…là một Chứng Nhân Tình Yêu

0
284
Photo: Tác giả cung cấp

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

“Chúng con mong ước quý cha luôn vui vẻ, gần gũi” 

Đây là một “Ước nguyện của giáo dân về linh mục”, được trình bày trong Hội thảo tiền Công nghị Tổng Giáo phận Hà Nội. Lời này nêu lên những câu hỏi liên quan đến thái độ của các mục tử: Tại sao có những mục tử (thích) giữ khoảng cách với con chiên? Điều gì khiến các ngài ưa tỏ vẻ lạnh lùng, thích nạt nộ hay ra lệnh với giọng kẻ cả, chứ ít muốn lắng nghe? Tại sao các mục tử không “gan dạ và sáng tạo trong trách nhiệm suy nghĩ lại các đối tượng, các cơ cấu, phong cách và phương thức” mục vụ? Vì sao nhiều vị đóng kín, chứ không chịu bước ra ngoài; thích cấm đoán và kiểm soát, ít tin tưởng, không “hội nhập vào cuộc sống nhân loại và chia sẻ phận người nơi cõi trần?”

Khi đối diện với các thách đố của thời tục hóa và những nhu cầu của con người hôm nay, các mục tử theo nhận xét của Giáo hoàng Phanxicô, “có nguy cơ sợ hãi, trở nên khép kín, chỉ còn lo bảo vệ bản thân mình”, dễ bị “cám dỗ biến đức tin thành những quy tắc và chỉ dẫn.” Đó là thực tế, là bối cảnh mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt hình ảnh mục vụ “có mùi của chiên” vào – khác với lối mục vụ “sạch” được ưa chuộng.

Đức Cha Carlassare tại Giáo xứ Thánh Josephine Bakhita Mapuordit, Giáo phận Rumbek, ngày 3/4/2022. Photo: Fr. Luka Dor, Giáo phận Rumbek, Nam Sudan.

Trong lịch sử Israel, các mục tử xa cách đàn chiên, xao lãng bổn phận và tham lam ích kỷ, đã phải đón nhận những lời hạch tội và khiển trách nặng nề từ các ngôn sứ. Êdêkiel tố cáo các mục tử “chỉ biết lo cho mình” và quên nhiệm vụ như vậy: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc.” Chiên tán loạn tản mác khắp nơi, mà không thấy bóng mục tử. Chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm chúng nên chúng biến thành mồi cho mọi dã thú (Ed 34,1 tt). Isaia gọi các chủ chăn hư hỏng là “thứ mục tử đui mù, chẳng hiểu biết và không biết phân biệt”; là “lũ chó câm, không biết sủa, chỉ mơ mộng, nằm dài và thích ngủ thôi. Là lũ chó đói, ăn chẳng biết no”, chỉ thích “đi tìm rượu ngon, uống rượu mạnh” và “chỉ  mưu tìm lợi lộc cho riêng mình”, không lưu tâm đến sự tiêu vong của người công chính (x. Is 56).

Theo Ngôn sứ Edekiel, một mục tử lý tưởng bén mùi chiên qua công việc chăn chiên hằng ngày: khi giải thoát chiên khỏi nguy hiểm và những gì đe dọa mạng sống chúng; khi kiểm điểm và tập hợp các con chiên tản mác, đi tìm con bị mất, đưa về con đi lạc, băng bó vết thương cho con bị thương, chữa lành và làm mạnh những con bệnh tật, canh chừng những con béo mập, khoẻ mạnh (Ed 34, 11 tt). Và khi mục tử  “tập trung cả đoàn dưới cánh tay, ấp ủ lũ chiên con vào lòng, bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối, an ủi vỗ về” hay vác chiên trên vai – như trong các bức họa bức tượng về người mục tử nhân lành.

Đức Giêsu còn dùng một hình ảnh khác trong khi bàn về tương quan mục tử và chiên: “Tôi là cửa” (Ga 10,9). Là cửa, nên chiên nào đi ngang cửa cũng để dính lại lông và mùi của mình. Gần gũi như thế, nên mục tử biết và gọi tên từng con. Các con chiên, về phía chúng, nghe và nhận biết tiếng của mục tử (Ga 10, 4). Đối với người mục tử nhân lành mỗi một con chiên có giá trị riêng, chứ không là số đông thì mới đáng được để ý quan tâm (x. Mc 18, 12-14), hay “chỉ thân với người giàu có, quyền quý và lạnh nhạt với người thấp kém.”

Bén mùi chiên là một hình ảnh cho một lối mục vụ lý tưởng hướng tương lai: gần gũi thân mật. Hình ảnh thì đẹp và nội dung, như tương quan mục tử và các con chiên trong Kinh Thánh mô tả, thật rõ ràng. Đặt vào thực tế mục vụ tại đây, chúng ta sẽ cần học nhận ra và vượt qua một vài ngăn trở và khó khăn, mang tính văn hóa, xã hội và tâm lý.

… muốn được hiểu và hiểu 

“Mục vụ sạch” tránh sự gần gũi thân mật với các con chiên, vì cách hiểu vai trò trong truyền thống cho kẻ có chức vị, và vì sợ nguy hiểm của lửa khi đến gần rơm. Nhiệm vụ của mục tử được thực hiện từ khoảng cách theo khuôn mẫu của quan và dân. Mục tử hoàn tất các vai trò mà chức vụ ấn định, cử hành nghiêm trang chu đáo các bí tích. Ngài trung thành rập khuôn các công thức, nói “thứ ngôn ngữ chính thống”, làm những cử chỉ được ấn định trong “luật chữ đỏ”, với phong cách của một kẻ được chọn và xứng đáng ngồi chiếu trên. Hay ngược lại: ngài gặp gỡ con chiên qua loa và cử hành các nghi thức cách máy móc và vô hồn, cào bằng và phi nhân vị.

Trong tương quan “cha – con” truyền thống, con chiên không nhận ra được con người của mục tử – như là một cá nhân với tất cả những gì thuộc về nó. Cha con không gần gũi, chỉ va chạm trên bề mặt mang tính công việc, nên họ chẳng biết gì về những giao động, khát khao, hi vọng, lo lắng, đau buồn thực sự trong tầng sâu của hồn nhau. Đây cũng là một điều được phản ảnh trong các “ước nguyện” của người giáo dân: “Chúng con mong muốn được lắng nghe tâm tình để có thể hiểu và chia sẻ được những lo toan mệt mỏi của các cha (nếu có). Muốn được các ngài ‘Hiểu’ và ‘Hiểu’ được các ngài. Có thể có những buổi gặp gỡ định kỳ với giáo dân theo độ tuổi (tính chất chia sẻ) chứ không phải giải quyết công việc.”

Mục vụ “sạch” thì không bén mùi chiên được. Nhưng như thế, mục tử cũng đánh mất cơ hội để phát triển nhân cách và trưởng thành, khi tỏ lộ khuôn mặt thật và (phải) đối diện với khuynh hướng phóng chiếu “cái bóng” của mình, cũng như đón nhận các phản ứng qua những gặp gỡ chân tình. Mục tử không có cơ hội học lắng nghe các nhận xét, phê bình góp ý – trong một bầu khí thân mật. Hình ảnh “bén mùi chiên” như là mục vụ lý tưởng xây dựng trên sự tôn trọng từng con chiên, khi gần gũi, biết tên từng con và nhận ra nhau qua “mùi riêng”.

Vì yêu thương là nền tảng và mục đích, nên tương giao thân thiết là “nhãn hiệu” của đời sống Kitô hữu. Quan tâm, lo phần hồn của từng con chiên nên mục tử không trốn sau một vai trò nhờ chức vụ của mình, hay sau các khẩu hiệu hay ngôn ngữ được công thức hóa. Mục vụ “bén mùi chiên” đòi gần gũi, bầu khí trân trọng và cá nhân tính, nơi mục tử là chính mình, chứ không là một sự nhập vai, cho dù diễn thật tốt. Hoa thật thì có mùi có màu tự thân, không như mùi của nước hoa được xức lên từ bên ngoài.

Có gặp gỡ được với con người thật thì mới có sự sống sung mãn. Việc quan tâm thực sự chạm được lòng người khác, như đứa con trong bụng của bà Elizabeth “nhảy lên” khi gặp gỡ Đức Maria. Lòng chạm được lòng thì làm sống động và vui mừng hoan lạc. Gặp gỡ thật thì cần đến sự chú tâm cao độ, chứ không chỉ làm qua loa cho có. Tập trung, dù chỉ vài giây hay dăm ba phút, nhưng chỉ dành cho một người. Những gì làm con chiên lo sợ, đau đớn, bệnh tật, hoang mang, chật vật, những thiếu thốn, niềm tin, hi vọng chạm đến hồn mục tử. Đôi khi chỉ là ngồi thinh lặng, cùng chịu đựng.

Mục vụ gần gũi đòi khả năng lắng nghe – một ước nguyện được lập lại nhiều lần trong “Bài tham luận” của giáo dân Hà Nội. Gần gũi không là lý tưởng của mục tử theo lối làm quan. Vì quan thì phải giữ khoảng cách, tỏ vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng ra oai, “nói nhiều và ra lệnh”. Vai trò quan trọng của quan không cho phép xuề xòa bình dân và hòa đồng với mọi người. Không ít mục tử sống theo phong cách này. Tất nhiên gần gũi là việc thật khó hơn người ta mơ tưởng. Khi tôi không đứng vững trong mình, thì sự gần gũi với người khác phái trong trường hợp bình thường có thể là một thách đố. Thì như lửa gần rơm: dễ nghiêng ngã và cháy nhanh. Trong sự gần gũi của tôi với con chiên trong những hoàn cảnh thật riêng của họ, tôi “bén mùi đời” của họ.

Nếu mùi tôi mang đến không là “mùi Thiên Chúa”, mà mùi của tôi – là những khát khao, thiếu thốn tình cảm không được nhìn nhận -, thì tôi dễ rơi vào cám dỗ là thao tác, lạm dụng các con chiên được giao phó cho tôi. Khao khát quyền lực nắm tay trên, khi những khát khao gần gũi thân mật bị chối bỏ.

Tóm lại, mục vụ “có mùi của chiên” đòi hỏi một sự cân bằng giữa sự tỉnh táo của lý trí và sự biểu lộ tình cảm và các cảm xúc. Giữa gần và xa. Tạo một bầu khí đầy tin tưởng để con người có thể cởi mở trải lòng là một nhiệm vụ của mục tử. Đây là một kỹ năng xuất phát từ mối quan tâm lo lắng thật tình, và là một nhiệm vụ chính của mục tử. Lý tưởng mục vụ này đòi hỏi một sự trưởng thành nhân cách – là kết quả của những tương giao thân mật với người khác. Điều rõ ràng là: Khoảng cách lớn quá giữa mục tử và con chiên không giúp “bén mùi chiên” và “hiệp thông vào đức ái của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành.”

Bài trướcLỜI SỐNG (Ngày 7/1, trước Lễ Hiển Linh)
Bài tiếp theoLời Chúa & Bài giảng Lễ Chúa Hiển Linh