TIẾNG HÔ KHÔNG BAO GIỜ CŨ

0
610

Lm. Ant. Nguyễn Tất Bính, SVD

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Is 40,1-5.9-11; 2 Pr 3,8-14; Mc 1,1-8

TIẾNG HÔ KHÔNG BAO GIỜ CŨ

Hôm nay Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng, chúng ta đang sống trong sự chờ đợi nôn nao ngày Chúa đến. Tất cả mọi tín hữu Công Giáo được mời gọi sống tâm tình Mùa Vọng: chuẩn bị tâm hồn, đổi mới cuộc sống, sửa soạn cho việc mừng Chúa Giáng Sinh. Nhưng ngoài kia, nơi các quán cà phê, nhạc Giáng Sinh đã vang lên cách đây một tuần rồi. Nhạc Giáng Sinh như một thông báo về những ngày rất quen mà trái tim cần đập chậm lại và thêm những nụ cười. Chúng ta thấy có những bài hát đặc biệt luôn luôn vang lên, lặp lại nhiều lần mà không thấy chán. Những bài hát xa xưa mà không bao giờ cũ. Cũng vậy, “tiếng người hô trong hoang địa” dẫu rằng rất xa xưa nhưng vẫn luôn luôn mới. Mỗi Mùa Vọng về tiếng hô ấy lại vang lên, vang lên mãi cho tới khi mọi người hiểu được thông điệp và thực hiện thông điệp ấy: “hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3).

Qua các bài đọc hôm nay, Lời Chúa mang đến cho chúng ta một niềm hy vọng rằng Ngài sẽ đến để giải thoát cho dân Ngài trong lịch sử và để tái tạo thế giới trong tương lai. Đồng thời còn vạch cho chúng ta đường lối của Ngài để chúng ta biết phải chuẩn bị như thế nào cho xứng hợp. Isaia với sứ vụ ngôn sứ, đã an ủi dân chúng và loan báo cho họ về thời cứu rỗi do lòng thương xót của Thiên Chúa đang đến gần. Chúa sẵn sàng tha thứ cho dân, mặc dù trong quá khứ họ đã cứng đầu cứng cổ phản bội Thiên Chúa và bất trung với Giao Ước. Nay dân hối hận và đã đáp lại lời mời gọi của Isaia để sám hối, thanh luyện tâm hồn và quay trở về với Thiên Chúa. Thánh Phêrô trong bài đọc II thì an ủi dân để họ trung thành chờ Chúa đến. Ngài cũng cho họ biết rằng: Chúa đến là điều chắc chắn, nhưng lại không biết ngày nào, giờ nào, nên phải tỉnh thức: “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3,14).

Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô cho thấy, Đấng mà các tiên tri loan báo chính là Đức Giêsu, Ngài chính là Mêsia, sẽ đến để cứu thoát dân Ngài, tuy nhiên, cần phải chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để được ơn cứu độ do Ngài mang lại. Chuẩn bị để đón Đức Chúa thì cần phải: sám hối, thú tội, chịu phép rửa và được ơn tha tội. Hai yếu tố đầu nhấn mạnh sự thanh tẩy khỏi tội lỗi; hai yếu tố sau nhấn mạnh sự giao hòa với Thiên Chúa.

Quả thật, trong lịch sử nhân loại, hỏi có biến cố nào quan trọng hơn việc Thiên Chúa đến và ở giữa chúng ta? Do đó, những thông tin về việc Ngài đến khởi đi từ lời ngôn sứ Isaia: “Có tiếng hô trong sa mạc: Hãy mở một con đường cho Đức Chúa” (Is 40,3) là một lời mời gọi nghiêm túc, long trọng và khẩn thiết. Vì Thiên Chúa chính là trung tâm của lịch sử nhân loại, toàn bộ Cựu Ước cốt để chuẩn bị cho nhân loại đón tiếp Người. Sau khi được chuẩn bị bằng cả chiều dài lịch sử, đến Gioan Tiền Hô kêu mời chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn mình bằng thái độ thống hối ăn năn. Chúng ta phải hoán cải, phải đổi mới ngay từ bây giờ. Hãy làm lành lánh dữ. Những tội ác đã phạm, những việc làm xấu xa phải từ bỏ. Đồng thời những việc thiện, việc tốt phải thi hành ngay. Dọn đường nghĩa là gì thì ai cũng hiểu nhưng bắt tay vào hành động thì chưa hẳn ai cũng thực hiện được. Việc xét mình, kiểm điểm đời sống và cách suy nghĩ, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn đó là mục đích mà thông điệp của Gioan Tiền Hô hướng tới. Như vậy, bằng việc kêu gọi dân chuẩn bị, bằng trang phục và cách ăn uống của mình, và bằng lời rao giảng minh nhiên của mình, ông Gioan đã cho ta thấy Đấng đang đến là ai. Đó là chính Đức Chúa, Đấng mà Gioan thừa nhận: “tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8).

Trong Mùa Vọng, chúng ta chuẩn bị để đón chính Đức Chúa đến viếng thăm dân Người. Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa; nơi Ngài, chính Thiên Chúa đang đến và đón nhận tất cả nhân loại vào trong sự sống thần linh của Ngài. Chúng ta được mời gọi tin vào sự trung tín của Thiên Chúa. Ngài đã hứa là Ngài làm. Do đó, mỗi người chúng ta cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của mình với “Đấng đang đến”, để khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là Đấng đã, đang có mặt trong lịch sử nhân loại. Noi gương thánh Gioan Tiền Hô, trước khi mời gọi người khác sám hối và đổi mới thì chính thánh nhân đã là người làm điều đó. “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1,6). Lối sống, cách trang phục và ăn uống này chứng tỏ ông Gioan chỉ sống cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Như vậy, chúng ta muốn trở thành vai trò tiền hô cho người khác thì cần phải có tinh thần của Gioan Tiên Hô. Đặc biệt trong thế giới hôm nay, việc trở thành vai trò tiền hô cho người khác là cần thiết hơn bao giờ hết. Và để làm điều này chúng ta phải: “san bằng hố sâu của lạnh lùng thờ ơ và san phẳng đồi cao của kiêu ngạo tự mãn, thay vào đó là sự quan tâm yêu thương, tha thứ; đó là nhận ra sai lầm tội lỗi của mình và xin được tha thứ; đó là thắp sáng lại hy vọng cho những cảnh đời tăm tối với niềm tin Nước Chúa đang được xây dựng từng ngày[1].

Trong phim tài liệu “Chuyện Tử Tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ, chỉ vì đi tìm lời giải cho một xã hội Việt Nam đang cạn kiệt sự tử tế, mà phim làm từ năm 1985, bị kiểm duyệt đắn đo đến hai năm, đến 1987 mới được công chiếu. Trong đó, một vị cao niên đã giải thích về tử tế rằng “Tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. “Tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé. Như vậy, với việc tử tế trong đời sống đức tin, chúng ta sẽ thực sự đang đóng vai trò là tiền hô cho người khác vậy.

Thánh Máccô viết sách Tin Mừng cho các tín hữu thời đại ngài, nhưng cũng là cho các tín hữu mọi thời, tức là cho mọi người chúng ta. Sự kiện Chúa đến lần thứ nhất thì đã rõ. Nhưng việc Chúa sẽ đến trong lần quang lâm là một thực tại chắc chắn, nhưng đồng thời đó cũng là một thực tại sẽ xảy đến hoàn toàn bất ngờ, vượt ra bên ngoài những dự đoán hay hiểu biết chính xác của chúng ta. Và do đó, chúng ta có thể và cần phải đối diện với những biến động trong tư thế của những con người mang nơi mình niềm hy vọng vĩ đại để chào đón Chúa trong vinh quang. Amen.

[1] ĐTC Phanxicô, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-12/dtc-phanxico-tinh-thuc-that-su-doi-hoi-hoan-cai.html

Bài trướcĐTC Phanxicô bổ nhiệm Tân Giám Mục Norbert Hans Christoph Foerster, SVD
Bài tiếp theoQUÝ THẦY GIA NHẬP TẬP KỲ II NIÊN KHÓA 2020-2021