Làm như Chúa: trở thành người!

0
373

Bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

… có gì mà Ngài không làm được!

„Cánh tay uy quyền“ là hình ảnh cho sức mạnh sáng tạo và giải thoát của Thiên Chúa, được nhắc đến nhiều lần trong Cựu Ước. Thiên Chúa „đã tạo thành trời đất bằng sức mạnh vĩ đại và cánh tay uy quyền của Ngài.“ Là Chúa các đạo binh Ngài đã dùng nhiều „thử thách, dấu lạ điềm thiêng, đã giương bàn tay mạnh mẽ và cánh tay uy quyền, gây kinh hồn táng đởm“ mà đưa dân Israel ra khỏi đất nô lệ Ai-cập[1]. Thiên Chúa dùng cánh tay uy quyền ngăn chặn địch thù đang hằm hằm giận dữ, để bảo toàn mạng sống và giải thoát người kêu cầu Chúa (Tv 138,7). Hơi thở Đấng Quyền Năng như cơn cuồng phong nổi dậy, đánh tan tành bọn gian ác; Người kéo cả vũ hoàn chiến phạt quân xuẩn động, phường mê muội ngu si (Kn 5,20.23). Israel xác tín với lời ngôn sứ Giêrêmia rằng:

„Không có gì mà Ngài không làm được!“ (Gr 32,17).

Vào thời buổi nhiễu nhương, trước cảm giác bất lực của mình vì phải chịu bó tay và câm nín, con người ta ước mong và chờ đợi một Thiên Chúa hùng mạnh đầy uy quyền, Đấng lật „lũ quyền uy“ (Kn 5,23) đồi bại ác đức khỏi ngai báu. Và „quyền uy danh giá“ vẫn luôn là thứ trang phục làm cho chúng ta dễ „mỉm cười khi nghĩ đến tương lai“ hơn (Cn 31,25). Trong quá trình mạc khải rõ ràng là có những giai đoạn, trong đó uy quyền của Thiên Chúa là phương tiện phân biệt thần linh với con người phàm trần yếu đuối.

Mừng lễ Sinh Nhật Đức Giêsu chúng ta phải đối diện với một cách tỏ mình khác đầy ngạc nhiên của Thiên Chúa. Và đây hẳn không là một điều dễ hiểu dễ chịu nơi sự thật về Đấng Toàn Năng. Chúng ta cần thật nhiều thời gian để đón nhận và nhập tâm điều mới mẻ này. Bởi khác với sự chờ đợi và mong ước của mọi người: Quyền năng và sự cao cả của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi sự yếu đuối, bất lực và lệ thuộc. Vinh quang Chúa không tỏa rạng nơi lễ hội đông đúc rộn ràng tiếng nhạc tiếng chuông, nơi ngập sáng trong ánh đèn muôn kiểu muôn màu.

Thiên Chúa chọn cho Đấng Cứu Thế một chỗ xuất hiện không người nào tính đến, ở một nơi không ai chờ đợi. Hay phải nói thẳng ra rằng: nơi không có ai muốn cho con mình sinh ra – trong máng cỏ giữa đám cừu bò nơi đồng vắng. Việc nhập thể của Thiên Chúa trong hình hài một đứa bé trong hoàn cảnh lạ kỳ đúng là một sự ngạc nhiên lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi biến cố này làm thất vọng, gây ngờ vực cũng như gây sợ hãi (Hêrôđê). Có những người đơn giản khước từ, vì không thể chấp nhận một Thiên Chúa như vậy!

Nói thế, nếu muốn đến gần hơn với mầu nhiệm Thiên Chúa, tôi phải tập thay đổi lối suy lối sống – không chỉ một chút mà toàn cả cách nhìn. Và đây không là công việc của dăm ba ngày, mà đúng là nhiệm vụ cho cả đời. Bởi vì sinh nhật Giêsu là một sự đảo nghịch những khuôn thước được cho là hiển nhiên hay được coi là truyền thống lâu năm. Thiên Chúa đảo lộn mọi trật tự mà chúng ta quen và coi trọng, những gì đã được truyền chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đức Maria đã nhận ra được sự thay đổi hoàn toàn đó khi cất lời kinh Magnificat, trong đó sau lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là lời: „Chúa hạ bệ những ai quyền thế; Người nâng cao những kẻ khiêm nhường.“

nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận

Người nhà mà từ chối nhau như vậy có nghĩa là đã cạn tình cạn nghĩa. Họ không còn muốn nhìn mặt nhau. Hay đơn giản là vì họ đã không nhận ra Người. Cha mẹ Người cũng đã phải chia chung số phận đó của con mình tại Bethlehem, nguyên quán của Giuse. Mức hiểu biết và kinh nghiệm sống cũng như các chuẩn mực phổ biến để đánh giá người đối diện, thường dựa nhiều vào bề ngoài, không giúp người nhà nhìn thấy sự gì to lớn khác thường nơi những người đến từ phương xa. Một cặp vợ chồng trẻ mệt mỏi và đầy bụi bặm vì đã đi nhiều ngày đường, mà bà vợ bụng bầu vượt mặt vì sắp sinh tới nơi, không hứa hẹn mang điều may mắn cho chủ nhà. Họ bị từ chối khi gõ cửa tìm chỗ trọ cũng vì một lí do quan trọng khác cần được nhắc đến: Vì họ nghèo! Với một túi tiền đầy họ đã có thể mở toang hết mọi cửa nhà trọ.

Thánh sử Gioan trình bày sự khước từ đó bằng ngôn ngữ riêng của ngài và đặt tên cho mọi yếu tố cần thiết của một tấn bi kịch: Ngôi Lời là ánh sáng và sự sống của muôn loài, và mọi sự „đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận“ (Ga 1,4.10-11). Thiên Chúa bị con người từ chối ngay trong nhà của Ngài. Chúa rõ ràng đã không thành công với dự định thiên thánh của Người. Lối nhập thể vào đời của Thiên Chúa đi ngược lại những gì con người mơ ước và chờ đợi. Không phải ai cũng hiểu được liền, cho dù người người đều sẵn sàng mừng Lễ Giáng Sinh. Vậy, đâu là lối cho tôi để bước vào mầu nhiệm nhập thể và „làm như Thiên Chúa: Trở nên con người!“ (Franz Kamphaus[2]).

Trước hết là nhìn nhận trọn cuộc đời mình với hai mặt của nó: thành công và thất bại. Điều nghe đơn giản này thật khó làm trong thực tế. Vì sĩ diện chúng ta chỉ quen khoe khoang mặt sáng đời mình và chối giấu kỹ „cái bóng“ đàng sau. Nhưng không nhìn nhận sự thất bại như một phần thực tế của đời người vì nó làm mất mặt và xấu hổ, tôi phải tìm cách che đậy nó bằng mọi giá, với cả những thành tích không thật hay với những kỷ lục vô nghĩa vô bổ, không cần thiết cho cuộc sống. Phổ biến là sự gian dối vì sợ phải nhìn nhận trọn sự thật. Thêm vào đó, văn hóa tập thể ưa công nhận thành tích nổi bật của một người như của muôn người. Trái lại, thất bại hay sai trái thì luôn được nhìn như chỉ là của „một bộ phận“ hay của „một người“, hay „chỉ là trường hợp cá biệt“. Hệ quả là việc đỗ lỗi quanh ở mọi tầng, do không ai muốn chịu trách nhiệm đổ vỏ khi cả đám đều ăn ốc.  

Chối từ việc thừa nhận thất bại, được trải nghiệm như đêm đen, chúng ta bỏ lỡ cơ hội khám phá tâm trạng của người „lính canh mong đợi hừng đông“ (Tv 130,6). Là mong chờ ánh sáng giữa đêm đen dài như bất tận. Thiên Chúa đã không đốt sáng bầu trời bằng đèn nến trong đêm Con Chúa sinh ra như chúng ta làm ngày nay – đến mức độ của „ô nhiễm ánh sáng“. Vì chỉ trong đêm đen tĩnh lặng con người mới có cơ hội học nghe tiếng hát của thiên thần.

Thất bại trong đời, dù gây thất vọng, xấu hổ, đau đớn và nặng nề như đêm đen, luôn là cơ hội để nhìn vào trong và khám phá các giá trị bất biến nằm ẩn khuất trong lòng mình. Thất bại là sự đổ vỡ nơi các chuẩn mực cũ, gây lo sợ, đau buồn đến tuyệt vọng. Nhưng đó cũng là sự vượt qua các chuẩn mực này: là một sự chuyển biến. Thất bại khiến chúng ta có thể khám phá ra những khả năng, điều kiện, cơ hội và lối đi mới đàng sau cái đã quen thuộc. Nó là nguồn cho nhiều nhận thức sâu sắc về bản thân, và cả những người thân quen gần xa. Cuối cùng, như tông đồ Phaolô, chúng ta cần tu luyện, học sống với „cái dằm“ gây khó chịu trong thân xác, đến mức có thể „vui mừng và tự hào về những yếu đuối“ của mình, vì chính ở những nơi đó sức mạnh Đức Kitô được biểu lộ trọn vẹn (2 Cr 12,7tt).

Giáng Sinh mang ánh sáng đến trong những phần đời của tôi và của thế giới, nơi vắng bóng Thiên Chúa. Hỏi làm thế nào tôi nhận ra thực tế đó? Kinh nghiệm hằng ngày chỉ cho thấy: nơi nào đường tương lai và danh dự được xây trên ảo ảnh, trên các thành tích không thật. Nhiều thế hệ sống ảo, tưởng mình thành công và giỏi dang trong khi họ thật kém cỏi, thiếu cả những hiểu biết cơ bản.

Vắng Thiên Chúa người ta sẽ nâng việc „ăn“ thành đích đến duy nhất trong đời. Chính lòng tham của vị hoàng đế hùng mạnh ở Rôma thúc đẩy ông cho kiểm tra dân số, và buộc những người di dân trở „về nguyên quán mà khai tên tuổi“ (Lc 2,3). Ông cần con số chính xác cho việc thu thuế từ thần dân. Chứng tham ăn mang tính hệ thống và không có ngoại lệ bóp chết dần lòng thương xót nơi con người, và cán nát sự công bằng xã hội. Đại dịch làm rõ: Không chỉ tình người đầy cảm động mà cả lòng tham vô cảm vô tâm được tỏ lộ.

Nơi nào vắng Thiên Chúa thì người ta nhìn con người theo kiểu không có anh thì chợ vẫn đông. Tôi chỉ là một người như mọi người và vì vậy có thể thay thế được như một phụ tùng. Sợ con người trở nên cá thể độc nhất vô nhị nên các cơ cấu giáo dục độc tài tô đậm tính tập thể và sự tuân phục vô điều kiện. Để ai cũng như ai, dễ sai dễ bảo, không bao giờ dám đòi hỏi dù là quyền lợi trời ban. Cái sợ được dùng để đóng khuôn và đóng kín những con người được đúc theo một mẫu. Và như thế, bất công không được phép đặt tên, nguyên nhân thật của những tệ nạn phải giấu che trong nín lặng. Thay vào đó, tình cảm của từ thiện được phô trương và cổ xúy như là một sự cân bằng và như thuốc gây mê làm quên đi câu hỏi „Vì sao nên nông nỗi này?“

Thiên Chúa cần trở nên một con người và „ở giữa chúng ta“ (Emmanuel), vì chúng ta chưa thực sự muốn làm con người!

Chú thích:

[1] Gr 32,17.21; Đnl 4,34.

[2] Nguyên Giám mục người Đức của địa phận Limburg (1982-2007).

Bài trướcCộng đoàn Triết SVD: Giáng Sinh yêu thương
Bài tiếp theoVIDEO TỈNH DÒNG CHÚC MỪNG GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2022