Hạ sinh hay “bị quẳng ném”?

0
910

Thầy Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Giữa niềm hân hoan mừng Con Thiên Chúa “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), nghĩa là hiện hữu trên cõi đời này trong thân phận con người, chúng ta có quyền vui sướng, hoà vang những bài Thánh ca để cảm tạ Thiên Chúa, hay có thể cùng họp nhau để chung chia niềm vui ấy. Thế nhưng, thiết nghĩ, song hành với những niềm vui ngày Đại Lễ, chúng ta cũng được mời gọi để nhìn về sự hiện diện của chính mình trong cõi đời này ngang qua sự hạ sinh của Con Thiên Chúa.

Thế kỷ XX, nền Triết học Tây phương đón nhận những suy tư của một triết gia đã tạo nên không ít tiếng vang. Martin Heidegger (1889 – 1976) đã có những cái nhìn hết sức mới mẻ trong nhiều lãnh vực, cách riêng về sự hiện diện của con người, ông đã có một cái nhìn mang đậm nét hiện sinh:“Con người bị quẳng ném vào thế giới”[1]. Một cái nhìn có vẻ “tiêu cực” nhưng đã được không ít người đón nhận vì họ dường như “đồng cảm” với cái nhìn ấy.

Đối lại với suy tư của thầy mình, một học trò của ông là Hannah Arendt (1906 – 1975) đã có một nhận định tươi sáng hơn nhiều, với Hannah Arendt sự hiện diện con người là một sự hạ sinh (natality) vào thế giới. Arendt khẳng định khởi điểm sự hiện hữu của con người cần được xác định bằng sự sinh hạ: con người sinh vào trong thế giới. Đó là sự ra đời về mặt sinh học. Dĩ nhiên, sự sinh hạ không chỉ dừng lại ở đó mà thôi nhưng Arendt còn hướng con người đến sự sinh hạ lần nữa. Con người luôn ở trong một tiến trình trở thành (becoming), mà sự sinh hạ chính là điểm khởi của tiến trình này. Nó đòi hỏi và thúc bách con người thực hiện cuộc hành trình “đi vào” trong thế giới cho tới khi đạt đến sự sinh hạ lần nữa nhờ hành động[2].

Một vài gợi mở, từ khóe nhìn của triết học như vậy, thiết nghĩ, không gì khác hơn là dẫn chúng ta vào một cuộc chất vấn chính mình: Chúng ta sinh vào đời là bị quẳng ném hay là một sự sinh hạ?

Ắt hẳn, nhiều người sẽ đồng ý với ý tưởng đó là một cuộc sinh hạ, bởi lẽ, được sinh ra trong cõi đời này là một ân huệ, một món quà. Điều đó không ai phải bàn cãi nhiều khi nhìn vào những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đã lãnh nhận ngang qua sự hiện hữu này. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng không ít người nhìn vào sự hiện hữu đó thật tiêu cực, chẳng khác gì bị quẳng ném: sinh ra trong hoàn cảnh gia đình cơ hàn, lộn xộn, chật vật mưu sinh hay muôn điều oái oăm cứ phủ lấy từ thuở bé… để rồi không ít người đã phải thốt lên với Thượng Đế hay với chính những bậc sinh thành của mình: “Tại sao lại sinh ra tôi trên cõi đời này?” Với một lối nhìn như vậy, liệu rằng, những con người ấy có thể hân hoan sống hiện hữu với niềm vui và lòng biết ơn được chăng?

Còn với chúng ta thì sao? Ắt hẳn, với cái nhìn đức tin, hơn hết chúng ta phải xác quyết được món quà lớn lao mà chúng ta đã được lãnh nhận, món quà sự sống được trao ban từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa sáng tạo. Chỉ khi xác quyết như vậy, chúng ta mới xác định được tâm tình sống mà chúng ta phải mang lấy, đó là tâm tình tạ ơn. Nhờ đó, chúng ta sẽ sống với tâm thế của một con người được hạ sinh để đón nhận những điều Thiên Chúa ban tặng.

Thế nhưng, điều đáng nói là, dẫu ý thức được cuộc hạ sinh của mình nhưng dường như chúng ta lại đang sống như một người bị quẳng ném vào cuộc đời: chúng ta sống vật vờ, vô ơn, chúng ta không cảm nếm được niềm vui mình đang có, trái lại, những buồn phiền hay đau khổ trong cuộc đời, làm ta tưởng mình bị Đấng tạo hoá quẳng ném. Điều đó thật đáng phải lưu tâm xiết bao.

Những lúc đó, chúng ta được mời gọi nhìn vào Hài Nhi Giêsu nơi hang đá đơn sơ, Đấng là Thiên Chúa, là Chúa Cả muôn loài đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2,6-8) để thực sự hạ sinh vào cõi đời này với tất cả những gì phát xuất từ ý định Thiên Chúa Cha. Sự hạ sinh ấy không miễn trừ sự cơ bần, nghèo khổ nơi miền quê Nazareth, không miễn trừ những buồn sầu hay những lần phải bật khóc khi chứng kiến những cảnh mất mát, chia xa, cũng không thiếu sự khinh chê, lên án và khổ hình. Đỉnh cao của sự hạ sinh ấy là đón nhận cái chết trên thập giá để nhân loại được “sinh hạ” lần nữa. Đó thực là một cuộc hạ sinh trọn hảo.

Ngài đã nên gương mẫu cho chúng ta để chúng ta phải xác quyết Ngài đã thực sự hạ sinh vào cõi đời và mỗi người chúng ta cũng vậy.

Bạn và tôi chẳng ai bị quẳng ném cả!

Chỉ có chính chúng ta “quẳng ném” cuộc hạ sinh của mình mà thôi…

[1] X. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Tái bản lần thứ 3, Nxb Văn học (2005), tr. 364-368.

[2] https://sjjs.edu.vn/quan-diem-cua-hannah-arendt-ve-giao-duc-trong-tac-pham-crisis-in-education/#_ftnref25

Bài trướcGIÁNG SINH BÊN HIÊN NHÀ CHÍNH VÀ TRONG TÂM HỒN
Bài tiếp theoTALKSHOW/ Gặp gỡ Qúy Cha Ngôi Lời trở về từ vùng rốn lũ