Có lời chép rằng…

0
229

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Cơn cám dỗ

Ăn chay làm cho đói. Thánh sử Mát-thêu xác nhận thực tế này: “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.” (Mt 4,2). Ai ăn chay đều cảm nhận lại cảm giác đói có thể đã quên từ lâu. Bụng đói thì óc chỉ quanh quẩn các thức ăn, chuyện ăn. Hồi tâm, quay về, bắt đầu lại trước hết là chuyện cá nhân. Bởi vậy, chính tôi cần cảm nhận cái đói cụ thể nơi thân thể, trong ý nghĩ. Nếu không, mọi lời hay ý tốt chỉ là lí thuyết, dù là những lời nghe đạo đức thánh thiện, làm mủi lòng, nhưng dễ quên sau đó. Chỉ khi cá nhân tôi phải chịu đói thì tôi mới để ý đến, và qua đó hiểu thấu được nhiều điều.

Đói là thời cơ của tên cám dỗ. Cơm bánh là những gì người đói cần. Nhân cách một người được thể hiện nhiều qua cái đói, hay rõ hơn: ở mức độ và cách người ấy chịu đói. Câu chuyện cám dỗ phơi bày cách đối diện với những cái đói của xác và hồn con người. Cám dỗ tìm cách no nhanh qua các lối tắt nhân danh Thiên Chúa bị Đức Giêsu khước từ. Dù đề nghị hóa đá thành bánh của Satan nghe thật hợp lý – nhất là như trong hiện tại, khi trên thế giới cứ 13 giây lại có một đứa trẻ dưới năm tuổi chết vì đói. Hàng năm có tới 828 triệu người phải chết vì thiếu thực phẩm, trong khi thế giới có đủ lương thực, hiểu biết và tài nguyên cho tất cả mọi người.

Cái đói lâu dài còn hủy hoại nhân phẩm, diện mạo, trí thông minh, làm tăng sự bất lực và lệ thuộc. Những người phải chết đói không đứng ở trung tâm sự chú ý hàng ngày, vì hình ảnh của họ gây khó chịu và thường được cảm nhận như là một sự quấy rầy. Bởi vậy, mỗi nạn đói không chỉ nói về việc thiếu thực phẩm, mà nói về cái đói sự sống, đói công lý, đói hòa bình – tức là nói về các cơ chế tội lỗi gây ra và duy trì tình trạng thê thảm đó. Nhưng cả những người no cũng đói: Họ thiếu thốn ý nghĩa cho cuộc sống – chẳng biết sống đời này để làm gì! Họ không đói xác nhưng đói hồn. Những cái thiếu này tỏ lộ nơi sự chán ngán và trống vắng, bất an, bất mãn và sợ hãi. Họ ngấu nghiến vô độ hết mọi thứ trong tầm ngắm. Và họ chen lấn tìm kiếm chút trấn an nơi các linh địa, nơi các nhà ngoại cảm và nơi các thực hành mờ ảo. Câu hỏi cần đặt ra là: Hồn đói thì cần ăn gì? Và ai sẽ là người cho họ ăn?  

… cả họ được nhờ    

Nếu bị chặn lại vì bị cho là vi phạm luật giao thông, nhiều người rút điện thoại ra gọi cho “người nhà” giúp giải quyết sự cố đang gặp phải. Dựa bóng ai đó uy thế hơn để thoát nạn hay ít là giảm nhẹ phí tổn hay mức phạt được yêu cầu, được coi là chuyện bình thường trong bối cảnh văn hóa chúng ta. Một người làm quan thì cả họ phải được nhờ, và tình cảm (và tiền) là nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề to nhỏ, chứ không là cái lý. Khi tôi là quan mà không sẵn sàng trợ giúp người nhà gặp khó khăn, thì sự từ chối đó là một chuyện khó được bà con chấp nhận. Có ô dù lớn mà không xử dụng khi trời nắng trời mưa thì mới là lạ!

Nhìn vậy, thách đố của quỷ yêu cầu Đức Giêsu lợi dụng vai trò của mình “là con Thiên Chúa” để gây ấn tượng và để giải quyết khó khăn, đúng là một cám dỗ được chờ đợi. Chúng ta sẽ hiểu và chấp nhận, nếu Đức Giêsu hành động như vậy. Đúng ra, Thiên Chúa là Cha và là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn (Mt 6,4), phải tự ra tay giúp Con mình ngay cả trước khi được yêu cầu! Đức Giêsu là Con Một, nên chúng ta được phép chờ đợi rằng Thiên Chúa sẽ hành động như vậy, để bênh vực và bảo vệ “con yêu dấu” của Người.  

Nhưng tường trình về các cám dỗ của Đức Giêsu rõ ràng không để ý đến các chiều kích mang tính văn hóa tập thể này. Vì cám dỗ như ở đây là chuyện dành cho riêng tôi. Chính tôi phải tự đối đầu với với các thách đố của ma quỷ với những gì tôi có, như tôi là. Đó là một phần không thể tránh của ơn gọi làm con Thiên Chúa. Như thí sinh trong phòng thi, tôi phải tự giải quyết những câu hỏi của bài thi để tốt nghiệp. Những gì đã học được là vốn được kích hoạt và suy luận để đưa ra câu trả lời thích hợp. Mọi hình thức đi tắt khác là không hợp lệ và không giúp ích cho hiểu biết, cho phát triển nhân cách và cho ơn gọi. Đi lối ngắn nhất qua việc cậy nhờ vào người nhà quyền thế nói rằng: Tôi không cần tự nỗ lực, chiến đấu và chờ đợi, không cần làm kinh nghiệm thất bại và thất  vọng. Nhưng như vậy thì cũng không có sự trưởng thành, và tôi khó trở nên chính mình bởi không biết chịu đói, chịu cám dỗ.

Lối đi của Giêsu

Tên cám dỗ muốn cho Đức Giêsu ăn no nhờ cơm bánh, danh tiếng, vinh hoa phú quý và quyền thống trị thế giới. Nhưng Ngài từ chối. Đức Giêsu chịu đói tiếp – đói xuyên tới tận cùng mọi cơn đói, nơi không có gì khác hơn là Thiên Chúa. Và Xa-tan, quỷ, tên cám dỗ (là những cách gọi được Tin Mừng dùng) muốn ngăn cản sự gần gũi này.

Thực tế là việc tin yêu Chúa không làm cho tôi no bụng. Trái lại, nó đánh thức cơn đói thực sự của con người. Đồng thời, tình yêu dành cho Thiên Chúa là điều duy nhất có thể làm con người thỏa mãn. Kitô hữu cần hiểu điều này như một nghĩa vụ, là: để cho Thần Khí đánh thức cái đói trong chính mình và nơi những người khác. Để cho nỗi thèm khát xuyên thấu các tầng lớp của những gì có thể mơ ước, cho đến khi chạm đến sự tinh tuyền nơi đáy hồn. Ăn chay nhắc rằng: Tôi không được thỏa mãn với bất cứ điều gì ít hơn là Thiên Chúa. Bởi vì nơi nguyên nhân sâu xa của cái đói, tôi không gặp các nhu cầu hay mong muốn của mình, mà chính Thiên Chúa. Chính Người cũng “đói” và tìm kiếm con người, với một con tim thổn thức và lòng dạ bồi hồi (Hs 11,8).

Câu chuyện cám dỗ cho thấy Đức Giêsu chọn một lối đi khác. Ngài không ép Thiên Chúa vào cái logic như chúng ta quen: “Nếu Cha thương con thật, thì Cha phải biết, phải làm điều này điều kia cho con chứ!” Đức Giêsu tin tưởng hoàn toàn, phó thác hoàn toàn, nên không tìm những con đường tắt đầy quyến rũ. Ngài không sử dụng sân khấu tôn giáo, phép màu hay quyền lực đạo đời như phương tiện để được hưởng đặc ân và ưu đãi. Không dựa vào quyền lực của những “người lớn”, cho nên Đức Giêsu bắt đầu nơi những người được cho là nhỏ bé. Và vì vậy, Ngài kiên nhẫn với mọi người trong các hoạt động hàng ngày của họ. Đức Giêsu từ chối việc lợi dụng Danh Chúa để giải quyết khó khăn cá nhân. Ngài cũng không dùng uy thế của Bêendebun để trừ quỷ (Mt 12,24), mà tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa – trong mình. Nói cách khác: Đức Giêsu sống xác tín rằng Ngài là “con chí ái[1]” của Thiên Chúa! Với quyết định chối từ thẳng thắn mọi mời mọc đi tắt nhân danh “con Thiên Chúa”, sa mạc trở lại sống động: Các thiên thần phục vụ Người. Đó là kết quả của những ngày dài chiến đấu một mình trong cô tịch.

Đức Giêsu đi từng bước con đường của mình, chứ không tìm lối tắt của các phép mầu. Vì đốt giai đoạn thì cần đến bạo lực, gian dối và các thủ đoạn. Có được vinh hoa lợi lộc trần thế và quyền lực “như Chúa” (St 3,5) theo lời tên cám dỗ đòi cái giá thật đắt, là: bán linh hồn cho quỷ, sấp mình bái lạy Satan. Để cho ma quỷ làm Chúa đời mình không là một nền tảng tốt để xây đời dài lâu. Con đường Giêsu chối từ các phương cách được cho là hữu hiệu nhất thời đó. Ngài chỉ tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng giải phóng chúng ta và muốn ràng buộc mình với con người trong tự do.

Đi từ con người đến con người, từ làng này đến làng khác thì vất vả và khó nhọc; có lúc mang lại cảm giác hạnh phúc, nhưng cũng thường làm người khác thất vọng. Nhưng đó là cách Đức Giêsu loan báo Tin Mừng cho thế giới. Tin rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ngăn chặn các cám dỗ, nên Ngài chỉ tựa nương vào lời của Thiên Chúa. Và Đức Giêsu không ngừng lặp lại những cử chỉ nhất định, để làm rõ điều gì là quan trọng đối với Ngài trong các cuộc gặp gỡ với những người nghèo, với người bệnh và những ai bị ruồng bỏ. Tình Chúa không ép buộc, không làm mù quáng hay chỉ giả vờ, mà trao tự do cho con người, để họ có thể tự đưa lời đáp trả.

Nhìn vậy, 40 ngày Mùa Chay là lời kêu mời và là cơ hội nhận diện và giảm dần các mơ ước thầm kín của chúng ta về quyền lực, cũng như những âm thầm lợi dụng người khác cho các mục đích của mình. Nấp trong bóng tối và ném đá dấu tay là cách hành động của tên cám dỗ. Đây là một thời gian khích lệ đặt trọn niềm tin của mình vào Thiên Chúa, và chân thành gặp gỡ mọi người trong tự do và công bằng. 

Có lời chép rằng …

Câu trả lời cho mọi cám dỗ nằm ở sự tin tưởng. Tin tưởng Thiên Chúa. Tin rằng Thiên Chúa để những người kiên trì tìm Chúa cũng tìm thấy Người – những ai tìm Chúa cả đời. Đức Giêsu cũng kinh nghiệm điều này, như câu chuyện chịu cám dỗ của Ngài trình bày (Mt 4,1-11). Ngài bám lấy lời Thiên Chúa trước sự đeo đuổi dai dẳng của quỷ ma.    

Thế giới không ngừng mời mọc chúng ta với những quyến rũ và cám dỗ. Đi tắt để tìm lợi lộc nhanh thì dễ hơn cho mình, nhưng bắt nhiều người khác trả giá đắt. Quốc nạn tham nhũng là một thí dụ nhãn tiền. Sống khiêm nhường và với sự tôn trọng mọi loài trước Nhan Chúa thì khó hơn, vì quyền lực và lợi lộc tức khắc dễ làm lóe mắt, và việc tận dụng nó cho lợi ích cá nhân cũng như cho “cả họ” được coi là bình thường (vì là nét văn hóa). Nói đồng ý với những cám dỗ của ma quỷ thì dễ dàng hơn, với những lời nghe hợp lí và với sự im lặng (đồng ý) của nhiều người. Sống chân thật và công bằng trong bối cảnh chúng ta quả là một thách đố thật lớn, dường như ít ai dám đối diện.  

Ơn gọi và sứ vụ của Đức Giêsu là duy nhất – nhưng câu chuyện về những cám dỗ trong sa mạc gợi nhớ đến một điều có thể so sánh được: Về bản chất, tôi cũng sống nhờ phép rửa tội của mình và qua đó tôi đã trở thành “con yêu dấu” của Thiên Chúa. Tôi cũng được mời gọi sống như là “con Thiên Chúa” – trong sự khao khát Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, và trong các mối tương quan đầy tin tưởng với mọi người●

Chú thích:

[1] Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn.

(Hình ảnh do tác giả cung cấp)

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 MC – A)
Bài tiếp theoChuyện điều răn thứ nhất…