Vái tứ phương 

0
346
Photo: seedsoffaith.cph.org

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Bệnh nhân: một vị tướng có thần thế và uy tín 

Phải tìm sự cứu giúp ở nơi kẻ thù mà họ vừa chiến thắng, Naaman, tướng chỉ huy quân đội của vua Aram/Xiri, đã chứng tỏ sự bất lực của mình. Các thầy thuốc trong nước đã chịu bó tay. Con người “có thần thế và uy tín” này buộc phải thừa nhận mình thua cuộc, và chịu đầu hàng trước cơn bệnh đang cầm tù ông (2 Vua 5,1-19). Một thực tế cay đắng phũ phàng, nhưng người ta không thể là kẻ chiến thắng trên mọi mặt trận trong đời. Và ai bị bệnh nặng thì bám vào bất cứ điều gì có thể cứu giúp mình, dù là một cọng cỏ. Bất cứ điều gì có thể giúp được là tốt với người cần đến. Bởi vì ai cũng lo cho sức khỏe, nghĩa là lo cho mạng sống của mình. Xưa nay giờ vẫn vậy.

Con đường đi tìm thầy tìm thuốc cũng đòi cái giá của nó. Trước hết, giữa thời chiến tranh với nhau mà lại cần đến sự giúp đỡ của kẻ thù. Một việc không dễ thực hiện. Thêm vào đó, xin thần ngoại chữa bệnh là một việc nghe như phản bội chính mình, vua mình và đất nước mình. Rõ là một câu chuyện gay cấn. Nhưng chúng ta biết: bệnh tật vượt qua mọi biên giới. Bất cứ ai bị bệnh đều phải vái tứ phương, có khi bằng bất cứ giá nào. Ngay cả khi tôi phải hạ mình trước kẻ thù. Vị tướng có nhiều thành tích và có tầm ảnh hưởng lớn từ Aram cũng không là ngoại lệ.

Tướng Naaman lên đường và mang theo cả một gia tài. Cho sức khỏe thì tốn bao nhiêu của cũng đáng cả. Ông biết được người ông cần phải tìm ở đâu nhờ một cô bé người Israel, bị bắt trong một cuộc càn quét của quân đội ông và đang được vợ ông thuê làm việc nhà.

Tìm “người nhà” giúp

Tướng Naaman đã hành động như chúng ta trong trường hợp tương tự: ông tìm sự giúp đỡ nằm trong khả năng của mình, tìm “người nhà”. Ở đây, kênh ngoại giao cao cấp nhất được tận dụng: ông nhờ chính vua của mình kết nối. Theo thư giới thiệu, ông ra đi như người được sai, và vua Israel có nhiệm vụ “chữa người này khỏi bệnh phong hủi.” Yêu cầu của vua Aram/Xiri gây lo ngại và bực bội, vì vua Israel nhìn trong yêu cầu đó một ý đồ không ngay lành của kẻ tìm cớ để sinh sự. Làm thế nào ông có thể giúp đỡ? Rốt cuộc thì ông, dù là vua, cũng không phải là một thầy thuốc biết chữa bệnh bằng phép lạ. Vua cũng không phải là bề trên của các ngôn sứ trong nước. Nhà vua nhìn nhận rằng mình không phải “là vị thần cầm quyền sinh tử.”

Đây là một nhận thức quan trọng đối với Israel. Ở đó không có vương quyền thần thánh như ở Ai-cập. Vua là vua bởi ân sủng của Thiên Chúa, chứ không là gì hơn. Đó cũng là một sứ điệp của câu chuyện chữa lành này. Không có con người nào là Thượng đế. Không có chính trị gia nào, đại gia nào hay đảng phái nào là toàn năng và đời đời, cho dù họ có phô trương sức mạnh của mình đến đâu đi nữa. Vua của Israel thừa nhận sự bất lực của mình. Tuy nhiên, ông cảm thấy bị khiêu khích bởi yêu cầu của vị tướng của Xiri, vốn là thù địch của họ. Cơn tức giận đến từ cảm giác bất lực được ông bộc lộ nơi việc xé áo của mình.

Ta cứ nghĩ bụng là …

Và Êlisa, một ngôn sứ lớn có ảnh hưởng ở Israel, xuất hiện. Một loạt phép lạ mà ông đã thực hiện, được hiểu như là sứ vụ Thiên Chúa trao, chứng nhận khả năng và uy tín của ông. Qua đó, vị ngôn sứ chứng tỏ rằng Thiên Chúa đầy quyền năng và người ta có thể tin cậy Ngài. Êlisa đã chữa lành một nguồn nước và khiến gấu ăn thịt những đứa trẻ chế giễu ông, đã làm tăng dầu trong bình cho một góa phụ, hứa hẹn một đứa con cho một phụ nữ không con đã giúp đỡ ông và làm cho nó sống lại khi nó chết. Ông đã giải độc nồi cháo dưa đắng bằng cách cho bột vào, và đã cho một trăm người ăn no nê chỉ với hai mươi cái bánh.

Êlisa gửi người đến với nhà vua đang bối rối và đề nghị sự giúp đỡ của ông. Êlisa biết mình cũng không phải là Chúa, nhưng ông tin tưởng vào Người. Bởi biết đâu ông có thể cho thấy rằng Thiên Chúa của Israel là một Chúa vĩ đại, quyền năng hơn các vị thần do tay con người làm ra trong vùng lân cận, hay hơn cả các vị thần ở Aram.

Ông tướng Naaman đến trước cửa nhà Elisa với ngựa xe và tùy tùng. Áo mũ chỉnh tề, long trọng và ồn ào. Vị ngôn sứ không để mình bị gây ấn tượng vì thế. Ông không đi ra ngoài, mà sai môn đồ chuyển tin cho vị tướng bị phong hủi việc cần làm, là: “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Giođan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch.” Nếu trước đó nhà vua của Israel bị choáng váng vì được yêu cầu chữa lành vị tướng, thì lần này chính vị tướng thất vọng và nổi nóng vì cách đối xử của vị ngôn sứ. Êlisa rõ là đã không kiêng nể vị tướng được tôn trọng ở quê hương mình. Là người đúng ra được chính ngôn sứ đón tiếp nồng hậu, và được chính tay ngài chữa theo một nghi thức trọng thể. Nhưng không có chút gì như vậy đã xảy ra. Để cho một môn đồ đưa tin thì đúng là không coi trọng nguyên tắc “môn đăng hộ đối”.

Tướng Naaman chỉ cần đi tắm sông. Bảy lần trong một dòng sông không có chi hơn các dòng sông to lớn hơn, chất lượng hơn ở quê ông! Thêm một điều khó chấp nhận cho vị tướng tài danh. Nghe như một sự giễu cợt! Naaman không thể tin rằng vị ngôn sứ lớn của Israel lại có thể đối xử với ông như thế. Với ai khác thì ngài có thể làm như vậy được, nhưng với một vị tướng có danh tiếng như ông thì không! Nhưng thực tế phũ phàng không thể chối là: Đã không có việc tiếp đón xứng tầm một ví tướng của một cường quốc, và chẳng có việc ngôn sứ ra tay chữa lành bệnh nhân có uy thế. Chẳng có chút chi mang tính chuyên nghiệp: thiếu nghi thức cầu khấn Thần Thánh của Israel, thiếu lời cầu xin ơn chữa lành, và chẳng có một sự chuẩn bị nào cho một nghi lễ đón tiếp.

Vị tướng từ đất Aram/Xiri “quay lưng lại và tức tối ra đi” – như các ông bà lớn vẫn quen làm, khi họ cảm thấy không được đối xử tương xứng. Những “người lớn” tự cho phép mình được tỏ thái độ kiêu căng: nhìn đi chỗ khác, bỏ đi, không trao đổi một lời, không đến gần ai. Cũng có khi họ to tiếng vì người đối diện không nhận biết họ là ai. Và khi đã bị chạm tự ái rồi thì mọi sự thây kệ, bệnh hay không bệnh cũng chẳng còn được quan tâm. Tốt hơn là đứng thẳng mà chết, còn hơn là nhảy qua cái bóng của mình – họ nghĩ vậy.

Rồi chính những người hầu đã cố gắng thay đổi ý kiến ​​của chủ nhân của mình. Đôi khi đó là cách tốt nhất, khi ai đó bị chạm tự ái và đóng kín lòng. Các người hầu phục vụ sự sống và giúp chữa lành trong câu chuyện này. Họ khuyên chủ gạt bỏ mọi thứ và chịu nhượng bộ một chút – vì chính sự sống của mình! Nhưng để làm được vậy con người ta cần đến một sự trưởng thành nhất định. Hoặc như trong trường hợp này: cần có các cố vấn tốt. Và đó là những tôi tớ. Con người thì như trời sinh họ ra. Nhưng đôi khi cũng vì khác biệt văn hóa mà không hiểu hay hiểu lầm nhau. Dù vậy, người ta không buộc phải dứt cầu rút ván liền cho mãi mãi. Giữ được chút tự do nội tâm để còn có thể đón nhận những lời khuyên hữu lý là điều cần tập tành. Cuối cùng, vì sự chữa lành của chính mình mà học chịu đựng điều được giải thích là một sự thiếu tôn trọng, và không cần nuôi hận thù muôn kiếp. Nghe lời các tôi tớ, tướng Naaman thực hiện lời ngôn sứ bảo ban. Ông đến tắm trong sông Giođan và được tẩy rửa, được chữa lành. Dìm mình xuống nước là hình ảnh của bí tích rửa tội. Rửa sạch cái cũ để trở thành mới. Điều này hợp với lời tuyên xưng mà Naaman đưa ra: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel.”

Tướng Naaman có một định hướng mới cho đời. Ông đã tìm thấy Thiên Chúa của mình – là Thiên Chúa của Israel, Đấng tạo dựng trời đất và hoàn thiện chúng. Ông đã được cứu giúp, và vì thế ông chắc chắn về điều đó. Chắc như niềm tin của ông vào Thiên Chúa. Có khi trong đời chúng ta cũng làm một kinh nghiệm “được cứu giúp” như vị tướng này, là được cảm nghiệm hồng ân Chúa và qua đó niềm tin được củng cố và trở nên mạnh mẽ. Rồi dù phải trải qua nhiều bất hạnh, thất bại và gian khổ, bệnh tật và đe dọa, thất vọng và tổn thương, người tin Chúa vẫn giữ được hy vọng, niềm vui và sự lạc quan tin tưởng. Họ có sức chịu đựng các nghịch cảnh một cách phi thường. Nơi thế hệ của ông bà cha mẹ chúng ta có thể nhận ra điều này.

Việc ngôn sứ Êlisa không nhận quà cảm ơn của tướng Naaman cho thấy: Thiên Chúa không để mình bị mua chuộc bằng những của lễ. Thiên Chúa ban cho một cách nhưng không và tự nguyện, và Ngài không cần của lễ đáp trả, không cần những giá trị vật chất. Chúa chỉ muốn mọi người đi theo Ngài, trung thành với Ngài, tin tưởng vào Ngài, sống với Ngài, sống theo ý hướng và trong tinh thần của Chúa. Và nếu Thiên Chúa không nhận hối lộ, thì các tôi tớ Ngài cũng nên làm vậy. Một thái độ đáng trân trọng mọi thời.

Xin Đức Chúa tha thứ điều ấy cho tôi tớ ngài

Cho rằng Thiên Chúa gắn bó với dân tộc của Ngài và vùng đất mà những người đó sinh sống, tướng Naaman xin một chút “đất thánh” mang về quê. Nắm đất cho ông thông phần vào dân Israel và vào Thiên Chúa của họ. Đưa chút đất về, ông cũng muốn Thiên Chúa của Israel, Chúa của thế giới, cùng đi với ông đến Aram, để nơi đó cũng trở thành nhà Ngài. Với nắm đất được thánh hiến, ông muốn thờ phượng Thiên Chúa mà ông mang ơn, Đấng mà ông đã công nhận là Chúa của mình.

Sau khi tướng Naaman trở về thế giới của mình, ông nhìn thấy các xung đột chờ đợi mình. Nhà vua sẽ kéo ông đi dự các nghi lễ ở đền thờ của họ. Hỏi ông còn có thể tham gia không, sau khi đã được chữa lành bởi Thiên Chúa của Israel và ông muốn sống kết nối với Người? Naaman nhìn thấy sự cần thiết của những thỏa hiệp. Cũng vì bây giờ ông là người duy nhất “có đạo” giữa những người đồng hương ngoại giáo. Khi “chủ” của ông là nhà vua đến điện của thần Rimmôn, vị thần thời tiết và bão tố của người Aram, ông sẽ phải đi cùng và phải cùng sụp lạy với vua.

Những thỏa hiệp trong cuộc sống là không thể chối tránh. Là điều không ngừng thách đố chúng ta, những kẻ “có đạo”, mỗi ngày. Đời không chỉ có trắng có đen. Có những lúc chúng ta buộc phải làm thỏa hiệp để có thể tồn tại. Thực tế cũng là: khi buộc sống ba phải lâu năm vì các cơ chế độc tài, và lối sống không rõ trở thành bình thường, con người có thể đánh mất sự nhạy cảm cho điều tốt điều xấu, ranh giới giữa chân thiện và gian ác bị xóa nhòa. Những điều bất thường được coi như những gì thật bình thường và là những “chuyện nhỏ”.

Như tướng Naaman, chúng ta hy vọng rằng Thiên Chúa hiểu “điều ấy” và biết chúng ta muốn nói gì, ngay cả khi chúng ta không dám nói thẳng nói thật. Rõ ràng cuộc sống của chúng ta là như vậy. Học tự suy nghĩ và tự phân định để tìm ra con đường của mình là những bài tập cần làm – để được chữa lành. Thật tuyệt, nếu cuối cùng chúng ta có thể nghe: “Ông đi bình an!”, khi chúng ta như tướng Naaman cầu “xin Đức Chúa tha thứ điều ấy cho tôi tớ ngài!” ●

Bài trướcArnoldus Nota 10/2022: Chung tay chữa lành thế giới bị tổn thương*
Bài tiếp theoNăm Mầu Nhiệm Sứ Vụ [Kinh Mân Côi truyền giáo]