PAPUA NEW GUINEA: Vùng Nước Sâu Có Nhiều Cá

0
329

Thầy Giuse Hoàng Gia Thẩm Phán, OTP tại PNG

Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4). Đó là lời của Đức Giêsu truyền cho các Tông đồ.

Dẫu biết rằng, chỗ nước sâu có nhiều hiểm nguy nhưng vượt trên sự hiểm nguy đó lại là sự hiệu quả của việc đánh bắt. Vùng truyền giáo Papua New Guinea (PNG) – quốc đảo tại Úc châu cũng giống như chốn nước sâu. Có nhiều hiểm nguy của bệnh tật, hiểm nguy của đặc tính bộ lạc, của núi rừng hiểm trở (đất nước 80% là đồi núi). Thế nhưng, vượt trên những sự hiểm nguy đó lại là mẻ cá lớn. Có biết bao bộ lạc ở Papua New Guinea đang cần ánh sáng Tin Mừng soi chiếu. Họ như những nhóm người đang ngồi trong bóng tối của nhiều hủ tục, của những niềm tin không có hy vọng. Hơn bao giờ hết họ cần người dẫn đường để đi đến với một niềm tin có hy vọng. Và từ niềm tin có hy vọng, lớn lên thành một đức tin sống động. Các nhà thừa sai là những người vâng lệnh vị Thầy Giêsu và theo bước các tông đồ để làm điều đó.

Đến với đất nước Papua New Guinea chúng ta sẽ thấy được các nhà thừa sai từ khắp các quốc gia trên thế giới hội tụ về (trong đó có các nhà thừa sai Việt Nam) và cùng làm một công việc duy nhất là đem Tin Mừng đến với người dân nơi đây. Người dân nơi đây luôn biết ơn các nhà thừa sai. Đối với họ, các nhà thừa sai là người cứu sống họ và giúp họ phát triển về đức tin cũng như đời sống. Tại đất nước PNG, nơi nào các nhà thừa sai đặt chân đến thì đồng nghĩa nơi đó có ba công trình mọc lên đó là nhà thờ, trường học và bệnh xá. Đây cũng là việc làm trong hành trình rao giảng của vị Thầy Giêsu ngày xưa “Đức Giêsu đi đến đâu Ngài giảng dạy, chữa lành và củng cố đức tin cho họ” (x. Cv 10,34-38).

Tại PNG, Dòng Ngôi Lời là hội dòng đầu tiên gửi các nhà thừa sai mang hạt giống Tin Mừng đến với vùng đất liền vào năm 1896. (Năm nay, dòng Ngôi Lời tại quốc đảo thổ dân đã khai mạc năm thánh nhằm kỷ niệm 125 hiện diện 1896 – 2021). Vì đất nước hoang sơ nên những bước đầu truyền giáo rất phức tạp và khó khăn. Đã không ít các nhà truyền giáo nằm xuống vì bệnh tật nhưng với tinh thần truyền giáo, hội dòng đã không ngại gửi các nhà truyền giáo tới đất nước này.

Hơn bao giờ hết, tinh thần truyền giáo là đi tới những vùng khó khăn, nơi mà chưa một ai có thể dám tới. Các nhà thừa sai tại đất nước thổ dân này đã không ngại nguy hiểm và không ngại bệnh tật, không ngại vượt hàng mấy chục kilômét đường rừng núi, sông nước để đi tìm những bộ lạc nằm sâu trong rừng nhằm đem Tin Mừng đến với họ.

Kỷ niệm 145 năm thành lập Dòng Ngôi Lời (1875 – 2020)

VÀI NÉT VỀ DÒNG NGÔI LỜI (SVD)

Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời được xem như đứa con tinh thần của chương đầu Tin Mừng theo thánh Gioan. Tình duyên này được khởi đi từ việc gia đình của cha Arnold Janssen (đấng sáng lập hội dòng Ngôi Lời) sau mỗi giờ kinh tối kết thúc thì đều đọc chương đầu của Tin Mừng theo thánh Gioan. Và Ngôi Lời đã cư ngụ trong gia đình thánh này. Ngôi Lời cũng đã “hạ sinh” nơi tâm trí của  người con mang tên Arnold Janssen. Sau này Arnold Janssen trở thành linh mục và đã khai sinh ra hội dòng mang tên Dòng Truyền giáo Ngôi Lời vào năm 1875.

Dòng Truyền giáo Ngôi Lời đã sinh ra trong hoàn cảnh mà lúc bấy giờ xã hội nước Đức không mấy mến mộ Đạo Công giáo nên đã không chấp nhận sự hiện diện của Dòng Truyền giáo Ngôi Lời. Thế nên, cha Arnold Janssen đã đi sang một ngôi làng mang tên Steyl thuộc nước láng giềng Hà Lan để thành lập hội dòng. Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời được cha Arnold Janssen khởi đầu tại một ngôi nhà hoang đã được ngài mua lại và sửa chữa để trở nên ngôi nhà mang tên Dòng Truyền giáo Ngôi Lời. Với linh đạo Chúa Ba Ngôi và nhằm mục đích là gửi các nhà thừa sai đi truyền giáo. Hiện nay Dòng Truyền giáo Ngôi Lời có hơn 6.000 thành viên và đã có mặt tại hơn 84 quốc gia trên thế giới.

Năm 2020, Dòng Ngôi Lời tròn 145 năm hiện diện trên thế giới như lời của Bề trên Tổng quyền của dòng chia sẻ “145 năm trước, Ngôi Lời trở nên người phàm một lần nữa”. Ngài cũng nói thêm “145 năm hiện diện tuy chưa dài nhưng cũng không ngắn, hội dòng còn trẻ nghĩa là còn sức mạnh”.

Xin cầu nguyện nhiều cho Dòng Truyền giáo Ngôi Lời luôn vững mạnh trong sứ vụ truyền giáo và ngày càng có nhiều bạn trẻ dấn thân, không ngại gian khó, không ngại khác biệt văn hoá, ngôn ngữ để ra đi mang hạt giống Tin Mừng đến cho nhân loại như lời cha Arnold Janssen, đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời nói: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”.

Nguồn: CGvDT (cgvdt.vn) với hiệu đính sau của Truyền Thông Ngôi Lời Việt Nam (ngoiloivn.net)

Bài trướcGiới Thiệu Sách “5 Phút Của Chúa Thánh Thần”
Bài tiếp theoThánh lễ Ngày thế giới người nghèo: tuân thủ luật lệ thôi thì chưa đủ