CON NGƯỜI ĐI TÌM SỰ HUYỀN NHIỆM TRONG CHÍNH MÌNH

0
129
Image by SK from Pixabay

Tác giả: Super Quốc

Con người là một huyền nhiệm cao siêu nhưng lại khốn khổ và tội nghiệp đến mức không hiểu nổi nguyên do gì mà mình được ném vào vũ trụ này: “Tôi không biết ai đã đặt tôi vào thế giới này?… Tôi không biết tôi từ đâu tới và không biết đi tới đâu…”([1]). Dù muốn dù không, con người càng tự do thì lại càng mong muốn truy tìm cho kì được nguồn gốc và ý nghĩa hiện sinh đích thực của chính mình. Con người đang đi tìm chính mình ư? Không hẳn vậy, con người đang giải thích huyền nhiệm của “Con Người”, “Vũ Trụ” và “Thượng Đế” ngay trong chính bản thể mình.

Từ khóa: suy tưởng (thoughts), cây sậy biết tư duy (a thinking reed), huyền nhiệm (mystery), mật mã (cipher), hữu thể người (human being), chủ nghĩa hiện sinh (existentialism), hiện hữu (existence), tính siêu việt (transcendence), tư tưởng (thinking).

_________________________

Nếu phải suy tư về sự hiện hữu của chính mình thì bao nhiêu thời gian là đủ? Mà nếu có đủ thời gian, thì phải bắt đầu từ đâu? Hơn hết mọi thụ tạo, con người là thụ tạo duy nhất có khả năng quay về với chính mình và tự vấn: “Tôi là ai? Rõ ràng tôi là con người. Nhưng con người là gì?” Cũng vậy, hơn hai ngàn năm nay, triết học với những suy tư không ngừng nghỉ cũng chỉ chạm đến bề nổi của hiện sinh và tính siêu việt của con người, chứ chưa nói đến sự hiểu biết thấu đáo về “huyền nhiệm con người”. Karl Jasper (1883-1969) đã nói như sau: “Đối với Triết học, mật mã là hình thức của thực tại siêu việt trong thế giới. Mọi thứ trên thế giới có thể là một mật mã và không nhất thiết phải là mật mã để hiểu được. Mật mã không thể được giải thích bằng bất cứ điều gì khác. Nhưng nó không còn là một mật mã và trở thành một thực tại thiêng liêng riêng biệt và hữu hình, tự cô lập trong thế giới.”([2]) Trong những suối nguồn tư tưởng đó, Blaise Pascal (1623-1662) lại nổi bật lên với một nhận định khác thường: “Con người là cây sậy biết suy tư”([3]). Nghe mà thấy xót xa cho thân phận của một huyền nhiệm cao siêu cũng như thương thay cho thân phận mỏng manh của kiếp người. Vậy rốt cuộc huyền nhiệm con người này là thế nào?

Có người nói rằng thân xác con người là một cục đất. Một vị hiền triết đã nói như sau: “Trong cục đất ấy là những thung lũng sâu thăm thẳm, những ngọn núi Hy mã lạp sơn cao chất ngất, những đại dương mênh mông và hàng tỉ thiên hà. Trong cục đất ấy có âm nhạc của các tinh cầu và có nguồn mạch của các dòng suối, dòng sông…”([4]). Con người chính là một huyền nhiệm mà qua đó, Đấng Tạo Hoá biểu lộ những nét đẹp quyền năng của mình. Ấy vậy mà Pascal lại so sánh: “Con người chỉ như một cây sậy”, tuy nhiên, nét độc đáo ở đây chính là “cây sậy biết tư duy”. Một hành động tưởng chừng đơn giản ấy lại làm cho một cây sậy trở nên “con người” hơn. Nó vô tình biến một vật vô tri, một cái cây vô giác thành con người có tư duy, có suy nghĩ.

Ai cũng biết cây sậy là loài cây yếu ớt, dễ dàng bị quật ngã, gãy dập bởi sức mạnh của thiên nhiên. Nét mong manh, dễ vỡ và yếu đuối ấy cũng tượng trưng cho sự nhỏ bé, mong manh, yếu đuối của con người. Tuy nhiên, giữa dải ngân hà rộng lớn, giữa vũ trụ bao la, chỉ duy nhất con người có khả năng nhận thức, suy tư và nắm bắt được tri thức cách đặc biệt. Pascal còn nói thêm: “Không cần thiết toàn bộ vũ trụ phải võ trang để nghiền nát anh ta. Hơi nước, một giọt nước cũng đủ để giết anh ta. Nhưng, nếu vũ trụ làm vậy, con người có lẽ cao quý hơn kẻ giết mình, bởi vì anh ta biết rằng anh ta chết và biết lợi thế mà vũ trụ có ưu trội hơn anh ta; còn vũ trụ chẳng biết gì điều đó”([5]). Như vậy, dường như Pascal muốn khẳng định giá trị đích thực của con người nằm ở “tư tưởng” chứ không phải phần vật chất bên ngoài. Chính cái biết và cái suy tư ấy làm con người khác với mọi thụ tạo. Có lẽ, đó cũng chính là huyền nhiệm, một huyền nhiệm lạ kỳ, biểu lộ ở sự yếu đuối, sự hữu hạn của chính mình.

Ta cũng phải chân nhận rằng Pascal đã đúng. Bởi lẽ, nếu không có tư tưởng, không có khả năng nhận thức, không có khả năng học hỏi, rèn luyện, phát minh… thì con người cũng không hơn gì các loài vật khác. Thậm chí, René Descartes (1596-1650) với phương pháp hoài nghi của mình, ông đã xem suy tư là nền tảng quan trọng nhất làm nên cuộc hiện hữu: “Cogito ego sum”([6]). Cứ như thế, không ít những công trình tiếp tục nghiên cứu về huyền nhiệm này nhưng câu trả lời vẫn luôn là một ẩn số. Đây vẫn luôn là một lĩnh vực hóc búa, thách thức không ít những con người tài hoa, những khối óc vĩ đại của nhân loại.

Loài người đã trải qua hàng triệu năm tiến hóa, đã phát minh, đã khám phá. Hàng triệu khối óc, hàng vạn con tim hoạt động không biết mệt mỏi để kiến tạo nên cuộc sống văn minh, hiện đại ngày nay. Con người và tư tưởng của mình không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục tiến lến phía trước. Những kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” mà bất cứ ai cũng rõ. Chẳng hạn như Albert Einstein, với thuyết tương đối của mình đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong ngành vật lý hiện đại, mở ra kỷ nguyên để khám phá vũ trụ. Thomas Edison với hơn một nghìn phát minh, viết nên trang sử mới của ngành công nghiệp. Hay Bill Gates, Steve Jobs… với những sáng kiến về công nghệ và internet đã góp phần thay đổi cả thế giới… Nếu không có tư tưởng, không có tư duy thì làm sao có thể làm được những điều kỳ diệu như thế? Ngày nay, con người có thể đặt chân lên sao hoả, gõ cửa mặt trăng hay thậm chí du hành khắp vũ trụ, khắp dãi ngân hà… Nếu không có tư duy, có lẽ con người sẽ như “những chú khỉ” và còn mãi quẩn quanh trong thời kỳ đồ đá. Tư duy có thể giúp con người thay đổi vận mệnh bản thân và vận mệnh của nhân loại. Con người làm chủ được tư duy thì cũng làm chủ được cuộc đời mình. Qua đó, có thể nói “con người là cây sậy biết tư duy” hay “hạt cát biết tư duy”, hay thậm chí là cái gì cũng được, miễn là phải có cái quan trọng nhất là: “biết tư duy”. Như vậy, giá trị cao quý của con người không hệ tại ở vật chất mà hệ tại ở “suy tưởng”.

Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ hay thậm chí phải nói là còn quá nhiều thiếu sót. Một huyền nhiệm con người cao siêu đến vậy mà chỉ có tư tưởng là đáng giá thôi ư? Có người hỏi rằng: “Con người chỉ là một cây sậy mềm yếu, làm sao có thể chịu được giông bão cuộc đời?”. Câu hỏi này vừa là một thắc mắc nhưng cũng vừa là một phản đề đáng giá. Nhìn trên phương diện thực tế, chẳng phải trái đất, lẫn vũ trụ này cùng với giông bão cuộc đời đang phải gồng gánh và chịu đựng trước con người đó sao? Con người không ngừng cải tạo môi trường mình sống, thay đổi thiên nhiên, làm chủ muôn loài, cai quản cả vũ trụ… Con người không hề đơn giản chỉ có tư tưởng mà còn trổi vượt và đáng giá hơn gấp bội vì được phú bẩm, được ban tặng khả năng vươn đến cái vô hạn. Cái khả năng đó được đặt để bên trong khiến con người không ngừng “thao thức” vượt quá giới hạn, không ngừng “khát khao” trở nên hoàn thiện để tìm đến sự tối thượng của Chân Thiện Mỹ.

Như chúng ta đã biết, Pascal là một triết gia Kitô giáo nên khi nói đến huyền nhiệm con người, ông còn muốn diễn tả trong kinh nghiệm đức tin. Dưới lăng kính này, mỗi người là một cá thể sống động, duy nhất, đặc biệt, có ngôi vị, nhân vị không thể thay thế. “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Xét rộng ra, con người là một hữu thể duy nhất xác hồn([7]). Không chỉ dừng lại ở đó, con người còn có khả năng yêu thương, khả năng phân biệt đúng sai của lý trí và lương tâm, cũng như khả năng vươn tới những điều thiêng liêng cao quý… Đôi khi, người ta đã quá ca ngợi lý trí mà quên mất con tim, lương tâm, đức tin, linh hồn, thể xác… Trên thực tế, chúng không hề làm việc độc lập mà chúng phối hợp với nhau để làm nên chiều kích huyền nhiệm của con người. Quả thật, lý trí, con tim, thể xác, đức tin, lương tâm, linh hồn, hành động, nhân cách… không chỉ nâng tầm giá trị con người mà còn góp phần tạo nên huyền nhiệm và giải thích huyền nhiệm.

Như vậy, qua những góc nhìn từ trừu tượng đến hiện thực, bản chất đích thực của con người vừa cao siêu lại vừa yếu đuối và hữu hạn. Tuy vậy, con người huyền nhiệm không đến nhân gian để dạo chơi và tiến đến một cái chết vô nghĩa như bao thụ tạo khác. Mà mang trong mình sứ mệnh làm cho bản thân và nhân loại trở nên hoàn thiện và đạt đến “Chân Thiện Mỹ”. Con người – một huyền nhiệm, nếu có ai đó dành cả cuộc đời chỉ để suy tư về nó cũng khó lòng khám phá hết. Cũng vậy, không có gì huyền nhiệm hơn là chính con người lại phải hành trình đi tìm sự huyền nhiệm trong chính mình.

 

Chú thích

[1] Blaise Pascal, Thoughts, trans. W. F. Trotter (New York: P. F Collier & Son, 1958), 72.

[2] Karl Jaspers, Philosophy of Existence, trans. Richard F. Grabau  (Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 1971), 85.

[3] Blaise Pascal, Thoughts, trans. W. F. Trotter (New York: P. F Collier & Son, 1958), 120.

[4] Câu chuyện được sưu tầm trên Internet.

[5] Blaise Pascal, Pensées Suy Tưởng, trans. Quách Đình Đạt (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội), 145.

[6] Sammuel Enoch Stumpf,  Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề,  trans. Đỗ Văn Thuận và Lưu Văn Hy (Hà Nội: Lao Động, 2004), 171.

[7] Blaise Pascal, Thoughts, trans. W. F. Trotter (New York: P. F Collier & Son, 1958), 31.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

Blaise Pascal. Thoughts. Translated by W. F. Trotter. New York: P. F Collier & Son, 1958.

Blaise Pascal. Pensées Suy Tưởng. Translated by Quách Đình Đạt. Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2020.

Karl Jaspers. Philosophy of Existence. Translated by Richard F. Grabau. Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 1971.

Sammuel Enoch Stumpf. Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề. Translated by Đỗ Văn Thuận và Lưu Văn Hy. Hà Nội: Lao Động, 2004.

Blaise Pascal. Thoughts. Translated by W. F. Trotter. New York: P. F Collier & Son, 1958, Internet Archive, n.d. https://archive.org/details/blaisepascal00newy/page/n5/mode/2up?view=theater 

Bài trướcLiên tu sĩ Việt Nam tại Đông Phi nối dài vòng tay loan báo Tin Mừng với nhóm Bạn đường Truyền giáo
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư Tuần 23 TN)