“Chính lòng thương xót loài người của Thượng Đế đã giết chết Thượng Đế”

0
1022

Thầy Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Lòng Thương xót của Thiên Chúa thực là điểm tựa vững chắc trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Đó là điều mà tín hữu mọi nơi vẫn luôn tin tưởng. Vậy mà Friedrich Nietzsche, một triết gia hiện sinh, với câu nói nổi tiếng “Thượng Đế đã chết!” đã mạnh mẽ chỉ ra nguyên nhân dẫn đến cái chết ấy trong tác phẩm nổi tiếng của ông “Zarathustra Đã Nói Như Thế”: “Chính lòng thương xót loài người của Thượng Đế đã giết chết Thượng Đế.”[1] Được sinh ra và hun đúc đức tin trong một gia đình Tin Lành đạo hạnh có lòng yêu mến Chúa từ nhỏ nên ắt hẳn Thượng Đế mà Nietzsche muốn nói ở đây chính là Thiên Chúa của Kitô giáo.

Tại sao Nietzsche lại mạnh mẽ lên án như vậy? Phải chăng là Nietzsche đã hiểu sai về Lòng thương xót của Thiên Chúa? Hay Nietzsche muốn ám chỉ điều gì khác khi thốt lên lời ấy?

Bài viết này không phải một bài nghiên cứu triết học cho bằng muốn mượn luận đề trên của Nietzsche để làm sáng tỏ Lòng thương xót của Thiên Chúa và qua đó, nêu ra một vài lối hiểu không phù hợp về Lòng thương xót Chúa mà con người đang vấp phải.

Nên hiểu sao về Lòng thương xót của Thiên Chúa

Thiết nghĩ, một định nghĩa mang tính lý thuyết sẽ không thuyết phục cho bằng việc diễn tả khái niệm ấy ngang qua những kinh nghiệm, vì lẽ trước Lòng thương xót của Thiên Chúa chắc chẳng có một định nghĩa nào có thể diễn tả trọn vẹn hay “tát cạn” được khái niệm ấy.

Trong Thông điệp mới đây mang tên “Fratelli Tutti”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày Dụ ngôn Người Samari nhân hậu (x. Lc 10,29-37), mở đầu với đoạn dẫn nhập như sau: “Đức Giêsu kể câu chuyện về một người đàn ông bị kẻ cướp đánh và nằm bị thương bên vệ đường. Nhiều người đi ngang qua bên cạnh anh nhưng họ bỏ chạy, họ không dừng lại. Họ không thể dành vài phút để chăm sóc những người bị thương hoặc ít nhất là để tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có một người dừng lại, tới gần anh ta và đích thân chăm sóc anh, thậm chí chi tiền riêng của mình để cung cấp những gì anh cần. Chắc chắn, ông đã có kế hoạch riêng cho ngày hôm đó, nhưng ông đã có thể đặt mọi thứ sang một bên để đến trước người đàn ông bị thương, dù không hề quen biết anh ta, ông coi đó là điều xứng đáng để cống hiến thời gian và sự quan tâm của mình.”[2]

Đó là kinh nghiệm về lòng thương xót của người bị nạn trong dụ ngôn trên: được đoái nhìn đến, được chăm sóc, được nâng lên và được chữa lành… nhờ đôi bàn tay của một người xa lạ. Những cử chỉ ấy phát xuất từ tình yêu mà như Đức Thánh Cha trong Thông điệp đã nhấn mạnh “Tình yêu thì biết xót thương và đầy nhân phẩm”[3].  Khởi đi từ kinh nghiệm ấy, chúng ta được mời gọi nhìn về một kinh nghiệm lòng thương xót lớn lao hơn. Kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa cao sang, quyền uy vô cùng đã “cúi mình xuống để nâng con người lên”, “đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm…đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53, 4-6). Nếu như người Samari nhân hậu đã biểu lộ lòng thương xót ngang qua những cử chỉ giúp đỡ, dành thời gian và cả tiền bạc cho người bị nạn, tức là những thứ ngoài thân, thì vị Thiên Chúa của chúng ta đã biểu lộ lòng thương xót cho nhân loại bằng việc cho đi chính mình hầu con người “được đoái nhìn đến, được chăm sóc, được nâng lên và được chữa lành”.

Về phần chúng ta, mỗi người ít nhiều cũng sẽ có những kinh nghiệm nào đó về lòng thương xót Chúa trên cuộc đời của mình, một kinh nghiệm rất riêng. Nhờ đó, chúng ta sẽ có những cách diễn tả, định nghĩa Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng rất riêng. Quả thế, khi con người bất lực trước nghịch cảnh, khi mà những gì bấy lâu nay mình tự hào hoàn toàn im tiếng… ấy là lúc mà con người hiểu được thế nào là Lòng Thương xót của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha, trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào trưa Chúa Nhật 19/04/2020, đã nhấn mạnh đến lòng thương xót xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Kitô Phục Sinh: “Đó không phải là thái độ duy đạo đức, cũng không phải là thái độ duy trợ giúp, nhưng là sự đồng cảm đến từ trái tim. Lòng thương xót của Chúa đến từ Thánh Tâm của Chúa Kitô Phục Sinh. Nó xuất phát từ vết thương luôn mở ra của Người, mở ra vì chúng ta, những người luôn cần ơn tha thứ và an ủi”.

Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người chính là như vậy, một cách diễn tả về Lòng thương xót thật gần gũi và đầy tính hiện sinh.

Liệu con người có cần đến Lòng thương xót của Thiên Chúa chăng?

Trở lại với Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha đưa ra một thực trạng của ngày hôm nay để tiếp nối dẫn nhập về dụ ngôn ở trên: “Một người bị hành hung trên đường phố và nhiều người bỏ chạy như thể họ không thấy gì cả. Thông thường, có nhiều người lái xe tông vào ai đó rồi bỏ chạy khỏi hiện trường. Điều duy nhất quan trọng đối với họ là tránh các vấn đề; họ không quan tâm rằng một người khác có thể mất mạng vì lỗi mình gây ra”.[4] Nếu một người bị nạn rơi vào hoàn cảnh như vậy thì ắt hẳn họ sẽ có câu trả lời cho câu hỏi trên: “Liệu con người có thể sống mà không cần đến Lòng thương xót của Thiên Chúa chăng?”

Quả vậy, cuộc sống luôn biến chuyển không ngừng, bên cạnh những điều tốt đẹp, cuộc sống vẫn còn đó những điều bất trắc đến từ nhân tai, thiên tai và có thể xảy đến đầy bất ngờ, khiến lắm khi con người chẳng kịp trở tay mà có khi có thời gian trở tay cũng chẳng thể làm được gì khác. Tai nạn giao thông, đột quỵ, sóng thần, động đất… nhất là đại dịch COVID-19 hiện nay là minh chứng sống động cho điều đó. Liệu rằng con người làm được gì đây? Con người sẽ ra sao nếu không có Lòng thương xót của Thiên Chúa? Thật khó để một ai đó có thể quả quyết một điều gì chắc chắn.

Đứng trước vấn nạn đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “Câu trả lời của các Kitô hữu trước những giông bão của cuộc sống và lịch sử chỉ có thể là lòng thương xót: tình yêu thương và lòng trắc ẩn giữa chúng ta và đối với mọi người, đặc biệt những người đau khổ, vất vả mệt nhọc, bị bỏ rơi…”.[5].

Con người luôn khao khát sự sống thần linh và hạnh phúc đích thực trong Đấng là cội nguồn mọi điều thiện hảo (homo capax Dei). Thế nhưng, mang trong trong mình bản tính yếu đuối, con người dần đánh mất mình trong những thực tại trần thế. Con người đã và đang làm mờ đi hình ảnh của Thiên Chúa đã mặc lấy khi được tạo dựng để khoác lên mình những vỏ bọc của những sự thấp hèn thế gian.

Thử hỏi, lấy gì để nâng con người dậy và khôi phục lại nét thiêng liêng nơi hình ảnh con người nếu không phải là cậy nhờ vào Lòng thương xót của Thiên Chúa? Câu trả lời được tìm thấy nơi những dòng chữ mà Nhà thần học Karl Rahner đã viết:“Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa”, để con người trở thành con Thiên Chúa, với món quà tuyệt vời: “Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa…” ( 2Pr 1,4)[6]. Quả thế, Lòng thương xót Chúa là món quà vô giá mà con người được đón nhận từ Thiên Chúa. Vì thế, một điều cần phải xác tín là con người cần đến Lòng thương xót của Chúa, trong mọi giây phút của cuộc đời.

Sau khi đã hiểu về Lòng thương xót Chúa, thiết nghĩ cũng cần trả lại cho triết gia Nietzsche điều mà mọi người đã hiểu lầm từ câu nói của ông: “Chính lòng thương xót loài người của Thượng Đế đã giết chết Thượng Đế”. Thật ra, Nietzsche không lên án Lòng thương xót Chúa, trái lại điều mà ông kịch liệt lên án là những người đã lạm dụng Lòng thương xót của Ngài, đã biến Lòng thương xót của Kitô giáo thành một lý thuyết về sự thương hại lẫn nhau, thậm chí làm cho người đối phương cảm thấy mình thấp kém, hèn yếu và nhu nhược. Qua đó, câu nói trên của Nietzsche không hề nhắm đến chủ ý tiêu cực, trái lại nó càng làm nổi bật thái độ của Nietzsche, một thái độ kính trọng trước Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Vì lẽ đó mà ông không chấp nhận thái độ của những kẻ lạm dụng, những kẻ thiếu lòng trân trọng “món quà vô giá” của Thiên Chúa.

Một vài những lối hiểu không phù hợp

Từ những chất vấn của Nietzsche qua câu nói trên, thiết nghĩ đây cũng là dịp để nhìn lại một vài lối hiểu không phù hợp của con người đối với Lòng thương xót Chúa.

Đầu tiên, đó là “sự phó mặc thái quá”. Thay vì một sự nỗ lực hoán cải, biến đổi đời sống để mỗi ngày một nên thánh thiện hơn, hầu mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình và cho mọi người. Nhiều người Kitô hữu lại sống dựa dẫm, phó mặc thái quá cho Lòng Thương xót của Thiên Chúa với lối suy nghĩ “Lòng thương xót Chúa biết thân phận con yếu đuối mỏng giòn, biết con sa đi ngã lại nhiều lần”. Điều đó chẳng khác nào một sự biện minh vị kỷ. Trước bao nhiêu tội lỗi, sai lầm của mình, con người nại vào Lòng thương xót Chúa để tự “giải án” cho mình. Dẫn đến, con người trở nên ù lì, thụ động và chai lì trong “con người cũ” – con người tội lỗi.

Kế đến, một lối hiểu không phù hợp khác có thể được diễn tả cách ví von như sau: “Lòng thương xót tựa như bàn thắng phút bù giờ”. Một đời cứ sống buông thả trong những đam mê, lạc thú, muốn làm gì cứ làm, đến lúc cuối đời cứ van xin Lòng thương xót Chúa là sẽ được cứu, vì lẽ “Lòng Chúa xót thương chẳng bao giờ từ chối ai kêu cầu Người”. Vậy chẳng khác nào, với Lòng thương xót Chúa, con người đã về đích ngay từ khi sinh ra? Không cần biết suốt hành trình dương thế mình sẽ phải sống như thế nào, cũng chẳng cần phải vất vả gì nhiều cho cuộc lữ hành về Quê Trời, chỉ cần nhớ một điều: “cuối đời kêu cầu Lòng thương xót Chúa là đủ”. Thế nhưng, trớ trêu thay, nào ai biết lúc nào là “ngày cuối đời” của mình. Hậu quả sẽ thật tai hại xiết bao cho phần rỗi linh hồn của những ai để đời sống mình ra như vậy.

Đó là hai trong nhiều những lối hiểu không phù hợp về Lòng thương xót của Chúa. Điều đó cho thấy rằng dường như một sốt ít vẫn chưa hiểu đúng và chưa khám phá ra giá trị đích thực của Lòng Thương xót Chúa. Đâu đó, những lối hiểu như vậy vẫn được truyền tai nhau nơi đời sống của các tín hữu. Thiết nghĩ, điều đó cần được điều chỉnh bằng việc giảng dạy và cắt nghĩa để mỗi người Kitô hữu hiểu đúng ý nghĩa và giá trị của Lòng Thương xót Chúa hầu có thể đón nhận với tất cả niềm yêu mến và tôn kính.

Tạm Kết

Một chút suy tư của người viết nhân dịp Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Lòng Thương xót của Đấng đã chỉ vì tình yêu xót thương nhân loại trong kiếp sống phàm trần và tình cảnh lưu đày tội lụy, đã hiến thân đến mức tuyệt đối làm Hy Lễ Tạ Ơn, hầu con người được ơn cứu độ.

Vì cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô,

xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.

[1] Friedrich Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, Dg: Trần Xuân Kiêm,  Nxb Văn hoá (2008), tr. 475.

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, Dg: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist, Nxb Tôn giáo (2020), tr. 127-128.

[3] Sđd, tr. 127.

[4] Sđd, tr. 129.

[5] X. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/dtc-phanxico-king-lay-nu-vuong-thien-dang-long-thuong-xot.html

[6] X. https://svconggiao.net/2018/12/21/tai-sao-con-thien-chua-xuong-the-lam-nguoi

Bài trướcNgày 9/4 – XIN CHO CON BIẾT NHẬN RA GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA CUỘC SỐNG
Bài tiếp theoNgày 10/4 – CON MUỐN TRỞ THÀNH KHÍ CỤ CỦA CHÚA