Đời tu có lẽ là chủ đề được nhiều người nghĩ tới và mỗi người thường có cho mình một cái nhìn rất riêng về nó. Về phần mình, tôi cho rằng đời tu giống như một căn nhà đóng kín với những bức tường và hàng rào rất cao bao quanh. Người ta dường như không thể bước vào được căn nhà đó nếu họ không có được chìa khóa của nó. Vậy chìa khóa của căn nhà đó có thể là gì?
Không bàn về đời tu như một lời mời gọi và chọn lựa phát xuất từ Thiên Chúa, trong bài viết này, tôi chỉ muốn bàn về đời tu trong cái nhìn và suy nghĩ chủ quan của con người. Theo đó, vì là con người, chắc hẳn những suy nghĩ về đời tu của chúng ta sẽ ít nhiều mang ý nghĩa trần tục. Những suy nghĩ trần tục đó có thể sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng đối với những người mới bước vào giai đoạn đầu đời, có thể họ sẽ nghĩ rằng lý do mà họ có thể bước vào được nhà tu là nhờkiến thức của họ. Đối với khá nhiều dòng tu, trước khi muốn bước vào, người ta thường phải trải qua các kỳ thi. Và theo cách nghĩ thông thường người ta cho rằng chỉ nhờ vào khả năng của mình họ mới có thể thi đậu và bước vào được ‘căn nhà’ đó. Mặt khác, nhiều người cũng có thể nghĩ rằng họ bước vào được nhà tu là do có sự quen biết. Thiên Chúa tất nhiên là Đấng duy nhất đã chọn lựa một ai đó bước vào đời tu, nhưng tôi nghĩ rằng sự quen biết là một nhân tố không thể thiếu giúp nhiều người có thể dễ dàng bước vào đời tu hơn. Nếu chú tôi làm bề trên, anh tôi làm giám đốc ơn gọi…thì tỉ lệ được lọt vào của tôi chắc hẳn sẽ cao hơn những người khác. Như thế, có thể nói rằng, kiến thức và sự quen biết phần nào đó chính là chìa khóa giúp người ta bước vào đời tu. Hơn nữa, ngoài hai minh họa này, tôi nghĩ rằng vẫn còn có rất nhiều những chiếc chìa khóa trần tục khác mà nhiều người vẫn nhầm tưởng là chìa khóa đích thực giúp mở cửa nhà tu.
Người ta vẫn có thể bước vào được nhà tu nhờ vào những chiếc chìa khóa trần tục đó, thế nhưng đó sẽ chỉ là chìa khóa vào cổng mà thôi. Hay có thể nói, người ta chỉ mới mở được vào tới ‘hành lang’ của đời tu mà thôi. Khi đứng bên ngoài căn nhà ‘kín cửa cao tường’ đó, người ta tưởng rằng chỉ cần mở được cổng là coi như đã mở được cả căn nhà. Nhưng, khi đã bước qua được cánh cổng, người ta mới thấy bàng hoàng, sợ hãi, hoang mang vì căn nhà này có rất nhiều căn phòng khác nữa. Và mỗi căn phòng lại có một chiếc chìa khóa riêng. Những người mới bước vào lại không có được những chiếc chìa khóa đó. Họ lại càng hoang mang hơn khi gặp phải rất nhiều người cũng vào đó. Họ cũng đang ở ngoài ‘hành lang’ như mình. Hơn nữa, những người này lại hoàn toàn xa lạ, dường như mỗi người lại sử dụng một ‘ngôn ngữ’ khác nhau. Người thì nói ‘giọng bắc’, người thì nói “giọng trung’, người lại nói ‘giọng miền nam’, đôi khi có cả những người nói ‘giọng nước ngoài’. Tất cả mọi người đều đang bối rối không biết làm cách nào để mở được những cánh cửa kia.
Những cánh cửa trong căn nhà đó có thể là gì? Đời tu quả thực có rất nhiều cánh cửa. Đó là cánh cửa của đời sống huynh đệ cộng đoàn, cánh cửa của đời sống học tập, cánh cửa của đời sống mục vụ truyền giáo, cánh cửa của những thử thách, đau thương, bệnh tật, cánh cửa của đời sống thiêng liêng. Tất cả những căn phòng nhỏ đó đều có trong căn nhà. Và dường như, có một quy luật bất khả kháng khi bước qua cánh cổng đời tu là phải bước vào được tất cả những căn phòng nhỏ đó. Kinh nghiệm lâu trong đời tu, người ta thấy rằng trong những căn phòng nhỏ trên, hầu như căn phòng nào cũng rất khó bước vào.
Làm sao mà tôi có thể bước vào được trong căn phòng cộng đoàn một cách êm ả, và không gặp vấn đề gì? Mỗi người trong căn phòng đó có mỗi kiểu khác nhau, ăn khác nhau, mặc khác nhau, ngủ khác nhau, nói khác nhau, tính cách khác nhau. Tất cả đều khác nhau. Làm sao mà tôi có thể hòa mình trong sự hỗn tạp đó được? Quả thực, mỗi người là một bông hoa trong vườn hoa của Chúa, và nếu tất cả cùng tựu trung lại với nhau thì khu vườn của Chúa sẽ đẹp biết chừng nào. Thế nhưng làm sao mà có thể đứng gần nhau, phải chịu đựng mãi những “mùi hương”khác nhau của các loài hoa được?
Căn phòng đời sống cộng đoàn đã khó vào như vậy rồi, người ta lại còn phải vật lộn rất nhiều với căn phòng học tập. Một số người được Chúa ban nhiều khả năng trong việc học tập mà nhiều khi họ vẫn còn phải than phiền vì những yêu cầu rất cao mà giáo sư và nhà trường đưa ra, thì những người được Chúa ban ít hơn trong lĩnh vực này sẽ phải khó nhọc như thế nào. Như đã nói ở trên, việc học tập có thể giúp người ta tiến sâu hơn trên con đường tu trì, nhưng cũng chính nó lại là rào cản không nhỏ cho nhiều người. Đi tu tất nhiên phải học, và học rất nhiều. Đó có thể là kiến thức sách vở để có thể hướng dẫn, chỉ dạy cho giáo dân. Đó cũng có thể là kiến thức về đàn nhạc, cắm hoa, sinh hoạt, cách tổ chức bài trí…để có thể thuận lợi hơn trong việc mục vụ. Có năng khiếu thì thật dễ, nhưng không ai có thể có năng khiếu trong tất cả mọi lĩnh vực. Vì thế, học tập vẫn luôn là một thách thức không hề nhỏ cho người tu trì.
Mục vụ truyền giáo cũng là một căn phòng mà người ta cũng cần bước qua. Ai cũng mong muốn mình được hạnh phúc, sung sướng. Thế nhưng chẳng lẽ người đi làm công tác truyền giáo mà còn muốn sung sướng được hay sao? Truyền giáo là làm công việc của Chúa, và vì Chúa đã phải trải qua nhiều đau khổ trên hành trình truyền giáo của mình nên người môn đệ của Chúa cũng khó lòng tránh khỏi được. Trò không thể hơn thầy. Càng sống đúng với Thầy mình, người môn đệ Chúa sẽ lại càng cảm nhận được rõ ràng hơn cái khổ của đời tu. Có ai dám vỗ ngực và lớn tiếng nói rằng tôi không sợ gì hết, tôi không muốn sung sướng gì hết, một khi đã theo Chúa tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi tiện nghi, mọi cái tốt đẹp cho bản thân và chỉ ước mong nhận lấy nơi thân mình những nỗi đau khổ mà Chúa Giê-su đã từng chịu càng nhiều càng tốt? Ngoài thánh Phaolô ra, chắc chẳng ai nói được và làm được như vậy đâu (x. Cl 1, 24). Cánh cửa này quả thực cũng không hề dễ dàng bước vào.
Bên cạnh những căn phòng trên, chúng ta cũng thấy một căn phòng khá khó để có thể bước vào, đó là căn phòng của sự thử thách, bệnh tật. Đời tu của mỗi người thường khác nhau. Có người trải qua đời tu với chỉ một ít những thử thách, nhưng có nhiều người lại thường phải đón nhận khá nhiều thử thách trong đời tu của mình. Có người thi một lần là đậu, nhưng có người lại phải thi đi thi lại nhiều lần mới có thể đậu được. Có người chỉ cảm cúm đôi lần, nhưng có người lại phải nằm viện nhiều ngày. Liệu chúng ta có thể can đảm đứng vững khi bản thân mình gặp phải bao nhiêu là thử thách chông gai. Liệu chúng ta có thể nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa để vẫn có thể vui sống trong khi bản thân đang phải mang nhiều bệnh tật. Khi chưa bị gì, chúng ta có thể mạnh miệng tuyên xưng đức tin của mình. Thế nhưng, khi đã rơi vào tình trạng bệnh tật dai dẳng, người ta khó lòng nhận ra được bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, và lẽ tất nhiên, sự chán nản sẽ xuất hiện như một hệ quả. Chúng ta vẫn cảm thấy khó khăn với cánh cửa này.
Nhìn thấy toàn những căn phòng khó vào như vậy, chắc hẳn người ta sẽ sớm cảm thấy chán nản với đời tu nếu họ cứ loay hoay mãi mà vẫn không tìm được chìa khóa. Thế nhưng, có một căn phòng chứa đựng tất cả những chiếc chìa khóa của các phòng khác mà nhiều người lại thường không nhận ra. Căn phòng ấy chính là đời sống thiêng liêng. Có một điều hết sức ngạc nhiên về căn phòng này đó là nó không bao giờ đóng cửa. Căn phòng này luôn luôn sẵn sàng mở rộng cửa đón tất cả mọi người bước vào. Trong căn phòng ấy cũng có một Đấng đầy yêu thương, Đấng đang cầm giữ những chiếc chìa khóa của các phòng khác, Đấng ấy đang chờ ta bước vào và Ngài sẵn sàng trao chìa khóa cho ta nếu ta xin Ngài. Nếu cảm nhận được người ta có thể thấy rằng đời sống thiêng liêng chính là chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa.
Đời sống cộng đoàn sẽ trở nên thật nhẹ nhàng nếu ta biết yêu Chúa thật lòng. Mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Người dễ thương là hình ảnh của Chúa. Người đáng ghét cũng là hình ảnh của Chúa. Khi biết yêu Thiên Chúa bằng trọn con tim, chúng ta sẽ có thể dễ dàng nhận ra Thiên Chúa nơi chính mỗi người anh chị em của ta. Là người thì ai cũng có tật xấu, nhưng ngược lại cũng không có ai là không có những mặt tốt. Khi biết yêu Chúa ta sẽ biết tìm cái tốt của người khác để yêu, và đồng thời nhìn cái xấu của họ cũng như là cái xấu của mình. Nếu cảm nhận được rằng tôi cũng đã cố sửa cái xấu của mình nhiều lần nhưng tôi vẫn cứ “chứng nào tật nấy” thì chắc hẳn tôi sẽ biết thông cảm hơn cho người khác, vì biết đâu, họ cũng đã cố gắng nhiều mà cũng thất bại y như tôi.
Việc học tập cũng sẽ được giảm nhẹ bớt nếu ta biết năng chạy đến với Chúa. Khi mời gọi ta vào một dòng tu nào đó, ẳn hẳn Chúa sẽ không để ta bơi một cách mệt mỏi mà không cho ta một cái phao nào. Chúng ta vẫn thường nghe nói đến câu thành ngữ “trời sinh voi sinh cỏ,” ý muốn nói khi Thiên Chúa giao cho ta một trách nhiệm, một nén bạc nào đó, Người sẽ ban cho ta đủ khả năng để có thể chu toàn nhiệm vụ đó. Thánh Phaolô trong 1Cr 12, 9 đã thuật lại lời của Thiên Chúa nói với ngài rằng: “Ơn Ta đủ cho con.” Vì thế, hãy nỗ lực hết mình, và hãy chạy đến với Chúa luôn để được Ngài trợ lực mỗi ngày.
Thông qua đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng sẽ được tiếp thêm sức mạnh để có thể thi hành tốt công việc mục vụ truyền giáo. Người truyền giáo luôn mang trong mình Lời của Chúa và đem Lời đó cho nhiều người được biết. Nhưng Đức Giê-su cũng đã từng cảnh báo các môn đệ về những khó khăn trên đường truyền giáo. Họ có thể được tiếp đón, nhưng cũng có thể bị xua đuổi. Họ có thể được yêu mến, nhưng bị ghét bỏ thì nhiều hơn. Họ có thể làm tốt công việc được giao nhưng cũng có thể không làm được gì. Có biết bao nhiêu những khó khăn đang chờ đợi những nhà truyền giáo, và nếu không có sức mạnh, sự can đảm, họ sẽ bỏ cuộc ngay khi chưa bắt đầu; hoặc có thể họ sẽ chán nản, thất vọng trên đường đi. Tôi nghĩ rằng hành trình truyền giáo giống như là tiền tuyến, và đời sống thiêng liêng lại giống như là hậu phương. Hậu phương là nơi tiếp sức cho tiền tuyến. Hậu phương có tốt thì tiền tuyến mới yên tâm làm nhiệm vụ được. Hai yếu tố này không thể tách rời nhau. Chúng ta cần luôn ý thức được sự yếu đuối mỏng giòn nơi con người mình để biết chạy đến với Chúa mà cầu xin Ngài tiếp sức để có thể thi hành tốt nhiệm vụ mà Ngài giao phó.
Đời sống thiêng liêng cũng như là cầu nối giúp ta cảm nhận được sâu sắc hơn những đau khổ của Chúa Giê-su nơi chính thân thể của mình. Đau đớn về thân xác rất dễ làm người ta chán nản, bi quan về đời tu. Nhiều khi người ta cũng thường nghe xôn xao bàn tán rằng đau bệnh là dấu hiệu không có ơn gọi. Điều này dường như lại làm người ta cảm thấy bi quan về đời tu hơn nữa. Quả thực, khi mắc phải những căn bệnh dễ lây nhiễm, người ta thường không được nhận vào các dòng tu bởi vì những rủi ro mà người đó mang lại cho người khác. Thế nhưng, không phải bệnh nào cũng dễ lây nhiễm, và cũng không phải không có ai mắc bệnh khi đã vào dòng tu. Nếu không ảnh hưởng xấu gì đến người khác, tôi nghĩ rằng bệnh tật có thể được xem như là một hồng ân của Chúa. Khi có thể cảm nhận được những nỗi đau mà Chúa Giê-su đã phải chịu trên đường thập giá, chúng ta sẽ cảm thấy rằng những đau khổ mà mình đang phải chịu chỉ là một phần nhỏ của Chúa mà thôi. Và thực tế, khi chúng ta biết chấp nhận bệnh tật và sống vui tươi với nó, chúng ta lại dễ dàng vượt qua được nó hơn là cứ lo lắng, bận tâm quá nhiều. Đồng thời, nếu ta biết đón nhận bệnh tật như một món quà của Chúa, chúng ta cũng sẽ được Chúa ban sức mạnh mà chịu đựng nó, cũng như Ngài cũng sẽ sớm giúp ta giải thoát khỏi nó.
Qua những điều nói trên, hy vọng rằng chúng ta đã có thể thấy được yếu tố tối quan trọng của đời tu, đó là chính đời sống thiêng liêng. Đây cũng chính là chiếc chìa khóa vạn năng giúp ta mở được các cánh cửa khác của đời tu. Đời sống thiêng liêng có thể chưa được xem là chiếc chìa khóa giúp ta mở cánh cổng bước vào “hành lang” của đời tu, nhưng nó chính là chiếc chìa khóa giúp ta tiến sâu hơn trong đời tu. Nó cũng chính là mấu chốt quan trọng nhất giúp ta trung thành với đời tu và hoàn thành sứ mạng đời thánh hiến của mình.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý,SVD