“Hãy an ủi, an ủi dân Ta” (Is 40,1)

0
506
Biểu tượng Mùa Vọng

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

… hoang mang tìm nguồn ủi an

“Toàn dương gian đang hoang mang tìm nguồn ủi an.” Đó là quan sát của Soeur Quỳnh Thoại giữa đại dịch, và được ghi lại trong bài thánh ca “Chúa đau cùng con”. Mùa dịch kéo dài hai năm rồi. Nếu nhìn vào con số những người đã và đang phải chết trên thế giới, những người bị nhiễm và số người mất thân nhân, mất công việc và thu nhập, những người trở nên trắng tay, những ai phải trở nên “tù nhân bất đắc dĩ” vì các biện pháp cần thiết để chống dịch hay trở nên người vô gia cư… Vô số, kể không hết nổi; một danh sách dài những người cần được an ủi và trợ giúp. Thử hỏi có ai không trở thành nạn nhân của COVID, cách này hay cách khác? Cả những người đứng ở tuyến đầu chống dịch cũng cần sự ủi an; họ cũng kiệt lực vì những tháng ngày đấu tranh chống lại thần chết để tìm cách cứu sống và chữa lành các bệnh nhân. Họ cũng mệt mỏi xác hồn, đã hi sinh nhiều và không có thời gian cho mình cho gia đình, cho nghỉ ngơi…

Các chuyên gia nói đến từng đợt trong thời đại dịch, một hình ảnh liên tưởng cuộc đời như con thuyền trên biển mênh mông: phải đối diện hết đợt sóng này đến đợt sóng khác. Cho nên hỏi chừng nào mới hết dịch bệnh thì thật khó trả lời. Chừng nào biển hết sóng? “Tìm nguồn ủi an” như vậy không chỉ cho hôm nay mà còn cả cho ngày mai, và cho mọi người.

Tôi phải hô lên điều gì?

Ngôn sứ Isaia (Nguồn: Fresco from the Sistine Chapel ceiling by Michelangelo)

“Hãy an ủi, an ủi dân Ta. Hãy hô lên!”[1] (Is 40,1-8). Đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa cho ngôn sứ Isaia. Nhưng người được trao trách nhiệm nói lời an ủi gặp bế tắc: “Tôi nên hô hoán, nói giảng điều gì?” Isaia gặp khó khăn khi nghĩ đến nhiệm vụ được trao trong hoàn cảnh éo le của đời lưu đày. Ông không biết cần phải nói lời gì cho phải cho đúng. Làm thế nào để an ủi những người đầy phiền muộn vì đã buộc phải bỏ lại quê hương và nền tảng sống, lịch sử và Đền Thờ lại sau lưng? Nói gì với những người đã mất hết, kể cả niềm tin? Hay nói gì với những đồng hương đã thích nghi với thế giới mới, đang xây dựng tương lai ở xứ người và không còn muốn quay về?

Cũng như nhiều người Việt tìm đến phương Tây làm kinh tế: Lúc mới đến xứ lạ họ nghĩ cố gắng kiếm đủ một số tiền nhất định và sẽ quay về. Thực tế là sau một thời gian đa số đã chọn lựa ở lại lâu dài, dù vẫn luôn nhớ nhà nhớ quê. Israel đã kinh nghiệm điều như vậy ở chốn lưu đày, là bị giằng xé giữa nỗi buồn nhớ quê và sự cám dỗ tan biến vào trong cái hàng ngày ở Babylon. Bị kẹt giữa hy vọng và tuyệt vọng, sợ hãi và thờ ơ lạnh lùng, quên và nhớ. Là những người bị lưu đày họ không thể trở nên hoàn toàn như người bản xứ, nhưng họ cũng không còn giống những người ở lại quê hương. Cuộc ra đi và đời sống xa xứ đã thay đổi họ. Người buộc xa quê phải học sống như có “hai hồn trong một con tim” để có thể tồn tại; nên dù ở dù về họ đều là những người xa lạ.

Isaia tự hỏi mình cần phải giảng gì với những người cho rằng Thiên Chúa đã quên họ? Vì lâu lắm rồi Người không còn lên tiếng nữa. Họ cần được an ủi như thế nào? Câu hỏi mà ngôn sứ thời nay ở đây đặt ra có thể như vậy: Làm thế nào có thể trao niềm an ủi trong một thế giới không còn ai dám tin ai, nơi mọi người “phải nói dối nhau để sống?” Phải hô khẩu hiệu nào để đánh động lương tri những con người vì “hồn đói” mà “ăn” không trừ thứ gì và đã trở nên trơ trẽn? Phải giảng lời nào để giúp con người vượt qua được những sợ hãi hoang mang trước cái chết, và vì thế bám vào đủ thứ thông tin sai lạc? Nói gì với những người tín hữu không còn lửa từ niềm tin – những người vì phải thích nghi để tồn tại và vì thế không còn nét đặc thù làm nên căn tính của “kẻ có Đạo?”

Khác với ngôn sứ Isaia, các mục tử ở đây thường không gặp khó khăn trong việc “nói gì” để an ủi, như khi chia buồn hay thăm viếng bệnh nhân. Các ngài thường sử dụng những nghi thức hay các lối nói có sẵn, trong đó có “Xin chia buồn…; Vác thánh giá…; Cầu xin Chúa…; hay Cầu chúc…”. Trong trường hợp bình thường thì như vậy là đủ. Nhưng cũng có lúc bệnh nhân khó chịu và phản ứng, vì phải nghe những “khẩu hiệu đạo đức” chung chung cho mọi người trong cùng một hoàn cảnh, được “hô lên” với ý tốt lành mà không chạm đến tình trạng thê thảm của cá nhân mình. Người bệnh cảm thấy mình không được ghi nhận và tôn trọng. Họ nói: “Thầy/Cha/Dì đang trẻ khỏe và không thiếu thốn chi thì muốn nói gì cũng được cũng dễ …” Nhất là khi người bệnh không còn lòng tin, thì khó có thể nhận ra được “tình Chúa yêu tuyệt vời” giữa đại nạn đời mình.

Những gì an ủi

Lời hô của ngôn sứ cần đem lại niềm an ủi cho những người đang đứng giữa sa mạc cuộc đời. Được chờ đợi là lời trao cho dũng khí mới, ngay cả khi đối mặt với nỗi đau buồn lớn và sự bất công đang gào thét quanh mình. Vì vậy, Isaia không an ủi theo cách nói: “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Là ngôn sứ ông nói bằng lời của Chúa – Đấng “đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân, đã nghe tiếng họ kêu than và biết các nỗi đau khổ của họ“, nên Người đã đến “giải thoát họ” (Xh 3,7). Lời an ủi mà vị ngôn sứ này nói ở đây là: Những gì đã xảy ra được tha thứ, thời đọa đày của kiếp nô lệ sẽ chấm dứt. Lời Chúa được loan truyền ở xứ lạ; ánh sáng Chúa soi vào bóng tối. Tái thiết, chữa lành và an ủi thay thế cho sự vô vọng và thói quen ù lì. Mọi thứ sẽ khác. Thung lũng sẽ được nâng lên, núi và đồi sẽ được hạ bằng xuống. Lời Chúa phán ra, và điều đó thay đổi thế giới.

Ngôn sứ nói lời Thiên Chúa, và đó là niềm an ủi mang hy vọng táo bạo về một điều gì đó hoàn toàn mới, có khả năng phá vỡ cơ cấu và định đặt cũ. Lời nói về một tương lai, trong đó sự sống không còn để cho cái chết hướng dẫn bước đi của mình, và giấc mơ về sự công bình ở giữa mọi người. Vinh quang Chúa tỏ hiện và “dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 40,5.9,1).

Những lời đánh động này đã được nói trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể: vào khoảng năm 540 trước Công Nguyên, sau 40 năm lưu đày thì Cyrus, vua của người Ba-tư, chiếm Babylon và cho phép người Do-thái trở về quê quán. Dân Israel đón nhận sự giải thoát khỏi sự giam cầm được chờ mong từ lâu. Nhưng không chỉ có những người bị đày trở về, mà phải nói là chính Thiên Chúa trở lại thành của mình. Vua Cyrus đã hào phóng hỗ trợ những người trở về trong nhiệm vụ xây lại Đền thờ ở Giêrusalem. Israel đã có thể vực dậy và phát triển lại. Nghi lễ Đền Thờ được tái thiết. Đó là niềm an ủi lớn được trao cho người hồi hương và người ở lại. Hình ảnh loan báo một tương00 lai tốt đẹp mô tả như vậy: “Hãy dọn đường cho Chúa trong đồng vắng, tất cả các thung lũng sẽ được nâng lên, và tất cả các núi và đồi sẽ bị hạ xuống.”  

Mừng lễ Giáng sinh, chúng ta xác tín rằng thế giới đã thay đổi tận căn, khi Thiên Chúa trở thành con người trong Đức Giêsu. Qua đó, một chương mới trong lịch sử của Thiên Chúa với loài người đã bắt đầu. Thiên Chúa đã trao cho chúng ta một dấu hiệu sống động, nói rằng Người muốn gần gũi với mọi người. Với quyết định đó, Thiên Chúa không lập tức biến trái đất trở thành thiên đường. Nhưng Chúa đến để chỉ cho chúng ta thấy rằng thế giới không nhất thiết phải tồn tại như nó vốn là, mà nó có thể khác hơn. Những ước mơ không trở thành hiện thực ngay lập tức, chúng vẫn ở dạng hàm ý, nhưng câu hỏi: “Điều gì xảy ra, nếu thung lũng của tình trạng ‘thiếu nhân bản’ được lấp đầy? Nếu núi đồi của gian tham và thù hận được san bằng?” có thêm năng lực. Người ta có thể nói rằng: biên dạng của một thế giới tốt đẹp hơn có thể được nhận ra rõ ràng hơn – một thế giới xứng đáng hơn với Thiên Chúa và con người.

Lời của Thiên Chúa đời đời bền vững

An ủi thực sự không làm tê liệt những nỗi đau, nhưng dành chỗ cho chúng và đón nhận chúng. Không là băng dán sơ sài trên vết thương, vì chiều sâu của những vết thương được nhìn thấy và được đồng cảm. Cho nên tin vui vị ngôn sứ hô to là: các thung lũng của bóng đêm sự chết sẽ được san bằng, và những ngọn đồi cao giữa con người cản ngăn gặp gỡ sẽ sụp đổ. Chỗ nứt nẻ và thô gồ làm khó cuộc sống sẽ trở nên bằng thẳng, và những đống vụ vỡ của thất bại sẽ trở nên đất quý hiếm. Sự đến nơi của Thiên Chúa có thể đương đầu với ngay cả mối đe dọa tồi tệ nhất và sự cam chịu sâu xa nhất.

“Hãy giảng/nói/hô” – Isaia được thúc giục lên tiếng, đừng im lặng. Ông được sai đi đến với đồng hương và “ngọt ngào” nói với họ lời của Thiên Chúa, để họ không tuyệt vọng, không trở nên cay đắng, không nuôi hờn căm hận thù. Ngôn sứ cần tin tưởng và phải ra đi nói lại Lời Chúa. Có nhiều những tình nguyện viên đã lên đường theo vết chân ngôn sứ trong thời gian đại dịch. Như Isaia họ nói rằng: “Thiên Chúa không quên con người trong nỗi khốn cùng. Hãy tin tưởng rằng Chúa dọn một con đường cho chúng ta. Sức mạnh của chúng ta đã cạn kiệt, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn còn. Lời của Chúa dành cho chúng ta đã luôn có giá trị, và bây giờ vẫn như vậy! Không đổi thay.” Sự hiện diện gần gũi của họ với người bệnh xác minh lời họ hô hoán.

Rồi từng chút một, người đi hô vang lời Thiên Chúa, như nơi Isaia, để ý và nhận thấy tin vui đó thay đổi chính mình, rồi cả những người họ mang tin đến, và cả những người khác xung quanh. Điều đó được nhận ra nơi ánh mắt tỏa sáng trở lại của những người nghe, những người được chăm sóc. Họ có dũng khí mới, có sự tự tin đầy lạc quan mới. Isaia cũng nhìn nhận: “Một mình tôi không thể an ủi mọi người. Tôi chỉ là một con người, tôi không khá hơn những đồng hương.” Và ông nhớ lời: “Cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững.” Tôi muốn đặt mình và cuộc sống của tôi trong tay Thiên Chúa. Chỉ một mình Người là vĩnh cửu. Lời của Người tồn tại mãi mãi. Điều đó an ủi tôi. Và tôi có thể mang đến cho mọi người niềm an ủi này.

Hãy an ủi, an ủi dân Ta.” Đây là bản tóm tắt ngắn nhất có thể về sứ mệnh rao giảng của Isaia, một dạng ngắn gọn của Tin Mừng. An ủi đòi hỏi tôn trọng và lắng nghe, nhìn nhận hiện thực và khả năng thấu cảm. An ủi là xua đi nỗi sợ hãi về tương lai, chỉ cho con người biết nơi nào có những cơ hội tích cực chưa được khám phá trong hiện tại, trao lại lòng can đảm, làm cho lòng họ tươi sáng và biết mong đợi – vì Thiên Chúa của họ đang trở lại, đến bên cạnh họ. Họ không cần phải chịu đựng một mình nữa. Mọi sự sẽ thay đổi tích cực. An ủi được lập lại hai lần. Ngôn sứ hô lên rằng: Sự đến nơi của Chúa mang lại niềm an ủi thực sự, vì nó thay đổi toàn bộ thế giới. ●

Chú thích:

[1] Cũng được dịch là “Hãy nói to, hãy giảng“.

Bài trướcLỜI SỐNG (CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG – C)
Bài tiếp theoMùa Vọng mang đến sự hiện diện của Thiên Chúa giữa tối tăm đại dịch và xung đột chính trị