Tin Mừng: Lc 23, 33.39-42 (Lễ II)
Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.
Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Bài giảng / chia sẻ
HIỆP THÔNG VINH PHÚC (Lm. Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD)
Lễ Các Đẳng Linh Hồn (Các bài đọc: G 19,1.23-27a; Rm 5,5-11; Ga 6,37-40)
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm các thánh thông công, là sự hiệp thông mật thiết giữa ba thành phần Hội Thánh, bao gồm Hội Thánh Vinh Thắng, Hội Thánh Lữ Hành và Hội Thánh Thanh Luyện. Ngày hôm qua, trong sự tương giao, Hội Thánh Lữ Hành chúng ta hân hoan chia sẻ niềm vui và cảm tạ Chúa với Hội Thánh Vinh Thắng trên trời, thì hôm nay, chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho Hội Thánh Thanh Luyện là các đẳng linh hồn trong luyện ngục. Bởi lẽ, lời cầu nguyện hiệp thông sẽ cho chúng ta một tiêu chuẩn để đạt tới đời sống vinh thắng, đồng thời cũng nâng đỡ niềm tin cho chúng ta khi dâng lời cầu xin cho các tín hữu đã qua đời, ngõ hầu tất cả chúng ta đều được hưởng hạnh phúc Thiên đàng mai sau. Vậy, lời cầu nguyện hiệp thông như thế nào để đạt được phần thưởng vinh thắng? Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, Đức Giêsu đã xác quyết phần thưởng vinh thắng cho chúng ta với những lời tràn đầy tâm huyết của Người:
Thứ nhất, Vâng theo Thánh ý Chúa (x. Ga 6,37-39)
Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết Người tự trời mà xuống, và khẳng định sứ mạng của Người đến trần gian là để làm theo ý Chúa Cha, hầu cứu độ hết mọi người Chúa Cha ban cho, và không loại trừ một ai ra ngoài. Bởi đó, Người đã cho chúng ta thấy một Thiên Chúa của tình yêu qua hình ảnh luôn đón nhận và trao ban ân sủng cho hết mọi người. Đức Giêsu đã làm theo ý của Chúa Cha đến nổi chịu chết trên Thập giá để trao ban tình thương của Thiên Chúa và đón nhận tất cả mọi người trong ân sủng để con người được lớn lên, được giao hoà với Thiên Chúa trong mối tương quan mật thiết. Điều này cho chúng ta một niềm an ủi, một niềm hy vọng vô cùng lớn lao làm nền tảng trong cuộc sống lữ hành. Thiên Chúa không đòi hỏi những điều cao xa nơi con người, nhưng Ngài chỉ cần con người đón nhận ân sủng và chạy đến với Ngài trong chính hành động của mình. Nghĩa là, vâng theo thánh ý Chúa.
Thế nhưng, với tự do mà Thiên Chúa ban cho để con người chạy đến với Chúa, vâng theo thánh ý Chúa thì con người lại tìm đến mối tương quan dục vọng trần đời, nơi con người làm chủ và chiếm hữu mọi thứ bởi tính xác phàm tham sân si. Thế là con người dần đánh mất ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhưng không trong cuộc sống lữ hành. Noi gương Đức Giêsu, chúng ta sống sứ mệnh người Kitô hữu trong lời cầu nguyện hiệp thông, vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để được thông phần vào cuộc Tử Nạn của Đức Giêsu Kitô, nhằm mang lại niềm hy vọng, nhằm mưu ích cho các linh hồn, và mai sau cũng được phục sinh với Người.
Thứ hai, Thấy và tin vào Đức Giêsu Kitô (x. Ga 6,40)
Mở đầu và kết thúc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy cùng một lời hứa rất an ủi của Đức Giêsu với tất cả chúng ta, những người đang sống và đặc biệt đối với những người đã qua đời mà chúng ta hằng nhớ đến và cầu nguyện: “Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” và “Tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết”. Lời hứa kết như bổ túc cho lời hứa đầu: đến với Đức Giêsu Kitô chính là để thấy và tin vào Người và hơn hết là đón nhận phần thưởng vinh thắng mà Đức Giêsu đã hứa “tôi sẽ không để mất một ai, tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”. Thiên Chúa không những cho phép tất cả mọi người, không phân biệt giàu sang thấp hèn, đều được đến với Chúa, thấy Chúa và tin vào Chúa bởi ân sủng thúc đẩy để hưởng trọn vẹn tình yêu. Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa luôn dõi theo và trao ban phần thưởng cao cả nhất cho con người. Điều quan trọng là con người có muốn đến để thấy và tin vào Người Con hay không. Hành động “đến” ở đây như là lời cầu nguyện đẹp nhất vâng theo thánh ý Chúa, là sự sám hối cần thiết của con người mà Thiên Chúa đang cần họ nhận ra và trở về với mối tương quan mật thiết mà vốn dĩ con người đã được hưởng. Hành động “đến” hơn thế nữa là sự sinh hoa kết trái trong đời sống với hoạt động của Chúa Thánh Thần hướng dẫn và đó là cách thức để nhìn thấy Người Con và tin vào Người Con mà Thiên Chúa muốn. Để rồi lời hứa trao ban sự sống đời sau của Đức Giêsu cho chúng ta một niềm tin, một niềm hy vọng, một phần thưởng vinh thắng là sự sống mới, sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa.
Thật vậy, thấy và tin vào Người Con như là hành động xác quyết nói lên đời sống vâng theo thánh ý Chúa của người kitô hữu, nhưng không phải chỉ bằng giác quan, mà phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống, bởi lẽ, đức tin không có việc làm là đức tin chết (x. Gc 2,17), cũng như tình yêu không có những hành động cụ thể thì thật là một tình yêu giả dối. Các tông đồ đã thấy và tin vào Người Con là Đức Giêsu Kitô, nên các ngài đã làm chứng cho Chúa bằng lời rao giảng, bằng con người và cuộc sống, nhất là bằng chính cái chết của các ngài.
Chúa cũng cần đến lòng tin bằng lời cầu nguyện hiệp thông của chúng ta để cứu chữa và ban ơn lành cho những người còn sống hoặc đã qua đời. Và lòng tin đó cần được thể hiện qua những hành động cụ thể như: cảm thông, giúp đỡ, tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện và làm các việc lành phúc đức, để xin Thiên Chúa xót thương, tha thứ những lỗi lầm của chúng ta và tất cả những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. Vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để chúng ta nhớ đến các linh hồn đã qua đời, cũng là cách nào đó cầu thay nguyện giúp cho các linh hồn trong việc cộng tác chạy đến với Chúa. Bởi họ là những người khi còn sống ở trần gian đã sống niềm tin vào Con Thiên Chúa, nhưng vì những yếu đuối của phận người mà khi chết họ còn vướng mắc những lỗi lầm cản trở họ trở về với Chúa. Chúng ta có thể làm việc lành phúc đức, hy sinh bác ái, và cầu nguyện là cách để cùng họ sám hối và chạy đến với Chúa, để cầu xin Thiên Chúa xót thương giải thoát và ban thưởng đời sống vĩnh cửu trong Nước Trời.
Xin thắp lên một nén hương trầm, một nén hương trầm, hương trầm bay lên nhớ về Tổ Tiên, nhớ hoài công ơn ngày tháng đáp đền. Chúng ta cùng mượn lời của nhạc sĩ linh mục Mi Trầm để dâng lên Thiên Chúa và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn như là cách để chúng ta bày tỏ lòng tri ân tưởng nhớ và hiệp thông với nhau, ngõ hầu xin Chúa đoái thương đến các đẳng linh hồn nơi luyện ngục, để họ sớm được hưởng hạnh phúc vinh thắng đời đời trên Thiên Đàng. Amen
SỐNG NIỀM HY VỌNG (Tu sĩ P. X. Đinh Duy Thiên, SVD)
Chúng ta đã bước vào tháng Mười Một, tháng mà Giáo Hội dành cách đặc biệt để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Và hôm nay, chúng ta cùng quy tụ với nhau nơi đây để cầu nguyện cho họ, cách đặc biệt là cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta. Việc cầu nguyện cho ông bà tổ tiên không chỉ là một nghĩa cử thể hiện tấm lòng thảo hiếu của chúng ta đối với các ngài, mà điều này còn nhắc mỗi người chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Quả thế, trong đức tin, người Ki-tô hữu chúng ta tin rằng, chết không phải là hết nhưng là khởi đầu cho một cuộc sống vĩnh cửu ở đời sau. Cùng đích của chúng ta là hạnh phúc Thiên Đàng với Chúa. Chúng ta tin và hy vọng vào hạnh phúc đời sau khi chúng ta lặp đi lặp lại niềm hy vọng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen”. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta thấy niềm hy vọng của chúng ta là vững chắc, bởi đó là điều mà chính Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta. Chúng ta tin và hy vọng vào sự sống đời sau với Chúa. Vậy thì, chúng ta phải sống niềm hy vọng đó như thế nào?
Niềm hy vọng trong thời Cựu Ước
Trong bài đọc một trích sách Gióp, chúng ta có thể thấy niềm tin và hy vọng vào sự sống đời sau nơi ông Gióp. Ông Gióp đã nói lên niềm xác tín của mình: “Tôi biết rằng, Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (G 19,25-26). Lời xác tín này cho thấy, ông Gióp đã đặt trọn niềm hy vọng của ông vào nơi Chúa. Điều ông chờ đợi duy nhất sau cuộc sống này là được nhìn thấy Thiên Chúa bằng chính con mắt của mình chứ không còn phải nhìn bằng con mắt đức tin nữa. Niềm hy vọng này còn được thể hiện một cách rõ ràng hơn nơi sách Ma-ca-bê qua câu chuyện người mẹ và bảy người con cùng tử đạo trong một ngày (x. 2 Mcb 7), hay qua việc ông Giu-đa Ma-ca-bê xin lễ cầu nguyện cho cho những người đã qua đời: “Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thật thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng nếu ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).
Niềm hy vọng trong thời Tân Ước
Đến thời Tân Ước, niềm tin vào sự sống đời sau được củng cố nhờ vào lời mạc khải của Chúa Giê-su. Người đã quả quyết với chúng ta rằng: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6,37). Tuy nhiên, điều chúng ta cần làm để được sống lại với Chúa là vững tin vào Người. Điều này cũng được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: “những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40). Chúa chỉ cần chúng ta vững tin vào Người, phần còn lại, tình thương của Chúa sẽ lấp đầy tất cả. Quả vậy, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa muốn cho con người hạnh phúc. Tuy nhiên, do tội nguyên tổ và tội của mỗi người, cũng như do sự lôi kéo của ma quỷ, xác thịt và thế gian đã khiến chúng ta xa Chúa và quên mục tiêu đời mình là tìm về với Thiên Chúa. Thế nhưng, dẫu cho chúng ta đã lỗi phạm với Chúa và trở nên bất xứng, Thiên Chúa vẫn yêu thương. Người vẫn chờ đợi chúng ta trở về để đổ tràn tình yêu của Người vào lòng chúng ta như lời thánh Phao-lô nói với chúng ta ngang qua bài đọc hai trong thư gửi tín hữu Rô-ma (x. Rm 5,6). Bằng chứng xác thực cho tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta, đó là Người đã sai chính Con Một mình là Chúa Giê-su đến trong trần gian để chỉ cho con người con đường hạnh phúc, để đưa tất cả nhân loại về với Chúa Cha. Chúa Giê-su đã chấp nhận cái chết để đem lại sự sống cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi (x. Rm 5,8).
Chúng ta sống niềm hy vọng đó như thế nào?
Có thể nói rằng, Giáo Hội từ những thế kỷ đầu đã sống niềm hy vọng và tin vào sự sống đời sau, Giáo Hội đã cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Truyền thống cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời bắt đầu với thánh O-di-lo (962-1048), Viện phụ Đan viện Clu-ny. Viện phụ này đã có sáng kiến tổ chức lễ Cầu hồn vào ngày 2-11 và trước hết cử hành trong Đan viện Clu-ny của mình vào năm 998 (có sách nói 1030). Về sau lễ Cầu Hồn đã được truyền sang nước Pháp; và tới giữa thế kỷ X, Đức Giáo hoàng Gio-an XIV đã lập lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời trong Giáo Hội Rô-ma. Và hôm nay, chúng ta họp nhau nơi đây trong thánh lễ này cũng là để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.
Về phần mỗi người chúng ta, chúng ta cũng luôn tin và hy vọng vào cuộc sống đời sau với Chúa. Vì thế, chúng ta không thể sống theo lối sống buông thả, mà phải biết thêu dệt đời mình theo những giá trị của Tin Mừng. Đồng thời, khi tham dự ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời hôm nay, mỗi người hãy dừng lại để suy nghĩ và chỉnh sửa cuộc sống của mình, để sống làm sao cho trọn đạo với Chúa, với những bậc tiền nhân và với những người thân yêu mà chúng ta đang sống với họ: Với Thiên Chúa, chúng ta hãy vững tin và đặt trọn niềm tin tưởng nơi Người. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, không ai có thể hiểu hết chương trình Thiên Chúa đặt để nơi mỗi người chúng ta. Mỗi khi chúng ta gặp phải những khó khăn, sóng gió trong cuộc đời, chúng ta hãy nhớ rằng, chính Chúa Giê-su cũng đã bước đi trên con đường thập giá mới bước vào vinh quang. Chúng ta muốn bước theo Chúa thì thập giá là điều khó tránh khỏi. Nên một khi chúng ta biết đặt trọn niềm tin vào Chúa, nhất là những lúc gặp sóng gió trong cuộc đời, thì chắc chắn Người cũng sẽ không bao giờ từ chối chúng ta trong ngày sau hết.
Với những người đã ra đi trước chúng ta, họ đã một đời tin vào Chúa, nhưng vì những yếu đuối của phận người nên cần phải thanh luyện trước khi vào hưởng Thiên Đàng với Chúa. Giờ đây, họ không còn có thể tự làm điều gì cho mình nữa. Họ cần những lời cầu nguyện, những hy sinh của chúng ta. Những lời cầu nguyện, hy sinh và bác ái của chúng ta sẽ giúp cho các linh hồn sớm được hưởng nhan thánh Chúa. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện và xin lễ cho họ. Chúng ta cũng phải nhớ rằng, việc xin lễ không phải chỉ là bỏ vào đó một ít tiền rồi phó thác cho các cha dâng lễ, nhưng cần tấm lòng của chúng ta. Vì thế, trong các ngày lễ giỗ của ông bà cha mẹ, phận làm con cái cũng phải hiệp thông cầu nguyện cho các ngài trong các lời kinh và nhất là tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài.
Với mẹ cha, khi các ngài còn đang sống, chúng ta hãy hết lòng yêu thương kính trọng, vâng lời, biết chia sẻ gánh nặng kinh tế và lo lắng với các ngài. Chúng ta hãy làm vơi đi sự nhọc nhằn trên đôi vai của cha mẹ, hãy làm cho cha mẹ nở nụ cười hạnh phúc và tự hào vì con cháu. Lúc các ngài tuổi cao sức yếu, chúng ta hãy kiên nhẫn và kính trọng, vì ngày xưa các ngài đã từng hết sức kiên nhẫn với chúng ta. Những người con đừng làm gì khiến cha mẹ tủi nhục, đừng đối xử với cha mẹ như con ăn đứa ở trong gia đình, cũng đừng kể công, tính toán với các ngài, vì các ngài chưa bao giờ tính công sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta. Đừng bao giờ trở thành gương xấu cho con cháu trong việc thảo hiếu mẹ cha, vì hôm nay chúng ta đối xử với mẹ cha thế nào, thì sau này, con cháu cũng sẽ hành xử với chúng ta như thế.
Với vợ chồng, anh chị em, và những người chung quanh, hãy nhớ rằng, chúng ta sẽ không sống mãi trên cuộc đời này, sẽ có ngày chúng ta phải rời xa nhau. Vì thế, khi còn có cơ hội gần nhau, bên nhau, hãy sống với nhau cho thật tình, đừng so đo tính toán thiệt hơn. Cuộc sống thật vắn vỏi, chúng ta hãy loại trừ những tranh chấp hơn thua, nhỏ mọn để sống quảng đại với nhau; hãy nói với nhau những lời lẽ chân tình, dễ nghe và cư xử với nhau với lòng nhân ái, để khi người thân mất đi, chúng ta sẽ không phải hối hận vì những điều ta còn thiếu sót.
Sau cùng hãy nhớ rằng, chúng ta vẫn còn sự sống ở đời sau. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ nuôi hận thù đối với nhau, cũng đừng đem hận thù xuống nấm mồ, vì hận thù thì không thích hợp với Thiên Đàng là nơi hạnh phúc. Chúng ta hãy sống sao để niềm hy vọng vào sự sống đời sau bên Chúa mãi bừng cháy trong ta. Tin tưởng như thế, chúng ta hãy sống trọn tình với Chúa và trọn tình với nhau. Để ngày sau trên Thiên Quốc, chúng ta được cùng nhau hưởng vinh quang bên Chúa. Amen.
NIỀM HY VỌNG HẰNG SỐNG ♦ (Chia sẻ của Lm. G. B. Phan Tuấn Thể, SVD)
Ngày cuối thu, trong cơn gió chiều se lạnh, nhìn những chiếc lá vàng của hàng cây ven đường rơi lả chả trong ánh nắng vàng cuối chiều, người ta ngộ ra chân lý: “Lá rụng về cội!” Khi một người nhắm mắt xuôi tay, người đời an ủi nhau: “Lá rụng về cội!” Theo cách hiểu thông thường, “lá rụng về cội” hiểu đơn giản là cuộc ra đi để về sum họp với gia tiên, với tổ tiên, ông bà. Với niềm tin Công Giáo, “gia tiên” ấy chính là Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc, là cội, là gốc rễ của mọi loài: “Cha anh em, Đấng ngự trên trời…”. Vì thế, “lá rụng về cội” là trở về với Đấng hằng sống! Để về với Đấng hằng sống thì phải sống với niềm hy vọng hằng sống ngay từng giây phút của cuộc đời này.
Tượng hình nơi dạ mẹ là lúc mỗi người bắt đầu sống với ơn gọi làm người. Đây cũng chính là điểm khởi phát của hành trình “lá rụng về cội”, hành trình trở về nhà Cha. Hành trình ấy có chông gai, có cạm bẫy, có cả hương thơm ngát của cỏ nội hoa đồng trong thế gian. Phận con người hèn yếu, có lúc thất vọng, có lúc rong chơi, lạc lối. Chính vì vậy, Giáo Hội dành trọn tháng 11 để nhớ đến một cách đặc biệt những người đã khuất. Giáo Hội cầu xin Thiên Chúa thanh tẩy họ, giặt trắng tâm hồn họ trong máu Con Chiên để họ sớm về bến bình an.
Cũng vì thân phận con người hèn yếu, những người ở tuổi đà xế bóng lo lắng sợ mất phúc thiên đàng, họ sợ hụt hơi trong cuộc chạy đua để giành phần thưởng vĩnh cửu vì một đôi phút xao nhãng trong phần đời còn lại. Hồi mục vụ Phó tế ở giáo xứ nọ, có lần tôi đi trao Mình Thánh Chúa cho một cụ già, cụ xin tôi cầu nguyện cho cụ mau được chết. Tôi tưởng cụ chán ngán cuộc đời, đau đớn vì bệnh tật, nhưng không, cụ sợ mất phần thưởng lớn lao ở trên trời. Nhưng thử hỏi: Mất sự sống đời đời có dễ không? Thưa không dễ, trừ phi chúng ta từ chối sự sống ấy và không chịu đến với Đức Giêsu mà thôi. Bất cứ ai đến với Đức Giêsu đều có quyền hy vọng vào sự sống vĩnh cửu trong niềm hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa một cách chắc chắn vì những lý do sau đây:
Trước hết, theo bài Tin Mừng, tình thương của Thiên Chúa là Cha bao trùm lên mọi người, Người muốn tất cả những ai tin vào Chúa Con thì được sống muôn đời (x. Ga 6,40). Hình ảnh về một Thiên Chúa sẵn sàng giáng phạt có thể in đậm trong tâm trí nhiều người, vì thuở nhỏ họ được bảo thế: Không đọc kinh, Chúa phạt! Không vâng lời, Chúa phạt! Không học bài, Chúa phạt!… Quả thật, Kinh Thánh có nói đến những hình phạt mà Thiên Chúa dành cho những kẻ bất tuân, nhưng xét cho cùng, tình thương của Thiên Chúa vẫn ở vị trí trổi vượt trên tất cả mọi sự (x. Xh 34,6-7).
Mặt khác, bằng nhiều cách diễn tả khác nhau, Kinh Thánh trình bày cho con người một hình ảnh Thiên Chúa yêu thương và thành tín đến muôn ngàn thế hệ. Dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” trong Tin Mừng Luca là một trong những hình ảnh đẹp, điển hình cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Ở đó, Thiên Chúa không phải như ông quan toà ngồi xử án, nhưng như một vị cha già rất nhân hậu và độ lượng, kiên nhẫn chờ đợi những đứa con rong chơi, lạc lối bên đời trở về để lấy tình thương mà phủ lấp đời chúng. Người chờ đợi chúng ta trở về để đổ tràn tình yêu của Người vào lòng chúng ta như lời thánh Tông Đồ nói trong bài đọc hai. Bằng chứng xác thực cho điều đó chính là Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi (x. Rm 5,8).
Nếu tình thương của cha mẹ là điểm tựa vững chắc để một đứa trẻ lớn thành người, thì tình thương của Cha trên trời còn lớn lao hơn gấp bội. Quả thế, Kinh Thánh nói: “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta sẽ chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Đây chính là bảo đảm để chúng ta hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Một khi Thiên Chúa đã yêu, một khi Thiên Chúa đã muốn không một ai phải hư mất thì Người có cách để cứu họ. Và quả thực Thiên Chúa đã làm điều đó khi sai Con Một xuống thế gian để nâng loài người sa ngã lên, đặt họ vào một vị thế mới, vị thế làm con Thiên Chúa.
Sau đó, niềm hy vọng hằng sống của chúng ta được đảm bảo nhờ Chúa Cha trao chúng ta cho vị Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu. Những ai Chúa Cha thương xót và trao cho Đức Giêsu thì chính Đức Giêsu cũng yêu thương, bảo vệ, canh giữ người ấy khỏi hư mất (x. Ga 17,12). Người sẽ không loại trừ bất cứ ai ra khỏi chương trình cứu độ, nhưng còn cho họ sống lại trong ngày sau hết (x. Ga 6,37.40). Lời hứa của Đức Giêsu là nền tảng cho hy vọng của mọi tín hữu về cuộc sống tốt đẹp trong Nước Thiên Chúa.
Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta tự hỏi: Liệu tôi có nằm trong số những người Chúa Cha ban cho Chúa Con không? Tôi có được Đức Giêsu Mục Tử gìn giữ không hay tôi nằm ngoài kế hoạch của Thiên Chúa? Chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng: mỗi người sẽ không thể biết hết chương trình của Thiên Chúa hoạch định trên cuộc đời của mình, nhưng câu trả lời tuỳ thuộc vào việc chúng ta đã đến với Đức Giêsu hay chưa. Một khi đến với Đức Giêsu, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ bị Người từ chối.
Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta, bởi Thiên Chúa là Đấng Chân Thật, lời Người phán ra cũng là những lời chân thật, Người không thể tự lừa dối chính mình. Sống với niềm hy vọng này cũng chính là sống với ơn gọi làm người trên cõi dương thế. Vì nếu tôi có niềm hy vọng, tôi không thể sống như thể không có ngày mai, hoặc như thể không có niềm tin, nhưng biết thêu dệt cuộc đời mình theo những giá trị của Tin Mừng. Khi ấy, đời không phải là cõi tạm nhưng là một hành trình đẹp dẫn đưa chúng ta về với Đấng mà ta đã đặt niềm hy vọng nhờ sự dẫn dắt của Đức Giêsu.
Mỗi người có một cuộc đời, mà “khi sinh ra, bạn khóc, còn những người chung quanh bạn cười”; khóc vì không còn sự êm ái trong dạ mẹ, khóc vì nhìn thấy một thế giới lạ lẫm; còn người khác cười vì họ mừng cho ơn gọi của mình, mừng vì ân ban của Thiên Chúa trao cho. Vậy “hãy sống sao cho khi nhắm mắt xuôi tay, bạn mỉm cười, còn những người chung quanh bạn khóc”; cười vì đã sống đúng với ơn gọi làm người, không còn gì phải hối tiếc; cười vì thấy cuộc đời của mình đã đem lại hạnh phúc cho người khác, khiến người ta phải tiếc thương, phải ngậm ngùi vì sự ra đi của mình. Ngày “lá rụng về cội” cũng là ngày chúng ta đã hoàn thành sứ mạng của mình, đã thêu dệt một con đường đẹp dẫn đến Đấng Tạo Hoá.
Tin tưởng vào tình thương và lời hứa chân thật của Thiên Chúa, chúng ta cùng tụ họp trong ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời để tưởng nhớ, để cầu nguyện cho những người đã tin, đặt niềm trông cậy vào Thiên Chúa, Đấng đã hứa cho họ cuộc sống hạnh phúc viên mãn trong Nước Trời. Và cũng cầu nguyện cho chính chúng ta nữa, là những người đang sống với niềm hy vọng hằng sống, để một ngày kia khi “lá rụng về cội” chúng ta sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa diện đối diện.
THÂN PHẬN CON NGƯỜI ♦ Chia sẻ của Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
Một câu hỏi thường được đặt ra là tại sao chúng ta được sinh ra, rồi sinh ra trên đời để làm gì, và chết rồi sẽ đi về đâu? Câu hỏi ấy luôn ám ảnh và đi theo chúng ta mỗi ngày cho đến lúc chúng ta từ biệt cõi đời này.
Trên thế giới ngày nay mỗi ngày chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu người chết không phân biệt già trẻ, lớn bé, nam nữ, người trí thức hay người bán khai, thậm chí có những đứa trẻ đã chết khi chưa lọt lòng mẹ. Có những người chết vì tai nạn, có những người chết vì đột quỵ, bất thình lình. Có những người chết vì tuổi tác và bệnh tật được báo trước. Có những người chết vì dịch bệnh như năm 2020 vừa qua chúng ta đã chứng kiến đại dịch Coronavirus trên thế giới. Nói như triết gia Socrate là đã là người ai cũng phải chết vì thần chết là người thợ không ngủ trưa và không một chút thương hại. Vậy chúng ta cần làm gì trước sự chết?
Người Phật Giáo có tháng Vu Lan mà cao điểm là rằm tháng Bảy Âm Lịch nói về sự báo hiếu của người con là Mục Kiều Liên muốn cứu mẹ thoát khỏi Dạ Quỹ vì khi còn sống bà Thanh Đề đã có những tật xấu nên khi chết bị đày xuống địa ngục.
Với người Công Giáo thì Giáo Hội đã dành riêng tháng 11 để tưởng nhớ các linh hồn, và trong tháng này Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta làm việc lành phúc đức để cầu nguyện cho người đã qua đời có cơ hội sửa chữa lỗi lầm mà khi còn sống họ đã mắc phải để sớm được hưởng nhan thánh Chúa. Đây còn gọi là mầu nhiệm các thánh thông công vì người đã qua đời đang trong tình trạng trầm luân, người còn sống trong tình trạng lữ hành và những vị thánh ở trên Trời trong tình trạng chiến thắng tội lỗi.
Nhiều truyền thống văn hóa hay tôn giáo rất tối kỵ khi nói về sự chết. Tuy nhiên, nguời Công Giáo chúng ta không ngần ngại nói về điều tối kỵ ấy. Chính Đức Giêsu cũng đã bày tỏ cho các môn đệ của Ngài trên đường đi Giêrusalem là Ngài sẽ chịu bắt bớ, chịu đóng đinh và chịu chết nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Người Phật Giáo thường nói có sinh thì ắt có tử và họ chỉ dừng ở đó. Tuy nhiên, Nguời Công Giáo chúng ta lại tiến xa hơn là Sinh-Tử-Phục Sinh, nghĩa là ai cũng được sinh ra, ai cũng phải chết nhưng sẽ có ngày sống lại và đó chính là sự sống vĩnh cửu mà con người hằng mơ ước.
Cố nhạc sỹ Phạm Duy đã từng tâm sự trong nhạc phẩm “Những Gì Đem Theo Về Cõi Chết”: Rồi mai đây tôi sẽ chết, trên đường về nơi cõi chết, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây? Rồi mai đây tôi hóa kiếp, trong lòng còn bao luyến tiếc, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?… Ngày chúng ta ra đi sẽ không mang theo được gì ngoài bộ đồ mặc trên người và được bỏ vào trong quan tài trước khi đi hoả táng hoặc mai táng.
Bài Tin Mừng trong lễ II của ngày cầu cho các tín hữu qua đời cho chúng ta thấy rõ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Người “trộm lành” thật sự là người có tội đáng phải xử theo luật pháp, nhưng với Chúa chỉ cần một cử chỉ ăn năn là Ngài tha thứ hết và phong thánh ngay lập tức cho ông trước khi cả ba cùng chết trên thập giá. Đây cũng là một khích lệ lớn cho chúng ta vì chúng ta là những kẻ tội lỗi đáng lên án, đáng chết nhưng nếu chúng ta biết ăn năn thì Chúa sẽ thứ tha những lầm lỗi của chúng ta như đã nói với người “trộm lành” rằng ngay hôm nay, chứ không phải ngày mai, chúng ta sẽ được lên thiên đàng với Ngài.
Giá trị cuộc đời con người không hệ trọng ở việc sống thọ, sống lâu, nhưng hệ tại ở chỗ là mình sống như thế nào. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Chiều cao của đời tôi là gì? Là trung thành với Thiên Chúa, với Hội Thánh, với tổ tiên, với tổ quốc. Chiều rộng của đời tôi là gì? Là trưởng thành đối với gia đình, cộng đoàn và xã hội. Chiều dài của đời tôi là gì? Là tín thành với bằng hữu, với mọi người”.
Xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng con và các linh hồn khi còn sống ở đời này đã làm mất lòng Chúa để họ được hưởng hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng. Amen.