NIỀM VUI SỨ VỤ

0
558

Lm. Giacôbê Trì Văn Pháp, SVD

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Is 61,1-2a.10-11; 1 Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

NIỀM VUI SỨ VỤ

Niềm vui là điều mà ai cũng muốn có được trong đời sống của mình. Không ai lại thích những cảnh u buồn ảm đạm. Niềm vui thường đến với chúng ta qua những sự việc khác nhau và có những cảm xúc khác nhau. Người có được công việc tốt và ổn định thì vui theo một kiểu của một công nhân. Người nông dân được mùa thì vui mừng theo kiểu của một nông dân. Học sinh thi đỗ vào đại học thì vui theo kiểu của một sinh viên. Người bệnh được khỏe mạnh thì vui theo kiểu của một bệnh nhân… Hôm nay, Chúa Nhật III Mùa Vọng năm B, lời Chúa cho chúng ta thấy niềm vui với những cung bậc và với những sự việc khác nhau trong hành trình đời sống.

  1. Niềm Vui Của Dân Được Tuyển Chọn

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã mở đầu chương 61 bằng một giọng điệu khá hấp dẫn khi giới thiệu cho Dân Người được xức dầu và được sai đi.

Nhiệm vụ của người được sai đi khá rõ ràng: thứ nhất, như một sứ giả: “đem Tin Mừng cho người nghèo”, “báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày” và “công bố năm hồng ân của ĐỨC CHÚA”; thứ hai, như một vị lương y khi “băng bó những tâm hồn đau thương”; thứ ba, như một vị vua hoặc vị quan có uy quyền khi “phóng thích cho những tù nhân”.

Lời giới thiệu cho thấy vai trò của người ngôn sứ và đồng thời phác họa chân dung của Đấng Mêsia. [Chân dung Đấng Mêsia được tìm thấy trong Tin Mừng Luca (4,16-21), khi Đức Giêsu khởi đầu thời kỳ rao giảng của mình. Người đã đọc cho mọi người nghe đoạn sách Isaia (61,1-2a) trong hội đường Nagiarét]. Đây chính là niềm khát mong của dân Ítraen. Dân đang trong cảnh cùng cực, lầm than. Hôm nay, đã nhận tin vui qua lời công bố của vị ngôn sứ.

Đứng trước những ân huệ được giải thoát. Niềm hân hoan dâng trào. Lòng thốt lên lời cảm tạ tri ân. “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh…”. Đây như là lời tạ ơn của dân thành đô Giêrusalem khi nghe lời sấm của ngôn sứ về vận mạng của mình, cũng có thể từ “tôi” được hiểu như là tác giả đại diện cho hay cùng với toàn dân Ítraen dâng lời tri ân Thiên Chúa.[1]

  1. Niềm Vui Của Gioan Tẩy Giả

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hai phân đoạn rõ ràng: đoạn 1: Ga 1, 6-8; đoạn 2: Ga 1, 19-28. Mỗi đoạn cho chúng ta khám phá những điều thú vị về vai trò của Gioan Tẩy Giả. “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Lời giới thiệu ngắn gọn, rõ ràng và đầy đủ: người sai đi và người được sai và sứ vụ cho người được sai. Lời giới thiệu rất khác thường, mang nét độc đáo mà chúng ta không tìm thấy ở nơi khác trong các bản văn Kinh Thánh.

Ngay câu đầu, ta đã nhận ra điều đó: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” Lời giới thiệu mang nét mới mẻ, làm cho người đọc có cảm giác tò mò, nếu chúng ta đọc chậm câu này. Lời giới thiệu như muốn dành cho Gioan một sự ưu tiên nào đó, mà không ai có được. Hai câu tiếp theo, ta nhận ra sự cấp bách của sứ vụ mà Gioan cần thực thi, khi tác giả lặp đi lặp lại 3 lần từ “làm chứng” và tầm quan trọng của “đối tượng” được làm chứng đó là “ánh sáng” cũng được lặp lại 3 lần. Sự cấp bách ấy không nhằm mục đích gì khác ngoài việc “để mọi người nhờ ông mà tin.” Như thế thì Gioan đã làm gì? Ông có vui vẻ thi hành sứ vụ của mình không? Ông có đón nhận sứ vụ đó như là ân ban, một niềm vui, niềm hạnh phúc không? Để rõ điều này, chúng ta bước qua phân đoạn hai.

Phân đoạn hai là cuộc đối thoại giữa Gioan, các tư tế và mấy thầy Lêvi. Qua cuộc đối thoại này, Gioan đã nói gì? Gioan đã khẳng định về chính mình: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để ĐỨC CHÚA đi”. Câu này nói lên sứ mạng của Gioan. Ông không phải là Đấng Cứu Thế hay Êlia hay là ngôn sứ, mà chỉ là tiền hô của Đấng Mêsia.[2] Ông không tỏ ra mình là người quan trọng, không tìm cho mình địa vị trong xã hội. Ông đã nói đúng vai trò của mình, với nhiệm vụ là chỉnh đốn và chuẩn bị cho Chúa một con đường thẳng để Người đi. Gioan nói gì về Đấng đang ở giữa dân: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27). Ông nhận biết một người đang ở giữa dân rất cao trọng, mà ông không xứng đáng để cởi quai dép cho Người. Đây chính là “ánh sáng”, là Đức Kitô mà Gioan làm chứng trong sứ vụ của mình. Nếu đọc tiếp bản văn, chúng ta sẽ hiểu rõ vấn đề khi Gioan giới thiệu về Đức Giêsu cho những người theo ông. “Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,29-30).

Quả thật, Gioan là một người khiêm nhường. Ông không hổ thẹn khi nhận mình “không đáng cởi quai dép cho Người”. Ông vui mừng hãnh diện trong vai trò là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông hân hoan nhận biết Đức Giêsu là “ánh sáng” đang ở giữa đám đông và ông là chứng nhân cho ánh sáng đó và vui mừng trong trách nhiệm chỉ cho người ta thấy ánh sáng là Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, là Đấng Mêsia mà muôn dân mong đợi.

  1. Niềm Vui Của Người Kitô Hữu

Câu chuyện về anh thu rác, tên George Cummings, thuộc thành phố Dallas, bang Texas, đã được những người trong khu phố tuyên dương công trạng. Người trong khu phố đã viết thư gởi lên ông Jack Davis, giám đốc sở vệ sinh thành phố, để ca ngợi tính vui vẻ, lịch sự và thân thiện của anh George Cummings. Họ nói rằng, “Chúng tôi, những người sống trong khu phố này biết anh là một Kitô hữu chân thành, một công dân yêu nước và một người bạn chân thật.” Họ nhớ lại những lần anh Cummings đã giúp họ mua hoa khi có người trong xóm qua đời. Có lần anh nhặt được chiếc đồng hồ và anh đã đi hỏi từng nhà để tìm chủ nhân của chiếc đồng hồ để anh trao lại cho họ. Khi thấy có những vật còn tốt, anh thường kiểm lại với chủ xem có phải họ đã vì lầm lẫn bỏ đi… Giám đốc Davis đã gởi thư cho anh Cummings và nói: “Chúng tôi tin rằng người ta đạt được địa vị quan trọng ở mọi lãnh vực của cuộc sống, bất kể trong trách nhiệm hay nghề nghiệp nào. Việc làm của anh đã nói lên điều chúng tôi tin tưởng là đúng.” (Sưu tầm)

Có lẽ chúng ta có nhiều niềm vui. Niềm vui vì được nhận biết Thiên Chúa. Niềm vui vì được làm con của Người. Thế nhưng, một niềm vui không thể thiếu là làm chứng cho Chúa qua sứ vụ của mình một cách khiêm nhường. Như Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng đã làm tròn bổn phận của mình cách khiêm nhường. George Cummings trong câu chuyện cũng đã nhận ra vai trò và nhiệm vụ của anh là một nhân viên thu rác thành phố. Anh đã tận tình và vui vẻ phục vụ trong bổn phận. Để làm được điều đó, chúng ta hãy thực hiện như lời thánh Phaolô Tông Đồ giáo đoàn Thêxalônica: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa”… “Ðừng dập tắt Thánh Thần”, mà hãy để lửa của Thánh Thần luôn bừng cháy trong chúng ta.

[1] x. Kinh Thánh, ấn bản, 2011, nhóm CGKPV chuyển ngữ và chú thích, nxb: Tôn Giáo, nxb: 2019, tr.1652.

[2] x. sđd., tr. 2353.

Bài trướcCó ai mà không chờ không đợi?
Bài tiếp theoCỘNG ĐOÀN TRIẾT TĨNH TÂM MÙA VỌNG: DẤU CHỈ THỜI ĐẠI