LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 12 TN)

0
463

Bài đọc: St 17,1.9-10.15-22

Tin Mừng: Mt 8,1-4

Khi Đức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi. Rồi Đức Giêsu bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”


 

Suy niệm

CÁI “CHẠM” TÌNH YÊU (Tu sĩ  Micae Trần Văn Cường, SVD)

Đức Giêsu, Ngài dành trọn cả cuộc đời để ban phát tình yêu. Ta có thể cảm nhận điều đó ngang qua đoạn Tin Mừng hôm nay. Đứng trước lời khẩn cầu của người phong hủi, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và chữa lành anh bằng cái chạm của tình yêu.

Quả thật, hành động của Đức Giêsu nói lên một tình yêu không giới hạn mà Ngài dành cho người phong hủi. Bởi lẽ, thời bấy giờ, những người phong hủi bị coi là ô uế, bị khinh miệt và cần cách ly khỏi cộng đồng. Việc người khác đến gần đã là khó, huống gì nói đến chuyện chạm vào họ. Và như vậy, người mắc bệnh phong không những chịu đau khổ về thể xác nhưng còn bị cô lập về tinh thần. Cái chạm tay của Đức Giêsu đã biến đổi tất cả. Người phong hủi không những được chữa lành về mặt thể lý, anh còn được chữa lành về mặt tinh thần. Cái chạm đầy tình yêu của Đức Giêsu đã phá tan “dải phân cách” chia cắt tình người. Đó là cái chạm hòa giải con người với Thiên Chúa, hòa giải con người với nhau. Ngài đã chứng minh cho tất cả biết rằng: tình yêu sẽ biến đổi và chữa lành tất cả.

Cuộc sống hôm nay cần đến những cái “chạm” như Đức Giêsu đã làm. Bởi lẽ, một điều ta dễ nhận thấy là cuộc sống càng văn minh, tình yêu giữa con người ngày càng vơi dần. Con người thời nay chỉ còn biết kiếm cái lợi cho mình mà quên đi người khác. Chính điều đó khiến lòng trắc ẩn nơi con người dần bị thay thế bởi tính ích kỷ, ghen ghét. Để có được cái chạm như Đức Giêsu, con người cần sự can đảm để vượt qua những thành kiến gây chia rẽ. Con người cần sống tôn trọng nhau, chấp nhận nhau trong sự khác biệt. Một ánh mắt thân thiện, một nụ cười tươi vui, một lời động viên khích lệ, một cử chỉ ân cần, đó sẽ là những cái “chạm” gửi gắm tình yêu đến cho người khác.

Lạy Chúa, xin Ngài đổ đầy tình yêu vào trái tim chúng con. Xin cho chúng con cảm nhận được tình yêu Ngài. Nhờ đó, chúng con can đảm đem tình yêu đó đến cho mọi người xung quanh. Amen.


CHẠM (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Hậu, SVD)

Cuộc sống hôm nay không tránh khỏi những cái “chạm”. Dẫu vô  tình  hay hữu ý thì một cái “chạm” dù nhẹ cũng đủ mang lại những hệ quả nhất định. Lời Chúa hôm nay diễn tả hành động “chạm” của Đức Giêsu vào người phong cùi. Cái “chạm” ấy giúp anh được sạch bệnh cả thể lý và tâm hồn.

Văn hoá Do Thái lúc bấy giờ xem bệnh phong cùi là sự dữ tiêu biểu nhất, là thứ bệnh coi như một hình phạt của Chúa. Người phong cùi bị coi như ô nhơ. Họ không được quyền tham dự lễ nghi phụng tự và đời sống xã hội thông thường. Đặc biệt, người khác không được đụng chạm đến họ. Chính vì thế mà từ nhiều năm tháng, anh cùi trong trình thuật Mátthêu hôm nay không ai dám đụng chạm đến. Chính anh phải sống cô độc, bị nguyền rủa và bị khai trừ khỏi xã hội. Hôm nay, bỗng có một bàn tay dơ ra, đụng chạm vào anh, đó là bàn tay Giêsu.

Bàn tay ấy chạm vào anh để chữa lành bệnh cùi, phục hồi nhân phẩm, cũng là một cử chỉ chiến thắng và biểu lộ quyền làm chủ mọi sự. Bàn tay ấy, hành động ấy chính là cử chỉ của sự đón nhận, của lòng bao dung và của tình yêu Thiên Chúa.

Từ khi sinh ra đến khi chết đi, có lẽ không một người nào là không chạm trán với bệnh tật. Mặc dù y khoa ngày càng phát triển nhưng vẫn còn loay hoay với những con bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học, ngành y đã mở ra một tia hy vọng cho những con bệnh khó chữa. Những con bệnh thể lý đã khó giải quyết đến vậy, ấy thế mà còn có những con bệnh còn khó chữa hơn nữa. Chúng ta đang mang trên mình hay đang phải đối diện với những căn bệnh cùi tâm linh, đó là sự khô khan, ích kỷ, kiêu ngạo, vô cảm,… Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, chúng ta cần một bàn tay, cần một cái “chạm” thực sự – cái “chạm” Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy “chạm” vào trái tim khô cằn của chúng con, để nhờ đó, chúng con được nên tươi trẻ. Xin Ngài hãy “chạm” vào tâm hồn chúng con, một tâm hồn đang khao khát và kiếm tìm Chúa. Amen.


 

TIN VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA ( Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD)

Thiên Chúa là tình yêu và cũng là nguồn cậy trông. Câu chuyện Đức Giêsu chữa lành người mắc bệnh phong khơi dậy trong lòng người Kitô hữu ngọn lửa của sức mạnh đức tin trước hồng ân được Chúa trao ban lòng thương xót. Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Bên cạnh lòng thương xót Chúa, không còn nguồn nào khác để loài người trông cậy.”

Chúa thương xót mọi thu tạo, dù là người phong hủi bị thế gian coi là ô uế, Ngài vẫn cúi xuống chạm vào và chữa lành cho anh. Chúa Giêsu không chỉ chữa lành đau đớn thể xác nhưng còn chữa lành tinh thần khi bảo anh đi trình diện tư tế, như cách để anh phục hồi quyền làm người và được công nhận trở lại hòa nhập với cộng đồng. Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ con người, dù cho con người tràn đầy tội lỗi hay có mắc bệnh “phong hủi” nơi tâm hồn. Chúa Giêsu đã nói: “Tôi muốn, anh sạch đi”, nghĩa là Ngài luôn tha thứ tất cả mọi tội lỗi và chữa lành đau khổ, chỉ cần con người thực sự hối cải, có niềm tin và muốn trở về với Thiên Chúa.

Người phong hủi được Chúa xót thương bằng chính niềm tin phó thác của mình. Anh không than trách hay yêu cầu Đức Giêsu làm theo ý muốn riêng, nhưng là phó thác hoàn toàn để Ngài quyết định. Nếu Chúa muốn thì anh ta được sạch, nhưng nếu không thì anh ta vẫn sẽ chấp nhận. Mọi điều xảy đến trong đời không nằm ngoài thánh ý của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần biết phó thác mọi sự cho Thiên Chúa trong cả những gian nan, thử thách vì Ngài sẽ chữa lành tổn thương và nâng đỡ tâm hồn của ta. Con người chỉ thật sự hạnh phúc và bình an khi để Thiên Chúa viết nên cuộc đời của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và cho chúng con thêm sức mạnh, lòng thương xót để nâng đỡ những người đau khổ xung quanh mình. Amen.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 12 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (29/6, Thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ, lễ trọng)