♦ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời
Con người đã từng dành nhiều thời gian để luận bàn về vũ trụ quá ư là bao la, đã từng quá say mê với câu hỏi làm sao con người có thể chung sống hoà hợp với vũ trụ mênh mông này mà quên mất luận bàn về chính mình. Triết học hiện sinh đã kéo con người quay về với chính mình khi chú trọng suy tư đến thân phận của con người, tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống cũng như của cái chết. Sống và chết trở thành hai mối bận tâm lớn và cũng là nguồn mạch cho các suy tư của các triết gia hiện sinh.
Khi luận bàn về cái chết, triết gia hiện sinh người Pháp Jean-Paul Sartre nhận định rằng sự chết là một hiện tượng hoàn toàn phi lý: “Điều chúng ta cần ghi nhận đầu tiên là tính chất phi lý của sự chết”. Theo quan điểm của Sartre, phi lý vì sự chết thật mù quáng và xảy đến bất cứ lúc nào. Cái chết “mù quáng” bắt lấy bất cứ ai và bất cứ lúc nào nó muốn. Ta không thể dự phóng cũng chẳng thể chuẩn bị gần cho cái chết. Đời người ta lắm cái phi lý và sự chết là cái phi lý hơn hết. Sự chết là thất bại lớn nhất của con người. Và cũng là chuyện phi lý nhất. Như vậy, theo Sartre, đời sống con người ta là một chuỗi những hành vi phi lý và kết cục sự chết sẽ hoàn thành sự phi lý đó.[1] Có chăng chết là phi lý như triết gia hiện sinh này đã nhìn nhận hay liệu còn khoé nhìn nào khác khi luận bàn về sự chết?
- Ai rồi cũng sẽ chết
Bao lâu còn sống, chẳng ai có thể nghiệm biết cái chết là gì, nhưng ai nấy đều biết chắc rằng mình sẽ chết. Đó là số phận của mọi người. Cái chết vẫn luôn là bí ẩn mà con người chẳng thể lẩn tránh nó. Con người muốn được sống, sống mãi nhưng cuối cùng cái chết đến chấm dứt mọi ước vọng của con người. Khoa học và tôn giáo trong chừng mực của mình có thể đưa ra những nhìn nhận khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, có một điểm chung mà mọi người, dẫu đứng trên bình diện khoa học hay tôn giáo, có niềm tin hay vô tín, đều phải thừa nhận rằng, xét về khía cạnh tự nhiên hay thể lý, ai rồi cũng sẽ chết. Đó là một phần của quy luật đời người: “có sinh ắt có tử”. Chẳng có một nhân vật nào bất tử, dẫu một vị cũng không và cũng chưa có một phương dược hay cách thức để giúp con người đạt tới sự trường sinh.
“Ai rồi cũng chết!” là một tuyệt phẩm best-seller được viết nên bởi bác sĩ kiêm tác giả Atul Gawande đã đánh động không ít độc giả. Trong tác phẩm của mình, tác giả nhấn mạnh rằng ngành y học thế giới đã có nhiều bước phát triển vượt bậc trong những năm qua: giảm thiểu tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, nâng cao tỉ lệ sống sót sau chấn thương, chữa trị và kiểm soát được nhiều loại bệnh tật – bao gồm cả nhiều căn bệnh từng được xem là không có thuốc chữa trong quá khứ. Nhưng dù có bành trướng hùng mạnh đến đâu, y học vẫn muôn đời bất lực trước quy luật sinh-lão-bệnh-tử bất biến của con người: Mỗi khi con người phải đối diện với tuổi già và cái chết, những công cụ y học vốn dĩ quyền năng bỗng chốc phản bội lại chính lý tưởng cứu nhân độ thế mà chúng đang phục vụ.[2]
Đứng trước tình trạng tất định bất khả kháng ấy, cuộc đời con người thật mong manh và chóng qua, như một cái bóng, một hơi thở: “Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt. Hơi thở của ta là làn khói” (Kn 2,2). Đời sống chỉ là phù vân, vì mọi người đều có chung một số phận cuối cùng. Những nỗ lực để phát triển về mặt thể xác cũng như tinh thần, tri thức cũng như nhan sắc, những tích luỹ về của cải vật chất cũng như trí tuệ, tất cả đều sẽ qua đi khi con người nhắm mắt xuôi tay. Dưới lăng kính này, cái chết quả thật phi lý. Bao nỗ lực, tích góp nay thành trống rỗng, vô ích, chẳng mang theo được gì cả. Nghĩ về sự chết như thế, con người nhận lại một sự tức tưởi, một cảm giác hụt hẫng và trống rỗng, thậm chí, là cả sự phẫn nộ vì nó quả thật là sự phi lý tột độ, đúng như Sartre đã nhận định.
- Ai rồi cũng phải chết
Trước hết, chúng ta cần làm rõ điểm quan trọng mà Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta: “Thiên Chúa không làm nên cái chết và Ngài không vui sướng khi thấy kẻ sống phải chết. Bởi vì Ngài tạo dựng mọi sự để chúng được hiện hữu” (Kn 1,13-14). Chính tội lỗi đem lại sự chết, đích điểm của tội lỗi chính là sự chết (Rm 6, 21) và lương bổng mà tội lỗi trả cho con người cũng là sự chết (Rm 6,23.10.13). Khi phạm tội, con người trở nên nô lệ của tội, thành những kẻ chối từ Thiên Chúa và nhận lấy hệ luỵ của tội là sự chết. Khi nhìn nhận sự chết như là hậu quả của tội lỗi, cái chết xem ra lại là một điều gì đó hợp lý, bởi lẽ, chúng ta phạm tội và chúng ta phải chết. Thật hợp lý! Luận đề con người phải chết do tội lỗi của mình không có gì xa lạ hay khó đón nhận với người Kitô hữu, những người đã được đón nhận giáo lý Kitô giáo. Thế nhưng, đối với những người không có niềm tin hay những người theo chủ thuyết vô thần, luận đề đó xem ra không mấy được ủng hộ.
Dù cho sự chết, xét theo nghĩa này, có là một sự hợp lý đi chăng nữa, đó có lẽ cũng không phải là mối bận tâm chính khi suy tư. Con người vẫn luôn tin rằng chết không phải là hết. Cả những người vô thần cũng không nghĩ chết là hết. Trong thực tế, họ chối từ nhìn nhận Thiên Chúa, nhưng đồng thời họ vẫn “tự gian lận” để dành một hy vọng lờ mờ. Họ không đủ can đảm để nhìn thẳng vào niềm hy vọng rằng chết không phải là hết, nhưng cũng không thể chối bỏ nó vì biết rằng nếu không có niềm hy vọng đó, con người không còn là con người nữa. Thành thử, cái chết đưa chúng ta đến một lựa chọn căn bản: Chọn làm người với niềm tin rằng sự chết không chấm dứt hiện sinh của ta nhưng đưa hiện sinh tới chỗ trực tiếp tương quan với Thiên Chúa, Đấng siêu việt, hoặc chọn làm “con vật xã hội” với niềm ngụy tín tự dối mình rằng chết là rơi vào hư vô. Đó là một ngụy tín, vì thực sự đã là người thì chẳng ai hoàn toàn tin rằng chết là hết, là rơi vào hư vô. Muốn tin như thế chỉ khi con người tự lừa dối mình![3] Do đó, mối bận tâm chính giờ đây là đi tìm ý nghĩa cho cái chết trong kiếp nhân sinh.
- Chúng ta xin được chết đi cùng với Đức Kitô
Quả thật, “đối diện với cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên đến mức cao nhất” (GLHTCG số 1006). Khi suy tư về cái chết, con người hiện sinh không thể không gặp Thiên Chúa, Đấng siêu việt. Xét về bình diện tự nhiên, chúng ta không thể chối bỏ sự chết đang đợi chờ. Vậy, chúng ta sẽ ngồi đợi chờ nó xảy đến hay đi tìm cho sự chết một ý nghĩa đích thực. Đối với những người sống chỉ để đợi chờ cái chết, triết gia hiện sinh Friedrich Nietzsche bảo rằng thà họ đừng sống nữa vì sống để chờ chết như thế là sống thừa.[4]
Cái chết là một huyền nhiệm, đứng trước huyền nhiệm, thiết nghĩ, vấn đề không còn là đi tìm câu trả lời của sự hữu lý hay phi lý cho bằng khám phá ý nghĩa của huyền nhiệm. Khi nhìn nhận sự chết như là hệ quả của tội, việc chúng ta phải chết xem ra không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng, đối với Đấng không hề mang tội nơi mình nhưng đã sẵn lòng chịu chết, đó lại là một câu chuyện khác. Thiết nghĩ, câu chuyện Đấng vô tội chết cho những tội nhân làm hé lộ ý nghĩa của sự chết trong kiếp nhân sinh. Chúng ta hướng ánh nhìn đến cái chết của Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Đức Giêsu đã chết không do tội của Ngài, nhưng là để đền thay tội lỗi nhân loại (2 Cr 5,14). Ngài đã chết vì chúng ta đang khi chúng ta còn là tội nhân (Rm 5,6), để từ nay, cũng giống như Đức Giêsu, “sự chết chẳng còn quyền chi đối với” chúng ta, những người đã được cứu nhờ sự chết của Đức Giêsu (Rm 6,9). Chúng ta tìm được một ý nghĩa thật lớn lao: chết để được dự phần vào sự chết của Đức Giêsu và cùng được phục sinh với Người: “Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta sẽ cùng được sống lại với Người” (2 Tm 2,11). Để rồi, người Kitô hữu không thụ động đợi chờ cái chết hay đợi chờ bản án sự chết dành cho những kẻ có tội nhưng chúng ta xin được chết đi: chết đi cùng với Đức Kitô và chết đi cho con người tội lỗi.
Quả thế, khi lồng sự chết của chúng ta vào trong sự chết của Đức Giêsu, chúng ta không còn luận bàn tính hợp lý hay phi lý của sự chết nữa. Người tin không còn bị chi phối quá nhiều bởi ý tưởng về những “con người phải chết hay về việc con người sẽ chết” cho bằng con người được mời gọi chết đi cùng với Đức Kitô, chết cho con người “phải chết” của mình. Chết với Đức Kitô để được đón nhận sự sống Thiên Chúa trao ban cho chúng ta qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6,11). Đó là cái chết cho dục vọng, tội lỗi, cho con người cũ (Rm 6,6), cho những gì thuộc về thế gian (Gl 2,20): “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng không ai chết cho chình mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết là chết cho Chúa” (Rm 14,7-8). Con người nay hân hoan khi nghĩ đến cái chết, nhờ đó, chúng ta hiểu được lý do mà thánh Phaolô thốt lên: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
Kết luận
Giờ đây, con người thể hiện được tự do chọn lựa trước huyền nhiệm sự chết. Chúng ta có quyền chọn lựa cách tiếp cận và đón nhận sự chết. Chúng ta không thụ động cũng chẳng bi quan trước sự chết nhưng xem đó là một mối lợi lớn. Về phần những ai vẫn chưa quyết định và cố gắng thể hiện những dự tính về cuộc đời mình trước huyền nhiệm sự chết, người đó nên biết rằng cuộc đời đó hoàn toàn vô giá trị. Vô giá trị vì đã chưa sử dụng tự do chọn lựa; người đó chưa sống kiếp người của mình.[5] Kierkegaard và Nietzsche, hai tư tưởng lớn đã có công đưa triết học trở về với những lo toan đích thực của nó, lo cho con người biết sống cho ra người và biết chết cho hợp định mệnh cao cả của mình.[6] Chúng ta ai rồi cũng sẽ chết nhưng cái chết rồi ra sẽ xảy đến với chúng ta cách nào: chúng ta đợi chờ cái chết như bản án dành cho những kẻ có tội hay chúng ta sẽ can đảm xin được chết đi cùng với Đức Kitô để cùng được phục sinh với Người?
Chú thích:
[1] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn hoá (2005), tr. 139-140.
[2] Atul Gawande, Ai rồi cũng sẽ chết, Dg: Ths. Phan Nguyễn Khánh Đan, Nxb Thông tin và Truyền thông (2015), tr.5.
[3] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn hoá (2005), tr.95.
[4] Sđd, tr.55.
[5] Sđd, tr.14.
[6] Sđd, tr.152.