Tin Mừng: Mt 5,20-26
“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình […].
—– o0o —–
Suy niệm
GIỮ HÒA KHÍ (Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)
Cảm xúc là trạng thái gây ảnh hưởng, chi phối đến các mối tương quan trong cuộc sống chúng ta. Một nụ cười thân thiện, một lời thăm hỏi thân thương làm cho các mối quan hệ bền chặt. Trái lại, thái độ giận ghét, một chút hờn ghen cũng đủ làm cho người người xa tránh ta.
Ngày xưa, Đức Giêsu dạy các môn đệ của mình đừng giận, đừng mắng, đừng chửi anh chị em đồng loại. Nếu ai làm như vậy sẽ bị đưa ra tòa, trước Thượng Hội Đồng, nặng hơn sẽ bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Thật vậy, giận hờn, mắng nhiếc, chửi rủa là những nết xấu, là thái độ khinh người. Những lời mắng chửi, thái độ giận ghét của ta dễ làm bẽ mặt người đối diện. Lời lẽ khó nghe như lưỡi dao lam cứa vào lòng họ, để lại những vết thương, vết sẹo trong tâm hồn. Hơn nữa, Người còn dặn thêm nếu chúng ta sắp đến nhà thờ xem lễ, chợt nhớ rằng ta có xích mích hay bất hòa với ai thì hãy sắp xếp thời gian đi làm hòa với họ trước đã. Như thế, theo hướng dẫn của Đức Giêsu thì thái độ hòa ái, bao dung với anh chị em xung quanh ta là của lễ đẹp lòng Chúa nhất. Nó giá trị hơn bất kỳ lễ vật nào ta dâng lên Thiên Chúa. Đức Giêsu thực sự là người Thầy khôn ngoan, am hiểu lẽ đời. Người đưa ra những lời chỉ dạy rất chân thành, rõ ràng và cặn kẽ giống như Người đã từng trải nghiệm rồi vậy.
Mỗi người chúng ta đều muốn nói lời yêu thương, tạo mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Khổ nỗi, ở đời đâu phải mọi sự, mọi việc lúc nào cũng êm đềm cả đâu. Có lúc ta ghen ghét, bực mình quở trách người này người khác. Thái độ tiêu cực là điều ta khó tránh khỏi trong cuộc sống. Chúng ta nhớ lại lời Chúa dạy năm xưa, hạn chế lời lẽ chua cay; cố gắng duy trì nụ cười thân thiện, lấy lời yêu thương đối đãi với người. Như vậy, cuộc sống quanh ta sẽ tươi đẹp hơn.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết giữ hòa khí mà sống tốt với nhau. Amen.
“CHỚ GIẾT NGƯỜI” (Tu sĩ Giuse Trương Văn Thức, SVD)
“Chớ giết người” là một trong những giới luật quan trọng. Dân Do thái đã nhận giới luật này từ Thiên Chúa qua trung gian ông Môsê trên núi Sinai. Đức Giêsu không đến để bãi bỏ Luật Môsê nhưng là để nâng Luật này lên một tầng cao mới.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã đưa giới răn này đến chỗ triệt để, tận căn. Ngài tìm về cội nguồn của hành vi sát nhân nơi tâm hồn con người. Nếu lòng con người không còn giận ghét anh em và lời nói giữ được sự kính trọng, ôn hòa, thì tội giết người hoàn toàn có thể tránh được. Sống với nhau sao tránh khỏi những tranh chấp, đụng chạm. Làm hòa với anh em mình mỗi khi có xung đột là một đòi hỏi khẩn thiết. Thậm chí, Tin Mừng còn đòi buộc ta phải để lại lễ vật sắp dâng trước bàn thánh mà đi làm hòa với một người anh em đang bất bình với mình, rồi sau đó mới trở lại dâng lễ vật cho Chúa.
Phải chăng người ta chỉ đến được với Chúa và được đoái nhận lễ vật khi người ta đến được với anh em trong sự an hòa thứ tha? Để đến được với người đang xích mích với mình, ta cần khiêm hạ, ra khỏi mình và lên đường đến với người ấy. Đi bước trước đến với người khác, dù lỗi không thuộc về mình, là cách thức hữu hiệu để làm hòa và hàn gắn những vết thương. Hòa giải với tha nhân phải được coi là việc cần làm ngay trước khi ta có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua việc dâng của lễ.
Trong thế giới hôm nay, một thế giới tự hào là văn minh, thế nhưng giới răn “chớ giết người” xem ra bị coi nhẹ, mạng sống con người bị rẻ rúng. Làm thế nào để ta biết trân trọng sự sống của người khác và của mình? Qua bài Tin ừng hôm nay, người Kitô hữu được mời gọi tôn trọng nhân vị của từng người trong trái tim, trong lời nói cũng như hành động, vì mỗi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa nơi sâu thẳm cõi lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen.
SỐNG CÔNG CHÍNH (Tu sĩ GB. Hoàng Gia Bảo, SVD)
Ngang qua trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người Kitô hữu hãy ăn ở và sống công chính để được vào Nước Trời. Sự công chính mà Chúa Giêsu đòi hỏi phải hơn sự công chính của lề luật và sự công chính đó phải xuất phát từ chính tâm lòng của mỗi người.
Vào thời Chúa Giêsu, người công chính là người tuân thủ lề luật, sống vì lề luật và dựa trên lề luật mà hành động. Những người đó đặt lề luật lên hàng đầu trong mọi sinh hoạt của đời sống và tôn giáo. Và những Pharisêu được coi là những người công chính trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án họ vì lối sống tuân giữ lề luật thái quá cùng với thái độ cứng nhắc của nhóm người “chóp bu” này. Người lên án nhóm Pharisêu, đồng thời nhắc nhở người dân đừng sống công chính như họ mà phải hơn họ thì mới có thể được vào Nước Trời. Vậy, làm thế nào để có thể sống công chính hơn những người Pharisêu? Với Chúa Giêsu, sống công chính không chỉ dừng ở việc tuân giữ lề luật mà còn ở tại tấm lòng của mỗi người và sống công chính không chỉ với riêng Thiên Chúa mà còn với cả những người xung quanh.
Cuộc sống con người có hai mối tương quan chiều dọc và chiều ngang: chiều dọc là với Thiên Chúa, chiều ngang là với tha nhân. Nếu ta chỉ sống với tương quan chiều dọc, bỏ quên tương quan chiều ngang hay ngược lại, ta chỉ “công chính” như những người Pharisêu. Do đó, để “công chính” hơn, ta phải có tương quan hoàn hảo giữa hai chiều ngang – dọc, giữa Thiên Chúa và con người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trái tim rộng mở để biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời biết tuân giữ lề luật của Chúa với thái độ mến yêu để qua đó chúng con được Chúa thương ban thưởng hạnh phúc Nước Trời. Amen.
________________
SỐNG YÊU THƯƠNG (Tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân, SVD)
Yêu thương là hành động cao đẹp nhất của con người. Chúng ta được sinh ra là để sống và minh chứng cho tình yêu. Bởi lẽ khi yêu, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận người khác và gây dựng tình bác ái chân thành.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về một khía cạnh mới của tình yêu đó là vượt trên sự công chính của các kinh sư và người Pharisêu, vượt trên khuôn khổ của lề luật khô khan, cứng nhắc để đến với tha nhân trong tình yêu. Chúng ta chỉ thực sự trở nên công chính khi chúng ta chấp nhận và tha thứ cho tha nhân như Thiên Chúa đã chấp nhận và tha thứ cho chúng ta. Tuy nhiên, bản thân chúng ta luôn chứa đựng nhiều thiếu sót và tội lỗi. Vì thế, để thực hiện điều này, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta những phương cách cụ thể: Đừng giận, đừng mắng nhiếc, đừng thóa mạ, đừng chửi bới, đừng nguyền rủa người khác, nhưng hãy biết tha thứ, biết yêu thương, biết làm hòa và biết đón nhận tha nhân trong tình yêu thương với lòng quảng đại của mình. Quả thế, chính khi thực hiện những hành động này là chúng ta đang dâng những lễ vật đẹp lòng Chúa nhất và được giao hòa cùng Ngài.
Cuộc sống ngày hôm nay đầy rẫy những thách đố, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các không gian ảo đang tạo cơ hội cho nhiều người thỏa sức xúc phạm và thoá mạ người khác. Con người sẵn sàng ném đá và khủng bố nhau bằng những lời lẽ cay nghiệt nhằm vùi dập những người không đồng quan điểm với mình. Vì thế, ước mong qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta luôn ý thức về hành động yêu thương của mình đối với những người xung quanh.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và đón nhận tha nhân, như chính Chúa vẫn luôn yêu thương con dù con bất toàn và đầy yếu đuối. Amen.
CÔNG CHÍNH HƠN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)