LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

0
873

Bài đọc: Cv 3,11-26

Tin mừng: Lc 24,35-48

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;

47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

—– o0o —–

—– SUY NIỆM —–

NGUỒN BÌNH AN (Tu sĩ  Giuse Phạm Công Minh, SVD)

Đức Giêsu Kitô đã phải chịu đau khổ, chịu chết và đã Phục Sinh. Ngài sống lại để giải thoát nhân loại khỏi đêm đen của tội lỗi và chết chóc. Sự hiện diện của Chúa Giêsu đem tới cho con người niềm vui, sự bình an và sự sống mới.

Cái chết của Thầy Giêsu làm các môn đệ lo lắng, sợ hãi và chạy trốn. Niềm tin của các ông cũng bị lung lay, chôn vùi trong ngôi mộ của Thầy mình. Giờ đây Chúa không còn nữa, các ông đâm ra sợ hãi, ngờ vực, hoảng hốt. Chính trong lúc đó, Chúa Giêsu đã đến trấn an các môn đệ của mình. Ngài hiện ra, chào chúc “bình an cho anh em” và an ủi các ông “Chính Thầy đây mà, hãy sờ xem”. Sự hiện diện của Chúa Giêsu khiến các ông ngỡ ngàng, vui mừng và được biến đổi. Không những trao ban bình an cho các môn đệ, Chúa Giêsu còn dạy dỗ, khai lòng mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Qua đó, Chúa Giêsu trao ban cho các ông sứ mạng ra đi loan Tin Mừng Phục Sinh và làm chứng nhân cho Thầy mình. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rằng sự vắng bóng Chúa là sự thiếu vắng của niềm tin và hy vọng. Chỉ có Chúa mới đem lại bình an và hạnh phúc đích thực.

Trong cuộc sống văn minh ngày nay, con người được cung cấp và được phục vụ đầy đủ bằng những tiện nghi hiện đại. Tuy nhiên, không ít lần chúng ta gặp phải những khó khăn, chông gai và thử thách bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính những thách đố đó dễ khiến chúng ta rơi vào nghi nan, buồn phiền, thất vọng và dễ dàng làm chúng ta lung lạc niềm tin cậy vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù có đau khổ, mệt mỏi, chán chường vây kín, chúng ta vẫn phải vững lòng tin tưởng, phó thác, cậy trông vào Chúa. Bởi vì chỉ có mình Chúa là nguồn mạch bình an, “là chốn con tựa nương, là thành lũy vững bền chở che con yên hàn”.

Lạy Chúa, dù đời lắm sóng gió mịt mờ, giữa bao hiểm nguy chẳng ngờ, xin Chúa hãy ở bên con từng giờ, để con được sống trong tình yêu, niềm vui, bình an và ân sủng của Ngài. Amen.


SỢ HÃI VÀ BÌNH AN (Tu sĩ Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD)

Bình an là nỗi khát khao lớn nhất của con người trong mọi thời đại. Sống trong một thế giới thiếu vắng sự bình an thì ai cũng lo lắng và sợ hãi. Bình an mà thế giới và con người đang có và đang cố gắng tìm kiếm là bình an trong tình trạng không có chiến tranh, loạn lạc, chết chóc. Tuy nhiên, bình an mà Chúa Giêsu có và muốn ban cho con người là bình an nội tâm, bình an trong tâm hồn.

Sợ hãi là hậu quả của tội lỗi làm con người xa vắng Chúa. Con người bị tước đoạt khỏi sự sống, bị đặt dưới ách thống trị của tội lỗi và sự chết. Bà Evà và Ađam trong vườn địa đàng sợ hãi và trốn Thiên Chúa là do tội lỗi chiếm hữu tâm hồn ông bà. Quả thật, khi bị tội lỗi và cái chết thống trị, con người mất đi bình an nội tại, chỉ còn là hoang mang và sợ hãi. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta lo lắng, sợ chết, sợ mất linh hồn, là chứng tỏ chúng ta thiếu bình an và vắng bóng Chúa trong tâm hồn. Chỉ có Chúa mới đem lại bình an đích thực cho đời sống nội tâm của người Kitô hữu.

Chúa Giêsu Kitô đã sống lại, Ngài đã đánh bại thần chết, giải thoát con người khỏi nỗi sợ hãi kinh hoàng của ách thống trị tội lỗi và cái chết. Nhờ sự Phục Sinh của Chúa, bình an và sự sống mới được trao ban cho con người. Chúa nói với các Tông Đồ: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ!… Hãy sờ mà xem”. Vậy chúng ta tìm kiếm sự bình an và sờ Chúa ở đâu trong đời sống người Kitô hữu? Thưa chúng ta tìm bình an và sờ Chúa trong Lời của Ngài, trong Tin Mừng mỗi ngày, trong bí tích Thánh Thể, trong ân sủng của Chúa Thánh Thần và trong anh chị em bên cạnh chúng ta,… Có bình an của Chúa, chúng ta không sợ hãi và mạnh dạn làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng đời sống chứng ta của người Kitô hữu.

Xin Chúa luôn ban bình an của Chúa cho chúng con để giúp chúng con đứng vững trong cuộc sống đức tin, hạnh phúc làm con cái Chúa và làm lan tỏa bình an của Chúa cho những người chung quanh. Amen.


 

ĐẶC ĐIỂM CỦA CHÚA PHỤC SINH (Lm.GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

NIỀM HY VỌNG ĐÍCH THỰC (Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD)

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ. Và lần này, Chúa hiện ra với toàn thể các môn đệ, chứ không còn hiện ra với từng người riêng lẻ như trước đây. Người hiện ra để củng cố niềm hy vọng cho các môn đệ.

Được nhận ra Chúa là một ơn lành Chúa ban. Chúa chỉ xuất hiện với những người mà Chúa muốn bày tỏ. Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra giữa các ông và chào chúc: “Bình an cho anh em”. Người không ban cho các môn đệ những thứ đảm bảo cho họ có cuộc sống sung túc, không phải thiếu thốn, đau khổ hay lo lắng điều gì. Sự bình an của Người là ân huệ phục sinh của Người. Chính Người là Đấng Kitô chịu đóng đinh, đã phải chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá. Người đã vượt thắng cái chết và từ nay Người không còn phải chết nữa.

Hôm nay, Chúa hiện ra một lần nữa với những môn đệ thân tín để biến đổi họ từ những người bi quan, nhát đảm thành những người can đảm, trung kiên dám làm chứng cho sự phục sinh của Người. Là Kitô hữu ít nhiều chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa qua những biến cố hằng ngày nơi gia đình, xã hội và những người mà chúng ta có dịp gặp gỡ. Những lần gặp gỡ đó ban ơn và gia tăng thêm niềm tin cho chúng ta. Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa phục sinh đã biến đổi các môn đệ, đuềy đó cũng giúp chúng ta ý thức hơn qua bổn phận người Kitô hữu. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên những sứ giả của tình yêu, niềm vui và hy vọng cho những người mà chúng ta có dịp gặp gỡ.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã hiện ra và đồng hành với các môn đệ của Chúa và biến đổi cuộc đời họ thành những sứ giả của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón Chúa cùng đồng hành với chúng con.


 

NIỀM TIN TRỞ LẠI (Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD)

Trong cuộc sống, niềm tin là sợi dây để nối kết giữa người với người. Khi thiếu niềm tin, con người dễ dàng hoài nghi, sống bất an, lo lắng và sợ hãi.

Bài Tin Mừng ngày hôm nay, thánh sử Luca diễn tả tiếp nối những giờ phút đen tối và sợ hãi của các môn đệ đã và đang trải qua. Bởi biến cố tử nạn của vị Thầy Chí Thánh đã đánh sụp hoàn toàn đức tin của các ông. Khiến cho họ sợ hãi và chỉ biết nằm im thin thít trong nhà, các cánh cửa đều đóng kín mít. Thậm chí, ngay cả khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến, các ông cũng đã hoảng hốt tưởng là bóng ma. Nhận thấy được sự hoảng loạn, lo sợ của các môn đệ, mỗi lần Chúa hiện ra, Ngài đều ban “bình an cho anh em”. Cuộc thần hiện của Chúa đã đem lại bình an, mở trí và củng cố niềm tin cho các môn đệ. Tâm hồn tràn ngập bình an và niềm tin mạnh mẽ, họ can đảm ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa.

Khung cảnh Lời Chúa hôm nay là cơ hội để tôi kiểm định lại hành trình đức tin của tôi đối với Chúa. Chúa đã phục sinh và đến với tôi qua những biến cố thường ngày. Đôi khi, vì sợ hãi và thiếu niềm tin, tôi đã vô tình “bưng tai bịt mắt” để chạy theo và nương tựa vào thế gian qua những đam mê vô bổ. Vì thiếu niềm tin mà tôi đã hoài nghi về tình thương của Chúa đối với mình. Thế nên, khi gặp những thử thách về niềm tin, khi phải đối diện với những khủng hoảng đã làm tôi chao đảo, bi quan và thậm chí tuyệt vọng. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở tôi biết chạy đến với Chúa để Ngài mở lòng, mở trí và củng cố đức tin còn non yếu của mình.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban Thánh Thần Chúa xuống trên con để con có thể nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời con. Amen.

Bài trướcCông lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót
Bài tiếp theoTRỞ THÀNH NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO VUI TƯƠI HƠN