LỜI SỐNG (Thứ Tư, tuần 2 MC)

0
710

Bài đọc: Gr 18,18-20

Tin Mừng: Mt 20,17-28

Lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.” Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” […].

—– o0o —–

—– SUY NIỆM —–

CHÉN THẦY SẮP UỐNG! (Tu sĩ  Giuse Hoàng Văn Bình, SVD)

Ví như chén của triết gia Socrate là chén thuốc độc người ta trao để hành quyết ông, thì ngược lại, chén đắng mà Đức Giêsu uống là chén đau khổ nhưng sinh ơn cứu độ cho nhân loại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hỏi hai anh em nhà Dêbêđê: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20,22). Họ trả lời “có”, nhưng lại không có một khái niệm về những gì họ đang nói. Vốn dĩ, “Chén Thầy Giêsu sắp uống” là những đau khổ Người sẽ chịu liên quan đến tâm hồn và thể xác. Đó là thứ chén của phục vụ, hiến tế và cái chết tự hủy trên thập giá. Dẫu vậy, với chén đắng Chúa Cha trao, Đức Giêsu nhận lấy trong vâng phục, và Người dốc cạn chén ấy với một tình yêu hy hiến chính mình để chuộc lại sự sống cho dân. Cho nên, để đón nhận được phần phúc sự sống và đứng vững trong vinh quang của Nước Trời, người môn đệ của Chúa Giêsu không chọn cho mình một lối đi tắt, không đi lén lút. Nhưng hiên ngang bước cùng Người trên đường thương khó và vui vẻ đón nhận thánh giá Chúa trao như cách ông Giacôbê, cuối cùng đã uống chén tử đạo (x. Cv 12,2) và Gioan chịu những nỗi gian truân, chịu bách hại vì Chúa Kitô (x. Kh 1,9). Sống nơi trần thế này, Kitô hữu cũng có những thứ chén “chua cay, mặn nồng” mà ta phải uống. Đó là chén cuộc đời! Uống chén cuộc đời là chấp nhận sự hiện diện độc đáo của mình với tất cả mọi đau khổ, giới hạn cũng như niềm vui sướng. Đó là thái độ, là tư thế đứng giữa trần gian đầu ngước thẳng lên trời, là thâm tín về bản chất của ta, và sẵn sàng đối diện với những thực tại xung quanh. Dường như, Kitô hữu đủ sức uống cạn chén cuộc đời mình nhờ ân sủng của Bí tích Rửa Tội. Thật thế, trong sự thông hiệp với Máu Chúa Kitô, chén đau khổ, bách hại của ta trở nên chén hy vọng, chén ân phúc khai mở sự sống mới.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con can đảm để đón nhận những chén đắng Chúa trao trong cuộc đời, mở lòng đón nhận chén cứu độ được rót đầy bởi Máu Chúa Kitô. Amen.


PHỤC VỤ  (Tu sĩ Đaminh Trần Vĩnh Trung, SVD)

Quyền lực là thứ mà con người luôn khát khao hướng tới ở mọi nơi và qua mọi thời. Để nhờ quyền lực, con người sẽ có được nhiều thứ khác cung phụng cho cuộc sống của mình: như được ăn trên ngồi trốc, được kính trọng, được tôn sùng và được người khác phục vụ mình như ông chủ.

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, cám dỗ về danh vọng đã khiến bà mẹ của ông Gioan và Giacôbê đến gặp Đức Giêsu để xin “chỗ ngồi bên tả và bên hữu” cho hai người con của bà. Tâm thức hám quyền bính và địa vị để được người khác phục vụ cũng hằn sâu trong Giáo Hội qua mọi thời. Người ta thích chỗ nhất, tìm kiếm địa vị để có được quyền lực. Và nhờ quyền lực người ta thống trị người khác và bắt kẻ khác phục vụ mình. Người ta sẵn sàng cho đi một phần nhỏ để nhận lại gấp bội và để người khác phục vụ bản thân mình. Hoặc là người ta nhân danh cái gọi là phục vụ để tô son điểm phấn hay đánh bóng tên tuổi cho mình. Do vậy, Đức Giêsu đã mở ra cho chúng ta một mẫu gương và hướng sống về sự khiêm tốn phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mt 20,28).

Như vậy, Đức Giêsu đã chọn hướng đi nghịch lại với những gì mà người đời mong đợi. Đó là “làm lớn là để phục vụ”. Phục vụ như một người đầy tớ phải uống chén đắng thay cho nhân loại, mà đỉnh cao là sự phục vụ thầm lặng, phục vụ cho đến chết. Ngài đã để lại cho chúng ta ý nghĩa tròn đầy của hai chữ “phục vụ”. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không trải qua khổ luyện. Đặc biệt hơn, Nước Trời chỉ dành cho những ai biết sống tinh thần hy sinh phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài luôn mời gọi chúng con tự nguyện trở nên đầy tớ phục vụ người khác, xin Chúa giúp chúng con can đảm bước đi trên con đường Chúa đã đi, và noi gương Ngài để sống xả thân phục vụ anh chị em mình. Amen.


 

QUY CHUẨN NGƯỢC (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Cương, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói về quyền và phục vụ, Chúa Giêsu đưa ra một “quy chuẩn ngược” cho các môn đệ. Vậy quy chuẩn đó là như thế nào? Tại sao Chúa Giêsu lại đưa ra quy chuẩn như thế?

Nói quy chuẩn ngược, bởi lẽ nó không bình thường so với suy nghĩ thông thường của con người. Theo lẽ thường, ai cũng muốn làm ông nọ bà kia. Ai cũng thích được phục vụ hơn là phục vụ. Tuy nhiên, với các môn đệ, Đức Giêsu đã đưa ra một quy chuẩn ngược: “ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Câu hỏi đặt ra là tại sao Đức Giêsu lại đưa ra quy chuẩn như thế?

Thứ nhất, Đức Giêsu muốn người môn đệ hiểu được mục đích xác thực của quyền hành, tránh đi sự ham hố quyền lực. Quyền lực là để phục vụ lợi ích chung chứ không phải phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm. Hơn nữa, người nắm giữ chức quyền cần biết đặt mình trong vai trò vị thế của anh em, vị trí của “người phục vụ” để đưa ra những quyết định phù hợp và thiết thực nhất. Thứ hai, Đức Giêsu muốn nói đến sự bình đẳng giữa các môn đệ và giữa mọi người với nhau. Bước theo thầy Giêsu, các môn đệ là những người đồng vai đồng vế, cùng chung lý tưởng và cùng hướng tới một mục đích. Sự bình đẳng này cũng là điều dành cho mọi người, bởi mỗi người đều bình đẳng và cao quý như nhau, mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Cuối cùng, Đức Giêsu là quy chuẩn của mọi quy chuẩn về quyền và phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Lạy Chúa, Chúa sống giữa chúng con như một người tôi tớ và người phục vụ. Xin cho chúng con cũng yêu mến sự phục vụ và biết phục vụ người khác cách quảng đại và vui tươi. Amen.


CHỌN LỰA! (Thầy Phêrô Nguyễn Văn Căn – Học viện Ngôi Lời)

Người đời thường cho đi để được nhận lại, làm ơn để được đền đáp, hy sinh phục vụ để tên tuổi của mình được lưu danh. Danh – lợi – tiền – tài chính là tiềm thể của những công việc phục vụ. Điều con người tìm kiếm trong mọi phục vụ vẫn là cái tôi của mình.

Nhưng là người môn đệ theo Chúa Giêsu thì không phải vậy. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chọn lựa một hành động nghịch lý. Chọn là tôi tớ, sống phục vụ thay vì làm lãnh đạo và được người ta phục vụ. Hành động “phục vụ” đã được Chúa Giêsu thánh hiến. Người đã sống và phục vụ như một người tôi tớ. Tột đỉnh của sự cho đi chính là hy tế thập giá. Cho nên, phục vụ đích thực chính là sống vì và sống cho tha nhân, không vì tính toán lợi lộc cá nhân. Tha nhân không phải là phương tiện để đánh bóng tên tuổi của mình. Và tên tuổi được đánh bóng cũng không phải là cứu cánh giúp con người đạt được bình an và hạnh phúc đích thực.

Nếu chúng ta cho đi cái không cần thiết, cái dư thừa thì cái cho đi chỉ là hành động ích kỷ, nhằm để đạt đến mục đích cá nhân mà thôi. Chỉ khi chúng ta biết đặt lợi ích của tha nhân lên trên, không sống vị kỷ, vị lợi cho bản thân; thậm chí sự cho đi mang lại đau khổ cho chính mình thì sự cho đi đó mới đạt đến giá trị cùng đích của nó. Có như thế, chúng ta mới sống sát và sống đúng với lời Chúa dạy. Vì thế, sự cho đi đúng nghĩa luôn là cuộc chiến miên trường, chỉ nhờ ơn Chúa giúp và sự quảng đại hy sinh, chúng ta mới có thể làm được.

Lạy Chúa, xin  giúp  chúng  con  luôn  ý thức: “cho thì có phúc hơn nhận”, nhờ đó chúng con biết sống quảng đại với tha nhân. Và xin cho chúng con luôn biết chọn ý Chúa và làm sáng Danh Ngài hơn chọn ý riêng và làm rạng danh mình. Amen.


 

LẠC ĐIỆU (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, tuần 2 MC)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 2 Mùa Chay)