TÌNH YÊU – PHAOLÔ – TÔI (Cú Ngã Trong Đời)

0
562
Phaolô ngã (x. Cv 9)

Tác giả: Trạm Xe Buýt

Tình Yêu…

“Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14)

Mọi sự khởi đi từ tình yêu. Chúa Giêsu vì yêu Chúa Cha và yêu loài người, Ngài đã xuống thế làm người, hiến mạng vì yêu. Cũng vì yêu, mà Chúa chịu mọi đau khổ: đau khổ khi sống kiếp con người, khi không được làm theo ý riêng, đau khổ khi chịu oan ức, chịu cám dỗ, chịu cô đơn, chịu phản bội, chịu đánh đòn và chịu chết. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16) quả thật đúng như vậy. Khi yêu, người ta không còn quan trọng bản thân, thay vào đó, họ sẽ chết trong lòng một ít[1] để chỉ nghĩ cho người mình yêu. Khi yêu mọi khó khăn, đau khổ, tủi nhục sẽ tô điểm thêm tình yêu, chứ không cản trở tình yêu. Khi yêu, vật chất, hưởng thụ, tiền bạc không sánh được với “một túp lều tranh hai quả tim vàng”. Khi yêu, lồng ngực sẽ căng phồng những hương thơm dịu ngọt, dù đối phương có bốc mùi hôi của sự phản bội. Khi yêu, người ta không còn so đo tính toán, mọi phép tính đều vô nghĩa trước tình yêu. Khi yêu, mọi nết xấu nơi người khác đều trở nên dễ thương đối với người đang yêu… Đó là tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại. Ngài yêu không tính toán. Ngài yêu vì yêu. Mọi tội lỗi nơi loài người không làm giảm bớt tình yêu của Ngài dành cho họ. Hay mọi công đức cũng không làm tăng thêm tình yêu nơi Ngài. Ngài yêu, một tình yêu tròn đầy, không thể thêm cũng chẳng thể bớt.

Phaolô…

Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi lại bắt bớ ta?

Thưa Ngài, Ngài là ai?

Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ (x.Cv 9,1-9)

          Sa-un, một con người đầy tình yêu, đầy nhiệt huyết, đầy lý tưởng khi theo con đường ông cho là đúng. Ông nhiệt huyết đến độ săn lùng những Kitô hữu, ném đá Stêphanô, cả gan đi Đa-mát tìm bắt các Kitô hữu. Tại sao ông làm vậy? Phải chăng chính ông bị hun đúc bởi tình yêu mù quáng, và không biết đâu là chân lý của tình yêu? Hay ông cho rằng con đường ông đang đi là đúng, còn của Đức Kitô là sai. Tuy vậy, nhiệt huyết của Sa-un vô cùng tuyệt vời cho dù là khi bách đạo hoặc khi trở lại mà theo Chúa. Ông vẫn giữ sự nhiệt thành đó khi làm chứng cho Đức Giêsu.

Trong quá khứ, tôi thấy ông khá ngông cuồng trong hành động. Nhưng trong cái ngông đó, ông vẫn biết ông đang làm gì, ông đang theo điều gì. Ông theo lý tưởng và tình yêu lạc hướng của ông, và ông cắm đầu đi giết những người khác với ông về lý tưởng. Thế rồi, cú ngã ngựa.[2]

Một người thiện chiến, giỏi binh đao, thế mà ngã ngựa. Lạ nhỉ! Ừ! Lạ lắm. Cái lạ này xuất phát từ Đấng đã bị ông bách hại mà lại tha thứ, lại yêu thương, lại trọng dụng ông trong việc làm tông đồ. Rồi đến cái lạ từ ông. Lạ khi mới đây còn bách hại, mà nay lại làm chứng; mới đây đã tìm giết các Kitô hữu, mà nay lại hy sinh mạng sống mình để truyền giáo. Nhưng thưa ông, xin cho phép tôi được hỏi về cú ngã của đời ông.

Ông nghĩ sao về cú ngã đó? Nó là thất bại hay thành công? Nó là chấm dứt hay khởi đầu? Nó là tội lỗi hay tình yêu? Nó là thù hận hay tha thứ? Ông ơi! Kinh Thánh không nói gì cả, không trả lời một cách rõ ràng và đơn giản cho tôi hiểu. Nhưng qua mọi hành động, đức tin và tình yêu của ông, tôi thấy: cú ngã đó mang lại cho ông thành công hơn là thất bại, là khởi đầu hơn là chấm dứt, là tình yêu hơn là tội lỗi, là tha thứ hơn là hận thù.

Ông ơi! Ông cũng có tình yêu tuyệt vời. Bởi khi ngã ông không than trách nhưng lại lắng nghe được tiếng Chúa, ông còn tìm kiếm “Ngài là ai?” Ôi, sao lúc này ông có thể nghe được, sao lúc khó khăn vậy ông vẫn tin vào Tình Yêu?

Tôi…

          Tôi cũng có tình yêu, nhưng tình yêu trong tôi không trọn hảo. Tôi có tình yêu nhưng thiếu nhiệt huyết. Tôi có tình yêu, nhưng cũng có sự tính toán. Tôi có tình yêu, nhưng là tình yêu còn ích kỷ, tình yêu chiếm đoạt, tình yêu sở hữu. Bởi thế, tôi không đủ can đảm như ông, Sa-un à!

          Thử một lần tôi đặt vào cú ngã của ông, tôi thấy sự oán trách nơi mình. Từ đó, tôi chửi. Tôi chửi trời. Tôi chửi đất. Tôi chửi cú ngã đó đã mang đến cho tôi sự tổn thương, mà thiếu đi sự lắng nghe, không cố tìm bí mật sau cú ngã. Hay cú ngã đó cũng là dịp tôi ăn vạ, tôi nằm luôn, không đứng dậy? Thật tình mà nói, ngã ngựa làm tôi mất mặt, làm tôi thù ghét bản thân. Cho nên, tôi nằm liệt như người sắp chết, nằm lì. Ừ! Ngã, cho ngã luôn, cùi rồi không sợ lở… Thế là xong đời tôi.

          Cú ngã cũng mang đến cho tôi sự nhu nhược, tìm kiếm sự thương hại từ người khác, đổ lỗi cho họ về cú ngã của tôi. Thật vô lý phải không, khi tôi ngã mà người khác lại đau. Tôi là vậy, tôi có nhiều cú ngã, nhưng mong rằng trong cú ngã đó tôi biết bình tâm để gặp Chúa, tôi biết bình tĩnh để nhận mình sai, tôi biết can đảm đứng lên để sửa lỗi và bước đi theo Chúa cách kiên cường như ông. Cám ơn ông, Sa-un! Một con người tội lỗi, một đại thánh và một người tôi nên học đòi khi còn theo Chúa.

(Ngày 19/09/2021)

CHÚ THÍCH:

[1] XUÂN DIỆU, Yêu, trong http://vanhoc.xitrum.net/thoca/hiendai/5970.html

[2] Việc dùng từ “ngã ngựa” là theo cách liên tưởng của truyền thống, nhưng Kinh Thánh chỉ nói Phaolô bị ngã mà thôi (x. Cv 9).

Bài trướcGx. Mỹ Sơn: TRUNG THU YÊU THƯƠNG TRONG CƠN ĐẠI DỊCH
Bài tiếp theoThơ: SÀI GÒN – ĐÃ YÊU TỰ BAO GIỜ?