Có ai mà không chờ không đợi?

0
462

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Chờ Người nên đời tôi đổi thay?

Chúc nhau có “một thời gian lắng đọng” (eine besinnliche Zeit) là một lời ưa được dùng bên Đức cho mùa Vọng và Giáng sinh. Trong thực tế ít ai có giờ cho việc suy tư chiêm nghiệm trước đại lễ. Hỏi có mấy ai tự hỏi mình chờ đợi gì nơi Đấng-đang-đến? Những lo toan của cuộc sống hàng ngày dành hết chỗ, tiêu hao hết sức lực. Không gian sống chật hẹp và ồn ào không dứt (như trong các nhà trọ) cũng chẳng khích lệ việc làm này. Chút thì giờ rảnh được dành cho việc chăm sóc mạng xã hội, cho việc giải trí bằng phim Hàn, games, shows, chít chat…

Thời gian để lắng đọng là một xa xỉ – cả với bậc tu trì. Bên cạnh những điều kiện bên ngoài không thuận tiện, thì cũng cần ghi nhận một thực tế: dù được đào luyện nhiều năm nhưng việc “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) luôn là một việc khó nhọc được nhiều tu sĩ tìm cách tránh né. Tất nhiên, mọi nghi lễ của mùa phụng vụ được thực hiện đúng y như được ấn định bằng màu mực đỏ. Người mình coi trọng công việc này. Và họ sẵn sàng đầu tư nhiều giờ và không ngại chi phí cho việc làm hang đá. Ít là cũng có được những hậu trường hoành tráng và ấn tượng để chụp hình. Không có giờ để chiêm nghiệm thì ít nhất có thêm một mớ hình để lưu lại và để so sánh.

Mặt khác, mầu nhiệm nhập thể yêu cầu tôi tìm một thời gian lắng đọng. Được vậy thì mới có thể khám phá ra điều gì lòng tôi thực sự khát khao. Tất nhiên, tôi phải thừa nhận và vượt qua nỗi sợ thinh lặng, vì đó là điều kiện tiên quyết cho chiêm nghiệm. Sợ thinh lặng thì khó có thể một mình – là điều Đức Giêsu luôn tìm đến sau khi xuất hiện trước đám đông. Thực tế là không còn lối đi nào khác hơn là tìm vào “sa mạc”, khi tôi muốn đặt những câu hỏi giúp đổi đời.

Thinh lặng thường được hiểu như là thời gian không làm gì, và vì thế được cảm nhận như thời gian vô dụng. Nhìn vậy, ý nghĩa không được khám phá, khoảng riêng tư trong thinh lặng không được yêu mến và tìm kiếm. Tránh né thời gian tĩnh lặng để nhận ra mình, thì ánh sáng đa sắc phủ khắp đường khắp lối trong mùa này không chạm đến được phần tối trong tâm hồn. Các hang đá to lớn cũng không là gợi ý thúc giục việc suy nghiệm sâu xa hơn về Chúa, về mình.

Cũng chính vì thế mà nhận định của Hermann Hesse[1] là một lời đáng suy ở đây. Ông nói:

Giáng Sinh của chúng ta, ngoài một số ít những người thực sự ngoan đạo, đã từ lâu chỉ còn là một tình cảm ủy mị. Trong một số trường hợp thì mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn: là đối tượng quảng cáo, là cơ sở cho các kinh doanh gian lận, là mảnh đất được chuộng nhất cho các sản phẩm nghệ thuật sến súa. Đó là vì điều này: Đêm Giáng sinh và lễ của Tình yêu và của Tuổi thơ[2] từ lâu đã không còn là một biểu hiện của một tình cảm đối với tất cả chúng ta. Trái lại, nó từ lâu đã chỉ là sự thay thế và bắt chước một cảm xúc. Mỗi năm một lần chúng ta giả vờ rằng chúng ta rất coi trọng những tình cảm đẹp đẽ, như thể chúng ta rất sẵn sàng chịu trả giá đắt để mừng một lễ của tâm hồn mình.

Đúng là sự xúc động nhất thời vì vẻ đẹp thực sự của những cảm xúc đó có thể rất thật; nó càng  thật và đầy xúc động thì nó càng là tình cảm ướt át. Tình cảm ủy mị này là hành vi điển hình của chúng ta xung quanh Đêm Giáng sinh và cho dăm ba dịp bên ngoài khác, nơi những tàn dư của lối sống Kitô còn can thiệp vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. (…) Bởi vì tình cảm ướt át là việc tự-làm-cho-sảng-khoái nhờ các cảm xúc, những gì người ta thực ra không coi trọng đủ để luôn tìm cách biến chúng thành hành động.[3]

Tình cảm ướt át là những rung động nhất thời, nhưng không là động lực đổi đời vì không đến từ đáy lòng. Thứ cảm xúc đầy nước mắt này được kích thích và nuôi nấng trong đám đông và lễ hội; nó dễ bị lợi dụng như phương tiện thao tác con-người-tập-thể chứ không giúp biến đổi đời người tận căn.

Chờ Người tôi trông đợi

Đợi chờ là nội dung của mùa vọng. Tiếng La-tinh gọi là Adventus, “Đến nơi”, và được dịch sang tiếng Hán-Việt là “Vọng” – là chờ đợi. Theo đó, thời gian chuẩn bị lễ Giáng Sinh được nhìn từ quan điểm của con người. Chúng ta chờ đợi vì có ai đó sẽ đến, đang đến. Mà đúng, có ai đến thì mới đợi mới chờ; nếu không thì đó là một việc làm vô vọng. Nói vậy, chờ đợi hy vọng đi chung với nhau, tay trong tay. Chúa đến – và thái độ đáp trả của con người là chờ đợi. Mùa vọng là thời gian sống niềm hy vọng của chúng ta, những con người đợi chờ Chúa đến.

Trong cách nhìn của người Kitô hữu thì mùa vọng là hình ảnh chủ đạo của niềm tin. Chờ đợi và hy vọng là “nội dung của thời gian” đặc biệt này và cũng là “nội dung của lịch sử”[4]. Chứ có ai không biết chờ biết đợi? Con người là kẻ chờ đợi trong suốt đời mình. Hài nhi chờ bước vào thế giới; con nít chờ mong trở thành người lớn; còn người lớn chờ mong thành đạt, mong tiến thân, có gia đình riêng và con có cháu; người già khát khao mơ ước được thời gian bình yên, không bệnh tật nhiều để ít lệ thuộc.

Nhân loại không ngừng mong đợi một tương lai tốt lành hơn. Người Kitô hữu hi vọng rằng “Nước Cha trị đến”. Họ hy vọng vào ngày “Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon.” Là ngày sự chết bị tiêu diệt và Thiên Chúa “sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt” (Is 25,6tt).

Ai phải chịu bệnh tật thì cảm nhận rõ ràng nhất sự chờ đợi và niềm hi vọng. Mong ước được mạnh khỏe nên ghi nhận tỉ mỉ mọi chuyển biến nơi bệnh nhân từng ngày từng giờ. Hy vọng được nuôi bằng những dấu hiệu thay đổi tích cực, dù là những việc thật bình thường như những nhịp thở đều. Còn những người buộc phải chờ đợi, mà không biết đến bao giờ hiện trạng không thỏa mãn được thay đổi, thì như phải chịu những cực hình. Các giây phút hiện tại trôi qua vô nghĩa và được cảm nhận dài như vô tận. Phải chờ như vậy làm cho “ngày xanh mòn mỏi má hồng tiêu hao” (Truyện Kiều).

Các dụ ngôn được Chúa Giêsu kể nhắc nhở đến thái độ sống cần có của những người đợi chờ: như các đầy tớ tỉnh táo chờ chủ về, như người người quản lý trung thành, như các cô trinh nữ khôn đi đón chàng rể, như hạt giống được gieo. Thời gian chờ đợi không để “giết” cho qua nhanh, mà để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đấng đang đến.

Phải có gì đó nhiều hơn là tất cả!

Khát khao được giải nghĩa trong tiếng Đức như là sự “đòi hỏi cháy bỏng và đau đớn“. Cảm xúc thèm khát nhớ nhung mãnh liệt này hẳn được biết đến nhiều nhất trên bình diện cá nhân. Hai người yêu nhau mà phải xa nhau thì mòn mỏi mong ước được gặp lại; đợi chờ nhau trong yêu thương họ khao khát được nhìn thấy nhau. Các Thánh vịnh ví sự khao khát Thiên Chúa của linh hồn như mảnh đất hoang khô cằn mòn mỏi chờ những giọt nước (Tv 63,2); hay như người “lính canh mong đợi hừng đông” (Tv 130,5-6).

Khao khát hạnh phúc là kinh nghiệm gần gũi khác. Những “cơn say” nông cạn hời hợt không làm thỏa mãn, vì con người mơ ước một sự mãnh liệt, toàn vẹn và đầy tràn hơn. Điều này được đạt tùy mức độ hòa hợp với chính mình, vào sự bình an bên trong và bên ngoài chúng ta. Từ nơi đó tỏa lan một niềm khao khát được mở rộng và tràn lan đến khắp nơi cho mọi người. Hạnh phúc là điều được cảm nhận thông thường trong những khoảnh khắc chóng qua. Nhưng chính những phút chốc đó, khi hạnh phúc được cảm nếm sâu đậm, có khả năng đánh thức và gia tăng “lòng muốn” trong ta. Những chút đó không thể thỏa đáp trọn vẹn, mà thúc đẩy chúng ta kiếm tìm hạnh phúc to lớn hơn. “Phải có chi đó nhiều hơn là tất cả” là cách Dorothee Sölle[5] mô tả khéo léo và chính xác cho niềm khao khát này.

Mong muốn đáp ứng được cái “nhiều hơn là tất cả” khiến chúng ta dễ sẵn sàng đón nhận các mời mọc và đề nghị khác nhau. Cứ quan sát các liệu pháp tâm lý, tâm linh, thể lý đông tây, cũng như các thực phẩm chức năng mà thị trường phơi bày thì rõ. Nói trong bối cảnh của chúng ta thì nghe như vậy: vì cái “Hồn đói” con người ta sẵn sàng “ăn” tất cả những gì có thể. Chính vì vậy Mùa Vọng đặt câu hỏi: Những gì “ăn” được có thực sự thỏa mãn “cái đói” của hồn – tức là “đói Chúa” hay không? Sự thật là các thực phẩm chức năng, các đặc sản không thay thế cho thức ăn thật mà tâm hồn con người cần để sống thật!

Con người luôn khao khát nhiều hơn là sự thỏa đáp có thể tìm thấy. Điều được chờ đợi là sự toàn vẹn và sự cứu rỗi, không chỉ cho bản thân mình. Không bao giờ có được sự thỏa mãn trọn vẹn, nên người được cho là “có đầy đủ” vẫn biết đến cảm giác “thiếu cái gì đó”.

Trong sự khao khát Thiên Chúa luôn có điều gì đó không thể nắm bắt, kiểm soát được. Có chút gì vẫn còn được chờ đợi, chưa xong, chưa trọn vẹn. Thỏa mãn luôn là thỏa mãn trong chốc lát. Viên mãn lâu bền là tình trạng chỉ tồn tại trong mơ, trên báo chí. Nơi nào một điều gì đó khác hơn được hứa hẹn, ở đó có nguy cơ tự dối hay bị lừa đảo. Phải sống trong tình trạng căng thẳng kéo dài đó, con người dễ rơi vào cám dỗ muốn tự cứu mình, qua việc lấy các thành tích làm chuẩn cho độ thỏa mãn các khát khao trong mình. Ảo tưởng “nhiều thành tích, nhiều hạnh phúc” là nguyên nhân cho “căn bệnh thành tích” chúng ta rất quen.

Mùa Vọng nhắc: con người không thể có sự ăn chắc như đinh đóng cột, mà phải sống như các cô trinh nữ trong dụ ngôn. Họ chỉ có chút dầu thắp sáng cho một đoạn đường. Nghi ngờ, chán nản, mệt mỏi muốn buông bỏ là những bạn đường không thể thiếu. Chờ đợi như họ nói rằng: không thể tính toán tương lai như làm một bài toán cộng đơn giản. Chú rể hành động không như các cô mơ ước hay tiên đoán trước đó. Có nhiều điều khác nằm ngoài khả năng định đoạt, chọn lựa và chuẩn bị của họ. Đi con đường của họ là sống trong chờ đợi hy vọng.

Giúp biết quý giá từng giây phút của hiện tại qua việc khám phá ra ý nghĩa được giấu trong đó là nhiệm vụ của Mùa Vọng. Chút ánh sáng được nhận ra trong phút này khơi gợi nỗi thèm khát nguồn sáng còn chờ được khai quật; và đó cũng là sức mạnh vô hình thúc đẩy và nuôi dưỡng sự đợi chờ. Nói về tương lai mà chối bỏ hiện tại, vì không mang cho sự thỏa mãn và không nhìn thấy ý nghĩa cho tương lai trong đó, thì giống như xây nhà trên cát. ▄

[1] Nhà văn được giải Nobel người Đức.

[2] Là một cách gọi cho Lễ Giáng Sinh ở phương Tây.

[3] Hermann Hesse, Weihnacht, in: Sämtliche Werke, Bd. XV, Frankfurt 2004.

[4] Josef Ratzinger (Benedikt XVI), Der Segen der Weihnacht, Meditationen, Freiburg 2006.

[5] Dorothee Sölle (1929-2003) là một nhà thần học và nhà thơ Tin lành người Đức.

Bài trướcAI TÍN
Bài tiếp theoNIỀM VUI SỨ VỤ