LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

0
565

Bài đọc: Cv 3,1-10

Tin mừng: Lc 24,13-35

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”

19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.

20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.

22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.

24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”

Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.

32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

—– o0o —–

—– SUY NIỆM —–

ĐỒNG HÀNH ĐỨC TIN (Tu sĩ  GB. Nguyễn Văn Huân, SVD)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về cuộc đồng hành của Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emau. Câu chuyện này được các nhà tu đức xưa và nay xem như là kiểu mẫu cho những ai đang làm công việc đồng hành đức tin.

Trước hết, Chúa Giêsu tiến lại gần họ, lắng nghe thực tại, cảm nhận vấn đề và đặt câu hỏi: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ. Ngài không nản lòng trước những câu trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra?”. Ngài giả vờ như không biết chuyện gì để nghe các ông bày tỏ những băn khoăn lo lắng, những ưu tư khắc khoải, những chuyện buồn vui của mình trên hành trình theo Chúa. Ngài đã đặt câu hỏi “Chuyện gì vậy?” để họ giãi bày tâm sự. Tiếp theo, Ngài dùng Thánh Kinh để gợi nhớ những điều họ đã lãng quên “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”. Những lời giải thích của Ngài đã thật sự giúp họ hiểu rõ, làm cho lòng họ “bừng cháy” và tinh thần được củng cố. Kết thúc cuộc đồng hành, Ngài đã dùng việc “bé bánh” để giúp họ nhớ lại con người thật của Chúa trước và sau khi chịu khổ nạn cũng là một. Chính lúc này, các ông đã bừng tỉnh và nhận ra Ngài; các ông vững tin và mau mắn trổi dậy trở về Giêrusalem để loan báo Tin Mừng cho anh em khác. Chúng ta cũng thế, khi đã được ơn nhận biết Chúa, tin vào Chúa và trở thành môn đệ của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi mau mắn lên đường để báo tin vui về Chúa Phục Sinh cho người khác.

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống biết bao người đang mất phương hướng về niềm tin và cuộc sống, họ cần sự đồng hành để tìm lại bình an. Xin Chúa cho chúng con biết quảng đại đến với họ để chia sẻ, lắng nghe như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Amen.


 

THẤT VỌNG (Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD)

Khi thất vọng, con người thường buông bỏ mọi thứ. Nỗi thất vọng luôn tỷ lệ thuận với sự buông bỏ. Đó chính là tình trạng của hai môn đệ của Đức Giêsu. Sau khi Đức Giêsu chịu chết, hai ông đã thất vọng và từ bỏ ơn gọi làm môn đệ. Vậy đâu là nguyên do đẩy hai môn đệ vào tình cảnh bỏ Thầy?

Thứ nhất là sự chậm tin. Trong cuộc trò chuyện với Đức Giêsu, hai môn đệ đã kể rất rành mạch về Đức Giêsu từ việc chính các ông đã xác quyết về thân thế, khả năng và uy quyền của Đức Giêsu. Tới việc các ông được nghe một vài người nói Đức Giêsu đã trỗi dậy. Và thậm chí, chính Đức Giêsu đã giải thích mọi việc cho các ông nhưng các ông vẫn không nhạy bén để nhận ra Người (Lc 24,18-25).

Thứ hai là thiếu kiên nhẫn. Tin Mừng thuật lại hai môn đệ đã đợi đến ngày thứ ba kể từ khi Đức Giêsu chịu chết “những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba” (Lc 24,21). Nhưng mọi việc chưa được xảy ra, thế mà các ông đã bỏ về quê. Vậy nên, các ông là những người thiếu kiên nhẫn để chờ đợi những điều Đức Giêsu đã nhiều lần mạc khải cho các ông trước đó. Qua đó, chúng ta được Đức Giêsu mời gọi nhìn lại đức tin của mình. Đức tin là ơn ban nhưng không mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Và đức tin cần phải được thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn (x. Gc 1,3). Như thế, thử thách là yếu tố góp nên lòng kiên nhẫn và định lượng cho đức tin. Nhưng nó còn tuỳ thuộc vào mỗi người. Nếu trải qua các biến cố mà chúng ta vẫn trông cậy và kiên tâm chịu đựng thì đức tin của chúng ta sẽ lớn mạnh dần. Và ngược lại, nó sẽ giống như hai môn đệ hôm nay, họ đã không đủ lòng tin lẫn sự kiên nhẫn nên vội từ bỏ ơn gọi theo Đức Giêsu.

Lạy Chúa, trước mọi thử thách của cuộc sống, xin Ngài ban cho chúng con luôn sống trong niềm hy vọng và tín thác vào Ngài, để lòng tin và lòng kiên nhẫn của chúng con luôn được củng cố và gia tăng bước theo và làm môn đệ Ngài. Amen.


 

CUỘC GẶP GỠ DIỆU KỲ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

MẮT HỌ CÒN BỊ NGĂN CẢN (Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD)

Đường Emmau, buổi chiều, thật thê lương và buồn bã, bởi “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hai người môn đệ lo lắng, hoang mang đến mức không nhận ra sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Thầy. Tại sao họ lại mù mờ như vậy, “nhìn” được mà không “thấy” được?

Mỗi người chúng ta đều có hai cặp mắt. Một cặp mắt về thể lý để chân nhận những sự vật xung quanh; một “cặp mắt” của tâm hồn cho ta nhìn thấy những vấn đề sâu bên trong của sự việc. Con mắt này có nhìn thấy hay không phụ thuộc vào sự trong sáng của tâm hồn thông qua tình yêu, niềm hy vọng, và niềm tin.

Hai môn đệ không nhận ra Chúa không phải về khía cạnh thể lý, nhưng vì sự u tối của “con mắt” tâm hồn. Chúa đâu hiện ra với hình hài khác, người vẫn là Giêsu ngày nào rao giảng bên hồ Tibêria. Nhưng họ đã mất niềm tin vào Người, mất niềm hy vọng vào Nước Thiên Chúa mà thầy Giêsu đã rao giảng. Họ tiếc nuối cho chính mình. Thầy Giêsu đã thực sự “chết” trong lòng họ, vì thế họ không thấy Người. Cái mù đáng sợ nhất không phải về mặt thể lý, nhưng trong chính tâm hồn. Không ít lần trong cuộc sống, tôi cũng lạc lõng trong niềm tin, mất đi niềm hy vọng. Trước những áp lực, những chuyện không vui xảy đến, đôi lúc tôi cũng như các môn đệ trên đường Emmau, chán nản, mệt mỏi, muốn buông xuôi, thậm chí ngoái lại phía sau. Tôi dường như mù lòa không nhận ra thánh ý Chúa qua những sự việc mình không mong muốn. Tin Mừng giúp tôi một thái độ sống mới, luôn nhìn bằng con mắt của niềm tin và hy vọng trước mọi biến cố vui buồn của cuộc sống, biết nhận ra thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa! giữa muôn nổi trôi của thế sự, xin cho chúng con luôn nhận ra thánh ý Ngài trong cuộc đời mình. Amen.


 

TIN MỪNG PHỤC SINH (Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)

Thường thì có rất nhiều niềm vui bất ngờ đến trong mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải niềm vui nào cũng giống nhau. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca giới thiệu cho chúng ta một niềm vui rất đặc biệt của hai người môn đệ làng Emmau.

Tin Mừng thuật lại rằng, hai môn đệ của Chúa đang trên đường từ Giêrusalem trở về làng quê Emmau của mình với một thái độ chán nản và thất vọng. Nhưng chính trong hành trình đầy thất vọng và chán nản đó, mắt các ông được mở ra và lòng các ông bừng sáng lên niềm hy vọng bởi sự đồng hành của Đức Giêsu Phục Sinh. Như vậy, có thể nói Đức Giêsu Phục Sinh chính là nguồn niềm vui và sức sống của người môn đệ.

Lời Chúa hôm nay muốn nói với những ai đang gặp phải chán nản và thất vọng trong cuộc sống vì bất cứ lý do gì, thì cũng đừng vội ngã lòng mà đánh mất hy vọng nơi Chúa. Với hình ảnh hai người môn đệ làng Emmau, thánh Luca muốn nhắc nhở chúng ta thay vì chán nản thất vọng vì những ước vọng hão huyền cho đời sống trần thế này, thì hãy tin tưởng vào Đức Kitô Phục Sinh. Hãy để cho Người biến những nỗi buồn của chúng ta thành niềm vui. Một niềm vui có sức biến đổi chúng ta và giúp chúng ta biến đổi người khác.

Lạy Chúa, có biết bao niềm vui trong cuộc sống mỗi ngày được Chúa ban tặng  là để làm cho cuộc đời tươi đẹp và ý nghĩa hơn, xin cho chúng con luôn biết giữ gìn và trân quý những niềm vui mang lại giá trị vĩnh cửu trong Chúa. Xin cho chúng con được đón nhận Tin Mừng Phục Sinh của Chúa với hết cả tâm hồn. Và xin cho niềm vui Phục Sinh luôn hiện diện trong tâm hồn chúng con để chúng con được mạnh mẽ loan báo niềm vui ấy cho tha nhân. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
Bài tiếp theoThông điệp PHỤC SINH 2024 của Cha Tổng quyền Dòng Ngôi Lời (SVD)