đến Đền thờ, trước khung cảnh nhiều người buôn bán và trao đổi đổi tiền, Đức Giêsu đã vô cùng giận dữ mà xua đuổi tất cả ra khỏi Đền Thờ. Trước thái độ không hài lòng của người Do Thái, Đức Giêsu đã mặc khải cho mọi người biết về thiên tính và sứ vụ của Người qua hình ảnh Đền Thờ mới.

Dấu lạ ở tiệc cưới Cana là dấu chỉ đầu tiên Đức Giêsu thực hiện trong sứ vụ công khai của Người, để mạc khải chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã bắt đầu. Thì tại Giêrusalêm lần này, Đức Giêsu một lần nữa mạc khải rõ hơn sứ vụ và bản tính của Người. Đức Giêsu cho thấy Người chính là Đền Thờ mới, Đền thờ thật sự mà qua đó con người có thể đến với Thiên Chúa và được ơn cứu độ. Đồng thời, Đức Giêsu cũng mời gọi tất cả Kitô hữu hãy gìn giữ tâm hồn của mình, vì đây cũng chính là đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị.

1.     Đức Giêsu Kitô – Đền Thờ Đích Thật

Việc dâng lễ vật lên Đền Thờ là một truyền thống tốt đẹp của người Do Thái trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế, việc mua bán và trao đổi đồ vật dùng để dâng lễ là nhu cầu bình thường và cần thiết. Thế nhưng, Đức Giêsu nổi giận vì giới lãnh đạo Do Thái đã lợi dụng việc thờ phượng để tìm kiếm lợi ích cho mình. Qua việc cho phép và kiếm nguồn lợi từ việc buôn bán đổi chác tại nơi thánh thiêng, các nhà lãnh đạo đã để Đền Thờ thành một nơi đầy rẫy những sự lừa lọc và bất chính.

Hành động buôn bán trao đổi nhộn nhịp đã làm mất đi sự thánh thiêng của Đền Thờ, mất đi ý nghĩa phụng tự dành cho Thiên Chúa. Trong bài đọc một trích sách Xuất Hành, Thiên Chúa qua Môsê đã ban cho dân Mười Điều Răn để làm giao ước với dân của Người. Để tiến đến đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và được hạnh phúc, Thập Giới mời gọi dân Israel phải trung thành sống theo Lời Chúa dạy. Trong đó, quan trọng nhất chính là không được chạy theo ngẫu tượng mà chỉ được thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự. Người lãnh đạo Do thái tuy không thờ ngẫu tượng, nhưng trong tâm hồn họ đầy rẫy những đam mê tiền bạc và quyền lực. Đây chính là những ngẫu tượng trong tâm hồn của họ. Chính vì vậy, việc làm của giới lãnh đạo Do Thái dành cho Đền Thờ là điều không thể chấp nhận. Hành động “lật đổ” của Đức Giêsu là để thay đổi lối sống đó của họ.

Qua sự kiện thanh tẩy Đền Thờ, Đức Giêsu không chỉ lật đổ bàn ghế nhưng còn lật đổ cả một nếp sống thờ phượng bất xứng, và thay vào đó một nếp sống xứng hơp hơn. Đức Giêsu đã giúp cho mọi người thấy phụng tự như thế nào là xứng đáng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện (x. Lc 19,46). Đặc biệt, Đức Giêsu còn tỏ lộ một điều quan trọng rằng chính Người là Đền Thờ, là nơi mà con người cần tìm đến để được ơn cứu độ.

Qua lời tuyên bố hãy phá hủy Đền Thờ và sẽ xây dựng lại trong ba ngày, Đức Giêsu đã mạc khải trước cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người, và Đền thờ mới chính là thân thể của Người. Chính Đức Kitô Phục Sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cho nhân loại. Người sẽ là Đền Thờ mới, nơi thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật. Đây chính là Đền Thờ đích thật và trường cửu không bởi người phàm dựng nên. Đền Thờ ấy nói lên sự hiện diện thiết thực của Thiên Chúa ở giữa nhân loại qua Đức Giêsu Kitô.

Xưa kia, dù yêu thương con người, Thiên Chúa vẫn là một Đấng ở trên cao mà con người khó lòng vươn đến. Nhưng khi đến thời đến buổi, vì tình yêu thương, Thiên Chúa qua Đức Giêsu đã đến và ở giữa chúng ta, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Chưa bao giờ Thiên Chúa lại ở gần con người, cũng như chưa bao giờ con người lại có thể gặp Thiên Chúa một cách dễ dàng và trực diện đến như vậy. Vì thế, việc phụng thờ Thiên Chúa đích thật đó là qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa mời gọi chúng ta không còn thờ phượng Người bằng những hình thức bên ngoài, nhưng là đến gặp gỡ thân tình với Người qua Đức Kitô. Ngày nay, Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể vẫn luôn hiện diện và chờ đợi chúng ta đến với Người. Chính nhờ Đức Giêsu, chỉ trong Người và với Người, chúng ta có thể đến với Thiên Chúa Cha là sự sống đời đời. Và đồng thời, chúng ta được mời gọi gìn giữ sự thánh thiêng nơi nhà thờ và nguyện đường, vì đó là nơi Thiên Chúa ngự trị, là chính thân mình Đức Giêsu Kitô.

2.     Tâm Hồn Mỗi Người Là Đền thờ Của Thiên Chúa

Qua hình ảnh thanh tẩy Đền Thờ, Đức Giêsu không chỉ mời gọi chúng ta thay đổi đời sống thờ phượng bên ngoài cho xứng hợp, mà còn hãy chăm sóc tâm hồn của mỗi người, vì đây cũng chính là Đền Thờ của Thiên Chúa.

Sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta chính là Đền Thờ nơi Thiên Chúa ngự trị, “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16). Qua việc được thanh tẩy, chúng ta có một tên gọi mới đó là Kitô hữu, nghĩa là những người đang sống trong Đức Kitô (x. 1 Pr 5,14) hay là người có Đức Kitô trong mình. Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi đừng để tâm hồn của chúng ta thành nơi buôn bán (x. Ga 2,16) hay biến thành hang trộm cướp (x. Lc 19,46). Qua hành động thanh tẩy của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi gìn giữ và thanh tẩy tâm hồn của mình để xứng đáng là Đền Thờ nơi Thiên Chúa ngự, “ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3,17).

Tâm hồn mỗi người là Đền Thờ nơi Thiên Chúa ngự. Chúng ta được mời gọi hãy nhìn xem lại trong đó thực sự đã có Chúa hay chưa? Làm sao để nhận ra một người có Chúa ở nơi họ? Thưa, qua đời sống của một người sẽ cho chúng ta biết điều đó. Quả thật, làm sao một người có Thiên Chúa trong mình lại là một người sống bê tha, vô trách nhiệm, không biết yêu thương cha mẹ, vợ chồng, con cái và người thân cận? Làm sao một người sống trong Thiên Chúa mà còn mãi đắm chìm trong những lạc thú của xác thịt hay những đam mê bất chính? Làm sao một người có Chúa trong mình mà không bao giờ biết tha thứ, không có lòng thương xót, không muốn chia sẻ với những người xung quanh mình? Người có Chúa trong mình sẽ là người luôn sống hiền lành và khiêm nhường giống Đức Giêsu, tức là không nóng nảy, kiêu ngạo hay vô cảm trước những khó khăn và nỗi khổ của người anh chị em. Qua đời sống của một người, chúng ta sẽ thấy có Thiên Chúa ở trong họ hay không.

Nếu như chúng ta nhận ra tâm hồn của mình còn nhiều điều bất xứng, thì chúng ta được Thiên Chúa mời gọi đừng trốn tránh nhưng hãy thay đổi từ bây giờ. Trong cuộc sống, không ai có thể tránh những sai lỗi và lầm lạc. Thiên Chúa là tình yêu vẫn luôn chờ đợi sự hoán cải và thay đổi nơi con cái của Người. Cách riêng trong Mùa Chay, đây là thời gian thuận lợi để chúng ta thay đổi, thống hối, ăn năn và giao hoà với Thiên Chúa và tha nhân. Sự đổi mới thật sự thì không được hời hợt hay chỉ là hình thức bên ngoài. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi toàn diện, từ nếp sống cũ tội lỗi mà trở nên tốt lành thánh thiện hơn, “Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xa xưa, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Hãy mặc lấy người mới trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật” (x. Ep 4,22).

Ước chi qua Lời Chúa ngày hôm nay, trong Mùa Chay Thánh này, ý thức được bản thân là Đền thờ của Thiên Chúa, chúng ta hãy làm một cuộc biến đổi thật sự, một cuộc “lật đổ” những gì là bất xứng trong tâm hồn của mình. Hãy biến đổi cuộc đời mình theo khuôn mẫu của Đức Giêsu để chúng ta xứng đáng là Kitô hữu, là con cái của Người; để tâm hồn chúng ta xứng đáng là Đền Thờ của Thiên Chúa ngự. Amen.

 


 

ĐỀN THỜ ĐỂ THỜ PHƯỢNG (Lm. Antôn Chu Văn Nhật, SVD)

Đề tài nổi bật trong cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay nói về việc thờ phượng Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất, trích từ sách Xuất Hành trình bày về Thập Giới, trong đó việc thờ phượng Thiên Chúa và kính mến Người là điều cốt lõi, phải được ưu tiên hàng đầu. Lời Chúa nhắc nhở dân Ítraen khi đang định cư giữa dân ngoại không được tạc các tượng thần và thờ lạy chúng, nhưng chỉ được thờ lạy một mình Thiên Chúa độc nhất. Bài đọc hai, trích thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô, thánh nhân nhắc nhở các tín hữu hãy chiêm ngưỡng thập giá Đức Kitô, qua đó nhận ra giá trị đích thật về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Đấng Kitô chịu đóng đinh là một điều ô nhục với người Do Thái và là sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đó lại là sức mạnh và sự khôn ngoan khôn dò của Thiên Chúa. Nhờ thập giá Đức Kitô, chúng ta được thông phần vinh quang phục sinh của Người, vinh quang mà loài người đã đánh mất vì phạm tội. Như thế, vinh quang của chúng ta chính là thập giá Đức Kitô, Đấng đã chịu chết và đã sống lại trong vinh quang.

Đoạn trích Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái. Lễ Vượt Qua là đại lễ, là lễ trọng nhất trong năm của Ítraen. Trong ngày lễ ấy, toàn dân khắp tứ xứ quy tụ tại Giêrusalem để tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi Ai Cập và tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã làm cho họ trở thành một dân tộc độc lập và là dân riêng của Chúa. Tuy nhiên, hôm nay Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người thực hiện một việc “kinh thiên động địa” trước mắt hệ thống phượng tự Do Thái là các Tư Tế, Lêvi và vệ binh đền thờ: Đức Giêsu xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; Người lật tung bàn đổi tiền, lật nhào bàn ghế của họ… Qua việc làm đó, Người muốn đưa Đền Thờ về sự thanh sạch vốn có ban đầu, trả lại mục đích chính yếu của Đền Thờ. Như thế, chúng ta tìm hiểu xem “Đền Thờ” ở đây mang những ý nghĩa nào và đâu là mục đích chính yếu của Đền Thờ?

Đền thờ Giêrusalem

Đền thờ Giêrusalem được xây dựng trên một tiền sảnh rộng lớn, có những hàng hiên bao quanh. Khi băng qua hàng hiên là “Tiền Đình dân ngoại”. Nơi này được dành cho tất cả mỗi người, kể cả lương dân nếu họ muốn cầu nguyện với Thiên Chúa của người Do Thái. Tiếp đến là nơi thánh, chỉ dành riêng cho người Do Thái, được phân chia thành nhiều khu vực khác nhau: khu vực nữ giới, khu vực nam giới, và sau cùng là sân của các tư tế. Chính ở nơi Tiền Đình dân ngoại này, cảnh buôn bán súc vật và đổi tiền làm hy lễ diễn ra.

Truyền thống vẫn yêu cầu người ta phải trang nghiêm, kính cẩn tại vùng tiền đình dân ngoại. Tuy nhiên vào dịp Lễ Vượt Qua thì quy định này xem ra bị nới lỏng, bởi vì khách hành hương quá đông, hơn nữa họ phải chuẩn bị các của lễ đúng quy định (một con bò hoặc một con chiên cho trường hợp những người giàu, một cặp bồ câu cho trường hợp những người nghèo), và nửa đồng bạc Do Thái (tương đương 4 ngày công). Chính điều này đã gây nên cảnh mua bán đổi chác huyên náo, ồn ào. Họ đã biến tiền sảnh Đền Thờ trở nên vô kỷ luật, mất trật tự, hay “sào huyệt của bọn cướp” như lời nhận định của Đức Giêsu. Tuy Nhiên, đối với những người Do Thái, họ đã quá quen thuộc với cảnh buôn bán, đổi chác trong đền thờ Giêrusalem, và xem là chính đáng. Do đó, họ không thấy có gì chướng tai, gai mắt; không có gì cần phải thay đổi. Nhưng với Đức Giêsu, Người đã nhận ra trong cái vỏ bọc của sự tấp nập, nhộn nhịp của cảnh mua bán đổi chác ấy là cả một hệ thống chức sắc đền thờ đang trục lợi bất chính, “cắt cổ” với khách hành hương. Như thế, Đền Thờ là nơi dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa lại bị chuyển đổi mục đích sử dụng, thành nơi buôn gian bán lận. Đức Giêsu thấy rằng, Thiên Chúa chính là Cha của Người đã bị xúc phạm nặng nề.

Đền thờ chính là Thân Thể Đức Giêsu

Đức Giêsu hôm nay không vào đền thờ như một lữ khách hành hương, nhưng với tư cách là Đấng Mêsia, trong tư cách Người Con đi vào nhà Cha của mình. Do đó, Người đã làm những hành vi chứng tỏ uy quyền: “Người lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này đi khỏi đây, đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,15-16). Tuy nhiên, hành động tẩy uế đền thờ còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn, Đức Giêsu sẽ truất phế các tư tế mất quyền điều hành Đền Thờ Thiên Chúa. Người loại bỏ tất cả các hy lễ thú vật chiên, bò để thay thế bằng lễ hy tế tinh tuyền là chính Thân Mình Người. Người tẩy uế đền thờ của Chúa Cha và khẳng định rằng: Từ nay việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa, sẽ phải được cử hành trong Đền Thờ mới, là thân xác Phục Sinh của Người, và tồn tại mãi mãi, thay cho sự thờ phượng tại đền thờ Giêrusalem bằng gỗ đá, chỉ có tính tạm thời và sẽ bị phá hủy sau này.

Thật vậy, tại Giêrusalem Đức Giêsu loan báo “Đền Thờ mới” là Người đang ám chỉ đến cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của mình: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Tuy nhiên, những người Do Thái đã quy lời Đức Giêsu nói vào ngôi đền thờ được xây bằng gạch đá, nên đã hiểu sai ý của Người. Đây cũng chính là một trong những lý do mà người Do Thái đã xuyên tạc để tố cáo và buộc tội Đức Giêsu. Chính vì sự hiểu lầm mà họ đã đẩy Đức Giêsu đến một cái chết thảm khốc, nhưng sự phục sinh của Người đã minh chứng rằng “Đền Thờ Mới” được xây lên. Đền Thờ mới là nơi vĩnh viễn có Thiên Chúa hiện diện với dân của Người và có Dân Người thờ phượng Thiên Chúa. Đây chính là “Ngôi Nhà Cha” hoàn hảo mà Đức Giêsu đã đề cập khi tranh luận với những người Do Thái. Như thế, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta rằng, chỉ ở nơi Người, Chúa Cha mới cư ngụ một cách viên mãn, và cũng chỉ nơi Người mà chúng ta mới có thể gặp gỡ được Chúa Cha vô hình.

Xây dựng đền thờ tâm hồn chúng ta

Hành động tẩy uế đền thờ của Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta ý thức về việc sử dụng ngôi đền thờ vật chất được xây dựng bằng gạch đá sao cho xứng hợp. Nhưng quan trọng hơn, Người muốn nhắc nhở chúng ta hãy lo xây dựng đền thờ tâm hồn riêng của mỗi người để xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự vào.

Thánh Phêrô Tông Đồ nói rằng: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng” (1Pr 2,4-5). Đức Kitô chính là viên đá góc tường, là đá tảng vững chắc để các Kitô hữu nương tựa và xây dựng đền thờ tâm hồn của mình. Chắc hẳn ai cũng thích được tham dự thánh lễ, tham dự phụng vụ trong một ngôi thánh đường thật nguy nga, tráng lệ. Chính vì thế mà nhiều nơi, nhiều giáo xứ thi đua nhau để xây dựng nên những ngôi thánh đường rất giá trị về cả kiến trúc, mỹ thuật và tiền bạc. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại không ý thức nhìn lại xem đền thờ tâm hồn mình có thật sự cân xứng, hay đâu đó vẫn có những sự ngổn ngang, lộn xộn và mất trật tự. Những thứ ngổn ngang đó chính là lúc chúng ta đang sống trong tội trọng, hay những hận thù, ghen ghét, giận hờn, chia rẽ, bất hòa và ích kỷ đang chiếm hết chỗ trống trong tâm hồn ta. Hay chúng ta đang cố gắng xây dựng một đời sống hào nhoáng, giả tạo bên ngoài, nhưng bên trong thì sáo rỗng. Nếu như thế, tâm hồn chúng ta đã đầy tràn những thứ tội lỗi, những thứ phàm tục, tham lam, mưu tính và trục lợi, thì đâu còn chỗ trống nào cho Thiên Chúa ngự trị.

Ước gì trong thời gian còn lại của Mùa Chay thánh này, mỗi người chúng ta hãy ý thức để xây dựng, đổi mới ngôi đền thờ tâm hồn của mình bằng cách năng tham dự các Bí Tích, thực hành các nhân đức, thực hành các việc lành, sự hy sinh và lòng yêu mến Thiên Chúa tha thiết. Ngõ hầu mai ngày chúng ta được chiêm ngưỡng Thiên Chúa cách trực tiếp mặt giáp mặt trên Thiên Đàng. Amen.


 

ĐỀN THỜ ĐÍCH THẬT (Lm Phêrô Phùng Ngọc Vĩnh, SVD)

Quan niệm về sự trong trắng, sự tinh tuyền và trong sạch luôn được đề cao trong văn hóa và con người Việt Nam. Cụ thể nét đẹp nơi hình ảnh hoa sen luôn được ca ngợi với nhiều cung bậc khác nhau. Ai cũng hiểu giá trị của nó, nhưng mấy ai dám sống để đạt được nét đẹp ấy. Và rồi còn có một nét đẹp cao thượng hơn cần được tôn vinh và giữ gìn, đó là đền thờ nơi tâm hồn mỗi người. Có thể nói, xã hội, gia đình và con người ngày nay đầy rẫy những bất toàn, giống như một bãi rác rộng mênh mông không biết bắt đầu dọn từ đâu, rất nhiều điều phải được thanh tẩy và lành mạnh hóa. Vì vậy, làm cách nào để giữ được tâm hồn trong sạch quả là một thách thức lớn cho mỗi người.

Ánh sáng Lời Chúa hôm nay, phần nào giúp ta tìm được câu trả lời qua hành động thanh tẩy Đền Thờ của Chúa Giêsu, khi các môn đệ nhớ lại “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17). Tác giả Gioan đã khéo léo khi nối kết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu trên cuộc hành trình lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, xét cho cùng, cái chết đang chờ đợi Chúa Giêsu. Vì vậy, đi lên Giêrusalem có nghĩa là giáp mặt với cái chết, là đi đến tận cùng của thân phận làm người để cứu lấy nhân loại.

Tin Mừng hôm nay nói rõ, Người đi từ Caphacnaum lên Giêrusalem, sau khi dự tiệc cưới tại Cana và “Người thấy trong đền thờ có những kẻ bán bò, chiên, bồ câu và những người đang đổi tiền” (Ga 2,14). Chúng ta có thể tưởng tượng những cuộc mặc cả cùng với việc bán buôn và sự bát nháo khắp nơi trong Đền Thờ. Trước khung cảnh như thế, Đức Giêsu vô cùng giận dữ, Người lấy dây thừng nhỏ làm roi mà đuổi tất cả. Người xử lý với mỗi hạng người bất kính theo tính cách của họ. Người đuổi bò, chiên bằng roi. Người đổ tung tiền để chỉ cho họ biết rằng đầu cơ tiền bạc là sai phạm trong nhà Thiên Chúa. Vì họ cho rằng: Người tín hữu không được phép dùng đồng tiền Rô-ma dâng cúng đền thờ, vì đồng tiền như thế được xem là không thanh sạch. Họ phải đổi tiền nước ngoài sang tiền được thánh hóa. Đức Giêsu biết rõ hình thức đổi tiền này biến thành một kiểu lừa gạt nên Người phản ứng và lật nhào bàn của họ và nói “Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán”(Ga 2,16).

Rõ ràng hành động này có thể để lại những phản ứng trái chiều nhưng chắc chắn có một điều rằng hành động ấy đã tác động rất lớn đến những người hành hương ngày hôm đó. Ở đây chúng ta thấy có một chi tiết khá thú vị. Khi thực hiện hành động đó, Đức Giêsu không nói “Cha chúng ta” nhưng Người nói “Cha ta”, bởi Người biết tương quan đặc biệt của chính Người với Thiên Chúa. Đức Giêsu không khoan dung với những gì liên quan đến tội lỗi. Thái độ của Người luôn đồng nhất với quan điểm của lề luật vì Lề luật bày tỏ thái độ của chính Thiên Chúa, được mặc khải trên núi Sinai như trong bài đọc I hôm nay rằng chỉ thờ một mình Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ ra khỏi Ai Cập và chỉ có Ngài là Đấng Thánh.

Tuy nhiên, chúng ta thấy, không ai trong số họ phản đối Người hành động. Lý do này có thể được cho là do uy quyền được thể hiện qua lời nói và việc làm đầy thuyết phục của Người. Chắc chắn một số tư tế có thể đã muốn làm điều Người làm và số đông dân chúng đạo đức đến đền thờ đã phẫn nộ khi đi ngang qua một nơi giống như một cái chuồng bò để đến với Thiên Chúa chân thật. Có thể, nhà cầm quyền sợ cuộc nổi loạn xảy ra nếu họ can thiệp.

Và trọng tâm của Tin Mừng hôm nay nằm ở câu trả lời của Chúa Giêsu trước sự thắc mắc của những người Do Thái “ông lấy dấu lạ nào để chúng tôi thấy tại sao ông làm điều ấy?” (Ga 2,18) Đức Giêsu trả lời “ các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Họ đã hiểu nhầm hay nói đúng hơn là họ không hiểu gì về điều Chúa Giêsu muốn nói. Người ngầm cho biết Đền thờ mới chính là thân thể Người, là  Thân Thể phục sinh, là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cho loài người, là đền thờ thực thụ, là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật. Như vậy, qua hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu còn cho biết thêm: sự thờ phượng đích thực của thời Tân Ước là thờ phượng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu. Giờ đây, nền phụng tự cũ đã thay thế bằng nền phụng tự mới trong Thần Khí và Sự Thật, trong tình yêu và hi vọng.

Nhìn vào thế giới đầy ngổn ngang, xáo trộn và bát nháo như hôm nay, điều này cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ vì có thể nói:

 Thế giới này cũng là một đền thờ cần được thanh tẩy.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất ổn và sống gió, vàng thau lẫn lộn. Sự thật và công lý đã bị méo mó, không còn hình dạng. Con người đối xử với nhau không có tình thương. Thế giới vốn nó đã bị vẩn đục, cần được đổi mới. Vì vậy, mỗi người chúng ta góp phần công sức của mình để thay đổi thế giới hầu mang lại công bình và sự thật trong thế giới này, một thế giới còn đầy mâu thuẫn giữa lời nói với việc làm. Chính Đức Giêsu khi xưa đã khiển trách thái độ giả hình của các nhà lãnh đạo Do thái, không phải vì Người muốn hủy bỏ luật Môsê để xúi dục dân chúng nổi loạn, nhưng Người chỉ đưa ra công bình của sự thật, và những giá trị đạo đức mà giới lãnh đạo tôn giáo dùng những tấm màn che đậy lối sống dối trá của họ. Họ lớn tiếng nói về sự công bình bác ái, nhưng lại sống bất công và gian ác. Họ tự cho mình là người yêu chuộng và bảo vệ tự do, nhưng lại đưa ra hàng trăm thứ luật lệ tỉ mỉ để gây khiếp sợ, ngăn chặn không cho con người phát triển trong tương quan con người yêu thương nhau và với Thiên Chúa chân thật.

Gia đình cũng là đền thờ cần Thiên Chúa ngự trị.

Chính nơi gia đình cũng đánh mất dần đi tình thương giữa những người thân thuộc, thiếu đi sự tin tưởng lẫn nhau, vẫn còn đó những cảnh bạo hành trong gia đình, nhiều vợ chồng không còn sự nhường nhịn trong tranh luận. Vì theo suy nghĩ của loài người, nhường là thiệt thòi, nhịn là nhục. Nhưng theo cách nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân cách rất vững vàng và thể hiện một tấm lòng rất khoan dung.

Trở về với Đền thờ nơi tâm hồn, chúng ta cũng rất cần Chúa hiện diện và biến đổi. Sự thật là tâm hồn chúng ta đầy xáo trộn, bất an, ngổn ngang với biết bao tội lỗi và sự bất trung với Thiên Chúa. Có thể đã nhiều lần chúng ta tự đóng kín cánh cửa tâm hồn của mình, không cho Chúa có cơ hội viếng thăm và an ủi; Ngài chỉ có thể đứng ngoài cửa nhìn vào cuộc sống của chúng ta. Nhìn chúng ta chơi, thấy chúng ta ngủ, bị té và đau khổ. Ngài muốn giúp nhưng vì sự tự do, lòng kiêu ngạo của chúng ta đã cản bước Ngài. Một ngày, hai tuần, ba tháng, một năm… nếu chúng ta không bước ra khỏi không gian chật hẹp và ngột ngạt đó, chúng ta sẽ làm cho ổ khóa bị rỉ sét để rồi không cách nào ra ngoài được. Mùa Chay này cũng là cơ hội tốt để chúng ta mở lòng ra với Chúa, khi đó chúng ta mới thật sự dễ dàng trãi lòng mình và nghĩ tới anh em, tha nhân, tới những ai đang cần nơi mình sự giúp đỡ.

Trong một căn phòng, không gian tĩnh lặng tới mức người ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của những ngọn nến. Cây nến thứ nhất than vãn: Ta là biểu tượng của thái bình, hòa thuận. Thế nhưng, đời này những cái đó thật chông chênh. Thế chiến hiếm khi im tiếng súng. Người với người, thậm chí vợ chồng, anh em trong một nhà cũng chẳng mấy khi không cãi cọ. Thế rồi ngọn nến leo lét, ngọn lửa mờ dần cho tới khi ánh sáng lụi tắt hoàn toàn.

Ngọn nến thứ hai vừa lắc vừa kể lể: Ta là niềm tin. Thế nhưng trong thế giới này hình như ta trở nên thừa thãi, một món xa xỉ. Biết bao kẻ sống theo thời gian không cần niềm tin. Nói rồi ngọn nến từ từ tắt, tỏa ra một làn khói trắng luyến tiếc.

Ta là tình yêu, ngọn nến thứ ba nói. Nhưng ta không còn đủ sức để tỏa sáng nữa. Người ta gạt ta ra một bên và không thèm hiểu giá trị của ta. Cứ nhìn thế giới mà xem, không thiếu kẻ quên luôn cả tình yêu đối với những người ruột thịt của mình. Dứt lời phẫn nộ, ngọn nến vụt tắt

Căn phòng trở nên tối tăm. Chỉ còn một ngọn nến nằm ở góc xa vẫn tiếp tục phát ra ánh sáng, như ngôi sao đơn độc giữa bầu trời đêm. Bất chợt một cô bé bước vào phòng. Thấy ba ngọn nến bị tắt, cô bé thốt lên: Tại sao các bạn không cháy nữa? Cuộc sống này luôn cần các bạn: Hòa bình, niềm tin, tình yêu phải luôn tỏa sáng chứ. Cây nến thứ tư nãy giờ vẫn  lặng lẽ cháy trong góc phòng  đáp lời cô gái: Đừng lo. Tôi là hi vọng. Nếu tôi còn cháy, dù ngọn lửa rất mong manh, chúng ta vẫn có thể thắp sáng lại hòa bình, niềm tin và tình yêu.

Mắt cô bé sáng lên. Cô bé dùng cây nến thứ tư, cây nến hi vọng để thắp sáng trở lại các cây nến khác.

Đức Kitô chính là niềm hi vọng và mong đợi đích thực cho thế giới này. Qua Lời Chúa hôm nay, xin Thiên Chúa thanh tẩy tâm hồn và lòng trí chúng ta để mỗi người chúng ta xứng đáng mặc lấy con người mới là chính Chúa, nhờ đó chúng ta được trở nên như Đền Thờ, trở nên như dấu chỉ hiện diện của Chúa Cha giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.

Bài trướcCHÚ GIẢI TIN MỪNG CHÚA NHẬT III Mùa Chay, Năm B (Ga 2,13-25)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 MC – B)