Nhân sinh nhật Đức Mẹ Maria, nói về mừng sinh nhật…

0
342

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Mừng Sinh nhật 150 năm Dòng Ngôi Lời (SVD)

 

Có ngày không có năm

Khi hỏi tuổi người nào đó, thì câu trả lời chúng ta thường nghe là năm sinh của người được hỏi. Nơi Đức Maria thì không thể làm vậy: Mẹ không có năm sinh! Còn ngày sinh được tính trong liên hệ với ngày lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội (08.12). Lễ này được biết từ năm 500 trong Giáo hội Đông phương, và được Giáo hoàng Sergius I (687-701) cho mừng ở Rôma vào năm 700, trước khi được mở rộng cho toàn Giáo hội. Chính vị Giáo hoàng này đã cho mừng hàng năm tại Rôma bốn lễ Đức Mẹ: Truyền tin, Hồn xác lên trời, Sinh nhật và Đức Mẹ đi viếng.

Một câu chuyện dài

Đối với cha mẹ ngày nay, tổ chức tiệc sinh nhật cho con nhỏ được coi như là một điều hiển nhiên. Thực ra đây là một điều khá mới mẻ. Theo truyền thống văn hóa, ngày Tết là dịp duy nhất để mọi người cùng ghi nhớ và chúc mừng nhau về sự kiện được thêm tuổi. Truyền thống văn hóa mang tính tập thể vốn không cho ngày sinh của một cá nhân một giá trị đặc biệt nào. Được sinh ra và hiện hữu trên trần gian, không được coi trọng cho bằng tầng bậc xã hội của người đó (vua, quan, sĩ, nông, công, thương). Giá trị của một người được đo nơi chức quyền, và nơi các thành tích người đó đạt được trong đời.

Ngay cả ở bên Tây, việc mừng sinh nhật cũng mới phổ biến rộng từ thế kỷ 19, trước hết chỉ ở các thành phố. Có thể nói rằng từ một trăm năm nay, sinh nhật mới thực sự trở thành một ngày lễ kỷ niệm cho tất cả mọi người. Trước đó, đây là một ưu quyền của tầng quí tộc: những người có thời gian và tiền bạc. Thực ra, từ thời cổ đại, người Ai-cập đã tổ chức sinh nhật để vinh danh các Pharaô của họ. Còn người Hy-lạp và người Rôma thì không tổ chức lễ kỷ niệm cho chính họ hay bởi vì họ sống, mà là mừng các thần hộ mệnh của họ. Quà sinh nhật là một lễ vật dành cho các thần đó.

Vào cuối thời Trung cổ, khi giới quý tộc và những người giàu có bắt đầu mừng kỷ niệm ngày vinh danh đặc biệt của mình, thì Giáo hội Công giáo lại chú trọng đến Lễ bổn mạng hơn. Các tín hữu của các Giáo hội Tin lành bắt đầu việc mừng sự sống và sinh nhật vào thế kỷ 16, thay vì mừng một vị thánh đã qua đời và ngày Bổn mạng của ngài.

Một bước phát triển quan trọng là việc Napoleon (1769-1821) cho ghi ngày và năm sinh của mỗi người dân vào sổ sách (Code Civil). Biết được ngày sinh của mình là nền tảng cho việc mừng sinh nhật. Cùng với tên riêng, ngày sinh được coi là phương tiện nhận dạng hữu hiệu, và ngày càng trở thành một phần quan trọng trong đời sống thường ngày của người dân. Càng trở nên phổ biến, thì các phong tục xung quanh việc tổ chức sinh nhật càng phát triển mạnh mẽ.

Tôn trọng sự sống của một con người

Mừng sinh nhận như ngày nay là được học từ phương Tây. Như đã nói, đó là kết quả của một quá trình phát triển của hình ảnh con người. Chịu ảnh hưởng bởi niềm tin Kitô giáo, người ta đã bắt đầu ý thức hơn về giá trị nhân vị của con người. Nói vậy, mừng sinh nhật chúng ta ăn mừng sự sống mới, và mừng sự duy nhất và tính khác biệt, không thể tráo đổi của mỗi người. Sự sống của mỗi người cần phải được coi là có giá trị bất khả xâm phạm, thì ngày bắt đầu hiện hữu của con người đó, ngày sinh nhật, mới trở thành một dịp đáng mừng.

Từ giây phút đầu tiên, danh dự và quyền sống cần được bảo vệ và tôn trọng. Mừng sinh nhật nhắc nhở lại các giá trị cơ bản đó. Con người được tôn trọng, bất kể những gì đạt được hay không trong đời. Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26), được chuộc bằng máu Đức Kitô (1 Pr 1,19t.) con người có phẩm giá của một ngôi vị. Muốn nói rằng con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, tự hiến mình cách tự do và đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân.

Mừng Mẹ là mừng con!

Liên kết mật thiết nhất với Đấng Cứu Thế – là mẹ con, Đức Maria cảm nhận được giá trị đích thực và thâm sâu nhất của sự hiện hữu của mình trên trần gian, như là người “có phúc hơn mọi phụ nữ.” Khi giá trị độc nhất vô nhị và không thể hoán đổi của Mẹ được mừng trong lễ sinh nhật, chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin vào nhân phẩm không thể hủy hoại của mình.

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa làm cho Đức Maria trở nên dịu dàng đáng mến, và cũng làm cho chúng ta trở nên tươi đẹp như vậy, bất kể những tổn thương chúng ta phải chịu trong đời. Sự sống của tôi và sự duy nhất, không thể tráo đổi của đời tôi, hoàn toàn dựa trên tình yêu cứu độ đầy xót thương của Thiên Chúa. ✧

_________________________

(Bài viết trên là tóm tắt nội dung Tĩnh Tâm tháng 9-2024 của Nhóm Cộng tác viên Giáo dân Truyền Giáo Dòng Ngôi Lời tại Kim Lâm. Dưới đây là những hình ảnh ngày tĩnh tâm của Nhóm)

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư Tuần 23 TN)
Bài tiếp theoHọc viện Ngôi Lời Sài Gòn khai giảng năm học 2024-2025