Vì mười người đó …

0
383
Abraham prayed on the plains of Mamre. Grant Romney Clawson, © Intellectual Reserve, Inc.

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Muốn nói mà ngại ngùng …

Cư dân của Sô-đôm và Gô-mô-ra đã tự hủy hoại mình, theo ngôn sứ Ê-dê-ki-en, bằng sự “kiêu căng, phè phỡn, nhởn nhơ, vô tư lự, không ra tay giúp đỡ người nghèo khổ bần cùng”. Họ có tất cả mọi thứ, chỉ không có sự sẵn sàng chia sẻ với những người túng thiếu. Dù vậy, Thiên Chúa không ngần ngại tìm đến vùng đất của những con người “tự cao tự đại và làm điều ghê tởm trước mắt Người” (Ed 16, 49.50).

Ngài muốn biết chính xác những gì mà ai cũng có thể biết, nếu người đó muốn biết những gì nó có thể biết. Sự phân chia rõ ràng, ở đây tốt ở kia xấu, không nên là cách suy hành của cộng đoàn người tin Chúa. Con người phải chịu trách nhiệm cho việc mình làm, nhưng họ cũng cần có cơ hội bắt đầu lại với một lối sống xứng hợp hơn. Bởi thế, Giáo hội của Chúa cần kiên trì dấn thân vì  những người không lành thánh và không gương mẫu.

Trong khi hai vị khách khác lên đường đi Sô-đôm và Gô-mô-ra, thì Đức Chúa nán lại nơi lều của Abraham – nơi họ được ông đón tiếp chu đáo theo truyền thống người du cư -, để chia sẻ với ông dự định của họ (St 18, 1-33). Các Ngài đã nghe những phàn nàn về các cư dân và các việc làm trái với đạo lý luân thường của họ. Bởi chính Thiên Chúa đã chọn Abraham và sẽ giúp ông “trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc” nhờ ông, nên Người tự hỏi mình “có nên giấu Abraham điều Người sắp làm chăng?”

Một sự đắn đo cân nhắc cơ bản khác được tỏ bày rõ trong lời: “Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không.” Nghe như Thiên Chúa còn chần chừ lưỡng lự trước phán quyết cuối cùng trên hai thành phố. Nhà chú giải người Do-thái Benno Jacob nhận xét một cách khéo léo như sau: “Cây bút đã được đặt xuống để ký vào bản án tử hình, mà còn có một sự do dự thêm một lần, là liệu án phạt có thể thu hồi lại được không, nếu một tình tiết giảm án được khẳng định. Chính Đức Chúa muốn có lời cầu bầu, và người phát ngôn cho các tội nhân chính là Abraham. Trong hội đồng và tòa phán xét của Đức Chúa tiếng nói của nhân tính của con người nên hướng dẫn quyết định. Việc Đức Chúa muốn lắng nghe lời bào chữa, thậm chí thách thức nó, cho thấy rằng đó thực chất là tiếng nói khác của chính Ngài.”[1]

Tìm cách để cứu thoát, chứ không để trừng phạt là hướng đi của Thiên Chúa. Chính vì vậy Sách Khôn ngoan về sau dám quả quyết rằng: “Chúa xót thương hết mọi người, [nên] Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.” (Kn 11, 23t). Và như thế Thiên Chúa đã kéo Abraham, một con người, tham gia vào các quyết định của Người trên Sô-đôm và Gô-mô-ra. Đây là một điều “kỳ diệu” (St 18,14) mà chúng ta không dám nghĩ đến. Quả thật, người ta khó có thể nói về Thiên Chúa một cách “rất người” rõ hơn thế được. Đồng thời, điều đó chỉ cho thấy một hình ảnh của Thiên Chúa, mà người ta chỉ có thể gọi là cách mạng.

Sau đó, cuộc trả giá nổi tiếng của một con người, của Abraham, với Thiên Chúa bắt đầu. Các nhà chú giải nhận ra rằng đây là lần đầu tiên con người không đáp lời trong cuộc nói chuyện với Thiên Chúa, mà tự mình bắt đầu cuộc đàm phán.  

Photo: Catholic Courier

Giả như tìm được mười người thì sao?

Abraham không bênh vực đời sống tệ hại của các cư dân của Sô-đôm và Gô-mô-ra. Ông chỉ hỏi, và theo đúng nghĩa đen là phải bắt đầu hỏi lại mỗi lần. Tổng cộng sáu lần, càng lúc càng khiêm tốn hơn. Từ 50 dần xuống 10. Và điểm quy chiếu luôn là khả năng “xét xử công minh” của Thiên Chúa. Abraham xác tín rằng Thiên Chúa không thể “giết chết người lành một trật với kẻ dữ” được! Và sự hiện diện của số ít người lành trong một cộng đồng sẽ cứu tất cả khỏi sự phán xét tàn khốc.

Đức Chúa đáp lại lời thương lượng của Abraham năm lần. “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Sô-đôm.” – là câu trả lời cuối cùng. Mười là con số tối thiểu để người Do-thái thành lập một cộng đoàn phụng vụ và nếu cần, đại diện cho toàn thể dân Chúa.

Ápraham không muốn cứu một số ít người vô tội khỏi Sô-đôm. Ông quan tâm đến sự tồn vong của cả toàn thành phố, gồm những người công chính và những người bất lương. Ông táo bạo đưa ra một thiểu số càng lúc càng nhỏ vào trong cuộc đàm phán với Thiên Chúa, vì sự sống của đa số dân trong các thành: 50, 45, 40, 20, 10. Tin rằng một thiểu số sống khác người có thể cứu sống một đa số sống theo lối tự hủy hoại. Đây là kinh nghiệm của Thiên Chúa cũng như con người – và điều này mang lại hi vọng cho chúng ta đây hôm nay.

Thiên Chúa để cho mình đánh động trước sự khốn cùng của con người – nhờ một người. Người không tỏ mình ra như một Đấng đầy phẫn nộ, hay chỉ như là một khán giả đứng bên ngoài. Chúa  muốn các thành phố được đặt tên không tiếp tục sống như vậy, mà từ bỏ bạo lực, áp bức và lạm dụng. Công lý nên cai trị cuộc sống trong thành phố, thay cho những bất công to lớn. Về phía mình, Abraham không nói nhẹ các tội ác của họ[2], nhưng ông hi vọng vào sự giải cứu của họ.

Ai tự cho mình là công chính thì ưa nổi nóng và lên án người khác, còn người công chính đứng ở tư thế chuẩn bị để can thiệp và cứu giúp. Thiên Chúa và Abraham không chấp nhận thích nghi với những bất công. Kinh Thánh nói rõ rằng: Nếu một xã hội chỉ biết chọn cách chấp nhận bất công và bạo lực giữa họ, thì sớm muộn nó sẽ tự hủy diệt. Phụng thờ Thiên Chúa, cộng đoàn tín hữu được khuyến khích trở thành những người phục vụ con người-của-Thiên Chúa” trong một thế giới vô nhân đạo. Một người hay một thiểu số có thể là khởi đầu tạo ra sự khác biệt lớn. Cho rằng một cây làm chẳng nên non chỉ phản ảnh cách nhìn cá nhân tiêu cực của văn hóa tập thể. Dù chỉ một mình, Abraham đã không bỏ cuộc vì tin rằng mình được Thiên Chúa chúc phúc – ông “là một mối phúc lành” của Thiên Chúa cho muôn dân (St 12,1tt).

Hi vọng đã vươn lên …

Vào đầu cuộc thế chiến thứ hai (1939-1945), một bài thơ của Reinhold Schneider[3] đã được lưu hành bất hợp pháp trong các nhóm đối lập chống Đức quốc xã:

Chỉ những ai cầu nguyện mới có thể
Cản ngăn chiếc gươm trên đầu chúng ta
Và thế giới này với quyền lực phán xét 
được giành lại bởi một đời được thánh hóa.

Những câu thơ được bí mật phát tán vào thời điểm đó không để người nghe ngồi yên. Họ không để cho số phận đi theo hướng của nó, mà đích là sự tự hủy diệt của đất nước họ và của cả châu lục. Trái lại, họ đã được động viên sống “một đời được thánh hóa” để chống lại “gươm giáo” và “bạo lực” – vì sự sống và các quyền lợi của con người, cũng như vì công lý và hòa bình.

Thiên Chúa đã thánh hóa Abraham: Người đã “chọn ông, để ông truyền cho con cái ông và gia tộc ông sau này phải giữ đường lối của Chúa mà thực hiện điều công minh chính trực” (St 18,19). Chúa đứng ở giữa đời và xác định mục đích sống của Abraham, là trở thành một lời chúc phúc cho các dân tộc. Người Kitô hữu được nhắc nhở “thánh hóa bản thân” mỗi ngày, nghĩa là ý thức thực tế “được chọn” của mình và sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình, rồi để cho mỗi suy nghĩ và hành động được định hướng từ đó. Con người với “một đời được thánh hóa” như Abraham say sưa dõi theo dấu vết nhân bản thiên thánh và đầy tính người. Cuộc mặc cả dài của ông với Thiên Chúa phản ảnh lối suy lối sống đó.

Trong lịch sử luôn có những người bước vào thực tế khắc nghiệt, nơi người nghèo đe dọa bị diệt vong. Họ tự tìm hiểu và dấn thân cho các nạn nhân của bạo lực và bất công. Câu chuyện của Abraham khuyến khích các cá nhân và cộng đồng nhỏ “được thánh hóa” lên tiếng cho đa số (phải) câm lặng. Hành động của Abraham cho thấy rằng: Chúng ta luôn có cơ hội. Ông trở thành người đại diện của Thiên Chúa, và Người thừa nhận ông như là luật sư bênh vực con người. Sự bất công kêu thấu trời không phải do Thiên Chúa mà là do con người gây ra. Và Chúa cần sự cộng tác của những tạo vật được tạo dựng theo hình ảnh Người để thay đổi.

Có khi các cố gắng của một người chỉ như một giọt nước trên tảng đá nóng, xem như công dã tràng xe cát Biển Đông. Lúc đó, câu chuyện về thành Sô-đôm của một người được cứu sống từ trại tập trung của Đức quốc xã lúc 15 tuổi và đoạt giải Nobel Hòa bình, ông Elie Wiesel,[4] là một lời động viên:

“Một trong những người công chính đi đến Sô-đôm. Anh ta quyết tâm cứu mọi người khỏi sự diệt vong sắp xảy đến với họ. Anh làm việc ngày đêm để chỉ cho người trong thành thấy các hậu quả tai hại của lòng tham và sự bất công, sự giả dối và thờ ơ của họ. Lúc đầu người ta chăm chú lắng nghe anh ta nói, về sau họ cười nhạo anh ta, chẳng mấy chốc thiên hạ thậm chí không còn quan tâm đến người kêu gọi sám hối đơn độc này nữa. Làm thế nào một cá nhân có thể đúng/có lý so với một đa số chỉ biết mình mà thôi?

Một ngày nọ, một đứa trẻ thấy anh tội nghiệp quá. Nó bèn cất tiếng nói với anh ta với một giọng điệu đầy thông cảm. Nó nói: Này anh ơi, anh đang hét đến khản cả cổ. Anh không thấy điều đó là vô vọng sao? Tất nhiên tôi thấy điều đó, anh ta đáp lại. Đứa trẻ hỏi ngược lại: Như vậy tại sao anh vẫn tiếp tục làm? Này em, tôi muốn nói với em rằng: Ban đầu, tôi nghĩ mình có thể thay đổi mọi người. Bây giờ tôi biết tôi không thể. Nhưng nếu tôi tiếp tục kêu gào chống lại sự bất công, đó là vì tôi muốn cản ngăn nó thay đổi tôi!”

Con người được cứu giúp, khi một cá nhân hoặc một thiểu số dũng cảm từ chối thích nghi với sự ngạo mạn, sự no ngấy, với bạo lực và bất công – bằng một sự đồng ý bắt buộc hay bằng sự thờ ơ yên ắng bất động của cả thành. Được vậy, một khởi đầu được thực hiện. Thêm một lần nữa có ai đó đi tìm con người với Thiên Chúa – lần này có lẽ được 10 người. Được vậy, hi vọng có thể đâm chồi vươn lên. ●

Chú thích:

[1] Jacob, Benno: Das Buch Genesis. Hg. in Zusammenarbeit mit dem Leo Baeck Institut. Stuttgart 2000. 448-449.

[2] Có những truyền thống kitô giáo cổ đại xem tội lỗi của Sô-đôm chủ yếu trong lĩnh vực sinh dục. Từ đó, các hình thức kê dâm (giao hợp đồng tính) hoặc thú dâm (giao hợp với thú vật) được gọi là sodomy.

[3] Reinhold K. W. Schneider (1903-1958) là một nhà văn Đức. Các tác phẩm của ông góp phần vào cuộc kháng chiến của những người Kitô hữu bảo thủ chống lại Chủ nghĩa xã hội quốc gia (Đức quốc xã).

[4] Là một nhà văn người Mỹ gốc Rumani (1928-2016), giáo sư, nhà hoạt động chính trị, người đoạt giải Nobel, và là người sống sót sau thảm họa Holocaust. Ông là tác giả của 57 cuốn sách, đạt giải Giải Nobel Hòa bình năm 1986 về vai trò gương mẫu trong việc chống lại bạo động, trù dập và kỳ thị chủng tộc.

Bài trướcGx. Mỹ Sơn : Hồng Ân Thánh Linh
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm Tuần 18 TN)