LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 2 MC)

0
1233

Bài đọc: St 37,3-4.12-13a.17b-28

Tin Mừng: Mt 21,33-43.45-46

33Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa.

34 Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. 35 Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác.

36 Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. 37 Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình.

38 Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Đứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. 39 Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết.

40 Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào ? 41 Các ông trả lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”. 42 Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:

“‘Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta’ ? 43 Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

45 Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. 46 Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri.

—– o0o —–

—– SUY NIỆM —–

LÒNG BIẾT ƠN (Tu sĩ  Phêrô Nguyễn Kim Kỳ Anh, SVD)

Hẳn ai cũng biết rằng tham lam là tính xấu, đồng thời cũng là một trong những nguyên do dẫn đến lối sống bất chính. Nhiều vị hiền nhân đã đưa ra các phương pháp khác nhau trong việc nhận biết và loại trừ bản tính tham lam ấy nơi con người, và một trong những phương thế tốt nhất chính là suy ngẫm về lòng biết ơn trong suốt hành trình cuộc sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về những người tá điền được ông chủ giao cho coi sóc vườn nho. Chắc rằng ông chủ đã tin tưởng trao vườn nho cho họ kèm theo những lợi ích thích đáng. Thế nhưng họ đã đáp trả sự tin tưởng và ơn ban ấy bằng sự phản bội. Họ đã thay lòng biết ơn bằng sự tham lam nhằm chiếm đoạt vườn nho bằng cách triệt hạ tất cả những người được sai đến để thu hoa lợi, kể cả con trai yêu dấu của ông chủ. Cuộc sống trong thời đại hôm nay cũng vậy, chỉ vì lòng tham mà nhiều người sẵn sàng dẫm đạp và triệt hạ lẫn nhau. Các học thuyết về đạo đức cùng với triết lý sống khôn ngoan của các bậc hiền nhân dường như bị coi là ấu trĩ. Người ta chỉ chú trọng đến lối sống thực dụng: Làm thế nào để trở nên giàu có thật nhanh? Làm gì để có một hình thể đẹp? Bằng cách nào để có được vị trí cao trong xã hội?… Thay vì tìm cách để quân bình giữa đời sống nội tâm và đời sống ngoại tại, thì dường như con người chúng ta chỉ chú trọng và quan tâm những mối lợi và vật chất bên ngoài.

Là Kitô hữu, chúng ta luôn được Chúa mời gọi tìm về giá trị đích thực của đời mình. Đó là yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Và phương thế tốt nhất để ta thực hiện điều đó là tập suy ngẫm về những ơn lành Chúa ban, để nhờ đó, chúng ta biết nhận ra ân sủng của Chúa đang tuôn đổ trên cuộc đời mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con nhận ra tình yêu và ân sủng của Chúa luôn tuôn đổ trên chúng con để nhờ đó chúng con luôn sống tôn vinh, chúc tụng và tạ ơn Ngài. Amen.


TÁ ĐIỀN (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Tùng, SVD)

Trong văn hóa Do Thái, vườn nho gắn liền với cuộc sống hằng ngày của họ. Hình ảnh vườn nho cũng được sử dụng nhiều lần trong Kinh Thánh, là tiên trưng cho mầu nhiệm Nước Trời. Mọi người cũng được mời gọi trở thành những tá điền phục vụ chăm sóc cho vườn nho được Thiên Chúa giao phó.

Đứng trước những người Pharisêu chậm tin, Đức Giêsu đã mượn hình ảnh về vườn nho và tá điền để dạy dỗ họ, chỉ dạy cho biết về con đường về trời. Thiên Chúa đã giao phó vườn nho để họ chăm sóc, vun xới hầu sinh hoa kết quả, đem về một mùa màng bội thu. Người là chủ và họ chỉ là những tá điền. Ấy thế mà, họ đã chống đối, khước từ và chống lại Người, không chịu trả hoa lợi và còn muốn chiếm quyền làm chủ của Người.

Như những tá điền xưa, con người ngày nay vẫn luôn tự cho mình là bá chủ thế giới. Họ quên rằng mình chỉ là những người làm thuê. Vì vậy, họ đã phá hoại thiên nhiên, khai thác quá mức khoáng sản, làm cho những gì Thiên Chúa giao phó trông nom, chăm sóc bị phá hủy. Những người đứng ra bảo vệ, nói lên sự thật, công lý thì lại bị bách hại. Con người tự cho phép mình là chủ, muốn chiếm quyền của Thiên Chúa. Dụ ngôn tá điền sát nhân trong Tin Mừng hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó như lời nhắc nhở cho mỗi người phải biết nhìn lại chính mình, xét lại thân phận làm thuê của mình để có thể hành động phù hợp với những gì Chúa đã trao phó. Để rồi, khi Thiên Chúa đến đòi hoa lợi, mỗi người sẽ sẵn sàng và trao trả lại những gì xứng đáng cho Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chỉ những tá điền trong vườn nho của Ngài. Xin Chúa giúp chúng con ý thức thân phận của mình và ra sức làm việc cho xứng với vai trò, nhiệm vụ Chúa đã giao cho chúng con. Amen.


 

LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD)

Thiên Chúa là đấng giàu lòng xót thương,  Người  không  muốn  con người phải chịu án phạt vì tội lỗi của mình. Chính vì thế, Người luôn tha thiết kêu mời hãy biết sám hối và trở về cùng Chúa.

Hình ảnh vườn nho được ông chủ chuẩn bị kĩ lưỡng, giao cho các tá điền trông coi rồi trẩy đi phương xa có nghĩa rằng: Thiên Chúa là đấng tốt lành thánh thiện, Người luôn biết và chuẩn bị những gì là tốt đẹp nhất cho con người. Người còn trao cho con người quyền làm chủ và quyền tự do quyết định. Nhưng điều này không có nghĩa là Người bỏ mặc cho con người lạm dụng quyền ấy để phạm tội. Tuy nhiên, khi con người phạm tội, Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi tội nhân trở về đường ngay nẻo chính như cách mà ông chủ vườn nho nhiều lần sai các đầy tớ đến để thuyết phục các tá điền gian ác. Người không dùng uy quyền của mình để trừng phạt và tước đoạt mọi thứ vì tội lỗi mà con người đã phạm, nhưng dùng tình thương mà đối xử và kiên nhẫn đợi chờ.

Hình ảnh sai chính người con thừa tự duy nhất đến để thương thuyết với các tá điền được hiểu là Chúa không tiếc bất cứ một thứ gì, bằng mọi giá để cứu chuộc tội con người dù đó có phải hy sinh người Con duy nhất của Người. Đây là hành động yêu thương tột đỉnh và là lời mời gọi tha thiết đối với nhân loại chúng ta, là những tội nhân trước mặt Người, hãy từ bỏ con đường gian ác và trở lại cùng Chúa. Người không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ tội lỗi. Con người sẽ không mất ơn cứu độ khi biết hoán cải và đặt để Người như là trung tâm của đời sống. Chúa sẽ ban ơn biến đổi để từ những người con đi hoang, đã hư mất trở thành một phần trong thân thể của Người.

Lạy Chúa, xin hãy giúp con biết hoán cải đời mình trong Mùa Chay Thánh này, để con lại nhận được tình thương và ơn tha thứ của Chúa. Amen.


 

SINH HOA LỢI (Lm. Phaolô Trần Phúc Chân, SVD)

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã kể một dụ ngôn cho các thượng tế và người Pharisêu nghe, như muốn nhắn nhủ với họ về trách nhiệm phải biết sinh hoa trái khi được Thiên Chúa chọn gọi và đặt để.

Sinh hoa lợi là điều mà ông chủ vườn nho nhắm tới khi ông đầu tư xây dựng khu vườn này. Ông đã không thu được hoa lợi gì từ những tên tá điền bất lương và độc ác. Đó là lý do ông đã lấy lại vườn nho và cho người khác làm nhằm tìm kiếm hoa lợi. Vườn nho là hình ảnh Đức Giêsu muốn nói về Vương Quốc của những ai tin vào Ngài và sống theo Lời Ngài. Vườn nho ở đây chính là Nước Thiên Chúa, Nước này không còn nằm trong tay giới lãnh đạo Do Thái nữa, nhưng đã được trao cho một dân biết cách sinh hoa lợi. Dân mới ấy chính là Giáo Hội phổ quát, nơi đó gồm tóm các dân nước là những người tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất.

Chúng ta, những người Kitô hữu vừa là thành phần trong vườn nho của Chúa vừa được đặt làm người chăm sóc vườn nho ấy. Đúng hơn, Chúa mời gọi chúng ta làm việc trong vườn nho của Chúa với tâm thế là thành viên trong nhà chứ không phải của người đi làm công ăn lương. Không như người làm thuê mà là như người con thừa tự đi làm vườn nho cho cha mình. Mà người con đi làm cho cha mình thì cách nào đó cũng là làm cho chính mình, bởi có ai khác sẽ thừa hưởng vườn nho nếu không phải là người trong nhà?

Chúng ta cảm tạ hồng ân bởi được Chúa trao phó vườn nho là Nước Thiên Chúa, và cần chăm chỉ chăm sóc vườn nho ấy sao cho cứ đến mùa là sinh hoa lợi. Bởi Đức Giêsu đã cảnh báo “cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì bị chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì được cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2).

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức trách nhiệm mà Chúa đã giao phó trong bậc sống của mỗi người. Amen.

 


 

HOA LỢI (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 2 Mùa Chay)
Bài tiếp theoThánh Giuse: Đấng bảo vệ đời sống nội tâm